Học thêm tràn lan: Có thực giáo viên là nguyên nhân?

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn         12/05/2007
 

Những bài cùng tác giả


Dạy thêm và học thêm tràn lan đã được đề cập từ lâu, tại nhiều hội nghị, kể cả diễn đàn Quốc hội, song vấn đề không thuyên giảm. Gần đây lại có ý kiến là do GV "lách luật", chất lượng giáo dục thấp cũng có ý kiến là do GV không đạt trình độ. Có thật sự các đồng nghiệp của tôi là nguyên nhân chính gây nên mọi bất cập trong giáo dục hiện nay không?

 

Thấy gì qua thực tiễn?

Chương trình giáo dục của ta quá nặng, nhiều nội dung SGK đang dạy lệch pha với các bộ SGK của các nước Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp và Trung Quốc từ một đến ba năm, đặc biệt là các môn tự nhiên. Dù có trình độ ĐH, không hẳn ai cũng kèm cặp được con, do đó phải nhờ thầy cô hay người khác dạy thêm.

Tiền dạy thêm về đâu? Tại một trường tiểu học ở Hà Nội, HS học hai buổi/ngày, trường thu thêm 50.000đồng/tháng/ HS. Cô giáo dạy trực tiếp được 50%, lãnh đạo (có hai người) -16%, số 34% (17.000đ) còn lại đi đâu, ít người biết vì nó là ẩn số.

Trường có 997 HS, cô giáo nhận thêm trung bình một khoản là 800.000 đồng/tháng, còn lãnh đạo là 4.000.000 đồng/tháng. Tại một trường THCS ở TPHCM, dạy thêm do nhà trường tổ chức. Mỗi tiết dạy, GV chỉ nhận 20.000đ, mỗi tháng được xếp 10 tiết, GV nhận 200.000đồng/tháng. Lãnh đạo hưởng 20% quản lý phí. Số tiền này lên đến chục triệu đồng/tháng.

Nếu không ép học sinh ôn luyện lại những kiến thức cũ và học thêm một phần kiến thức mới thì đến khi vào chương trình chính khoá, học sinh không thể theo kịp - nhất là những học sinh yếu kém và như thế thì không thể đậu tốt nghiệp với tỉ lệ cao, giáo viên mất danh hiệu thi đua, ảnh hưởng đến lương, thưởng... (cô Đặng Thị Kim - giáo viên một trường THCS ở quận 8, TPHCM). 

Trường có khoảng 1.000 HS, trong đó có khoảng 500 HS học thêm, vậy số tiền trung bình = 500 HS học thêm x 150.000đ (3 môn) x 20% quản lý phí =15.000.000 đồng/tháng. Rõ ràng, tiền vào lãnh đạo nhiều hơn vào thu nhập của GV. Thực tế, một giáo sinh muốn trở thành GV không ít người phải "nộp" khoảng 5.000.000đ để được dạy ở miền núi. Tại Hà Nội, con số đó phải vài chục triệu đồng. Khi chuyển công tác, GV phải "nộp" cho nơi "đi", nơi "đến", và "nộp" tiếp nếu muốn dạy ở lớp "chọn". Con số này cũng hàng chục triệu đồng, mặc dù GV có lý do chính đáng. Cái "lệ" này trở thành "luật bất thành văn", mặc dù không ai nói công khai và số tiền này đi đâu, ai cũng hình dung được.

Giải pháp cho việc học thêm, trước mắt cần thực hiện đồng bộ các quyết sách: Thay đổi tư duy thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa; tăng lương và nâng cao vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước. 

Theo phản ánh của không ít giáo viên, việc dạy thêm theo hình thức tổ chức học thêm buổi tại trường chỉ có lợi cho phía lãnh đạo nên họ cũng rất... "nản". Theo cách tính của một giáo viên trường THPT tại quận 3 thì khi tham gia dạy trực tiếp mỗi tiết học, giáo viên đứng lớp được hưởng 20.000 đồng (!). Trung bình mỗi tháng, một giáo viên "được" xếp đứng 10 tiết thì sẽ tăng thu nhập 200.000 đồng từ khoản dạy thêm.

Nhưng, chỉ cần nằm trong danh sách ban lãnh đạo của trường thì sẽ hưởng quản lý phí với mức 20%. Với cách tính này, ở trường nhỏ, có khoảng 400 học sinh tham gia vào các lớp học thêm, mức thu quản lý đã lên đến hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này chia ra cho các "vị lãnh đạo" thì mỗi người cũng phải có thêm vài triệu mỗi tháng là chuyện thường.

Đó là chưa kể đến những trường có quy mô lớn hơn, số học sinh lên đến 1-2 ngàn thì thu nhập quản lý sẽ là những con số lớn hơn gấp 5-7 lần nữa. Như vậy thì quả là quá "bất công", không chỉ đối với học sinh mà cả với đội ngũ giáo viên

Linh Lan ghi

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn