Một đề nghị cải cách chức danh “giáo sư”

Vietsciences-  Nguyễn Văn Tuấn        01/03/2011

 

Những bài cùng tác giả
 

Năm 2010, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) vừa tiến phong cho 71 giáo sư và 507 phó giáo sư.  Tính từ đầu thập niên 1980 đến nay, nước ta đã có gần 9000 giáo sư, trong số này có 1407 giáo sư.  Mặc dù chức danh giáo sư trên danh nghĩa dành cho những nhà khoa bảng giảng dạy và nghiên cứu trong đại học, ở nước ta chỉ có khoảng 2100 giáo sư và phó giáo sư (tức chưa đến 1 phần 4) thực sự giảng dạy trong các đại học.  Theo tôi, cần có một sự cải cách trong việc tiến phong và phân nhóm giáo sư để phù hợp với tình hình phát triển khoa học và công nghệ nước nhà. 


Chức danh giáo sư và hệ thống khoa bảng 

Hệ thống thang bậc khoa bảng trên thế giới có nhiều khác biệt, và đã trải qua nhiều thời kì cải cách.  Trong các trường đại học Tây phương, người ta phân biệt ba cấp khoa bảng mà tôi tạm gọi [theo chức năng và trình độ] là: tập sự, trung cấp, và cao cấp.

Ở bậc tập sự gồm các chức vụ như Teaching Assistant, Tutor. Proctor, v.v...  Những nhân viên này có trách nhiệm làm phụ giảng, chấm bài thi, giám thị trong phòng thí nghiệm, v.v…

Ở bậc trung cấp gồm những nhân viên khoa bảng mang học hàm như Lecturer (ở Anh và Úc), Maitre Assistant (Pháp) và Assistant Professor (Mĩ).  Những nhà khoa bảng này là những người đang ở bước đầu trong nấc thang sự nghiệp khoa bảng, có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy sinh viên và làm nghiên cứu hoặc độc lập, hoặc dưới sự chỉ đạo của các giáo sư thâm niên.

Trên trung cấp một bậc là những nhân viên khoa bảng mang học hàm Reader, hay Senior Lecturer (ở Anh và Úc), Maitre de Conférence (Pháp) và Associate Professor (Úc và Mĩ).  Những người này là những nhà khoa bảng đang ở trong thời kì "quá độ" để chuẩn bị được đề bạt lên một chức vụ khoa bảng cao nhất trong hệ thống học hàm đại học.  Trong đại đa số, họ cũng là những nhà nghiên cứu độc lập và có ít nhiều uy tín trong chuyên môn cấp quốc gia và quốc tế.

Cao nhất là các chức danh Professor.  Họ là những nhà khoa bảng kinh nghiệm lâu năm và quá trình nghiên cứu có uy tín trên trường quốc tế.  Họ cũng thường là những chuyên gia hàng đầu trong một chuyên ngành và có nhiều đóng góp đáng kể cho chuyên ngành cấp quốc tế.

Nói chung, các đại học trên thế giới hiện nay có xu hướng đơn giản hóa hệ thống chức danh khoa bảng theo mô hình của Mĩ.  Theo mô hình này, có 3 chức danh chính: assistant professor, associate professor, và professor.  Các đại học Á châu và một số ở Âu châu đã dần dần chuyển sang hệ thống 3 bậc giáo sư của Mĩ.  Ngay cả một số đại học Úc từng theo truyền thống Anh quốc (có 4 hay 5 bậc chức danh) ngày nay cũng bắt đầu chuyển hướng sang mô hình đơn giản của Mĩ.

Ở Việt Nam ta, hệ thống khoa bảng có vẻ đơn giản hơn.  Hiện nay, chúng ta chỉ có hai chức danh “phó giáo sư” (được xem là tương đương associate professor) và “giáo sư” (professor).  Thật ra, từ “phó” có lẽ không chính xác, bởi vì trong thực tế, người mang danh phó giáo sư chẳng làm phó cho ai cả, mà họ là những nhà nghiên cứu độc lập, thậm chí còn giữ chức vụ hành chính cao hơn cả giáo sư.


Chức danh giáo sư Ta và giáo sư Tây

Ở hầu hết các đại học phương Tây và Á châu, chức danh giáo sư là một chức được bổ nhiệm.  Và tính bổ nhiệm, nên chức danh giáo sư cũng có thời hạn nhất định.  Thông thường, chức danh giáo sư có thời hạn từ 3 đến 5 năm.  Sau thời hạn đó, ứng viên phải làm thủ tục được bổ nhiệm lại (renew).  Sau khi nghỉ hưu, tùy vào trường hợp, có nhiều người không có quyền dùng danh xưng “giáo sư” trước tên mình.

Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, chức danh giáo sư được xem như là một phẩm hàm.  Vì là phẩm hàm, nên người được tiến phong có quyền sử dụng danh xưng này suốt đời.  Ngày nay, qua vài lần cải cách, chức danh giáo sư không còn là một phẩm hàm, nhưng người được tiến phong chức danh vẫn phải tìm một cơ sở giáo dục để nghiên cứu hay giảng dạy.

Ở các nước trong vùng hay phương Tây, chức danh assistant professor, associare professorprofessor thường gắn liền với một trường đại học. Đó là những chức danh do trường đại học cấp, dựa theo những tiêu chuẩn về thành tích nghiên cứu khoa học, thành tựu trong giảng dạy và đào tạo, mức độ đóng góp cho chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế, mức độ đóng góp cho cộng đồng.
Vì là chức danh của một trường đại học cụ thể, giáo sư của một trường này không hẳn sẽ được công nhận ở một trường khác.  Trên thế giới, và ngay cả trong cùng một quốc gia, không phải đại học nào cũng như nhau về mặt chất lượng.  Do đó, tiêu chuẩn đề bạt chức danh giáo sư cũng rất khác nhau giữa các đại học.  Một người có thể là giáo sư ở đại học A, nhưng nếu chuyển đến đại học B thì có thể chỉ là phó giáo sư, hay thậm chí thấp hơn.

Ngược lại với qui chế ở nước ngoài, Việt Nam có qui chế tiến phong chức danh theo mô hình tập trung.  Theo mô hình này, chức danh giáo sư do HĐCDGSNN xét duyệt và phong tặng sau khi ứng viên đã trải qua xét duyệt ở cấp cơ sở và đã đạt những tiêu chuẩn do HĐCDGSNN đề ra.  Người được đề bạt chức danh giáo sư có khi không gắn liền với một trường đại học nào.  Thật vậy, trong số gần 9000 giáo sư và phó giáo sư đã được tiến phong trong gần 30 năm qua, hơn 75% không làm việc trong các đại học.  Rất nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính và quản lí tuy không làm nghiên cứu khoa học hay giảng dạy nhưng cũng mang chức danh giáo sư!  Đó là một điều bất bình thường.

Cần cải cách chức danh giáo sư

Trong trào lưu tương tác giữa đại học, chính phủ và kĩ nghệ, cần phải có qui chế về chức danh cho những người không làm việc trong các đại học.  Ở các nước phương Tây, một số chuyên gia tuy không nằm trong biên chế của đại học, nhưng do có những đóng góp cho đại học qua giảng dạy và nghiên cứu cũng có thể được phong chức danh giáo sư, nhưng tiêu chuẩn rất khác với các giáo sư của đại học.  Theo tôi, cơ chế này cũng có thể áp dụng cho Việt Nam.

Tôi đề nghị phải phân biệt rõ giữa 2 loại giáo sư chính thức và giáo sư không chính thức.  Giáo sư chính thức là những người thuộc biên chế của đại học và nhận lương từ đại học.  Giáo sư “không chính thức” là những người không phải của đại học và cũng không nhận lương từ đại học, nhưng có đóng góp hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho đại học.  Do đó, ngoài việc phong chức danh cho các giáo sư như hiện nay, cần phải phát triển những tiêu chuẩn cụ thể cho các giáo sư không chính thức (không nằm trong biên chế của đại học).  Theo đó, cần phải có những chức danh giáo sư kiêm nhiệm, giáo sư danh dự, cựu giáo sư, và giáo sư thỉnh giảng.

Giáo sư kiêm nhiệm:  Ở các nước phương Tây, người ta có chức danh conjoint professor hay adjunct professor, có thể tạm dịch là giáo sư kiêm nhiệm. Trong một số ngành như y khoa, kinh tế, và kĩ thuật, chức danh giáo sư có thể trao tặng cho những chuyên gia tuy không làm trong đại học, nhưng có đóng góp cho đại học, có hợp tác chặt chẽ với đại học qua nghiên cứu khoa học hay giảng dạy qua hình thức seminar và workshop.  Trong các bệnh viện, một số bác sĩ chuyên khoa cao cấp, tuy nhiệm vụ chính không phải là nghiên cứu khoa học nhưng có đóng góp trong việc huấn luyện thực tập sinh, cũng có thể được bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm.  Đây là một hình thức tăng cường sự hợp tác giữa đại học và các trung tâm ngoài đại học như bệnh viện, cơ sở kĩ nghệ và quản lí.

Giáo sư danh dự: Hầu như tất cả các trường đại học ở các nước phương Tây đều có những kế hoạch để biểu dương tên tuổi và danh tiếng của trường mình đến với thế giới bên ngoài.  Để đạt được mục tiêu này, các trường đại học thường dùng chính sách cấp học vị và học hàm danh dự cho những nhân vật quan trọng trong cộng đồng.  Những học vị và học hàm danh dự được trao tặng thường là những văn bằng và chức vụ cao nhất trong đại học như Honorary Professor (giáo sư danh dự).  Người được trao tặng không nhất thiết phải là cựu sinh viên hay cựu nhân viên của trường, cũng không cần phải có quá trình học vấn nào, mà có thể là một nhà hoạt động chính trị, nhà hoạt động xã hội, một nghệ sĩ, nhà báo, công chức … có uy tín tốt.  Ở Úc, cựu Thủ tướng Paul J. Keating, người có trình độ học vấn cấp phổ thông trung học, sau khi rời chính trường, được Trường Đại học New South Wales trao tặng học hàm “Honorary Professor”, để ghi nhận đóng góp của ông trong nỗ lực đem tên tuổi đại học và nước Úc vào thị trường kinh tế Á châu.

Cựu giáo sư: Những giáo sư đã nghỉ hưu nhưng đã và đang có đóng góp quan trọng cho trường đại học cũng cần phải được ghi nhận.  Một trong những hình thức thực tế nhất để ghi nhận đóng góp của những chuyên gia này là phong cho họ chức danh cự giáo sư mà tiếng Anh hay gọi là Emeritus Professor.  Ở các đại học phương Tây, chỉ có một số giáo sư (sau khi nghỉ hưu) có chức danh này.
Giáo sư thỉnh giảng (Visiting Professor) là một chức danh khá phổ biến trong các đại học và viện nghiên cứu phương Tây.  Đây là một loại chức danh được phong tặng cho các nhà khoa học ngoài đại học để họ đến giảng hay nghiên cứu tại đại học trong một thời gian ngắn (thường từ 3 tháng đến 1 năm).  Đây cũng là một hình thức mà các đại học ở các nước đang phát triển “bóc lột” tri thức từ các chuyên gia có tên tuổi một cách khá hữu hiệu.  Thông thường, trường đại học mời các nhà khoa học hay giáo sư nước ngoài có uy tín tốt về một chuyên ngành tiêu ra một thời gian ngắn tại đại học để trao đổi với các giáo sư và nghiên cứu sinh, và qua đó tăng cao khả năng nghiên cứu của trường.  Giáo sư thỉnh giảng thường được đại học trả lương trưng, nhưng đại học tài trợ các chi phí ăn ở và đi lại trong thời gian lưu lại tại đại học.

Tất cả những chức danh giáo sư kiêm nhiệm, giáo sư danh dự, cựu giáo sư, và giáo sư thỉnh giảng là một hình thức nhằm tăng cường mối liên hệ và tương tác giữa đại học với viện nghiên cứu hay kĩ nghệ.  Cần phải có những tiêu chuẩn cho các chức danh giáo sư “không biên chế” như trên, và những tiêu chuẩn này phải “nhẹ” hơn tiêu chuẩn cho các giáo sư biên chế.  Ở các đại học phương Tây, người ta ghi rõ người được phong các chức danh trên đây khi công bố công trình nghiên cứu phải đề tên đại học trong địa chỉ tác giả, chỉ được sử dụng chức danh giáo sư trong những trường hợp thích hợp và cụ thể.  Chẳng hạn như người có chức danh giáo sư kiêm nhiệm chỉ được xưng là “Adjunct Professor” (kèm theo tên trường đại học), chứ không được xưng “Professor”.

 

***

 
Chức danh giáo sư là một chức danh cao quí.  Các giáo sư là một phần của bộ mặt của khoa học Việt Nam.  Vì thế, xã hội có quyền đặt kì vọng cao vào những nhà khoa học mang chức danh giáo sư.  Xã hội muốn thấy những người mang hàm giáo sư phải có khả năng tương xứng với đồng nghiệp quốc tế, và có đóng góp thực sự cho sự phát triển khoa học nước nhà.  Trong chiều hướng hội nhập quốc tế có lẽ đã đến lúc chúng ta xem xét lại các tiêu chuẩn và ngạch đề bạt giáo sư ở nước ta. 

 
 
Trên thế giới và cả ở nước ta chức danh giáo sư đã trải qua nhiều thay đổi.  Những năm gần đây, nước ta cũng có thay đổi về tiêu chuẩn và qui trình phong chức danh này, tuy có cải tiến theo chiều hướng tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải xem lại để phù hợp với chuẩn mực quốc tế.  Chẳng hạn như việc tính điểm một cách máy móc để làm chuẩn cho việc phong giáo sư theo tôi là không hợp lí và hàm chứa nhiều cơ hội cho tiêu cực.  Tuy nhiên, một trong những điều bất cập hiển nhiên nhất hiện nay là chưa phân biệt được chức danh giáo sư biên chế của đại học và giáo sư kiêm nhiệm, nên dẫn đến tình trạng chỉ có khoảng 1/4 giáo sư thực sự giảng dạy và nghiên cứu khoa học.  Để tránh tình trạng nhập nhằng này, tôi đề nghị cần phải tạo ra những chức danh giáo sư mới và tách bạch những giáo sư thực thụ với những giáo sư kiêm nhiệm, giáo sư danh dự, cựu giáo sư, và giáo sư thỉnh giảng.

TB. Bản ngắn hơn đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần với tựa đề : Chức danh “giáo sư”: cần cải cách

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Văn Tuấn