Nghiên cứu khoa học về nền giáo dục toàn dân

Vietsciences- Hồ Ngọc Đại           07/01/2009

 

Những bài cùng tác giả

           

I - Nghiên cứu khoa học về nền giáo dục toàn dân
II - Lẽ sống và Sức sống của nền giáo dục hiện đại
III - Nền giáo dục cho 100% dân cư
 

I - Đề cương

Nghiên cứu khoa học về nền giáo dục toàn dân

         Một Giải pháp cho một vấn đề có tầm cỡ quốc gia, phải là một thể thống nhất từ hai mặt:

         1. Mặt xã hội – chính trị là một Nhiệm vụ xã hội – chính trị bất khả kháng, nẩy sinh từ cuộc sống thực.

         2. Mặt nghiệp vụ thể hiện thành một Giải pháp nghiệp vụ để thực thi bằng được nhiệm vụ nói trên.

         Ngày nay, một nhiệm vụ xã hội – chính trị phải bắt đầu từ một ý tưởng, phản ánh nhu cầu thực có của Cuộc sống thực, mà Nhà nước (thông qua các chính khách) cảm nhận được. Sau đó, triển khai ý tưởng ấy thành nhiệm vụ và thực thi là việc của chuyên gia.

Stalin mời các nhà khoa học đến, trao nhiệm vụ làm bom nguyên tử.

Các nhà vật lý hạt nhân đã làm ra bom nguyên tử.

         Giải pháp nghiệp vụ hình thành dưới hình thức Bản thiết kế. Giá trị của Giải pháp phụ thuộc vào Bản thiết kế, do đó, tuỳ thuộc vào năng lực của Người thiết kế, tên được đặt cho Sản phẩm: Tháp Eiffel, Máy bay T.U…

         Người thiết kế (ví dụ, Eiffel hay Tupolev) tên tượng trưng cho một Tổ chức khoa học – công nghệ làm ra một sản phẩm đặc trưng (ngọn tháp hay máy bay).

         Nếu nhiệm vụ xã hội – chính trị là xây dựng Nền giáo dục toàn dân cho cả 100% dân cư, cho cả Trẻ em lẫn Người lớn, đảm bảo cho Nền giáo dục phát triển bền vững, là cốt lõi vững chắc và đáng tin cậy đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước, thì để thực thi nhiệm vụ ấy, cần phải có một Tổ chức khoa học – công nghệ cấp quốc gia, gọi ước lệ là một Viện nghiên cứu khoa học – thiết kế công nghệ thực thi. Nhận lấy việc thực thi một nhiệm vụ xã hội – chính trị tầm cỡ quốc gia như nhận lấy một sứ mệnh trước đất nước, mà trực tiếp là trước chính khách, đại diện cho Nhà nước, Viện phải làm một chuỗi liên hoàn các việc thiết kế – thi công mẫu – xác lập và ổn định công nghệ – chuyển giao.

         Nếu mọi việc buộc phải bắt đầu từ đầu thì làm theo trật tự:

1. Xác định nhiệm vụ xã hội – chính trị của nền giáo dục toàn dân vì sự phát triển bền vững của đất nước.

2. Thành lập một Tổ chức để triển khai nhiệm vụ trên.

3. Xem xét, điều chỉnh, bổ sung… tiến đến một Giải pháp tổng thể với một Hệ thống việc làmlộ trình triển khai có thời hạn cụ thể.

*        *

*

I. Tên gọi

II. Sứ mệnh

         Tài nguyên quý giá nhất mà có khả năng tái sinh và phát triển là Người, Trẻ em và Người lớn.

         Trẻ em đang trưởng thành và phát triển. Quá trình trưởng thành cần năng lượng vật chất lấy từ môi trường tự nhiên. Quá trình phát triển chỉ có thể có được bằng giáo dục và tự giáo dục.

         Người lớn là người lao động sản xuất. Trong nền văn minh hiện đại, công nghệ sản xuất biến động từng ngày, ngay lập tức tác động đến môi trường tự nhiên, đến đời sống xã hội, buộc Người lớn hiện đại phải thường xuyên cập nhật những vấn đề vừa nẩy sinh còn nóng hổi về môi trường và xã hội, về kinh tế và chính trị, về khoa học và công nghệ, về văn hoá và giáo dục…

         Là thành phần hữu cơ của Cuộc sống hiện đại, nền giáo dục cũng phải hiện đại hoá bản thân mình:

         Về xã hội – chính trị, nền giáo dục hiện đại dành cho cả 100% dân cư, cả Trẻ em và Người lớn, trở thành nền giáo dục toàn dân, với hai thể chế “cứng”:

- Trẻ em đến Trường phổ thông.

- Người lớn đến các Trung tâm học tập cộng đồng / các Cơ sở giáo dục ngoài giờ làm việc / ở ngay tại nhà.

Về nghiệp vụ sư phạm, dù với Trẻ em hay với Người lớn, nền giáo dục toàn dân phải có sự bảo đảm đáng tin cậy cho lợi ích cơ bản của Người học: Ai cũng được học, học gì được nấy, học đâu được đấy. Vì lợi ích cơ bản của mình được bảo đảm, nên Trẻ em mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui và đi học là hạnh phúc. Vì lợi ích cơ bản của mình được bảo đảm, hễ được học thì học được, nên Người lớn có động lực theo học, hôm nay học còn mong chờ ngày mai.

Với Trẻ em hay với Người lớn, với cả 100% dân cư hiện đại, nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải vượt qua may rủi, không trông cậy vào kinh nghiệm cục bộ, mà phải tận dụng cơ sở vật chất hiện đại, các phương tiện truyền thông hiện đại… để tổ chức và kiểm soát quá trình, theo hướng công nghệ hoá quá trình giáo dục.

