Học nghề kỹ sư

Vietsciences-  Đặng Đình Cung        18/04/2011

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Nhiều em hỏi thầy tại sao không tự giới thiệu là tiến sĩ mà chỉ tự xưng là kỹ sư. Kỹ sư là một nghề và cũng là một chức vụ. Người ta hành nghề kỹ sư luyện kim, kỹ sư tin học, kỹ sư điện cơ,... Người ta cũng giữ chức kỹ sư, kỹ sư phó, kỹ sư trưởng,... Tiến sĩ là một học vị, học vị cao nhất của đại học. Người ta gọi tiến sĩ một người có học vị đó hay một người được biết tiếng là có tầm nhìn cao thấy rộng dù người đó đã được một trường đại học ban cho học vị tiến sĩ hay không. Vì phải hành nghề kiếm ăn, thầy tự giới thiệu là kỹ sư tư vấn về chiến lược công nghiệp và công nghệ. Như thế đối tác của thầy biết sẽ có thể thuê thầy làm được hay không làm được việc gì có ích cho họ. Còn người nào muốn gọi thầy là tiến sĩ hay không thì tùy người đó.

Các thầy trường cũ của thầy đã dậy "nghĩa vụ của một kỹ sư là giải đáp thích ứng những đòi hỏi thực tiễn của người dân". Các thày đào tạo những quan chức cao cấp tương lai của Nhà Nước nên dùng cụm từ "người dân". Nhưng nếu các em thay thế bằng "thị trường", "xí nghiệp" hay "khách hàng" thì cũng được.

Trong suốt đời nghề các em sẽ áp dụng kiến thức khoa học để thỏa mãn những nhu cầu của xí nghiệp hay của khách hàng : sáng chế, thiết kế và chế tạo một thùng chứa phế liệu hạt nhân, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, sản xuất linh kiện cho những máy công cụ,... Khi thấy bộ mặt vui mừng của khách nhận hàng thầy cảm thấy hãnh diện đã là một người hữu ích. Nếu các em đã chỉ huy xây một cao ốc thì chắc chắn các em sẽ cảm thấy sự hãnh diện đó khi thấy qua cửa sổ ánh đèn lấp láy : nhờ các em mà một số gia đình có một nơi che mưa tránh gió. Nếu các em là kỹ sư ở một nhà máy điện thì các em sẽ vui sướng hãnh diện khi một người thân vặn quạt máy vào một ngày nóng nực...

Lợi tức là một khía cạnh quan trọng khi chọn nghề. Lợi tức lương thiện của một người thì bao giờ cũng tương xứng với đóng góp cho xã hội của người đó. Với những thí dụ thầy vừa nêu thì các em có thể đoán rằng lương một kỹ sư vượt xa trung bình thường dân. Theo điều tra của Cục Thống kê Pháp, sau vài năm khởi nghiệp, những người làm nghề kỹ sư được xếp vào loại mười phần trăm những người sống ở Pháp có lợi tức hàng năm cao nhất. Trong số chủ tịch tổng giám đốc 40 tập đoàn lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Paris thì có ít nhất 30 vị đã khởi nghiệp kỹ sư còn những vị khác là chuyên gia về kế toán và toán kinh tế.

Trước khi nhập học đại học thì các em phải đỗ trung học phổ thông ở hạng cao về các môn khoa học và phải thông thạo Anh ngữ, đọc, viết và nói. Khi tốt nghiệp thì các em phải có thể trao đổi bằng tiếng Quan thoại. Vì phải đưa những kiến thức khoa học vào ứng dụng, những em yếu về khoa học sẽ không theo nổi ở đại học và, sau đó, sẽ không thể thành công trong nghề này. Đa số các sách vở và tài liệu các em sẽ dùng và phổ biến ở trường được viết bằng Anh ngữ, nhiều thầy dậy bằng Anh ngữ và những đối tác nghề nghiệp, tương lai em sẽ nói tiếng Anh. Nếu không nắm Anh ngữ, các em sẽ vất vả khi học và khi đi làm. Trung Quốc là một đối tác thương mại rất lớn. Trong đời nghề, chắc chắn các em sẽ phải mua bán và hợp tác với Trung Quốc. Mặc dù Anh ngữ là ngôn ngữ thông dụng trong khoa học, kỹ thuật và thương mại, nếu các em nói thạo Quan thoại thì sẽ tiện việc cho các em khi đàm phán với người Trung Quốc.

Với học lực trung học phổ thông thì các em đã "học hết chữ của thầy" rồi. Ở đại học, các em phải tự học. Trong suốt đời nghề, các em sẽ luôn luôn phải tự học. Những giáo viên đại học là những thạc sĩ nghiên cứu sinh của nhà trường. Các vị này lên lớp vì đó là một khía cạnh của nghề nghiên cứu khoa học kỹ thuật nên rất tận tâm giảng dậy cho em. Nhưng vai trò của các vị này là hướng dẫn các em trong những uẩn khúc của khoa học kỹ thuật chứ không dậy bài như ở trung học phổ thông. Sau đó các em phải tự tìm hiểu sâu hơn ở thư viện và trên mạng Internet, hỏi lại các giáo viên hay xin các giáo sư lão thành giảng thêm. Vấn đề quan trọng là các em phải biết khoanh vùng những gì các em không hiểu bằng không các em sẽ không biết tìm gì trên mạng hay đặt câu hỏi gì để các giáo sư giáo viên trả lời em.

Có ba bậc đại học : cử nhân kỹ sư (bachelor in engineering), thạc sĩ kỹ sư (master in engineering) và tiến sĩ kỹ sư (doctor in engineering). Hai bậc thạc sĩ và tiến sĩ còn được gọi là hậu đại học (post graduate).

Tùy quốc gia, tùy trường, cử nhân học ba hay bốn năm. Hai năm đầu bậc cử nhân, các em sẽ học thêm những môn khoa học cơ bản. Thầy nhấn mạnh là những môn này các em phải học cho kỹ vì, sau khi tốt nghiệp và trong suốt đời nghề, các em sẽ thường xuyên phải áp dụng những kiến thức đó. Nếu các em không thành công ở hai năm đầu đó thì tốt nhất là nên chọn một nghề khác để kiếm ăn và luôn luôn nhớ rằng nghề nào cũng có cái vinh quang của nó : nhất nghệ tinh, nhất thanh vinh. Sau hai năm đầu của bậc cử nhân thì chương trình học và thực tập sẽ dễ và thú vị hơn. Lần lượt các em sẽ đi xâu vào những ứng dụng của khoa học vào ngành chuyên môn các em tự chọn hay được tuyển lựa. Thường thì các em sẽ được tuyển lựa vì số chỗ học của mỗi phân khoa đã được nhà trường quy định tùy theo nhu cầu nhân lực của kinh tế quốc dân và các sinh viên đều muốn học ngành chuyên môn theo thị hiếu đương thời : nếu xếp hạng cao thì được học ngành chuyên môn mình đã chọn, còn nếu hạng thấp thì học ngành vẫn còn chỗ. Giữa năm thứ hai và năm thứ ba, các em sẽ phải đi tập sự làm công nhân ít nhất một tháng ở xí nghiệp : phân xưởng sản xuất hay công trường xây dựng. Năm cuối, các em sẽ tập sự ít nhất sáu tháng ở một xí nghiệp để viết một báo cáo kỹ thuật dưới sự hướng dẫn của một kỹ sư lão thành. Sau khi có đủ tín chỉ và bảo vệ thành công báo cáo thì các em sẽ được phong cử nhân kỹ sư.

Trên nguyên tắc thì tốt nghiệp cử nhân là có thể đi hành nghề được rồi. Học tiếp sau đại học chỉ là học thêm. Thầy sẽ bàn về học vị tiến sĩ vào một dịp khác.

