Những bài cùng tác giả
Báo cáo Harvard về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho VN giai đọan
tới đã có những phân tích tòan diện các vấn đề phát triển của chúng ta,
trong so sánh với các mô hình Đông Á, TQ, và Đông Nam Á. Báo cáo đặc
biệt đề cao thành công của các nước Đông Á, và cả TQ, với nền Khoa
học-Giáo dục đi trước một bước đóng vai trò trọng tâm. Trong khi đó VN,
vốn có truyền thống hiếu học và văn hóa gần gũi với khối Đông Á, lại
đang rất trì trệ trên lĩnh vực Khoa học-Giáo dục, và theo các đánh giá
khách quan, thậm chí còn thua xa một số các hàng xóm Đông Nam Á của
chúng ta, mặc dù tỉ lệ ngân sách dành cho Khoa học-Giáo dục trong GDP
của Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. Điều đó đang và sẽ
là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế-xã hội VN thời gian tới.
Nhận xét của nhóm GS Harvard “Sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như
nền khoa học và công nghệ của Việt Nam là một thất bại” là một thực tế
mà chúng ta phải suy nghĩ..
Trong bài viết dưới đây, tôi xin trình bầy những phân tích của một người
trong cuộc, về những vấn đề và hướng đi cho Khoa học VN. Câu chuyện cũng
liên quan tới chính sách đối với trí thức (ở đây là chuyên gia khoa học
công nghệ) – một vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
Cần nhận biết đúng mình
Từ thời gian chiến tranh và xây dựng CNXH ở miền Bắc, được tiếp nối bởi
giai đoạn đầu xây dựng đất nước sau thống nhất, mỗi năm chúng ta chọn
(chủ yếu qua thi tuyển) hàng ngàn học sinh đi du học ở các nước Đông Âu.
Nhìn chung các lưu học sinh đã được lựa chọn của chúng ta học tốt, và
khi tốt nghiệp trình độ cũng không kém mức chung của bạn. Những KS, BS
thực hành này, khi trở về nước, đã tạo thành lực lượng khoa học kỹ thuật
nòng cốt cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và công nghiệp hóa đất nước.
Chúng ta cũng chú trọng xây dựng lực lượng khoa học cao cấp qua con số
các TS và TSKH đã được đào tạo ở các nước Đông Âu. Lực lượng này được kỳ
vọng có khả năng thực hiện những nghiên cứu khoa học trình độ cao và là
đầu tầu cho khoa học và tiến trình hiện đại hóa nước nhà.Tuy nhiên khi
đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ của mình qua con số các TS và TSKH
này, chúng ta đã có không ít ngộ nhận.
Việc tuyển chọn cán bộ đi đào tạo bậc cao, khác với tuyển sinh đại học
qua thi tuyển, không hòan tòan dựa theo năng lực, mà còn chịu nhiều ảnh
hưởng của nhiều yếu tố khác nữa như chế độ và quan hệ.
Để bảo vệ luận án TS (PTS cũ) ở LX, NCS phải có kết quả nghiên cứu,
thường tối thiểu là 2 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có phản
biện nghiêm chỉnh của bạn. Bên cạnh những TS đạt chuẩn, nhiều TS của ta
trình độ còn non, phải dựa nhiều vào thầy, và do áp lực của trình độ và
thời gian, đã được các nước bạn chiếu cố.
Ở mức cao hơn, số đông các TSKH (TS cũ) của chúng ta chưa đạt được tới
trình độ chuẩn mực tương ứng của nước bạn. TSKH của LX phải có được
những bài báo khoa học mạnh, đứng tác giả độc lập, và thường phải có tới
vài chục bài báo đăng các tạp chí khoa học có uy tín. Trong khi đó số
bài báo đăng tạp chí có uy tín của số đông các TSKH của chúng ta chỉ đếm
trên đầu ngón tay, và phần nhiều vẫn phải dựa vào thầy. Nhiều TSKH trở
về nước, tách khỏi thầy, đã không viết nổi một bài báo riêng đăng tạp
chí quốc tế chuẩn mực – thể hiện rõ cái tầm chưa tới của họ. Đáng buồn
hơn, vào giai đoạn nhộm nhoạm ở Đông Âu những năm 90, một số nhà khoa
học của ta đã kiếm được bằng TSKH dù họ có rất ít, thậm chí không có nổi
lấy một bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế nghiêm chỉnh (có thể nói,
chỉ ở mức, hoặc thua cả cái chuẩn PTS của thời LX ổn định).
Trên trường quốc tế, bảo vệ luận án TS chỉ là bước đầu tiên trên con
đường sự nghiệp của một nhà khoa học chuyên nghiệp. Tiến hành nghiên cứu
khoa học nghĩa là họ phải có được các bài báo khoa học dăng trên các tạp
chí quốc tế chuyên ngành có uy tín, hay bằng sáng chế, dù nhà khoa học
làm việc ở Đại học hay Viện nghiên cứu, trên lĩnh vực lý thuyết, thực
nghiệm, hay ứng dụng. Công bố khoa học buộc nhà khoa học phải thường
xuyên cập nhập thông tin để duy trì và nâng cao trình độ, lao động sáng
tạo đóng góp cho tiến bộ của khoa học công nghệ. “Publish or Perish”
(Công bố hay Lụi tàn) là thực tế mà mỗi nhà khoa học chuyên nghiệp phải
đối mặt.
Trong khi đó các TS, TSKH của chúng ta trở về nước, phần vì trình độ còn
non, phần vì hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh và thời kỳ bao cấp trì
trệ kéo dài, đã chỉ duy trì được những hoạt động khoa học tầm thấp (trừ
một số nhỏ các nhà khoa học), công bố trên những tạp chí quốc nội được
lập ra kém xa chuẩn mực quốc tế. Đứng trên quan diểm quốc tế, họ đã
không còn giữ được trình độ của mình tương xứng với bằng cấp quốc tế có
được và đã tàn lụi về mặt chuyên môn. Thế nhưng, nhiều người trong số
họ, nhất là số may mắn có được các bằng cấp cao sớm nhất và có thiên
hướng họat động hành chính đã nắm những vị trí được gọi là “đầu ngành”
và ngự trị cho tận tới khi đã về hưu, và thậm chí cả chọn người kế tục,
trong hệ thống chức sắc khoa học cứng nhắc (thiếu cạnh tranh về chuyên
môn) của chúng ta. Họ giành quyền phân chia và chủ trì các đề tài nghiên
cứu, cho ra lò nhiều TS nội mà phần lớn chưa đạt tới chuẩn mực quốc tế
tối thiểu vì không có nổi bài báo đăng tạp chí quốc tế. Họ cũng đóng vai
trò quyết định xây dựng nên các chức danh và chuẩn mực cho khoa học nước
nhà, nặng về hình thức và xa rời các tiêu chuẩn quốc tế. Một số chức
trách khoa học của ta được mời vào một số Viện HLKH quốc tế, như một cử
chỉ hữu nghị hay mang tính đại diện cho VN. Điều đó dẫn tới hiểu nhầm là
một số lãnh đạo khoa học của chúng ta đã đạt tới trình độ đỉnh cao quốc
tế, tới hàng Viện Sĩ.
Các công việc cụ thể của các KS,BS thực hành dễ được nhận thấy hơn với
mọi người dân bình thường. Còn các công trình nghiên cứu khoa học trình
độ cao theo chuẩn mực quốc tế của các GS, PGS, TS, TSKH, VS của chúng ta
là gì, ở ta thường tránh đề cập tới. Nhưng với quốc tế thì đó lại là
tiêu chí thông thường để họ đánh giá trình độ chuyên môn thực của các
nhà khoa học, chứ không phải là các hình thức danh đã nêu.
Khoa học VN đang bơi ở ao nào?
Trên trường quốc tế, trình độ và năng lực của các nhà khoa học và cả các
quốc gia được đánh giá trước tiên qua số bài báo công bố trên các tạp
chí khoa học chuẩn mực quốc tế, và số bằng phát minh, sáng chế được cấp
bởi các cơ quan quốc tế có uy tín. Viện thông tin khoa học (Institute
for Scientific Information – ISI, website: www.isinet.com ), có trụ sở
tại Mỹ, tiến hành các thống kê trên cơ sở gần mười ngàn tạp chí khoa học
tiêu biểu được chọn lọc trong tổng số hơn một trăm ngàn tạp chí đủ loại
trên thế giới. Theo ISI, các nhà khoa học các ngành của VN đã công bố
trong 11 năm qua (từ đầu năm 1997 tới hết năm 2007) tổng cộng 4667 bài
báo khoa học trên các tạp chí quốc tế chuẩn mực.
Con số chi tiết về số công bố quốc tế các ngành của Việt nam và một số
nước 11 năm qua: xem bảng dưới đây. Từ các con số này có thể thấy rằng
các công bố quốc tế đến từ tất cả các lĩnh vực, và chủ yếu là từ các
lĩnh vực khoa học ứng dụng, chứ không phải là đặc thù riêng của các lĩnh
vực lý thuyết như Tóan hay Vật lý - như ngụy biện của một số người ở ta.
Số bài báo công bố quốc tế (ISI) các ngành qua 11 năm (1/1997-12/2007)
Lĩnh vực Việt nam Thái lan Mã lai Hàn quốc Trung quốc

Các công bố quốc tế của Việt nam là rất yếu, chỉ cỡ 1/3 con số tương ứng
của Mã lai (trong khi số dân nước ta lớn hơn 3 lần số dân Mã lai), 1/5
số bài của Thái lan, dưới 1/11 của quốc đảo Singapore, 1/45 của Hàn
quốc, 1/110 của Trung quốc (số dân VN bằng 1/16 TQ), và 1/700 của Mỹ.
Riêng hai ngành Tóan và Vật lý dù có kết quả tương đối khá hơn (trong so
sánh tương đối với quốc tế), do những lý do lịch sử: tập hợp được nhiều
người giỏi trong quá khứ để có được một truyền thống có phần tốt hơn các
lĩnh vực khác, thì trong tình hình thực tế ở VN hiện nay cũng không còn
thu hút được lực lượng mới có chất lượng và đang yếu dần. Ngành Khoa học
máy tính tuy được phát triển mạnh theo chiều rộng, song có thể thấy rằng
tầm mức của chiều sâu năng lực vẫn còn yếu (hẳn do quá yếu so với quốc
tế nên chưa được đưa riêng trong bảng thống kê).
Xét riêng về công bố quốc tế từ nội lực (tự ta làm được) – sự tụt hậu
của chúng ta lại càng lớn hơn. Cụ thể, gần nửa số bài của Thái lan là do
nội lực, trong khi tỷ lệ nội lực của chúng ta chỉ là 20%, còn lại là do
hợp tác với quốc tế. Điều đó cho thấy các nhà khoa học của chúng ta vẫn
còn phải dựa nhiều vào hỗ trợ quốc tế (về chuyên môn, phương tiện, hoặc
tài chính).
Khả năng sáng tạo công nghệ của một quốc gia được đánh giá qua số lượng
bằng sáng chế được cấp bởi những cơ quan có uy tín trên thế giới. Trong
những năm qua chúng ta có quá ít sáng chế được đăng ký để có thể có được
các so sánh thống kê, ngay cả với các kết quả vốn đã rất khiêm tốn của
các hàng xóm Đông Nam Á của chúng ta. Theo nhà nghiên cứu Đặng Mộng Lân,
vào khoảng năm 1997, số bằng sáng chế được cấp ở Mỹ đối với người Mỹ là
80.295, Nhật: 30.841, Hàn Quốc: 2.359, Singapore: 120, Trung Quốc:
3.100, Malaysia: 23, Thái Lan: 13, Philippin: 8; trong khi đó số bằng
sáng chế của người Việt là chỉ là 1. Trong năm 2002, Việt Nam chỉ đăng
ký có 2 bản quyền với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Công nghệ không phải là thứ dễ định lượng đo đếm được. Nhưng chính thông
qua lao động của các chuyên gia với các kết quả nghiên cứu theo chuẩn
mực quốc tế (các bài báo và các sáng chế), nhất là của các lĩnh vực ứng
dụng, công nghệ sẽ dần được hình thành. Các quốc gia có nhiều kết quả
bài báo công bố quốc tế cũng là các quốc gia có nhiều phát minh, sáng
chế và nền công nghệ phát triển tương ứng. Chỉ biết nhập khẩu công nghệ
mà không có nền tảng khoa học mạnh để có khả năng nghiên cứu cải tiến
nó, chúng ta sẽ chỉ mãi đóng vai trò gia công trên trường quốc tế.
Chính bởi tầm quan trọng của các bài báo khoa học chuẩn mực quốc tế đối
với nền khoa học công nghệ của một quốc gia, ngoài thông lệ chung quốc
tế sử dụng các kết quả đó như là cơ sở cho xét duyệt, đánh giá các đề
tài nghiên cứu và thăng tiến nghề nghiệp của các nhà khoa học, nhiều
nước đang phát triển còn có thêm chế độ thưởng tiền mặt trực tiếp cho
các bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Vì sao chúng ta chậm tiến
Tại sao lực lượng khoa học công nghệ của chúng ta tuy đông về số lượng
nhưng lại yếu về chất lượng, mặc dù từ mấy chục năm nay Đảng và Nhà nước
vẫn luôn khẳng định “khoa học kỹ thuật là then chốt”, và kể cả trong
những năm chiến tranh gian khổ vẫn tuyển chọn nhiều học sinh ưu tú gửi
đi đào tạo ở các nước tiên tiến nhằm xây dựng tiềm lực cho chúng ta ngày
hôm nay. Đừng nhắc mãi tới các lý do khách quan để mà nhìn thấy nguyên
nhân chủ quan: chính sách khoa học của chúng ta có nhiều bất cập và lạc
hậu. Mặt khác, tầm nhìn, ý thức nghề nghiệp, ý chí phấn đấu vươn lên độc
lập tự cường, tự đánh giá mình một cách khách quan, của nhiều nhà khoa
học VN, trước hết là những người chiếm giữ các vị thế được coi là “đầu
ngành”, nhìn chung là yếu. Với văn hóa gần gũi với các con hổ Đông Á,
truyền thống hiếu học của người Việt và tiềm năng lực lượng hùng hậu các
cán bộ khoa học được đào tạo ở các nước Đông Âu trước kia và các nước
Phương Tây gần đây, lẽ ra chúng ta đã có quyền hy vọng vào các kết quả
tốt hơn nhiều so với thực tại với những con số thống kê đã nói ở trên.
Tư duy nào đã cản trở bước tiến tới hội nhập của khoa học VN những năm
qua ? Không ít người có đủ mọi bằng cấp và chức danh ở ta thường tìm mọi
cách lảng tránh các chuẩn mực khoa học nghiêm túc và khách quan với ngụy
biện rằng chúng ta còn nghèo, trình độ chung còn thấp, rằng họ thực hiện
các đề tài “nghiên cứu ứng dụng” không đòi hỏi phải có công bố quốc tế
như một số ”nghiên cứu lý thuyết” ? Lập luận đó vẫn cứ được bám giữ
trong nhiều năm, bất chấp những thay đổi diễn ra thời gian qua, kể cả
khi chúng ta đã bước vào tiến trình đổi mới và hội nhập với kinh phí nhà
nước đầu tư cho khoa học & công nghệ được tăng mạnh mẽ nhờ có sự tăng
trưởng của nền kinh tế.
Nếu họ làm ứng dụng thực sự thì họ phải thu được kinh phí trực tiếp từ
các cơ sở sản xuất và thị trường, và nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ về
mặt hành chính và pháp lý, kể cả có thể xét cho vay vốn ưu dãi (như tinh
thần nghị định 115). Còn đã là thực hiện đề tài nghiên cứu, tức là hưởng
kinh phí bao cấp từ nhà nước, thì họ phải chịu các đòi hỏi nghiêm ngặt
và khách quan về chuẩn mực khoa học cho các kết quả nhận được theo thông
lệ quốc tê (không phải chỉ là một báo cáo tổng kết để xếp tủ, hay áp
dụng hình thức, không hiệu quả), và qua đó giúp nâng cao được cái nền
của khoa học & công nghệ nước nhà.
Công bố bài báo khoa học trên các tạp chi quốc tế chuyên ngành được phản
biện khách quan bởi các chuyên gia ẩn danh sẽ buộc nhà khoa học phải
thường xuyên cập nhập học hỏi được các thành tựu tiên tiến trên thế giới
trong lĩnh vực chuyên môn của mình, giúp kiểm định được phương pháp giải
quyết vấn đề của nhà khoa học là đúng đắn, và khẳng định được trình độ
và đóng góp của nhà khoa học. Mọi lĩnh vực chuyên môn từ lý thuyết đến
ứng dụng đều có các tạp chí của mình, và các tạp chí thuộc các lĩnh vực
ứng dụng thậm chí còn nhiều áp đảo so với các tạp chí có thiên hướng lý
thuyết. Thậm chí trên nhiều lĩnh vực ứng dụng, riêng các đặc thù địa
phương cũng là một thuận lợi giúp đóng góp cái mới cho các nghiên cứu để
có thể công bố quốc tế.
Một số cá nhân và cơ quan khoa học thường lấy lý do là họ nghiên cứu ứng
dụng để lảng tránh chuẩn mực quốc tế khách quan (?). Nhưng khi đề cập
tới nghị định 115 đặt cơ sở tự trang trải cho các họat động ứng dụng,
với cơ chế có lợi cho các nhà khoa học làm ứng dụng thật sự, thì họ đồng
lọat kêu rằng họ làm nghiên cứu cơ bản và cần được bao cấp.
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của chúng ta, kể từ các đề tài lớn cấp
Bộ ngành và cấp Nhà nước, thực chất chỉ là tập hợp lại các tài liệu đã
có ở trong và ngòai nước, áp dụng công nghệ đã có, lắp các số liệu đầu
vào các chương trình do mua hoặn xin được của nước ngòai để tính, … -
những việc chỉ có thể được coi là thuộc các dạng thu thập thông tin, áp
dụng, triển khai, và không phải là những nghiên cứu khoa học theo quy
ước quốc tế. Phần lớn các đề tài không được thẩm định khách quan qua các
bài báo công bố quốc tế, và trong nhiều trường hợp trở thành nguồn tham
nhũng, và là nơi đánh quả của một số cá nhân và nhóm đặc quyền đặc lợi.
Trong thể thao chúng ta đã biết tự phê bình là nhiều vận động viên còn
thiếu tính chuyên nghiệp. Trong khoa học – lĩnh vực cần tính chuyên
nghiệp cao nhất, tuy chưa nói thẳng ra, nhưng thực tế còn đáng buồn hơn:
các nhà khoa học của chúng ta thiếu tính chuyên nghiệp.
Động lực nghiên cứu chất lượng để công bố quốc tế ở VN hiện nay mới chỉ
xuất phát từ 2 nguồn bên ngòai: cơ hội được ra nước ngòai cộng tác hay
làm thuê (như ở các ngành Tóan và Vật lý), và từ các đề tài nghiên cứu
ứng dụng trong nước được quốc tế tài trợ và có sự lãnh đạo của chuyên
gia nước ngoài (như trong các lĩnh vực Khoa học sự sống). Động lực công
bố quốc tế nội lực gần như không có: từ các đề tài nghiên cứu ứng dụng
trọng điểm kinh phí lớn cấp Bộ Ngành, cấp Nhà nuớc tới các đề tài nghiên
cứu cơ bản kinh phí nhỏ hơn, các đầu tư chiều sâu, phòng thí nghiệm
trọng điểm, các tiêu chuẩn chức danh, bằng cấp, trên thực tế, đều phớt
lờ đòi hỏi cần có về công bố quốc tế. Điều đó dẫn tới số lượng ít ỏi các
kết quả nội lực đạt chuẩn mực quốc tế và chất lượng rất thấp của các đề
tài, chức danh khoa học. Tỷ lệ số bài báo quốc tế từ nội lực của ta năm
2006 chỉ còn là 13%, với vẻn vẹn 72 bài – bằng 1/10 số bài nội lực của
Thái lan.
Có ý kiến cho rằng tiền nào của nấy vì các đề tài trong nước ít tiền
hơn, nhưng thực tế cho thấy số ít các đề tài trong nước có được công bố
quốc tế lại thường không phải là các đề tài được cấp nhiều tiền (con số
có được đó là nhờ số ít nhà khoa học chịu hy sinh và tâm huyết với nghề,
kể cả một số đã ở vào độ tuổi 60-70; song tự số nhỏ những người như họ
không thể làm nên một nền khoa học, nếu chúng ta không có chính sách cụ
thể định hướng cho số đông các nhà khoa học mọi lĩnh vực làm việc theo
gương họ). Nhiều nhà khoa học có thu nhập thực tế từ kinh phí các đề tài
bao cấp không thua kém, thậm chí còn vượt trội so với số cán bộ hay ra
nước ngòai làm thuê, nhưng không hề cho được các kết quả chất lượng và
bài báo quốc tế. Cần tăng kinh phí nghiên cứu ? – điều đó đúng, nhưng
hãy nhớ rằng, cho dù kinh phí cho khoa học từ ngân sách nhà nước được
tăng mạnh hàng năm, nay đã vượt 400 triệu USD/năm, số bài báo quốc tế từ
nội lực vẫn chỉ đứng nguyên xung quanh con số 80 bài/năm trong suốt 10
năm qua – một mức hiệu quả có lẽ vào hàng thấp nhất trên thế giới. Nói
rằng ta thiếu đầu tư thiết bị nghiên cứu ? – cũng đúng, nhưng hãy xem
bao thiết bị đắt tiền và 18 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia đã
được đầu tư nhưng không được khai thác hiệu quả ? các thiết bị đó đã dẫn
tới bao nhiêu bài báo công bố quốc tế và có được hiệu quả kinh tế-công
nghệ bù đắp được giá trị các thiết bị được mua ? phải chăng các thiết bị
được đầu tư chưa đúng lúc hay chưa đúng chỗ ? Trong khi đó một nhóm khoa
học thực thụ đã biết dùng những thiết bị quá hạn sử dụng (thải) chỉ để
hướng dẫn sinh viên, đo được các thông lượng Muon ở Hà nội và cho ra kết
quả in trên tạp chí quốc tế có uy tín. Một GS có thế lực chủ trì nhiều
đề tài kinh phí lớn tính tóan lũ lụt, nhưng không cho ra nổi một kết quả
nghiêm túc là bài báo công bố quốc tế, trong khi đó một TS cùng chuyên
môn, với số kinh phí ít ỏi hơn nhiều, đưa được các tính tóan của mình về
bồi lắng bùn cát trên sông Hồng công bố tạp chí quốc tế. Tiếc rằng những
nỗ lực công bố quốc tế ở ta, nhất là công bố nội lực, còn quá ít và
thường bị phớt lờ, thậm chí - ở một số cơ sở và ngành có chức sắc tiêu
cực – còn bị kỳ thị.
