Không tăng học phí mà cần tăng năng lực quản lí 

Vietsciences-   Nguyễn Xuân Hãn      08/06/2009

 

Những bài cùng tác giả

        Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục-đào tạo, trong đó có vấn đề tăng học phí của Bộ GD-ĐT, dư luận cả nước quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau. PV. có buổi trao đổi với GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn, người được mời tham gia nhóm nghiên cứu độc lập về vấn đề này.

Kinh phí nhiều nhưng không ai quản lí

PV: GS có nhận xét gì về việc tăng học phí?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Thời điểm này đặt vấn đề tăng học phí là không thích hợp. Thu chi trong giáo dục nước ta chưa minh bạch, người dân gần đây phải đóng thêm thuế thu nhập. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng, ngay các trường đại học kếch xù của Mỹ giảm tới 50 % học phí, kích cầu ở nhiều nước là tăng đầu tư cho giáo dục, còn nước ta lại đặt vấn đề tăng học phí thì e rằng khó có sự đồng thuận. Vào năm 1990, ta có 12 triệu HS&SV, GDP lúc đó chỉ đạt 6-7 tỉ USD, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chỉ có 767 tỉ đồng (tức hơn 120 triệu đô-la theo tỉ giá lúc đó). Đến năm 2008, có 22 triệu HS&SV, GDP vào khoảng 86 tỉ đô-la, ngân sách chi cho giáo dục đạt 81 nghìn tỉ đồng (hơn 4,7 tỉ đô-la, tức gấp 40 lần so với năm 1990, trong khi số lượng HS&SV tăng chưa đến 2 lần). Dự kiến đến 2010 ngân sách Nhà nước sẽ chi 20%, nhưng dự kiến này đã thực hiện trước ba năm, vào năm 2007 đã chi 20% NSNN, đó là một tỉ lệ quá lớn so với các nước khác. Mức đóng góp của dân và các nguồn khác vào tổng kinh phí cho giáo dục, ở các nước cao nhất trên thế giới vào khoảng 20%, còn ở nước ta khoảng 50%. Nếu tính theo GDP, tổng ngân sách chi cho giáo dục ở nước ta là khoảng 9,2% GDP, trong khi đó Mỹ chi 7,2 %, Pháp 6,1%, Nhật chỉ là 4,7% v.v...

 

PV: Liệu giáo sư có thể làm rõ vấn đề thu chi?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Có sự chênh lệch lớn giữa quỹ lương mà ngân sách chi và con số chi lương theo báo cáo của ngành (thực tế khoảng 61, 60% ngân sách, trong khi đó theo báo cáo của Bộ là 85%-90%). Riêng năm 2006, số tiền chênh lệch là khoảng 1.060 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2006 có 876.159 nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục thuộc hệ thống công lập được trả lương từ ngân sách Nhà nước. Khoản dành cho chi thường xuyên của Bộ là 44.957 tỉ đồng. Nếu theo con số của Bộ GD-ĐT, tiền lương chiếm ít nhất 85% số chi thường xuyên thì tổng số lương phải là 38.213,45 tỉ đồng. Với quỹ lương này, bình quân lương của cán bộ quản lí, GV công lập sẽ là trên 3,6 triệu đồng/người /tháng. Tuy nhiên, lương bình quân mỗi GV hiện nay theo con số của Bộ chỉ khoảng 1,5 triệu/người/tháng. Vậy, số tiền hơn hai triệu đồng còn lại đáng lí phải thuộc về GV thì đi đâu? Nếu số tiền này được trả đủ, đúng cho GV thì có lẽ không cần tăng học phí. Phân tích tài chính của hai ĐHQG Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì lương trung bình cho cán bộ trong trường năm 2008 phải là 9 đến 12 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế chỉ là 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Vậy con số chênh lệch này đi về đâu? Mặt khác, năm 2008, Nhà nước đầu tư 4,7 tỉ USD, lương toàn ngành khoảng 1,5 tỉ USD (chiếm 30%), ngày 28-10- 2008 tại cuộc họp lớn của Quốc gia (do đồng chí Trương Tấn Sang chủ trì tại VP TƯ Đảng), chúng tôi đã nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, vậy còn hơn 3 tỉ USD còn lại đi đâu? Câu trả lời rất tiếc vẫn chưa tìm ra (!?).

    Tài chính cho giáo dục từ cơ sở đến Trung ương là một ẩn số. Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Giáo dục cũng từng gọi đây là “bí mật của các bí mật’’.

     

Cách tính học phí có vấn đề, phải chăng cần có tư duy khác?

 

PV: Về cách tính học phí mới theo đề án gần đây, giáo sư nghĩ sao?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Không giống ai, không khả thi và sẽ dẫn đến bất ổn.. Các nước thường giải quyết công bằng cơ hội học tập ở bên ngoài ngành giáo dục. Sự chênh lệch giàu nghèo được xử lí bằng các sắc thuế, như thuế thu nhập, thuế đất v.v... để tái đầu tư lại cho GD. Tại Nhật Bản thuế thu nhập chiếm 30% số tiền thu ngân sách của Nhà nước. Ngược với tư duy các nước, các cơ sở giáo dục ở nước ta một mặt được giao quyền tự chủ về tài chính, mặt khác lại phải thực hiện xóa đói giảm nghèo, là không ổn và không công bằng.

     Trong đề án học phí ở bậc phổ thông quy định thu 6% thu nhập hộ gia đình, nhưng ở nước ta hiện nay mới chỉ tính được thu nhập bình quân ở cấp tỉnh, chưa thể tính được cấp huyện, cấp xã, do đó không có cơ sở phân biệt đến cấp huyện, xã phải đóng học phí thuộc diện nào? Thực tế, theo khảo sát của MTTQ TP Hồ Chí Minh, học phí tại các trường công lập ở địa bàn thành phố đã chênh nhau tới 60 lần (!?).

   Ở bậc đại học, học phí trong đề án được xác định trên cơ sở chia sẻ của Nhà nước với người học. Học phí của ĐH ở các nước chỉ chiếm khoảng trên 30% chi phí hoạt động. Trường ĐH Ha-vớt (Mỹ) có vốn tự có 34 tỉ USD, nhưng 70% chi phí hoạt động do Nhà nước cấp ( GS Mỹ gửi Thủ tướng Phan Văn Khải ngày 22-7-2005), còn ở nước ta lại khác, ta dự kiến tăng dần mức học phí để đủ trả lương cho GV và hoạt động của trường.! Hiện có trường như trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nói “trường phải dành 15% học phí cho học bổng, 15% học phí miễn giảm cho học sinh chính sách, 70% học phí còn lại dùng dể trả lương “nên quỹ lương bị thâm hụt”, trong khi đó có nơi lại tuyên bố trả lương cho GV giỏi có thể trả 5.000 USD/tháng (gấp 20 lần lương trung bình của một GS), như ĐH Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội. Rõ ràng, đề án học phí mới là bất ổn và có mâu thuẫn nội tại.

 

PV: Vậy mâu thuẫn ở đâu ra?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Đổi mới chứ không phải là đổi lối! Trong những năm qua, cùng với việc đổi mới hệ thống giáo dục, ngày càng xuất hiện các khái niệm xa lạ với giáo dục truyền thống nước ta và các nước trên thế giới như “tính đúng tính đủ vào học phí”, “cổ phần hóa các trường học”, “giao quyền tự chủ về tài chính, tổ chức nhân sự chương trình và kế hoạch đào tạo “ ...Những đổi mới kiểu này theo nghiên cứu của chúng tôi, nó nằm trong quan niệm giáo dục là hàng hóa, ra đời vào năm 1994 do tổ chức thương mại quốc tế đề ra. Về thực chất, đây là quan niệm tự do hóa, thị trường hóa, tư nhân hóa nền giáo dục, đi đến bỏ vai trò quản lí của Nhà nước.

PV: Nếu đề án đổi mới cơ chế học phí được thông qua, GS lo lắng nhất điều gì?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Phát triển GD-ĐT theo định hướng XHCN nếu cứ phân vân và đi theo nhiều loại triết lí khác nhau sẽ dẫn tới nhiều rối loạn và đổ vỡ. Là thầy giáo, tôi lo ngại nhất là chuyện học sinh bỏ học Theo số liệu  tháng 10-2008 của Vụ kế hoạch-tài chính (Bộ GD-ĐT), tỷ lệ trẻ em bỏ học là hơn 230 ngàn em (chiếm 1,37%). Theo báo cáo của UNESCO-ngày 3/11/ 2008, số lượng HS bơ học ở  Việt Nam (1 triệu), Philippine (648.000), Myanma (487.000), Thái Lan (419.000) và Indonesia (414.000)... (Dân trí 4/11/2008 )1.

 

PV: Tại kì họp Quốc hội lần này, GS có kiến nghị gì với các đại biểu không?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Giáo dục nước ta đâu có phải vì thiếu tiền mà phải tăng học phí. Nếu thu chi công khai, minh bạch, quản lí tốt và chi tiêu hợp lí, sẽ có thể giảm học phí ở bậc phổ thông.

Tiền chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ làm giáo dục thành công. Ai cũng biết trong những năm chiến tranh , chúng ta thiếu thốn đủ đường, nhưng giáo dục của ta vẫn miễn học phí, có học bổng và có chất lượng. Các thế hệ chúng ta đào tạo được đã đóng góp xứng đáng vào cuộc chiến tranh giữ nước và xây dựng đất nước. Ngoài sự lãnh đạo của Đảng, phải kể đến yếu tố con người lãnh đạo, mà tiêu biểu là các Bộ trưởng GS Nguyễn Văn Huyên và GS Tạ Quang Bửu.

Việc thiếu kinh phí cho giáo dục- đào tạo hiện nay, có nhiều nguyên nhân, bất cập, như việc cải cách triền miên chương trình và SGK ở bậc phổ thông, mặc dù tiêu tốn hàng tỉ USD mà 28 năm qua không làm được chương trình và SGK chuẩn, có chất lượng . Ở bậc đại học, lúc đầu là sao chép suốt 20 năm từ ĐH của Thái Lan không thành công, nay ta lại chuyển sang vay hàng triệu USD để nhập khẩu chương trình từ nước ngoài (!?), Đây là một việc làm thật xa lạ với giáo dục trong nước. Bên cạnh đó là những kế hoạch quá xa vời, lãng mạn như đào tạo 2 vạn TS, thành lập 600 trường đại học, cao đẳng (hiện nay ta có khoảng 430 trường, trung bình 1 tuần có một trường mới ra đời).  
 

    Nhân đây, xin dẫn lại câu nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước khi đi xa: “Chúng ta có ít tiền, nhưng ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm, ít tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ hỏng hơn” 
 

                                                                                                        Kim Phú Hà báo Người cao tuổi

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn