Những bài cùng tác giả
Ba chẳng, bốn vì. Đọc được không cấm, và cấm không được đọc.
Thỉnh thoảng đọc tin ở châu Âu, thấy có người lái xe chạy lộn chiều xa lộ.
Xét ra, thủ phạm hoặc là người già lẩm cẩm, hoặc là người trẻ say rượu hay
say ma túy. Xe chạy lộn chiều gặp xe chạy xuôi chiều thì chắc chắn là "đón
đầu" tai họa. Chuyện lộn chiều khác chuyện "đổi chiều"; đổi chiều hợp lý
thì không cứ phải là chuyện xấu.
Như ai ai cũng biết, ta học mượn viết nhờ chữ Hán trong nhiều thế kỉ – thực
ra chữ Nho đọc lên thì người Tàu chẳng hiểu, mà người dân ta bình thường
cũng chẳng hiểu – rồi rốt cục cũng lòi ra được thứ chữ Nôm bất nhất và rất
khó học, mà cũng không dùng làm chữ viết chính thức của nước mình (1); đến
đầu thế kỉ 20 dần dần chuyến sang chữ Quốc ngữ; và đến khi thành lập Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945, thì chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính
thức (2).
Chữ Hán chữ Nôm viết (theo cột) từ phải sang trái, chữ Quốc ngữ viết từ trái
sang phải. Chữ Quốc ngữ rất thuận lợi cho người Việt Nam, ai ai cũng thấy.
Thay đổi cách viết, đó là "đổi chiều", không phải là "lộn chiều".
Để minh họa cho cái ý "lộn chiều", tôi xin dùng câu chuyện tiếu lâm sau
đây – có lẽ được chế biến đầu thế kỉ 20 vào lúc giao thời đổi mới : Có thày
đồ nho ở quê, mới học được chữ Quốc ngữ, tự hãnh diện là mình tư duy đổi
mới. Thày ra tỉnh có việc. Gặp lúc thày mót tiểu tiện, loay hoay không biết
làm sao. Tình cờ thấy có bức tường bao quanh một công sở quét vôi sạch sẽ,
trên đề bốn chữ Quốc ngữ. Thày mừng quá, vạch quần ra đái ngay dưới chân
tường. Có người cảnh binh đến bắt phạt. Thày bảo : "Sao lại phạt ? Tôi đọc
rõ ràng bốn chữ "đái được không cấm". Người cảnh binh trả lời: "Ông nhầm
rồi. Chữ quốc ngữ đọc từ trái sang phải. Không phải là chữ Nho, mà đọc từ
phải sang trái. Bốn chữ này là “cấm không được đái” đấy!».
“Lộn chiều” là như vậy. Đặc biệt là tôi muốn nói đến Giáo dục đại học ở nước
ta. Các nước tiên tiến trên thế giới, có cả hàng thế kỉ để rút kinh nghiệm
cho giáo dục đại học của họ, với những thành quả có kiểm nghiệm. Nếu thực
hiểu cách làm của họ thì rút ngắn được con đường mình đi. Còn nếu đi lộn
chiều, thì chỉ hỏng việc. Tôi không nói lê thê, chỉ xin nêu vài thí dụ:
Nước người ta, lo đào tạo nhân sự trước, có đủ giảng viên rồi thì mới tính
chuyện mở đại học, xây giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, trang bị và
tuyển sinh. Không ai làm ngược lại, trừ ta làm theo kiểu cho mở vung vãi
trường đại học, tuyển sinh, xây phòng ốc, rồi mới lo kiếm giảng viên.
Nước người ta, phải học hành và được đào tạo có thành quả, rồi mới được bổ
nhiệm vào chức vụ; không có chuyện bổ nhiệm vào chức vụ rồi mới cho học bổ
túc – nếu học thật thì vấn đề đã không trầm trọng – để có bằng cấp hoành
tráng để thăng quan tiến chức.
Nước người ta, có thành quả rồi mới đánh giá xếp hạng cao thấp, không có
việc họp cả mấy chục buổi bàn đi bàn lại, để rồi khẳng định rằng đến năm này
năm nọ thì có bao nhiêu đại học lọt bảng top gì gì đó. Nước người ta phát
triển mạnh giáo dục, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, do đó đến lúc nào đó họ
có được giải Nobel khoa học, chứ không phải là cứ ngồi trong văn phòng, dựa
trên những thành tích chưa có, để phán ra rằng tới năm này năm nọ là sẽ có
được giải Nobel khoa học.
Trong trường hợp một nước có chính quyền tập trung, như nước Pháp, (nói thật
tóm tắt) cho tới nay, người ta bổ nhiệm giáo sư đại học theo trình tự: hội
đồng toàn quốc xét duyệt các hồ sơ khoa học để quyết đinh trước ai có thể là
ứng viên giáo sư đại học (để giữ được giá trị tối thiểu cho cả nước), rồi
sau đó, các hội đồng khoa học từng trường mới xét hồ sơ ứng viên để tuyển
chọn. Không có chuyện cơ sở đề nghị rồi hội đồng toàn quốc "phong chức danh" giáo sư, phong rồi mới đi tìm trường để cài chỗ (3).
Đấy là vài ví dụ đúng/lộn chiều.
Là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tôi cũng biết rằng có sự tế nhị
khi phải phát biểu về việc làm của trong nước (dù cho có lời khẳng định
chính thức rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không
thể tách rời của dân tộc).
Hơn thế nữa, tôi cũng biết là có người cho rằng hiện nay những ai ngoài hệ
thống quản lý giáo dục thì không nên phát biểu, vì lẽ rằng những người trách
nhiệm đang trong trạng thái "ba chẳng": "có ai nói cũng
chẳng nghe; có
nghe cũng chẳng hiểu ; có hiểu cũng
chẳng theo".
Tôi nghĩ khác, do "bốn vì". Thứ nhất là vì tôi không vơ đũa cả nắm. Thứ
nhì là vì nhân sự không vĩnh viễn. Thứ ba là vì đất nước không là của riêng
ai, còn có công luận. Thứ tư là vì lời phát biểu còn có dấu vết, hậu thế sẽ
phán xử.
Tất thế nào cũng có người phản biện, bảo là tôi không nói đến những thành
tựu, chỉ đem chuyện ngụ ngôn để ví von, nêu bức xúc, mà không đề nghị giải
pháp cụ thể. Thưa rằng về những thành tựu vẻ vang thì Bộ Giáo dục Đào tạo đã
luôn luôn có văn bản rồi (cũng như những kết quả đạt được về kinh tế thì mấy
quan chức đã có nhiều dịp để trưng), tôi có phụ họa cũng là thừa ; còn về
những bất cập thì tôi có đề nghị giải pháp mãi rồi đó, từ 1975 đến nay.
Không những tôi đề nghị về mặt cá nhân, mà tôi còn tham gia góp phần kiến
nghị tập thể nữa. Ai không tin, xin mời kiểm chứng trong trang mạng của tôi
http://www.buitronglieu.net, trong đó tôi có chép lại 4 cuốn sách của tôi đã
xuất bản trong nước, có giấy phép hẳn hoi, có gửi biếu cả quan chức to nhỏ,
và chép lại 34 bài báo của tôi gần đây, hầu hết là đăng trên báo trong nước.
Nghĩa là những tài liệu "đọc được không cấm", chứ không phải là loại tài
liệu "cấm không được đọc".
Những kiến nghị cá nhân tôi nêu từ nhiều năm nay gồm nhiều điểm, như : sự
cần làm an tâm nhà giáo, không nên đi ngược lộ trình mà nhiều nước tiên tiến
đã đi và có trải nghiệm để nước ta có thể tiến nhanh mà không mắc sai lầm,
chớ nên để số lượng đè chất lượng, khiêm tốn thì dễ thành công, vấn đề giảng
dạy bằng tiếng nước ngoài lợi hại như thế nào, …, và đặc biệt cho giáo dục
đại học là đề nghị giải pháp đại học hoa tiêu – (đề nghị công trình cỡ nhỏ
mà cả chục năm chưa thực hiện nổi, sao lại đòi thực hiện công trình khổng
lồ, trừ khi muốn tung hỏa mù!).