Trong khi các nhà khoa học hàng xóm Thailand và Malasia đã từ lâu chấp
nhận chuẩn mực công bố quốc tế, dù đều kiện của họ vẫn còn kém xa các
nước tiên tiến và tuy số lượng và chất lượng kết quả quốc tế của họ dễ
hiểu là còn kém hơn nhiều, thì các nhà khoa học Việt nam lại cố tình
phớt lờ điều đó với ngụy biện rằng điều kiện của ta còn chưa được như
Âu-Mỹ nên ta chưa làm ? Nếu chưa công bố được nhiều thì ta cũng phải
công bố được ít và tăng dần về số và chất lượng. Không cứ phải có phát
kiến thật to tát mới công bố quốc tế được: tạp chí quốc tế cũng có nhiều
mức cao thấp khác nhau và cho đủ mọi ngành. Dù bài báo gửi đăng tạp chí
quốc tế có bị từ chối thì các chuyên gia-phản biện quốc tế qua bài phản
biện cũng sẽ giúp chúng ta hiểu thêm vấn đề để tiếp tục phấn đấu – đó
cũng là một cách có được tư vấn chuyên gia quốc tế không mất tiền.
Thiếu ràng buộc về chất lượng nghiên cứu dẫn tới lỏng lẻo trong quản lý
và tiêu cực trong việc xét và phân kinh phí các đề tài, đạo đức thấp của
cộng đồng khoa học, làm giả ăn thật tràn lan. Kể cả các nhà khoa học dã
được đào tạo tốt ở nước ngòai trở về cũng bị tàn lụi dần theo thời gian
trong một môi trường thiếu lành mạnh như vậy.
Từ thực tế này, một số người đã chán chường để rời khoa học và chuyển
sang thành công trong kinh doanh đã nhìn lại nghề nghiệp cũ như một thứ
gì hoặc là viển vông hoặc là vô dụng, và cho rằng chỉ đáng lưu tâm tới
kinh doanh (với người giỏi) và làm gia công (với người lao động), để làm
giầu, còn mọi công nghệ và kỹ thuật thiết thực đều có thể mua được bằng
tiền từ nước ngòai. Điều đó trái ngược với thực tế quốc tế khi những
người chuyển nghề thành công như vậy thường giữ được tình cảm và sự tôn
trọng đối với khoa học, và trở thành những mạnh thường quân đối với các
nghiên cứu khoa.học trình độ cao. Liệu Quỹ phát triển khoa học & công
nghệ quốc gia mới được thành lập có thể xây dựng được lòng tin và thu
hút được sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân và doanh nghiệp bên ngòai
hay không, nếu thiếu sự minh bạch và chuẩn mực nghiêm túc trong nghiên
cứu khoa học?
Với tư duy lạc hậu và tiến độ làm khoa học như hiện nay và các con số cụ
thể đã nói ở trên (số bài báo quốc tế có tăng 10% hàng năm có phần nhờ
số NCS, TTS được đi đào tạo ở nước ngòai thời gian gần đây được tăng
mạnh – tuy số bài nội lực không tăng !), phải mấy thập niên nữa chúng ta
mới có thể tới được trình độ công bố quốc tế hiện nay của các láng giềng
vốn chẳng có gì nổi trội về khoa học và kỹ thuật như Thái lan và
Malaysia, chứ chưa nói tới các “con rồng Đông Á” hay các quốc gia tiên
tiến mà chúng ta muốn hướng tới, và đành lòng quên đi ước mơ có ngày VN
sánh vai được với các cường quốc năm châu như cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
mong đợi?
Đổi mới khoa học VN
Để đổi mới khoa học như chúng ta đang thành công trong đổi mới nền kinh
tế, việc tiên quyết phải làm là thiết lập môi trường khoa học lành mạnh
dựa trên các chuẩn mực quốc tế đã được xác lập thông qua các bài báo
ISI, các phát minh, sáng chế, sản phẩm mới hữu dụng - đóng vai trò như
tiêu chuẩn thị trường trong kinh tế. Mọi chương trình khoa học, các đề
tài nghiên cứu, các bằng cấp và chức danh khoa học, đều phải được xây
dựng và được đánh giá tính hiệu quả trên cái nền này. Kinh tế đã tiến bộ
được nhờ hướng tới các tiêu chí thị trường và chỉ tiêu quốc tế ISO, thể
thao cũng tiến bộ mạnh nhờ hướng tới kết quả thi đua quốc tế cụ thể và
số huy chương vàng SEA games.