Trong nền văn minh hiện đại, mọi sự bắt đầu từ Nghiên cứu khoa học theo Hướng đi và Cách làm xác định, nhằm tìm giải pháp cho nền giáo dục toàn dân (cho Trẻ em và cho Người lớn):

Hướng đi – Hiện đại hoá nền giáo dục hiện có cho Trẻ em – giáo dục phổ thông và cho Người lớn – giáo dục thường xuyên.

Cách làm – Công nghệ hoá quá trình giáo dục đảm bảo sản phẩm làm ra là tất yếu, có giá trị thực tế và có sức hấp dẫn.

Cho đến nay, rất tiếc, ở nước ta chưa một Viện nghiên cứu khoa học nào thực thi được nhiệm vụ lịch sử (sứ mệnh) đó. Tuy nhiên, dù chỉ mới nói lên sứ mệnh ấy, thì cũng chứng tỏ được rằng trong thực tiễn cuộc sống, nhiệm vụ ấy đã chín muồi, và cũng đã có những điều kiện vật chất để thực thi nhiệm vụ ấy.

Sau khi xác định được Hướng đi và Cách làm của mình, còn phải xác định tường minh Đối tượng nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu (để thiết kế và thi công) là nền giáo dục toàn dân, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XXI. Đây là nền giáo dục sinh ra từ một hoàn cảnh lịch sử chưa hề có của một đất nước đang hiện đại hoá và công nghiệp hoá với nền kinh tế thị trường, với nền dân chủ xã hội… Hoàn cảnh lịch sử này làm nẩy sinh nhiều vấn đề mới trực tiếp tác động lên cuộc sống của toàn dân như môi trường, đô thị, khu công nghiệp, rác thải, ô nhiễm… và quan trọng hơn là nhân lực, người lao động sản xuất hiện đại, người bảo vệ môi trường và tài nguyên…

Với giải pháp giáo dục cho nền giáo dục toàn dân, Cách hiểu “giáo dục” như xưa nay thì chỉ là hiểu theo nghĩa hẹp, tức là một phần của Giải pháp. Giáo dục hiện đại là giáo dục toàn dân, là sự nghiệp của toàn dân, cho toàn dân và vì toàn dân, do đó, Giải pháp giáo dục phải vượt ra mọi ranh giới cổ truyền và phải tiếp cận trực tiếp với những cái mới vừa xuất hiện…

         Để thẩm định Lẽ sống và Sức sống của một Viện nghiên cứu khoa học không có gì đáng tin cậy bằng sản phẩm đặc trưng của Viện: Ngày nay, bất cứ sản phẩm nào đã gọi là sản phẩm đều có giá trị ở ngay tại chính nó, đều được hưởng “dân chủ” trên thị trường, không phân biệt “nguồn gốc xuất thân” và “nơi sinh sống”. Lấy sản phẩm làm căn cứ, chúng ta mới có thể vượt ra khỏi những định kiến lâu đời, ví dụ, quốc doanh hay tư doanh, trong nước hay ngoài nước… Do đó, một khi Viện nghiên cứu khoa học được “định nghĩa” bằng sản phẩm của mình thì nó sẽ độc lập với mọi ràng buộc “hành chính” và vùng lãnh thổ, trở thành một thực thể tự chủ và tự quyết định.

 

III. Chức năng

         Chức năng cơ bản nhất của Viện là đưa ra Giải pháp nghiệp vụ để thực thi nhiệm vụ xã hội – chính trị nói trên.

         Một Viện nghiên cứu hiện đại phải vừa nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu ứng dụng mà trên thực tiễn là thực hiện bước chuyển trực tiếp từ khoa học sang công nghệ.

Một Viện nghiên cứu hiện đại phải tiến hành đồng bộ: Nghiên cứu - Đào tạo và Bồi dưỡng – Chuyển giao. Để làm được các việc này, Viện cần triển khai Hợp tác quốc tế – Liên kết với các tổ chức và các dịch vụ có liên quan – Thu hút nhân lực nhân tài… cho từng Việc cụ thể, có thời hạn…

Viện nghiên cứu buộc phải quan hệ với nhiều ngành, nhiều tổ chức đoàn thể… cùng nhau nhằm một mục tiêu chung: Vì sự phát triển bền vững của đất nước:

- Giáo dục vì sự phát triển bền vững.

- Khoa học vì sự phát triển bền vững.

- Bảo vệ tài nguyên – môi trường vì sự phát triển bền vững.

-       Các công tác đoàn thể – xã hội vì sự phát triển bền vững.

-       Vân vân

Tóm lại, chức năng cơ bản nhất của Viện là đưa ra Giải pháp nghiệp vụ cho nền giáo dục toàn dân, một nền giáo dục hiện đại, tự mình phát triển bền vững và làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 

IV. Phương hướng tổ chức và hoạt động

1. Phương hướng chung:

a. Một Tổ chức được “định nghĩa” bằng sản phẩm do nó làm ra, gọi là Sản phẩm đặc trưng. Mỗi sản phẩm này được coi như mọi sản phẩm lao động nói chung, có giá trị và giá trị sử dụng của mình.

Sản phẩm đặc trưng của viện là Sản phẩm giáo dục, thể hiện ở người học (Trẻ em và Người lớn).

Viện có thể làm ra các sản phẩm khác tạo ra nguồn thu tài chính trực tiếp.

b. Về nguyên tắc, phải lấy giá trị của sản phẩm để tính giá trị của Tổ chức làm ra nó (dưới hình thức công trình). Công trình của viện phải có giá trị thực sự, có giá trị sử dụng đích thực, thì mới thực sự tạo ra sự phát triển bền vững của giáo dục, đích thị là nền tảng của sự phát triển bền vững đất nước.

Lấy giá trị của sản phẩm làm căn cứ, để tính lương cá nhân và mọi chi phí làm ra sản phẩm (theo hướng: tính theo lao động).

c. Về tổ chức – nhân sự sẽ theo nguyên tắc, chọn Người cho việc (có việc mới tìm người và chọn người có trình độ chuyên nghiệp cao hơn), cần đến đâu làm đến đấy.

       2. Cơ cấu tổ chức của Viện

Phương thức nghiên cứu cơ bản của Viện là Nghiên cứu khoa học theo phương thức thực nghiệm, dù Nghiên cứu trên Đối tượng nào (Trẻ em hay Người lớn). Phương thức này buộc các công trình nghiên cứu phải liên hệ mật thiết với thực tiễn cuộc sống, trước hết phải được kiểm soát bằng những cứ liệu thu được từ mô hình đang xác lập bằng thực nghiệm trên số ít. Phương thức này đảm bảo an toàn cho triển khai rộng (chuyển giao), ví dụ: Ai được học thì học được, học gì được nấy, học đâu được đấy. Phương thức này cũng đảm bảo uy tín khoa học cho Viện.

Trước mắt, Viện có ba Bộ phận:

- Bộ phận nghiên cứu 

- Bộ phận phục vụ nghiên cứu – Văn phòng,

- Bộ phận làm dịch vụ, tài chính.

1. Các Phòng thuộc bộ phận nghiên cứu.

Phòng nghiên cứu là một thể thống nhất giữa hai thành phần: Phòng nghiên cứu và Trường (cơ sở) thực nghiệm, thể hiện mối liên hệ hữu cơ giữa Thiết kế và Thi công mẫu, cùng nhau xác lập mô hình.

1.Phòng tiểu học

2.Phòng trung học

3.Phòng giáo dục cộng đồng

4. Phòng giáo dục môi trường

5. Phòng đào tạo và bồi dưỡng

Ngoài các tổ chức “cứng” và ổn định này, trong quá trình nghiên cứu và do nhu cầu thực tế, có thể có thêm những tổ chức mới, có định kỳ, như các Dự án, các Công trình theo đơn đặt hàng, các Dịch vụ cụ thể… cũng có thể có: Phòng nghiên cứu Trẻ em và Nhà trường, Phòng nghiên cứu Thanh niên và Nghề nghiệp, Phòng công tác Phụ huynh học sinh và Công luận…

2. Các Trung tâm

- Trung tâm nguồn lực quốc gia về giáo dục môi trường (đã có).

- Trung tâm truyền thông – thư viện.

- Trung tâm tư vấn giáo dục.

3. Các tổ chức khác :

- Hội đồng khoa học.

- Các Hội đồng tư vấn.

- Các tổ chức Đảng và đoàn thể.

Chức năng cơ bản của Viện được phân ra hai Nhánh tương đối độc lập, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau:

-       Cho Trẻ em : Giáo dục phổ thông thế kỷ XXI.

- Cho Người lớn: Giáo dục thường xuyên, thông qua các cơ sở học tập cộng đồng, thông qua các tổ chức đoàn thể – xã hội. Tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng.

Mỗi Nhánh đều triển khai theo một Hệ thống Việc làm: Nghiên cứu khoa học – Thiết kế công nghệ– Thi công mẫu (thực nghiệm) và ổn định công nghệ – Xác lập mô hình – Chuyển giao.

Theo cách nhìn hành chính, Viện có các chức năng cụ thể như:

1. Nghiên cứu cơ bản

2. Nghiên cứu ứng dụng

3. Đào tạo và bồi dưỡng chuyên gia (thạc sĩ, tiến sĩ) và chuyên viên có trình độ chuyên môn sâu cho các việc: Nghiên cứu – Thiết kế - Đào tạo – Quản lý – Trực tiếp thực thi (ví dụ, giáo viên đứng lớp).

4. Hợp tác và Liên kết với các Tổ chức trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho ba chức năng trên.

 

 

         Trung tâm Công nghệ giáo dục trong suốt 30 năm qua đã kiên trì (Hướng đi) Hiện đại hoá nền giáo dục, bằng (Cách làm) Công nghệ hoá quá trình giáo dục.

         Những thành tựu lý thuyết và công nghệ thực thi ngày càng đáng tin cậy. Từ năm 1985, Trung tâm đã bắt đầu chuyển giao Công nghệ giáo dục về địa phương, đã có đến 43 tỉnh / thành tiếp nhận, cho hàng triệu học sinh cùng với hàng chục ngàn giáo viên được huấn luyện thực thi Công nghệ giáo dục. Vốn có cơ sở vững chắc ở tận trường học như thế, nên từ năm 1995, Trung tâm có thể triển khai Dự án giáo dục môi trường đến tận trường học, ở cả 64 tỉnh / thành. Trong 8 năm triển khai Dự án giáo dục môi trường, vì hiệu quả thực tiễn có giá trị quốc gia và quốc tế, Trung tâm lại càng có uy tín với địa phương và với các Bộ, Ngành ở Trung ương. Tại một cuộc họp ba bên, Phó đại diện của UNDP đánh giá đây là Dự án quốc tế mẫu mực nhất về hiệu quả thu được và minh bạch về tài chính. Nhờ những thành tựu 8 năm làm Giáo dục môi trường trong trường phổ thông, Trung tâm được Chính phủ chọn làm thành viên của Uỷ ban quốc gia về thập kỷ vì sự phát triển bền vững của Việt Nam (2005-2014).

         Trong cả hai lĩnh vực giáo dục và giáo dục môi trường, Hướng đi và Cách làm được kiểm nghiệm trong 30 năm qua về nghiên cứu khoa học, thiết kế công nghệ làm mẫu, hình thành mô hình, và đã từng chuyển giao về địa phương, là cơ sở lý thuyết và thực tiễn đảm bảo Trung tâm sẽ hoàn thành sứ mệnh mới, không những chỉ ở trường phổ thông hay các Trung tâm học tập cộng đồng, không những cho giáo dục vốn có mà cả cho giáo dục môi trường, không những có tính quốc gia mà có cả tính quốc tế… Những nhân tố tích cực ấy cho thấy nước ta có đủ năng lực triển khai trong thực tiễn giáo dục “thập kỷ vì sự phát triển bền vững” do Liên hiệp quốc đề xướng, mà Trung tâm đã có sẵn Dự án (đã thành văn bản) chỉ chờ đầu tư triển khai.