Tôi viết bài này vào thời điểm đã chuyển từ năm Chuột sang năm Trâu. Chuột
là con vật đẻ nhiều, lại gặm nhấm cũng dữ, gây nhiều tai họa. Liên tưởng tới
năm Chuột, là nghĩ tới chuyện đã đẻ ra bao nhiêu đề án, mở vung vãi bao
nhiêu trường đại học và cao đẳng, ngốn hàng bao nhiêu tỉ, mà không thấy kết
quả, không thấy lối ra. Con Trâu là con vật cần cù, nó cặm cụi kéo cầy nuôi
sống bao nhiều thế hệ người Việt Nam, nó là con vật có hiệu quả khi chưa có
những phương tiện tối tân để thay thế nó. Tất nhiên nó không được dùng để
phô trương hào nháng như con Rồng, con Hổ. Nghĩ tới tình trạng một nước chỉ
mới ước mơ phát triển nhảy vọt, chỉ mới nhắm hình thức bên ngoài mà chưa có
đề án khả thi và phương tiện thực sự để thực hiện, liên tưởng tới con Trâu
cũng là nghĩ đến sự trở lại với thực tế, cần cù làm ăn xây dựng, có cơ sở
thực sự để tiến lên một cách vững chắc. Đó cũng là lời mong mỏi cho năm Trâu
này.
Chú thích:
(1) Tôi không hề có ý mỉa mai các chuyên gia Hán Nôm mà tôi trân trọng: tôi
rất hiểu vai trò quan trọng của việc sưu tầm các văn bản bằng chữ Nôm đã có,
vì đó là một phần tài sản văn hóa viết của nước nhà. Bản thân tôi cũng thỉnh
thoảng viết chữ Nôm giải trí lúc thư nhàn. Ở đây tôi chỉ phát biểu về sự
hình thành của chữ Nôm và cách sử dụng nó của người xưa. Nhắc lại nhận xét
của ông Dương Bá Trạc (1884-1944), "trong Tiếng gọi đàn" (Nghiêm Hàm ấn
quán, Hà Nội 1925) ông viết :
[…]. Vả mô-phỏng của người mà lại cần phải có tự ý mình suy nghĩ ra: như
người Pháp học văn-chương La-mã mà lập ra được hẳn một nền văn-học riêng;
người Nhật học chữ Hán mà chế ra được thứ chữ bình-giả, phiến-giả, làm một
lối chữ hòa-văn riêng của mình [...]. [Người mình] Bắt chước người Tàu học
chữ Hán mà trong khoảng mấy ngàn năm chỉ học nhờ viết mướn, không hề nghĩ ra
được một thứ chữ quốc-văn nào, trừ ra có một thứ chữ nôm cũng viết bằng chữ
Hán mà ai muốn viết thế nào thì viết, chưa thành lối chữ nhất định [...]
(2) Tôi không biết vì lẽ gì mà chữ Hán ngày nay chuyển cách viết theo kiểu
từ trái sang phải, chắc vì một lý do thuận lợi nào đó. Chỉ biết rằng 1955,
nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa mới quyết định viết từ trái sang phải. Năm
2004, Đài Loan mới theo quy định này. Còn tiếng Nhật thay đổi cách viết từ
trái sang phải sau thế chiến thứ hai, 1946. Lại được biết là các manga (mạn
hoạ) của Nhật, có từ thế kỉ 18, vẫn giữ kiểu viết cũ ; ngay cả bản dịch ở
Pháp cũng có bản dịch in đọc từ phải sang trái. (Cám ơn anh HVT đã chỉ cho
tôi tài liệu dẫn mấy chi tiết này). Xem ra về cách viết này, Việt Nam ta lại
có vẻ "đi trước», ngay từ thời còn bị Pháp bảo hộ. Giấy khai sinh của tôi
(1934) và của các anh chị tôi, nhất là chị cả tôi trước đó (1917) và có thể
trước đó nữa – dùng song song hai loại chữ viết : Quốc ngữ và Nôm – chữ Nôm
đã viết từ trái sang phải (xem hình kèm đây).

Đây là ở Bắc kỳ – (các tên gọi Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ chỉ được chế biến
thời chính phủ Trần Trọng Kim, sau cuộc Nhật đảo chính Pháp, trao lại "độc
lập" cho triều đình Huế ngày11/3/1945) – còn ở Nam kỳ, thuộc địa của Pháp,
thì tôi không biết. Tuy nhiên, qui định còn bất nhất. Năm 1945, tôi còn thấy
các bức hoành phi viết chữ nho từ phải sang trái. Thời chính phủ Trần Trọng
Kim, tuy dùng chữ Quốc ngữ, nhưng ngôn ngữ còn mang nặng kiểu chữ Nho, thí
dụ như tiêu đề của công văn ở Bắc bộ còn viết (bằng chữ Quốc ngữ) : "Việt
Nam Đế quốc, Bắc bộ Khâm sai phủ". Hoặc như trường Trung học bảo hộ (trường
Bưởi) được đổi gọi là "Quốc lập trung học hiệu Chu Văn An", vv. Chỉ sau
Cách mạng Tháng tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới hoàn toàn dùng chữ
Quốc ngữ, nhưng tên nước thì … cũng vẫn chưa gọi "xuôi" là "Cộng hòa Dân
chủ Việt Nam" !
Có một thời, để giễu mấy ông "nghị gật", người ta bảo là khi họp phải biểu
quyết, mấy ông ấy đang "đọc văn bản bằng chữ Nho" : đọc theo cột, từ trên
xuống dưới ; nhưng không nói là gật từ phải sang trái hay ngược lại.
(3) Tôi có viết bài chi tiết về vấn đề này : đó là bài "Trình tự đảo lộn",
đăng trên tạp chí Tia Sáng số tháng 7/2002 trong đó tôi có nói đến quá trình
bàu và bổ nhiệm giáo sư đại học tại Pháp (trước đó, trong nhiều năm, tôi đã
kiến nghị trực tiếp bằng thư). Tôi không chép lại nội dung đây, vì có trong
trang mạng của tôi.
Nhân đây, xin kể lại một sự việc : vào dịp Pháp kỷ niệm 50 năm Đồng minh
chiến thắng Đức quốc xã (tháng 5/1995), một phái đoàn Việt Nam do ông Chủ
tịch nước Lê Đức Anh dẫn đầu sang dự lễ. Vào dịp ấy, tôi gặp ông Bộ trưởng
Giáo dục Đào tạo thời đó cũng là thành viên của đoàn. Tôi hỏi ông tại sao,
nói mãi rồi, mà trong nước cứ tiếp tục "phong hàm" giáo sư, mà không cho "
bàu và bổ nhiệm chức vụ giáo sư" (ở trường đại học) như ở các nước tiên
tiến. Ông trả lời tôi ngắn ngọn : ở nước khác, người ta làm thế, nhưng ở ta
thì không làm như vậy được ! Tôi chả hiểu ông hàm ý nói gì, nhưng có người
xấu miệng lại diễn giải rằng tại nếu làm như nước khác, thì mấy ông quản lý
ở Bộ không được danh giáo sư. Từ 2002 đến nay, đổi gọi "phong hàm" thành "
công nhận chức danh", trên thực tế cũng chỉ là thay đổi từ ngữ, nhưng vẫn
đồng nghĩa : nghĩa là "mèo vẫn hoàn mèo". – (Phòng xa trường hợp có bạn
đọc trẻ không biết xuất xứ của cụm từ này, tôi xin nhắc. Theo "Truyện cổ
nước Nam", có một ông có con mèo quí, muốn tôn xưng nó, (như thấy tôn xưng
vĩ nhân ta của thế kỉ 21 ngày nay) nên ông ta gọi nó con "Trời" ; có người
bảo là "Mây" che được "Trời" ; ông ta bèn chữa gọi nó con "Mây" ; lại
bảo "Gió" thổi được "Mây" ; ông ta đổi gọi nó con "Gió" ; lại bảo
"Vách" (có bản viết "Thành") chặn được "Gió" ; ông ta đổi gọi nó là con
"Vách" ("Thành") ; lại bảo "Chuột" đục được "Vách" ("Thành"); ông ta
đổi gọi nó là con "Chuột" ; lại bảo "Mèo" bắt được "Chuột" ; ông ta
đành lại gọi nó là con "Mèo" vậy).
Đã đăng trên Diễn Đàn
©
http://vietsciences.free.frr
và http://vietsciences.org
Bùi Trọng Liễu
|