Bước đầu tiên phục vụ mục tiêu này theo tư vấn quốc tế, Bộ KH&CN đã
thành lập Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN. Đó là một quyết sách đúng
đắn, dẫu có muộn. Tuy nhiên, như Trung tâm cho biết, sau cả năm gửi thư
mời thì cho đến nay mới chỉ thu được hơn 2000 phiếu đăng ký chuyên gia
(bằng 1/10 lực lượng nghiên cứu). Phần lớn mẫu này là của thạc sĩ, tiến
sĩ mới bảo vệ và vắng bóng số đông các chức sắc ở các viện nghiên cứu,
những chủ trì các đề tài nghiên cứu kinh phí lớn, những cây đa cây đề
vẫn tự coi là chuyên gia đầu ngành. Cần có chế tài yêu cầu mọi cán bộ
nghiên cứu khoa học đều phải đăng ký, nếu không sẽ không được phép nhận
các đề tài nghiên cứu và tham gia các Hội đồng khoa học. Hãy vào website
các ĐH quốc tế và xem họ khai những gì để chúng ta học tập. Các chuyên
gia cần được đánh giá qua năng lực chuyên môn và kết quả nghiên cứu đã
được công bố theo chuẩn mực quốc tế, chứ không phải theo chức vụ hành
chính, chức danh và bằng cấp hình thức, hay thâm niên công tác như hiện
nay.
Các thông tin chuyên gia này, khi đưa công khai trên Internet như thông
lệ quốc tế sẽ đảm bảo công khai hóa kết quả các họat động nghiên cứu
khoa học cần chịu sư giám sát của xã hội và giúp nâng cao tinh thần
trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà khoa học. Các thông tin đó là hết
sức cần thiết cho các nhà quản lý để đánh giá tình hình và hiệu quả của
các chính sách khoa học, tìm được các tư vấn cần thiết về chuyên môn cho
các vụ việc cụ thể, lập các Hội đồng chuyên gia, và giúp các nhà khoa
học mọi miền liên hệ cộng tác, các NCS tìm người hướng dẫn đủ năng lực
và chuyên môn phù hợp.
Chúng ta cần nhìn vào thực tế để hiểu rằng, ở phần lớn các ngành và các
cơ sở, chúng ta chưa đủ khả năng đào tạo được các TS ở tiêu chuẩn quốc
tế tối thiểu. Chúng ta cần một cuộc du học mới, kết hợp với mời chuyên
gia quốc tế tới lãnh đạo nghiên cứu và thông qua đó giúp đào tạo tại
chỗ, và đầu tư thích đáng cho những trường hợp cụ thể đủ khả năng đào
tạo TS thực thụ ở trong nước.
Cử người đi đào tạo thôi chưa đủ, chúng ta cần có chính sách đồng bộ để
hấp dẫn những người tài trở về và tạo điều kiện thuận lợi để họ phấn đấu
nghề nghiệp, có được thu nhập thỏa đáng dựa theo kết quả chuẩn mực quốc
tế. Cần có những chính sách cụ thể để ưu tiên kinh phí nghiên cứu, xét
duyệt chức danh cho các nhà khoa học trẻ giỏi mới được đào tạo đã có
thành tích quốc tế và số nhà khoa học từ quá khứ nhưng vẫn chưa mất đi
khả năng lao động sáng tạo vươn tới trình độ quốc tế, để họ có thể trở
thành những đầu tầu đưa khoa học VN đi lên, và không bị tàn lụi theo con
đường cũ.
Hãy noi gương TQ và Hàn quốc để xây dựng điều kiện làm việc và chế độ
đãi ngộ đủ hấp dẫn để kéo người tài về nước phục vụ. Với chính sách hiện
nay, các TS giỏi có năng lực công bố quốc tế sẽ cố gắng ở lại và không
trở về. Chúng ta khồng lo thiếu tiền, vì thực sự tính ra số tiền sẽ
không nhiều so với nhiều sự lãng phí hiện nay, và lẽ tự nhiên chúng ta
hiện cũng có ít người tài thực sự theo chuẩn mực quốc tế (nếu có nhiều
thì chúng ta đã quá may mắn, vì số chuyên gia đó sẽ giúp chúng ta bay
nhanh tới hiện đại hóa). Trọng tài không phải là trọng hư danh, trọng
cái hữu danh vô thực. Chính sách đúng sẽ giúp tạo ra nhiều người tài.
Với những vấn đề nghiên cứu ứng dụng quan trọng, một khi chưa có được
chuyên gia giỏi, chúng ta cần thuê chuyên gia quốc tế tới lãnh đạo, và
qua đó cũng giúp đào tạo tại chỗ - nâng cao trình độ các cán bộ trong
nước tham gia. Không để các cá nhân, tuy có đầy đủ mọi danh hiệu và vị
thế nhưng không đủ năng lực chuyên môn, dựng ra và chủ trì các đề tài
nghiên cứu ứng dụng kinh phí lớn cấp Bộ Ngành và cấp Nhà nước một cách
rất lãng phí và hiệu quả thấp như hiện nay. Khi cần thiết, chúng ta mời
hoặc thuê chuyên gia quốc tế tham gia đánh giá các đề tài này. Các đề
tài nghiên cứu ứng dụng kinh phí càng lớn càng cần phải đòi hỏi cao về
chất lượng thông qua công bố quốc tế. Những họat động thực sự phục vụ
ứng dụng, nhưng hàm lượng khoa học thấp, cần được cho chuyển sang dạng
dịch vụ và hợp đồng kinh tế với các cơ sở ứng dụng - theo đúng chức năng
và giá trị thực của những việc làm đó.
Đầu tư chiều sâu về trang thiết bị nghiên cứu và phòng thí nghiệm trọng
điểm cũng phải hướng tới những cán bộ có đủ năng lực qua thành tích
nghiên cứu chuẩn mực quốc tế, để vốn đâu tư này có thể phát huy hiệu quả
tốt nhất, chứ không phải là một thứ trang trí lãng phí, hay công cụ đánh
quả (dùng búa tạ đóng đinh guốc !) cho một số cá nhân ở các cơ sở.
Cần tách biệt chức vị quản lý hành chính và chuyên gia khoa học, không
gán cho các chức sắc khoa học các cơ sở danh hiệu “nhà khoa học chủ
chốt” bất chấp chuẩn mực quốc tế. Các nhà lãnh đạo hành chính các cơ sở
khoa học không nhất thiết phải là chuyên gia đầu ngành, nhưng phải chịu
ràng buộc trách nhiệm về các kết quả họat động khoa học chuẩn mực quốc
tế ở cơ quan mình.
Bước đi không thể thiếu của đổi mới là phải thường xuyên lập mới các Hội
đồng khoa học ngành, Hội đồng chức danh GS ngành, Ban biên tập tạp chí
ngành, Hiệp hội ngành… với các thành viên cơ bản phải là các nhà chuyên
môn tiêu biểu trên cơ sở thành tích công bố quốc tế thời gian gần đây và
tinh thần đổi mới hướng tới hội nhập. Phải chuyển các quyết định về
chuyên môn sang các chuyên gia đang làm việc hiệu quả thay vì tập chung
vào các chức sắc hành chính ở các cơ sở, hay các vị thâm niên đã lạc
hậu. Sử dụng các chuẩn mực khoa học khách quan quốc tế sẽ giúp chúng ta
thóat khỏi sự cản trở của một số cá nhân và nhóm đặc quyền đặc lợi đang
ra sức níu kéo duy trì hiện trạng vì lợi ích riêng. Cần mạnh dạn mời
tham vấn các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học Việt kiều giỏi có
thành tích khoa học chuẩn mực quốc tế, có quan tâm và hiểu biết tình
hình cụ thể ở VN.
Các Đại học và Viện nghiên cứu
Bên cạnh các đại học đại trà đáp ứng nhu cầu đại chúng giai đoạn hiện
nay, chúng ta cần phải xây dựng các đại học nghiên cứu đầu tầu, hoặc
trước tiên là các nhóm nghiên cứu đầu tầu trong các đại học. Ở các đại
học nghiên cứu, phải hạn chế số giờ dậy và làm nghề phụ của các giảng
viên, nhưng nâng cao đòi hỏi về kết quả công bố quốc tế (như thông lệ
quốc tế) và đảm bảo đãi ngộ thỏa đáng.
Chúng ta hiện chưa có các đại học nghiên cứu thật sự. Số công bố quốc tế
năm 2006 của các giảng viên cả hai trường Đại học Quốc Gia Hà Nội và TP.
Hồ Chí Minh chỉ là 36 bài, ít hơn 20 lần số công bố quốc tế của Đại học
Chulalongkorn của Thái-lan có số giảng viên ít hơn – một trường vốn còn
chưa được coi là thuộc đẳng cấp quốc tế hay Châu Á..
Để đưa các đại học được coi là hàng đầu của chúng ta hiện nay thành các
đại học nghiên cứu, cần phải bắt đầu bằng công khai tuyển chọn với chế
độ ưu đãi các giảng viên và các chức danh trên cơ sở năng lực theo thành
tích công bố quốc tế, chứ không phải là danh vị hình thức đã có, thâm
niên, hay do quan hệ. Các kinh phí nghiên cứu từ Quỹ quốc gia, đầu tư
chiều sâu và các phòng thí nghiệm trọng điểm phải được tập chung thích
đáng vào các nhà nghiên cứu giỏi (mà các đại học của họ cũng được hưởng
theo), và tạo ra môi trường thi đua cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà
khoa học và các đại học. Chỉ các giảng viên nghiên cứu mới có khả năng
đào tạo được các SV có năng lực sáng tạo, còn với các GS thợ giảng như
hiện nay chúng ta vẫn chỉ có được một loại trường dậy nghề lý thuyết hay
phổ thông cấp IV.
Hiện trường ĐHNN I đã có bước đi đầu đáng khích lệ là giảm số giờ dậy
bắt buộc, thưởng tiền mặt và ưu tiên để tài cho các giảng viên có được
các công bố quốc tế. Đây cũng là một gợi ý để các cơ sở khoa học khác
chủ động xây dựng các chính sách thích hợp khuyến khích nghiên cứu khoa
học.
Theo GS Phạm Duy Hiển, số người làm nghiên cứu (R&D) của ta hiện rất lớn
so với Thái Lan: 21.000 so với 6.400, nhưng kết quả nghiên cứu khoa học
theo chuẩn mực quốc tế thì lại quá ngèo nàn so với họ. Các công bố quốc
tế từ nội lực của cơ quan nghiên cứu khoa học đầu tầu của Việt nam là
Viện KH&CN VN trong năm 2006 chỉ là 41 bài – ít hơn 8 lần số công bố nội
lực của Đại học Chulalongkorn của Thái-lan, và ít hơn 57 lần so với con
số tương ứng của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, chưa nói tới các viện
nghiên cứu hùng mạnh của Viện HLKH TQ..
Nhiều viện nghiên cứu của các Bộ ngành của chúng ta trên thực tế họat
động chỉ như các viện thiết kế, triển khai, và làm dịch vụ khoa học kỹ
thuật thuần túy. Nghị định 115 đang giúp chuyển đổi các họat động ứng
dụng sang cơ chế tự hạch tóan với nhiều thuận lợi cho các nhà khoa học
làm ứng dụng thực thụ. Cần phải nâng cao dần đòi hỏi về bằng sáng chế và
công bố quốc tế cho các nhóm nghiên cứu mũi nhọn trong các viện được
hưởng các đề tài nghiên cứu bao cấp, để có thể hướng tới tạo được công
nghệ mới thực sự có sức cạnh tranh quốc tế.
Sự liên kết gắn bó giữa các trường, viện và cơ sở SX sẽ giúp hợp lực
giải quyết tốt các vấn đề đa chiều, nâng cao cái nền chung của khoa học
công nghệ nước nhà. Để giúp mục tiêu này, cần khuyến khích luân chuyển
cán bộ giữa các cơ quan khoa học, nhất là những dịp họ muốn thăng tiến.
Các CN, KS từ một cơ sở đào tạo nên được khuyến khích, thậm chí đòi hỏi,
học ThS, TS ở một cơ sở khác.
Viện KH&CN VN cần được tổ chức lại. Khi mới thành lập cuối những năm 70
– đầu 80 Viện ưu tiên nhận chủ yếu là các nhà khoa học trẻ đẳng cấp được
đào tạo ở nước ngòai, và có tiềm năng trở thành một trung tâm nghiên cứu
mạnh, nhưng điều đó đã không xẩy ra do nhiều lý do. Qua thời gian, chảy
máu chất xám cùng với sự úa tàn của nhiều cán bộ ban đầu còn lại cộng
với thiếu đầu vào chất lượng đã khiến Viện trở nên nặng nề và già nua
trong khi ngày càng xa rời mục tiêu trở thành một cơ quan nghiên cứu
khoa học trình độ quốc tế. Cách nhận các CN, KS bình thường (thậm chí
không phải là sinh viên giỏi của các đại học trong nước) bởi các quan
chức cơ sở, nhiều khi bởi những lý do quan hệ, rồi sau vài năm đưa thành
biên chế chính thức (nay gọi là hợp đồng dài hạn) là hoàn toàn không ổn,
và đang làm mất dần vị thế của Viện như một đầu tầu nghiên cứu khoa học
của cả nước (hiện nay Viện cũng không có sức hấp dẫn kéo người tài tới
làm việc và biên chế của Viện hiện cũng quá chật để có chỗ cho lực lượng
trẻ mới). Số đông các cán bộ của Viện được biên chế không qua tuyển chọn
nghiêm túc, không có năng lực và động lực nghiên cứu, sống tầm gửi và
làm việc vật vờ, mà lại vẫn hưởng phần kinh phí nghiên cứu bao cấp. Cần
phải huấn luyện, bố trí lại công việc cho họ, tùy theo khả năng, vào các
cơ quan sản xuất, triển khai, tham gia dậy học ở các đại học đại trà,
các trường cao đẳng, trung cấp, hay dậy nghề đang thiếu giáo viên, để họ
có được thu nhập và lao động đóng góp thiết thực cho xã hội theo khả
năng. Số cán bộ nòng cốt còn lại thuộc biên chế gồm các nhà nghiên cứu
chuyên môn giỏi có khả năng làm việc độc lập hay lãnh đạo các nhóm
nghiên cứu với kết quả chuẩn mực quốc tế, và một số kỹ thuật viên phục
vụ các xưởng thử nghiệm, thiết bị nghiên cứu. Lực lượng trẻ tham gia
nghiên cứu là các học viên cao học, NCS, và thực tập sinh sau TS (tất cả
đều không thuộc biên chế chính thức, được tài trợ bởi các đề tài nghiên
cứu, kinh phí đào tạo của Bộ GDĐT, và học bổng) được tuyển chọn từ các
cơ sở khoa học khắp nơi trong nước. Phần lớn số nhà khoa học trẻ đẳng
cấp này sau thời gian đào tạo và nâng cao trình độ qua tham gia nghiên
cứu có thể nhận được các vị trí công tác xứng đáng ở các đại học, cơ sở
nghiên cứu, hay công nghiệp trên cả nước, trên cơ sở thị trường lao động
khoa học theo năng lực cán bộ đã được xác lập (Các viện thuộc Viện HLKH
TQ, cũng từ mô hình LX cũ như ta, có số học viên cao học và NCS đông
ngang với số biên chế chính thức, trong khi ở ta lực lượng đó ít hơn
nhiều cho thấy sự nặng nề của cái khối biên chế tàn dư từ lối làm việc
thời bao cấp trì trệ). Viện cũng là nơi để các nhà khoa học trong cả
nước, cũng như quốc tế tới thực tập, giảng bài, hay trao đổi, hợp tác,
nâng cao trình độ, từ ngắn hạn tới dài hạn, và cũng là nơi thuận lợi để
hình thành các nghiên cứu liên ngành. Nên có sự linh hoạt chuyển đổi,
khi cần, biên chế giữa Viện và các đại học cho phù hợp với năng lực, sở
trường, sở thích của các cá nhân và yêu cầu của công việc. Nhìn chung
các yêu cầu về năng lực nghiên cứu ở Viện phải cao hơn ở các đại học.
Tuyển lựa các chức danh và biên chế cho Viện cũng phải mở, công khai,
bình đẳng, và khách quan như ở các đại học. Gắn đầu tư chiều sâu và chế
độ đãi ngộ cho các cá nhân và cơ sở nghiên cứu với thành tích nghiên cứu
cụ thể theo chuẩn mực khách quan quốc tế.
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Phạm Đức Chính
|