         Trung tâm có một cơ sở vật chất khang trang, xây dựng trên 20.000m2 đất, có sổ đỏ đích danh. Trung tâm có uy tín tập hợp Cộng tác viên – Chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực có liên quan. Trung tâm có Trường Quốc tế (Liên doanh), sau 11 năm hoạt động đã ổn định và bắt đầu có lãi. Với cơ sở vật chất đã có, với khả năng huy động chuyên gia – cộng tác viên, Trung tâm có khả năng tiếp nhận thêm đầu tư cho các nhiệm vụ mới, nhằm phát triển thành một Viện nghiên cứu tầm cỡ quốc gia.

 

II - Lẽ sống và Sức sống của nền giáo dục hiện đại

 

         Lẽ sống là sự sống tinh thần dưới hình thức như lý tưởng, đạo lý, triết lý…

         Sức sống đo bằng năng lượng vật chất cấp cho sự sống trần thế để tồn tại và phát triển.

         Thể thống nhất Lẽ sống – Sức sống làm nên Cuộc sống thực (từ Cuộc sống thực của nhân loại, của mỗi cộng đồng lớn nhỏ, đến Cuộc sống thực của mỗi gia đình, của mỗi cá nhân).

         Cuộc sống thực mỗi thời theo một nguyên lý. Có nguyên lý tồn tại trong hàng chục thế kỷ. Có thể kỷ mở ra một thời mới, như thế kỷ XVIII – thời đại công nghiệp.

         Em sinh năm 2001, năm đầu tiên thế kỷ XXI. Em đến trường học lớp Một năm học 2007-2008 và hưởng trọn vẹn nền giáo dục thế kỷ XXI.

         Đến thời em, thế kỷ XX ra đi như một kẻ đột tử, buộc thế kỷ XXI ngay lập tức phải tự lo lấy thân mình. May sao, đi qua thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Cuộc sống thực như chạy trên đường băng, sắp cất cánh. Và ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, con tàu cuộc sống ấy đã rời đường băng trên đất liền, vĩnh viễn để lại thế kỷ XX cho thời đã qua. Với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, con tàu – Cuộc sống thực thế kỷ XXI một mình bay vào không gian bao la, tự xoay xở lấy, sống theo đúng Lẽ sống và Sức sống của chính mình, và ngay lập tức bộc lộ ba đặc điểm này: Một, nền kinh tế thị trường ngày càng đi theo hướng toàn cầu hoá cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Hai, nhu cầu dân chủ ngày càng trở nên thiết thân trong đời sống xã hội. Ba, phạm trù cá nhân ngày càng xứng danh là “anh hùng thời đại”.

         Từ xa xưa, Cuộc sống thực đã đưa lên hàng đầu triết lý này: Muốn gì thì muốn, trước hết phải sống đã !

         Sống, hiểu theo nghĩa gốc nguyên thuỷ, theo nghĩa đen sát sạt là phải ăn, ở, đi lại, quan hệ đàn ông - đàn bà.

         Từ một chuyện ăn, có thể thấy các bước phát triển của phạm trù người: từ chỗ thụ động hưởng cái có sẵn (bằng đánh bắt, hái lượm) đến chỗ chủ động tạo ra nguồn sống thường trực (bằng chăn nuôi, trồng trọt). Tính chủ động này sinh ra và nuôi lớn trí khôn người.

         Mỗi bước phát triển của trí khôn đặc trưng bởi một nguyên lý tư duy và hành động. Lấy việc đi lại làm ví dụ. Hàng triệu triệu năm, người cũng như mọi loài chỉ biết độc một cách đi là đi bộ, và đinh ninh đó là cách đi duy nhất. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, gần đây thôi, trí khôn mới đủ khôn để dám làm chuyện “ngông cuồng” – dám nghi ngờ, rồi đánh đổ thế độc tôn đi bộ: Sáng chế ra xe đạp. Sau bước đột phát này, trí khôn được thể, ngày càng táo tợn hơn. Chỉ trong vòng vài mươi năm đầu thế kỷ XX, các vụ “đánh đổ” ngoạn mực liên tiếp xẩy ra: xe máy - ô tô - máy bay – con tàu vũ trụ.

         Hegel nói đúng, trí khôn vừa mạnh lại vừa mưu. Mạnh vì có mưu. Cái mưu đầu tiên là lấy một hòn đá sắc cạnh chặt một cành cây làm gậy khều, để kéo dài tầm thước tự nhiên của cơ thể trời cho. Cái mưu ấy chính là cái mầm khái niệm mới: Lao động cùng với sức lao động thực thi, mà mãi sau này khi mầm kia thành cành thì phân đôi thành sức lao động chân tay và sức lao động trí óc.

         Chỉ vì cần đến sức lao động trí óc, hơn hai ngàn năm trước, Thầy Khổng tử mở trường, khai sinh giáo dục nhà trường.

         Giáo dục nhà trường và nền sản xuất cùng thời đều mang dòng máu của Cuộc sống thực đương thời, cả lý thuyết lẫn kỹ thuật, có thể nhìn thấy một cách trực quan, ví dụ, việc làm nhà.

         Ngày xưa, để dựng cung vua trăm gian thì chỉ cần triệu về kinh bác thợ cả giàu kinh nghiệm làm nhà năm gian ở quê. Cũng thế thôi, dù trăm ngàn hay năm ba gian thì các gian nhà ấy đều thấp một “tầm trệt” như nhau. Kỹ thuật kia khó gì đem các gian ấy đặt cạnh nhau, kéo dài ngôi nhà ra.

         Trong giáo dục nhà trường, kỹ thuật thực thi có từ thời Thầy Khổng tử, được thâu tóm vào một công thức:

Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ.

         Một công thức quá hiển nhiên, hiển nhiên như đã đi thì là đi bộ, đã làm nhà thì là làm nhà trệt. Cũng như đi bộ và nhà trệt, công thức ấy dùng nhất loạt cho tất thảy các hạng học trò, cho kẻ học với Thầy đồ ở làng, cho người vác lều chõng về kinh thi hội, thi đình. Cho đến tận ngày nay, công thức ấy vẫn còn dùng nhất loạt cho tiểu học, cho trung học, cho đại học, cho sau đại học…

         Kỹ thuật là một nhân tố vật chất với bản tính thụ động, nhưng lại là một hình thái của trí khôn. Có hai loại trí khôn. Trí khôn lâu đời nhất đúc bằng kinh nghiệm nhặt nhạnh trong cuộc sống thường ngày gọi là trí khôn kinh nghiệm chủ nghĩa. Trí khôn loại này chỉ biết một cách hoàn thiện kỹ thuật (do đó, cũng hoàn thiện bản thân mình) bằng phương thức cải tiến (trong giáo dục ngày nay, người ta gọi chệch đi là cải cách, đổi mới…).

         Phương thức cải tiến, về bản chất, là bảo thủ. Chỉ chăm chăm vào cải tiến, trí khôn kinh nghiệm chủ nghĩa mặc nhiên thừa nhận cái đang có như “chân lý tuyệt đối”, là độc tôn. Đã là nhà thì là nhà trệt, cải tiến để nhà dài ra hơn. Thế nhưng từ Cuộc sống thực cùng thời đã nảy nòi kẻ “ngông cuồng” dám nghĩ đến chuyện dựng đứng ngôi nhà trệt, đem các gian chồng lên nhau, - thì đời mới có nhà năm tầng, nhà trăm tầng. Muộn hơn nhiều, nhưng rồi cũng đến lượt, trong giáo dục nhà trường, từ thập niên 70 thế kỷ XX, đã có kẻ dám hỗn, hỏi các Thầy: Nếu Thầy không giảng giải thì chuyện gì sẽ xẩy ra?

- Một công thức mới, lạ hoắc, kỳ cục, ra đời:

Thầy thiết kế – Trò thi công.

         Công thức cũ so với công thức mới như sức lao động chân tay so với sức lao động trí óc, như trí khôn kinh nghiệm chủ nghĩa so với trí khôn khoa học – công nghệ.

         Sức lao động chân tay cũng như đi bộ không bao giờ bị vứt bỏ (bị phủ định sạch trơn) mà chỉ bị vượt bỏ thôi! Vượt bỏ là nói về triết học, về lý thuyết, về nguyên lý. Còn trong lịch sử hiện thực, những kẻ bị vượt bỏ vẫn tiếp tục tồn tại với nguyên giá trị tuyệt đối, chỉ riêng giá trị tương đối thì giảm đi nhiều, mà dù giảm nhiều đến mấy, Cuộc sống thực vẫn cần. Đi bộ vẫn cần cho việc đi lại hiện đại đấy chứ. (Chẳng có chiếc ô tô nào chở người ta vào tận giường ngủ).

Xưa nay, dù sống ở thời nào, ai cũng phải cần đến sức lao động chân tay như cần không khí, cần cơm ăn nước uống… Sống ở thời nào cũng vậy, để có sức lao động chân tay, trẻ em phải học từ bé, thậm chí từ lúc mới lọt lòng, học tại nhà, học với người lớn, học bằng bắt chước, bằng tích luỹ kinh nghiệm, không cần đến giáo dục nhà trường. Thời ấy, 95% dân cư mù chữ mà họ vẫn sống bình thường. Dễ hiểu thôi, trong nền sản xuất thời ấy, sức lao động chân tay và kinh nghiệm ấy đủ để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh nuôi sống mình.

         Ngày nay, thế kỷ XXI, không một sản phẩm vật chất nào chỉ do một sức lao động chân tay làm ra. Phần tri thức (hiểu là trí khôn khoa học - công nghệ) ngày càng chiếm một tỷ lệ cao hơn trong mỗi sản phẩm. Sức mạnh tri thức ấy từng bước một đẩy sức lao động chân tay lùi xuống, lùi xuống mãi, thế là từ địa vị độc tôn đầy quyền uy thời nào, nay sức lao động chân tay tụt xuống làm kẻ sai việc cho sức lao động trí óc.

         Sức lao động trí óc lên ngôi, trở thành nhân vật số 1 của Cuộc sống thực thế kỷ XXI. Và ngay lập tức, sức lao đông trí óc là mục tiêu bắt buộc phải đạt đến của nền giáo dục thế kỷ XXI: Sức lao động trí óc là sức mạnh vật chất làm nên lẽ sống  và sức sống của mỗi cá nhân hiện đại.

          Trong cuộc sống thực tự nhiên, từ thuở nảo nao, giáo dục gia đình đã dùng 5 - 6 năm đầu tiên để huấn luyện cho trẻ các thao tác tay chân làm nên sức lao động chân tay. Ngày nay, chỉ có bấy nhiêu sức lao động chân tay thì không thể sống bình thường trong xã hội hiện đại. Các vật dụng thường ngày trong cuộc sống bình thường hiện đại chẳng qua là những hình thái khác của sức lao động trí óc hiện đại: Ti- vi, điện thoại, xe máy, E - mail, internet… Điều quan trọng hơn là sức lao động trí óc hiện đại lại có tầm cỡ toàn cầu. Sức lao động chân tay chỉ có thể loanh quanh trong làng, trong nhà máy, nghĩa là bị hoàn cảnh địa lý khống chế. Trong khi đó, sức lao đông trí óc hiện đại coi đại dương như ao nhà, coi chuyện đẩu đâu trên thế giới như chuyện hàng xóm… Điều còn quan trọng hơn nữa, là mỗi cá nhân hiện đại có thể là một chủ thể kinh tế, mà là chủ thể có tính toàn cầu. Dù y sinh sống ở bất cứ đâu, đều có thể dùng sức lao động trí óc của mình làm việc cho mình hoặc cho bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.

