Giáo dục đại học : nên biết phân biệt hai năm đầu của hai hệ thống đại học ở Pháp

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu      03/04/2008  

 

Những bài cùng tác giả

Từ một số thời gian nay, có một số người, trong hay ngoài nước, khi luận vấn đề giáo dục đại học, có dẫn trường hợp của Pháp, so sánh cao thấp, nhưng vô tình hay chủ ý, không đề cập đến sự khác biệt của hai hệ thống trong giáo dục đại học của Pháp. Ở đây, tôi không nói chuyện hệ công lập hay hệ tư lập, mà muốn nói tới hệ thống Universités và hệ thống Grandes Ecoles (nghĩa đen là « Trường lớn »), liên quan mật thiết tới hai năm đầu giáo dục đại học. Tôi nghĩ cần nêu vấn đề này, không phải để nói chi tiết vặt vãnh, mà để người đọc có thể phân biệt, nhất là khi từ ngữ Việt Nam không có tương đương để dịch chính xác, thường thì cứ gọi « đại » là « đại học », và do đó có thể gây ra sự hiểu lầm rất đáng tiếc. Dưới đây, tôi dùng tên gọi trực tiếp tiếng Pháp để thật rõ ràng. Nhưng để ngắn gọn , kỳ này tôi chỉ đề cập đến hai năm đầu đại học. Tôi cũng chỉ nói tình hình hiện tại, hiện đang ngấp nghé thay đổi, chứ không đi vào chi tiết trong một cuộc cải cách hiện hành ở Pháp. Hai hệ thống đó là :

- Hệ thống Universités : Université là loại trường ở Pháp (hay ở các nước thuộc địa của Pháp trong đó có Việt Nam thuở xưa), ta vẫn dịch là « đại học », trước năm 1970 thế kỉ 20, tổ chức một cách đồng bộ, gồm 5 facultés (thuở trước tiếng ta dịch là « Khoa » : Khoa học, Văn và Khoa học xã hội , Luật và Kinh tế, Y, Dược). Sau năm 1970, do cải cách, các Universités được chia lại không nhất quán, nói chung là các Universités « pluridisciplinaires » (đại học đa khoa kết hợp, trên nguyên tắc là để dễ kết hợp các ngành trong cùng một Université). Trong những Universités này, có những ngành có « hướng nghề nghiệp » (« à finalité professionnelle » : như Y, Dược, Nha, hoặc trường kỹ sư thuộc Université… , và có những ngành khác dạy kiến thức cơ bản là chính, vv. Những ngành có « hướng nghề nghiệp », thì được tuyển sinh bằng cách thi làm bài, hay theo hồ sơ, theo số chỗ định trước (numerus clausus), tùy theo hạng cao thấp mà được tuyển vào trường hay không. Các ngành còn lại thì sinh viên tự do ghi tên học, các Universités không được phép từ chối – ngoại trừ trường hợp đặc biệt của vài “Universités technologiques” (công nghệ) được sử dụng numerus clausus. Lý do là vì theo định nghĩa của bằng tú tài Pháp (baccalauréat, từ thuở được khai sinh năm 1808, dưới thời hoàng đế Napoléon I), đó vừa là bằng kết thúc trung học phổ thông, vừa là bằng cho phép đương nhiên ghi tên theo học Université (vì trong định nghĩa thứ nhì của nó, nó là « premier grade universitaire », bằng cấp đầu tiên của Université). Vì cái sự « đương nhiên ghi tên học Université » này – phù hợp cho năm 1808, nhưng không phù hợp cho 200 năm sau – mà có tai hoạ ngày nay ; từ mấy chục năm nay, các chính quyền, dù là phái tả hay phái hữu, muốn sửa mà không sửa được, do sức ì và do quyền lợi nhất thời của vài nhóm. Tai họa đó là một số sinh viên ghi tên học mà không học nổi ; tất cả các giải pháp (phụ đạo, hướng ngành, tổ chức học theo chặng, vv.) tới này đều thất bại : tỉ số sinh viên lưu ban, phải bỏ học, vv. rất là cao, gây nên một sự lãng phí khủng khiếp về nhân lực, trí tuệ, tiền bạc.

- Hệ thống các Grandes Ecoles (do lịch sử để lại, mà định nghĩa là các trường có « hướng nghề nghiệp », như kỹ sư, chuyên viên cao cấp về Thương mại, Thú y, vv…) được tổ chức bên ngoài các Universités, không bị ràng buộc bởi cái định nghĩa thứ nhì của bằng tú tài (premier grade universitaire), nên được tuyển sinh qua kỳ thi tuyển chặt chẽ ở mức tú tài+2. Các thí sinh được luyện thi trong hai năm (và được lưu ban một lần) trong một số trường trung học (các lớp luyện thi này gọi là Classes préparatoires aux Grandes Ecoles, C.P.G.E., cũng tuyển học sinh qua hồ sơ ; xin xem thêm (1)). Do được tuyển kỹ (2 lần như vậy), nên khi thi tuyển lọt được vào một Grande Ecole, thì không có vấn đề không học nổi; lưu ban, bỏ học (rất hiếm) nữa. Nói chung là đã vào trường thì học thành công cho đến lúc ra trường. Và khi đã tốt nghiệp ra trường, thì dễ kiếm việc. Nhưng số sinh viên của hệ này là thiểu số so với số sinh viên ghi tên ở Université.
 

Từ việc phân biệt rõ ràng hai hệ thống giáo dục đại học ở Pháp kể trên, có thể nêu ra mấy nhận xét sau đây:
 

- 1/ Một số người, do không hiểu 2 hệ thống kể trên, đem so sánh hai năm đầu ở Université với hai năm đầu của Grandes Ecoles, thì rõ ràng là vô nghĩa. Nếu muốn so sánh thì, cùng lắm, phải so sánh năm thứ ba của Universités với năm đầu của Grandes Ecoles.
 

- 2/ Cũng vô nghĩa khi « xếp hạng » lẫn lộn Universités Grandes Ecoles : vì tầm cỡ (một Université với vài vạn sinh viên, một Grande Ecole với tối đa vài nghìn sinh viên), vì mục tiêu (nói chung Grandes Ecoles có mục tiêu «  nghề nghiệp », thường là một ngành, trong khi Universités là đa khoa), vì mức độ bằng cấp (Grandes Ecoles nói chung, đầu vào ở mức tú tài +2, phát bằng ở mức tú tài +5, trừ một số nhỏ cũng gọi là Grands Etablissements được quyền cấp bằng tiến sĩ (2), trong khi các Universités đảm nhiệm từ tú tài +1 cho đến cấp tiến sĩ, hay cao hơn hơn nữa : cấp HDR [Habilitation à Diriger des Recherches]).
 

- 3/ Các lớp luyện thi vào Grandes Ecoles (C.P.G.E.), ở mức tú tài +1 và tú tài +2, như đã kể trên, do các giáo viên của những trường trung học « bảnh » đảm nhiệm. Loại nhà giáo này, coi như ưu tú của hệ phổ thông, là những người có bằng agrégé de l’enseignement secondaire (xưa kia tiếng ta dịch là « thạc sĩ » (3), nay từ tiếng Việt này dùng để chỉ bằng Master, cho nên xin đừng lẫn lộn) đỗ hạng cao. Nói tóm gọn, Agrégé là loại bằng thi tuyển, dành cho những thí sinh có bằng cấp mức tú tài +4 cộng thêm 1 năm luyện thi, thi tuyển theo kiểu ban giám khảo ra đầu bài thi viết và vấn đáp, lấy đỗ cao thấp theo số chỗ (năm 2008, số chỗ agrégé cho tất cả mọi ngành là 1245). Dù là một kỳ thi tuyển « khó », những nhà giáo agrégé này không phải là nhà giáo đại học, không buộc có bằng tiến sĩ, không buộc có công trình nghiên cứu khoa học. Tóm lại, ở mức C.P.G.E., không có chuyện nhà giáo vào ngồi trên bục giảng nêu vấn đề, để rồi sinh viên « trầm tư mặc tưởng ». Hai năm học này là hai năm dạy và học rất căng, rất nghiêm túc, chặt chẽ, luyện cho học sinh một cách học có quy củ, có phương pháp, và khẩn trương. Ở mức độ này, học sinh phải hấp thụ các kiến thức cơ bản đã có của thế giới, chưa có chuyện mày mò sáng kiến. Nếu ai tán dương sự thành công của hệ thống Grandes Ecoles, thì đừng có lẫn lộn việc học căng (dạy nhiều học nhiều nhưng phải tiêu hoá được) với việc học vẹt (nhồi mà học sinh không hiểu). Việc tổ chức hai năm đầu giáo dục đại học nên làm như thế nào, đó là một vấn đề có thể bàn cãi, nhưng đừng lẫn lộn, khi dẫn thí dụ giáo dục đại học của Pháp để rút kinh nghiệm.
 

- 4/ Hai năm đầu giáo dục đại học, trong hai hệ khác nhau này ở Pháp, cũng góp phần làm ta nên suy nghĩ về cái bằng tú tài Pháp và định nghĩa của nó. Và từ đó, nên cân nhắc cái hại của đề án gộp thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học ở ta, vì 2 mục tiêu của 2 kỳ thi rất khác nhau, và theo ý tôi : việc « tuyển sinh vào đại học » quan trọng hơn việc đánh giá trình độ « tốt nghiệp trung học phổ thông ». Tôi đã nhiều lần phát biểu điều này trên sách báo (4). Tôi nghĩ rằng trách nhiệm về đề án gộp thi này thuộc về quan chức của Bộ Giáo dục Đào tạo, chứ nêu việc « trưng cầu dân ý » làm bằng chứng của sự đồng thuận nào đó, sẽ không phải là một kết quả chính xác khi các lý lẽ không được trình bày tường tận.


 

Chú thích :
 

(1) Nguồn: Historique des classes préparatoires (aux Grandes Ecoles), bài của Bruno Belhoste, và con số sinh viên CPGE ở đây

(2) Tên gọi phức tạp, xin xem thêm ở đây

(3) Từ này xuất hiện từ những thập niên 30 của thế kỉ 20, với những vị “thạc sĩ” như Hoàng Xuân Hãn (Toán), Ngụy Như Kontum (Lý-Hóa), Trần Đức Thảo (Triết), Phạm Duy Khiêm (Văn phạm Pháp), Phạm Huy Thông (Sử-Địa)…

Cùng đừng nhầm lẫn với agrégé de l’enseignement supérieur, thuở xưa còn gọi là agrégé des facultés dạy đại học, cho các ngành Luật, Kinh tế, Chính trị (hiện còn tồn tại) và Y, Dược (nay đã bỏ). Có thể đọc chi tiết trong mấy bài của tôi trong mạng http://www.buitronglieu.net.

(4) Một phần lý lẽ nêu trên đây, đã được trình bày trong mấy cuốn sách của tôi, mời bạn đọc nào muốn biết chi tiết, xin mở đọc trang mạng : http://www.buitronglieu.net trong đó có toàn bộ 4 cuốn sách của tôi đã xuất bản trong nước, và một cuốn sách thứ 5, chưa xuất bản, là một "tạp ký bỏ ngỏ: "Hướng về quê cũ lúc chiều tà" gồm các bài báo gần đây của tôi mới đăng (trong đó có bài « Nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm: Mắc vào khó gỡ », Tiền Phong ngày 4/10/2007) và sẽ dần dần sẽ cập nhật.

Đã đăng trên Diễn Đàn

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bùi Trọng Liễu