Không nên phân biệt miền núi và miền xuôi. Làm chắp vá sẽ không bao giờ có SGK chuẩn

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn       26/05/2008

 

Những bài cùng tác giả


"Vừa qua, Bộ GD-ĐT có kéo dài thời gian đánh giá CT-SGK tới 30-4. Tuy nhiên, dù thời gian có kéo dài, dù Bộ GD-ĐT có tiếp thu ý kiến thì sự chỉnh sửa ấy cũng rất chắp vá thì sẽ không bao giờ có bộ SGK chuẩn mà phải có phương pháp làm khoa học", trao đổi với NTNN, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) người đau đáu với vấn đề SGK nhiều năm nay- bày tỏ.

GS có nhận xét gì về đợt đánh giá CT-SGK vừa qua?

Sẽ không có kết quả như mong đợi. Ba năm trước đây Bộ GD-ĐT đã nhờ Liên hiệp Hội KHKT VN đánh giá CT-SGK của THCS. Tốn công tốn của và thời gian nhưng kết quả ít có ý nghiã thực tiễn. Khi làm CT-SGK nhiều năm nay, hầu như không tham khảo CT-SGK chuẩn trong và ngoài nước. Một số tác giả sưu tầm sách cho mình, nhưng nhìn chung là chưa đầy đủ, chưa tiêu biểu và thiếu tính hệ thống. CT-SGK được làm như vậy không thể coi là sản phẩm khoa học. Đánh giá CT-SGK làm này, vẫn là cách làm cũ, làm sao có được kết quả mới.
Vậy theo ông, thế nào là một bộ SGK "chuẩn"?

Bộ SGK chuẩn là bộ có sự so sánh và đối chiếu với CT-SGK chuẩn trong ngoài nước đã được thừa nhận- Đây là cách mới mà chưa được sử dụng ở Việt Nam Nghiên cứu nền giáo dục của gần 200 nước, nhiều người nhận định rằng: trong hai thế kỷ qua các nền giáo dục được thừa nhận là tiêu biểu của nhân loại bao gồm giáo dục của Anh, Đức, Mỹ, Nga, và Pháp. Các nước này là các cường quốc lớn về khoa học kỹ thuật, có vai trò to lớn trong lịch sử thế giới cận đại và hiện đại. Nền giáo dục của 5 nước kể trên là những nền giáo dục gốc, còn các nền giáo dục khác là phiên bản mà thôi, ngay cả những nước trước đây đã có lịch sử giáo dục huy hoàng như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập hồi giáo cũng từ lâu phải chuyển học tập các nền giáo dục kể trên. Vậy CT-SGK chuẩn, theo tôi, cần tham khảo CT của 5 nước Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp; CT-SGK của Tú Tài Quốc tế (hiện được gần 100 nước sử dụng. Tại nước ta trường Quốc tế Hà Nội của GS Hồ Ngọc Đại đã sử dung CT-SGK này), CT-SGK của hai miền Bắc và Nam trước 1975, đã được thực tiễn Việt Nam kiểm nghiệm.

Thông tin râm ran trong đợt đánh giá vừa qua là HS miền núi, vùng sâu chất lượng thấp, cần xây dựng chương trình riêng phù hợp với vùng miền. GS nghĩ sao về ý kiến này?

Trên thế giới tồn tại một mặt bằng chung về trình độ, để HS của nước này có thể sang nước khác học. Theo tôi thì không nên phân biệt SGK cho miền núi hay miền xuôi, đã là bậc học phổ thông thì phải tương đương nhau về trình độ.
Hiện nay nói học sinh miền núi không theo kịp chương trình thì cũng đúng thôi. Hãy đặt CT-SGK chuẩn trong ngoài nước kể trên, cùng với CT-SGK đang dạy hiện nay, so sánh đối chiếu. Ai có trình độ, am hiểu giáo dục sẽ cho nhận xét khách quan, về định tính cũng như định lượng. Ví dụ, lớp 1, ở các nước về môn Toán HS được dạy tính từ 1 đến 10, cùng lắm là 20, còn ở ta dạy đến 100, vậy chương trình giáo dục của ta nặng hay nhẹ? Năm ngoái, tôi có vào thăm giờ kiểm tra Toán lớp 1 ở tỉnh Lâm Đồng, thấy HS ngồi để cả chân lên ghế, tôi hỏi cô giáo. Tại sao có hiện tương lạ vậy? Giáo viên giải thích, ngoài việc đếm bằng ngón tay, HS phải sử dụng thêm cả ngón chân, mới làm được bài kiểm tra Toán.

Vậy GS có "hiến kế" gì để xây dựng Chương trình- SGK chuẩn đạt tiêu chí khoa học, phù hợp với Việt Nam?

Kể từ năm 1945 đến nay, ta có 5 lần thiết kế CT, chuẩn bị và biên soạn SGK. Năm 1945 GS Hoàng Xuân Hãn chủ trì, công việc này làm trong 2 tháng, ở miền Bắc sử dụng CT-SGK đến 1955, ở miền Nam sử dụng đến 1972. Năn 1955 khi tiếp quản Thủ đô, GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tuỵ, Nhà giáo Lê Hải Châu và các trí thức khác xây dựng CT-SGK trong 6 tháng và được sử dụng 35 năm. Năm 1975, CT-SGK cũng được làm trong vòng mấy tháng, khi thống nhất đất nước. Các GS nay tuy nhiều tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Lớp trí thức mới được Đảng đào tạo bài bản rất nhiều. Vấn đề là chọn đúng người và giao đúng việc. Bài học vừa qua cần được rút kinh nghiệm. Ông Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học GD đã thừa nhận, không tìm được "chuẩn kiến thức" khi làm CT-SGK trong thời gian vừa qua. "Chuẩn kiến thức" - tương tự như cái thước tre mà người nông dân Bắc Bộ, sử dụng để làm nhà. Dựng nhà mà không có cái thước tre, ngôi nhà dị dạng như thế nào, ai cũng hình dung được!

Nếu đánh giá SGK khoa học hơn thì thời gian đánh giá sẽ không dài như Bộ đã làm. Kết quả đánh giá này sẽ làm cơ sở để làm CT-SGK chuẩn mới. Thời gian là ngắn và kinh phí cũng không nhiều. Sử dụng kinh nghiệm quý báu của thế hệ đi trước, am hiểu những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay, thậm chí ít tiền vẫn có thể làm được CT-SGK chuẩn.

 

Huyền Thanh thực hiện
 

BÁO NÔNG THÔN NGÀY NAY, Năm thứ XXIV-Số 108(2.243)-Ra ngày thứ Hai, 5-5-2008
CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org B