Vân vân.

         Cuộc sống thực hiện đại với ba đặc điểm nói trên (kinh tế thị trường, dân chủ, phạm trù cá nhân) chứa trong bản thân mình những vấn đề lý thuyếtkỹ thuật thực thi của giáo dục hiện nhà trường hiện đại.

 

         Công thức Thầy thiết kế - Trò thi công không đơn thuần là một vấn đề “kỹ thuật”, mà nếu có phần “kỹ thuật” thì là kỹ thuật của một lý thuyết.

         Thi công tức là làm. Làm để học. Học là học làm. Làm là làm ra sản phẩm có thể cân đo đong đếm, ít ra cũng cảm nhân được một cách cảm tính. Sản phẩm làm ra trong đời, trong Cuộc sống thực, khác hẳn với sản phẩm ghi nhớ lời thầy giảng. Trong nền văn minh hiện đại, lời Thầy giảng nhiều lắm như lời chỉ đường (Khổng tử gọi là đạo), thì Trò phải tự mình đi lấy từ đầu này đến tận cuối kia. Nào có ích gì sự nhớ thuộc lòng lời thầy mà cứ đứng yên một chỗ, không đi, không làm.

         Học là học làm, nhưng không phải làm tuỳ tiện, may rủi, lúc được lúc chăng. Phải làm theo thiết kế, như ca sĩ hát theo bản nhạc (của nhạc sĩ).

         Thầy thiết kế sao cho bất cứ học sinh bình thường nào (không bị thiểu năng), ai cũng làm được, cũng làm ra sản phẩm mong muốn, - phải làm ra bằng được sản phẩm mong muốn như đã thiết kế.

         Học sinh thế kỷ XXI đến trường học là học làm, tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình. Ai làm nhiều có nhiều. Ai làm ít có ít. Ai không làm gì thì không có gì.

Đã có một luận điểm này của Hegel và Mác, nói từ thế kỷ XIX, rằng loài người tự sinh ra mình bằng lao động, thì đến thế kỷ XXI, chẳng có gì mới, nếu nói rằng mỗi cá nhân hiện đại tự sinh ra mình bằng việc học, do đó, chẳng có gì quá đáng, nếu nói rằng toàn bộ sự nghiệp giáo dục hiện đại thâu tóm vào một việc học của học sinh.

         Cuộc sống thực thế kỷ XXI ừ thì vẫn tiếp tục triết lý cũ như tiếp tục đi bộ: Muốn gì thì muốn, trước hết phải sống đã! Thế nhưng triết lý đặc trưng cho Cuộc sống thực thế kỷ XXI là Phải sống tốt hơn! Ngày mai phải sống tốt hơn hôm nay.

         Sống hoà hợp với tính năng động của Cuộc sống thuộc thế kỷ XXI “một ngày bằng hai mươi năm”, mỗi cá nhân phải học, hôm nay học, ngày mai học, luôn luôn học, thường xuyên học, mà bước vào lớp Một đã bắt đầu học cách làm việc trí óc. Nhu cầu học ngày càng trở nên phổ biến, cả 100% dân cư đều có nhu cầu được học. Nhà nước lấy đó làm một nhiệm vụ xã hội – chính trị bất khả kháng đặt ra cho giáo dục nhà trường hiện đại. Vậy về mặt nghiệp vụ thực thi, giáo dục nhà trường liệu có đảm bảo cho cả 100% học sinh đều học được?

         - Ai được học thì học được! Câu trả lời này đảm bảo bởi công thức

Thầy thiết kế – Trò thi công.

 

 

III - Nền giáo dục cho 100% dân cư

         Đất nước đang phát triển trong một hoàn cảnh lịch sử chưa hề có: Một, nền kinh tế thị trường ngày càng toàn cầu hoá. Hai, nền dân chủ đã đâm chồi nẩy lộc, ngày càng bám rễ sâu vào lòng đời sống xã hội. Ba, phạm trù cá nhân ngày càng xứng danh là anh hùng thời đại (chữ của Mác). Ba đặc điểm ấy của Cuộc sống thực hiện đại định hướng lý thuyết tìm giải pháp trong các lĩnh vực đời sống.

         Một giải pháp có tầm cỡ quốc gia như Giải pháp phát triển giáo dục phải xử lý một thể thống nhất gồm có hai mặt:

         1. Mặt xã hội chính trị. Ngày trước, chỉ có 5% dân cư đi học. Ngày nay, toàn thể 100% trẻ em đều đến trường. Từ một nhúm 5% dân cư học để làm quan, tìm cơ hội ngoi lên, thoát khỏi chân lấm tay bùn, rồi sau cách mạng tháng Tám, việc học được coi như phúc lợi xã hội, đến nay, việc học đã trở thành một nhân tố tự nhiên để sống, như cơm ăn, nước uống, hít thở không khí… Tình hình ấy buộc Nhà nước hiện đại phải lấy việc học của 100% dân cư làm một nhiệm vụ xã hội – chính trị bất khả kháng.

         2. Mặt nghiệp vụ sư phạm. Thực thi nhiệm vụ xã hội – chính trị bất khả kháng (ai cũng được học), nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải đảm bảo cho ai cũng học được. Vì vậy, có thể thâu tóm Giải pháp phát triển giáo dục vào một câu này: Với nền giáo dục thế kỷ XXI, ai cũng được học, học gì được nấy, học đâu được đấy.

         Một đời, tôi chỉ làm độc một việc, từ cuối năm 1954 đến nay, chưa hề xa rời giáo dục, nên bây giờ tôi thấy mình có tư cách nói ra một câu ấy, mong sao em sinh năm 2001, em vào lớp Một năm học 2007-2008, em sống trọn đời trong thế kỷ XXI, em được hưởng nền giáo dục có một câu ấy. Dám nói một câu ấy với em học sinh lớp Một thế kỷ XXI, tôi thấy trách nhiệm thật nặng nề, lương tâm dễ cắn rứt, điều mà tôi chưa hề cảm thấy với người lớn ở tất cả các cấp bậc hành chính, những người đến và đi theo nhiệm kỳ.

         Tôi và Người lớn nói chung là con đẻ của thế kỷ XX, còn em là con đẻ của thế kỷ XXI. Thế kỷ XX ra đi như một kẻ “đột tử”, không kịp đem theo mình về nơi chín suối nền giáo dục thế kỷ XX. Thế nên, nỗi đau như một tai hoạ đối với em, làm cho tôi cùng nhiều Người lớn khác phải xấu hổ, khi chịu đứng nhìn em phải chấp nhận nền giáo dục của thế kỷ XX đã quá lỗi thời ấy. Nỗi đau này, sự xấu hổ này càng tăng lên, mỗi khi nhìn thấy tiền đầu tư làm cho đất nước thay da đổi thịt, ngày ngày khấm khá lên, ngày ngày tươi đẹp thêm, mà tiền đổ vào giáo dục nào đã bao giờ nhiều đến thế, mà sao giáo dục ngày càng tồi tệ đi, đè nặng lên cuộc sống của em, đè nặng lên cuộc sống của cha mẹ em, đè nặng lên cuộc sống của ông bà, chú bác, cô dì, anh em họ hàng ruột thịt của em, đè nặng lên đời sống toàn xã hội…

*        *

*

         Ai cũng được học, học gì được nấy, học đâu được đấy, nếu xử lý đúng hai chữ: cái và cách: Em học cái gì và em học bằng cách nào. (Tôi đã xuất bản quyển sách cái và cách, Nxb. Đại học sư phạm, 2003, 616 trang).

         Một cách bình thường tự nhiên, đương nhiên, cả cái lẫn cách đều phải là sản phẩm chính cống, chính hiệu của thế kỷ XXI, dù đó là cơm, sữa, áo quần, giấy bút, phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại… hay tri thức khoa học, hay các loại hình nghệ thuật, hay đạo đức, niềm tin, lý tưởng…

         Lấy hai chữ cái / cách làm vốn, tôi mở trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội, theo Hướng đi mới và Cách làm mới này: (Hướng đi) Hiện đại hoá nền giáo dục bằng (Cách làm) Công nghệ hoá quá trình giáo dục.

         Đã 30 năm rồi, hôm nay, viết những dòng này, tôi cảm thấy mọi chuyện vẫn còn thời sự lắm, còn nóng hôi hổi, chỉ có điều, nay tôi mới dám và có thể công khai tìm sự đồng tình của dư luận xã hội về điều cốt lõi này: Muốn hiện đại hoá nền giáo dục thì phải Công nghệ hoá. Phải Công nghệ hoá thì mới thực sự hiện đại hoá. Với cái và cách của mình, nền giáo dục hiện đại sẽ cao hơn một tầm nguyên lý so với nền giáo dục hiện hành, như máy cày cao hơn một tầm nguyên lý so với cày chìa vôi. Nhân dịp này, tôi xin tỏ lòng biết ơn Mác, Người đã mách cho tôi khi còn là Nghiên cứu sinh, rằng các thời đại kinh tế khác nhau không phải sản xuất ra cái gì, mà sản xuất bằng cách nào. ừ thì cũng dạy cho trẻ em đọc thông viết thạo, nhưng dạy bằng cách nào? ừ thì cũng cày ruộng, nhưng dùng cày gì, cày chìa vôi hay máy cày?

         Cày chìa vôi – biểu tượng của nền sản xuất tiểu nông, - làm ăn bằng kinh nghiệm. Máy cày – biểu tượng của nền sản xuất đại công nghiệp, - làm ăn bằng khoa học – công nghệ. Nhà nông đành phải trông vào may rủi và kinh nghiệm cá nhân, may hơn khôn. Công nghệ sản xuất hiện đại là cách tổ chức và kiểm soát quá trình sản xuất sao cho sản phẩm là tất yếu, khôn hơn may.

         Từ thế kỷ XVIII, lịch sử đã thực hiện bước nhảy nguyên lý từ Tiểu nông sang Đại công nghiệp, từ Kinh nghiệm sang Khoa học – Công nghệ, rồi nhảy tiếp sang Công nghệ cao vào mấy thập niên cuối thế kỷ XX. Nếu thế kỷ XVIII được coi là thế kỷ của Đại công nghiệp cơ khí, thì thế kỷ XXI phải là thế kỷ của Công nghệ cao. Cuộc sống thực là như thế, nền sản xuất vật chất là như thế, thế mà nền giáo dục vẫn làm ăn theo kinh nghiệm ngàn đời truyền lại:

Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ

         Chuyện gì xẩy ra, nếu Thầy không giảng giải, Bác nông dân không dùng cày chìa vôi?

- Chuyện tốt lành đã xẩy ra. Lâu rồi, hàng thế kỷ rồi, các nước văn minh đã dùng máy cày. Muộn hơn, nhưng rồi cũng có, những thập niên cuối thế kỷ XX đã có Công nghệ giáo dục cho Thầy giáo hành nghề:

Thầy thiết kế – Trò thi công

         Trong 30 năm qua, với hai chữ cái / cách, chúng tôi đã thiết kế Công nghệ giáo dục, sản phẩm trí tuệ có bản quyền (vì thế chúng tôi mới dám ngang ngược dùng tên viết tắt CGD và bắt phải giữ nguyên “nhãn hiệu” CGD ấy, khi dịch ra bất cứ thứ chữ nào, ngay cả chữ Hán). CGD đã kiểm nghiệm trên hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu học sinh bình thường bằng xương bằng thịt ở Trường Thực nghiệm tại Hà Nội và ở 43 tỉnh / thành khắp các vùng miền đất nước. Trong thời gian ấy, từ 1978 đến 2001, cũng có tiếng xì xào xì xèo về CGD, nhỏ to lí nhí túm tụm trong vài nhúm người, nhưng tuyệt nhiên không một ai dám nói to trên diễn đàn (lại càng không dám viết) một cách công khai, vạch ra sai sót của CGD, cả về học thuật lẫn thực tiễn, bù lại, họ hè nhau biểu quyết bằng đa số tuyệt đối: Từ năm 2002 đình việc chuyển giao CGD, và cái thay thế CGD là một cái học lỏm lõm bõm từ nó, ví dụ mỉa mai nhất là quyển Tiếng Việt lớp Một e / b tai tiếng một thời.

*        *

*

         Xây dựng nền giáo dục thế kỷ XXI cũng như xây dựng ngôi nhà hiện đại, nhà thiết kế phải hình dung trước theo một triết lý chủ đạo.

         Xưa nay, dù nói ra thành lời hay không, mỗi người với thân phận của mình, đều sống theo triết lý cơ bản nhất, sâu tận đáy Cuộc sống thực: Gì thì gì, trước hết phải sống đã. Đã sống rồi thì mong được sống bình thường. Đã sống bình thường rồi thì mong sống tốt hơn.

         Ngày trước, 95% dân cư thất học mà vẫn sống bình thường. Ngày nay, chỉ để được sống bình thường như thế, tất cả 100% dân cư phải đến trường. Đi học trở nên một nhu cầu tự nhiên của Cuộc sống thực, như ăn cơm, như uống nước, hít thở không khí…

         Trẻ em thế kỷ XXI đến trường không phải để “chuẩn bị vào đời”, cho một tương lai mơ hồ sau này. Không, em vào đời từ khi lọt lòng. Em sống cuộc đời thực ở nhà với ông bà cha mẹ. Đến trường, em sống cuộc đời thực với Thầy giáo, bạn bè, với tất cả những hạnh phúc thực và đau khổ thực, ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay. Vậy là, sẽ hoàn toàn bình thường tự nhiên, nếu nền giáo dục hiện đại luôn luôn làm cho em cảm nhận được Đi học là hạnh phúc! Mà dấu hiệu dễ thấy là Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!

         Một nền giáo dục với triết lý vì Hạnh phúc ngay ngày hôm nay của Trẻ em là có thể có được, nếu lấy trẻ em làm căn cứ, làm nơi đi và nơi đến để thiết kế và thi công mọi việc làm giáo dục.

         Mọi việc làm giáo dục, dù là của Thầy giáo, của Cha mẹ hay của các Tổ chức xã hội… đều cùng vì lợi ích cơ bản nhất của em. Trong Cuộc sống thực, lợi ích cơ bản nhất của em hình thành theo hai dòng liên thông nhau: Trưởng thành và Phát triển.

         Trưởng thành về cơ thể là một quá trình tự nhiên thiên nhiên, diễn ra theo một chương trình có sẵn từ trong bụng mẹ.

         Phát triển về tinh thần là một quá trình nhân tạo, do em tự làm ra trong Cuộc sống thực. Ai làm nhiều có nhiều, làm ít có ít, không làm không có gì. Năm 2001, người Mỹ công bố bản đồ gen: Mọi người sinh ra có đến 99,9% số gen giống nhau, thế mà lớn lên, mỗi cá nhân là duy nhất, có một không hai, - sự minh chứng thuyết phục nhất về khả năng tự tạo. Lợi ích tự tạo sẽ là tối ưu, nếu quá trình phát triển diễn ra tự nhiên theo lôgic nội tại, không có bất cứ sự cưỡng bức nào từ “bên ngoài”.

         Quá trình giáo dục hiện đại tức cũng là quá trình phát triển của em diễn ra tự nhiên đến mức nào thì do năng lực thiết kế của Nhà giáo dục quyết định, như ngôi nhà hiện đại sẽ như thế nào thì do năng lực thiết kế của Kiến trúc sư quyết định. Năng lực thiết kế của Nhà giáo dục gọi là Nghiệp vụ sư phạm, có chức năng biến lý thuyết (triết lý) thành hiện thực. Nếu Kiến trúc sư cần có những cứ liệu vững chắc từ trong lòng đất, cần phải thăm dò địa chất, thì Nghiệp vụ sư phạm hiện đại cũng phải dựa trên cứ liệu thăm dò tiềm năng trí tuệ của trẻ em hiện đại. Cuộc “phiêu lưu giáo dục” có tầm cỡ thế giới vào những năm 60 thế kỷ XX, tuy “không thành công nhưng đã thành nhân”, đã phát hiện ra trữ lượng trí tuệ của trẻ em lớn đến mức không lường nổi. Nhằm thăm dò trữ lượng trí tuệ ấy, lần đầu tiên xuất hiện Trường thực nghiệm, triển khai trên học sinh bình thường bằng xương bằng thịt, đang học ở trường phổ thông. Trường Thực nghiệm đầu tiên khai giảng năm học 1960-61 ở Mat-xcơ-va, còn ở Hà Nội thì từ năm học 1978-1979, đã 30 năm nay.

         ở giữa Thủ đô Hà Nội, các bậc cha mẹ nhìn thấy hằng ngày con em mình

Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui.

Đi học là hạnh phúc.

 

©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồ Ngọc Đại