Mục tiêu và hiệu quả của trường đại học tại chức

2007.01.18

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Xin tải xuống để nghe

"Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" là câu nói mỉa mai đã trở thành tục ngữ tại Việt Nam từ nhiều năm nay và xã hội hình như cũng mặc nhiên thừa nhận tình trạng bết bát này trong nền giáo dục đại học tại chức của Việt Nam. Mặc Lâm tìm hiểu vấn đề này và trình bày sau đây, mời quý vị theo dõi.

 

“Nồi cơm”?

Vào những ngày cuối năm 2006 trong dịp tường trình trước Quốc hội, bộ trưởng bộ Giáo Dục Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân khi được hỏi về tình trạng đại học tại chức, đã thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là nồi cơm của các trường Đại Học và không dễ gì một sớm một chiều có thể thay đổi được.

Câu trả lời của ông lập tức được phản hồi từ nhiều phía từ người dân, đến truyền thông báo chí, và đa số đều không đồng tình với cách trả lời thụ động, mặc dù gần đây ông được đánh giá là vị Bộ trưởng năng động nhất của Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Báo chí đặt nhiều nhận xét gián tiếp về việc này.

Tờ Hà Nội Mới Online cho rằng bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chưa có cái nhìn thấu đáo khi xem việc đó đơn giản chỉ là nồi cơm và cách nghĩ, cách nhìn này đã đưa tới việc rẻ rúng của xã hội khi nhìn loại hình đào tạo tại chức.

Người dân không khỏi thắc mắc tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy khi một bộ trưởng muốn thay đổi cách làm việc trong thẩm quyền cũng không thể mạnh tay cải tổ hệ thống mà mình là người lãnh đạo?

Báo chí liên tiếp đưa ra những câu hỏi khó khăn, mà muốn trả lời thỏa đáng, ngành Giáo Dục Việt Nam phải tự vấn mình một cách thành thực trước khi đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết những tồn động lưu cữu này.

Trước nhất, ngành Giáo Dục phải xác định cho bằng được là thành lập hệ Đại Học Tại Chức với mục tiêu gì. Mục tiêu này có phù hợp với vai trò xã hội học tập mà Việt Nam đang mưu cầu hay không, và liệu việc làm này sẽ có hiệu quả thật sự cho người học, người dạy hay chỉ là hiệu quả ảo.

 

Chạy điểm, chạy bằng

 

Tiến Sĩ Trần văn Hiển hiện đang giảng dạy tại Đại Học Clearlake-Houston và đã nhiều lần về Việt Nam công tác giáo dục cho nhà trường đã đưa ra nhận xét về tình trạng này:

“Đại học tại chức ở Việt Nam thành thật mà nói cái mô hình đó chất lượng rất là kém và không có ai bảo đảm khả năng người có bằng đại học tại chức về chất lượng mặc dù họ có bằng cấp tại chức do nhà nước chứng nhận. cái bằng tại chức là cái bằng mà chất lượng của nó rất là mù mịt.”

Một hệ thống giáo dục được tập trung chủ yếu vào việc nuôi dưỡng, tăng thu nhập cho cán bộ giảng dạy sẽ không cách nào nâng cao được kiến thức cho người đi học. Một mục tiêu nữa, xét theo thực tế, là do quy định buộc quan chức đảm nhận chức vụ nào đó thì phải có bằng cấp tương xứng. Do vậy mới nẩy sinh ra chuyện chạy điểm, chạy bằng, thay vì phải lo nâng cao kiến thức, trình độ của giới hữu trách.

Một thực tế khác là trong khi sinh viên mới ra trường có đủ bằng cấp, lại không được tuyển dụng vì thiếu những tiêu chuẩn không được xác định minh bạch cho lắm.

Mô hình vừa học vừa làm không có gì mới đối với các nước Tây phương nhưng cách áp dụng tại Việt Nam mới là vấn đề cần được xem xét lại.

Chúng tôi hỏi chuyện Giáo Sư Hoàng Tụy hiện đang giảng dạy trong nước về những suy nghĩ của ông trước những câu hỏi có tính thời sự này. Ông cho biết:

“Đại học tại chức theo sự hiểu biết của chúng tôi là người theo học ngoài thời gian lao động của họ. Đại học tại chức không riêng gì xã hội ta mà ở xã hội tiên tiến lại càng cần hơn. Có điều là ở Việt Nam nó biến tướng ra, thường thường thì các quan chức từ nhỏ đến to theo học, còn những người không chức quyền thì có thể gọi họ là bổ túc văn hóa mà thôi.”

 

Cần phải thay đổi

Gánh nặng tại chức sẽ không thể thoát ra nếu chưa nhận thức đứng đắn cả về việc học lẫn việc dạy. Chính sách lương bổng trong giáo dục khi nào còn bất hợp lý thì khi đó vẫn còn những hình ảnh tệ hại trong ngành giáo dục xuất hiện.

Mới đây trong chuyến viếng thăm Việt Nam, cựu Thủ tướng và cũng là người có công lớn nâng Singapore lên ngang tầm quốc tế là ông Lý Quang Diệu, đã thành thật khuyến cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng "Quan trọng là không để sự trì trệ nằm trong dòng chảy của mình. Đó là việc làm cần thiết mặc dù đôi khi sẽ không được ủng hộ".

"Đôi lúc chúng ta phải làm mạnh vào những thời điểm không còn bộ óc mới, ý tưởng mới, không còn đủ dũng khí" "Mạnh dạn có người mới thay thế là cách giúp Singapore không trì trệ". Ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh là "Việt Nam đang ở trong giai đoạn quan trọng để phát triển trong 5 năm tới, do đó, rất cần những người trẻ, năng động, nhiệt huyết làm, không thể thả lỏng.”

Ông chia sẻ cách quản lý của Singapore, "chúng tôi ra Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản học, sau đó quay về tạo sự thay đổi. Sự thay đổi đó có thể đảo lộn nhưng đó là điều tốt và cần thiết. Việt Nam cũng cần như vậy. Và đây có thể là một cuộc cách mạng nhỏ".

Huấn luyện tại chức những quan chức thiếu văn hóa, kiến thức chuyên môn, không phải là thay đổi để xóa sự trì trệ, mà có khi còn góp phần tạo thêm tệ nạn trong lãnh vực giáo dục nữa.