Có hai loại chương trình thạc sĩ : một chương trình đào tạo bổ túc và một chương trình đào tạo dự bị cho nghề nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Các em nên chọn chương trình đào tạo bổ túc. Các em sẽ học khoảng 15 đến 20 tín chỉ, mỗi tín chỉ 30 đến 40 giờ giảng dậy và các em phải trở lại xí nghiệp để soạn một báo cáo kỹ thuật trình bầy phương pháp các em giải quyết một vấn đề kỹ thuật mới hay một vấn đề điều hành phức tạp của xí nghiệp. Báo cáo kỹ thuật tính làm khoảng một nửa tổng số điểm để tốt nghiệp. Nếu học viên có đủ tín chỉ và bảo vệ thành công báo cáo kỹ thuật thì được tuyên bố đỗ thạc sĩ về môn đã theo học. Nếu các em chưa đi làm ở xí nghiệp thì không thể có một đề tài để viết một báo cáo xứng đáng được phong thạc sĩ kỹ sư được. Ngoài ra, một chương trình thạc sĩ là một chương trình đào tạo bổ túc. Nếu các em không có kinh nghiệm nghề nghiệp thì không biết những khuyết điểm của mình để chọn chương trình học bổ túc. Vì hai lý do đó mà học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân kỹ sư là một điều sai lầm.

Viết như vậy không có nghiã là không nên theo học những chương trình thạc sĩ đào tạo bổ túc. Ngược lại, trong đời nghề, một kỹ sư phải trở lại đại học vì hai lý do. Trước tiên là khoa học kỹ thuật tiến bộ rất mau. Trung bình thì cứ năm năm là xẩy ra một cách mạng công nghệ trong ngành công nghiệp. Tốt nghiệp đi làm được năm năm là những kiến thức đã lạc hậu rồi. Trong ngành tin học và viễn thông công nghệ đổi thay tróng mặt. Nếu muốn kỹ năng của mình luôn luôn hiện đại thì, trung bình cứ năm năm một lần, các em phải tham gia một chương trình đào tạo bổ túc. Điều thứ hai là, trong đời nghề, một kỹ sư thỉnh thoảng sẽ đổi chức vụ và, nếu các em muốn có kỹ năng để đảm trách chức vụ mới thì cũng lại phải theo học một chương trình đào tạo bổ túc. Rút cục, trong bốn mươi năm đời nghề, một kỹ sư sẽ phải trở lại đại học ít nhất sáu bẩy lần. Nhiều nước công nghiệp có Luật Đào tạo Liên tục. Tùy quy định của luật và tùy bên thuê lao động hào phong tới đâu, học viên có thể tham dự những khóa đào tạo bổ túc vào giờ làm việc hay vào giờ nghỉ, học phí do học viên tự túc hay do bên thuê lao động chi trả, trong khi học thì vẫn được trả lương hay không,...

Trở lại đại học không có nghĩa là phải học toàn bộ chương trình và thi lấy bằng thạc sĩ. Mục đích của một chương trình thạc sĩ đào tọa bổ túc là mở rộng kiến thức của một cử nhân, đi sâu vào một khía cạnh đặc biệt của một ngành chuyên môn hay dậy công nghệ mới của một ngành. Giảng viên là những giáo sư hay những kỹ sư xí nghiệp đã sáng chế hay đã áp dụng thành công kiến thức mà các em muốn học thêm. Nếu chỉ muốn cập nhật ngành chuyên môn của mình thì các em chỉ cần đến học một tín chỉ, những tín chỉ khác thì các em đã thông thạo rồi. Nếu muốn mở rộng kiến thức để giữ một chức vụ mới thì phải học toàn bộ chương trình và có thể thi để lấy bằng thạc sĩ. Nhiều khi các em sẽ trở lại đại học để bổ túc những kiến thức không liên quan gì đến khoa học kỹ thuật. Tỷ dụ, nếu các em là kỹ sư kiểm lâm thì vài năm sau khi tốt nghiệp các em sẽ phải học thêm về chống lâm tặc và khoáng tặc. Nếu các em là kỹ sư trưởng ở một xí nghiệp công nghệ cao nhậy cảm về kinh tế hay quốc phòng rất có thể các em sẽ được Bộ Công an mời đi học một khóa về bảo mật phản gián. Thường thì, sau năm mười năm, một cử nhân kỹ sư theo học chương trình quản trị và thi lấy bằng MBA (Master in Business Administration, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh).

Nhiều em tưởng rằng phải học ở nước ngoài thì mới có khả năng hành nghề kỹ sư. Điều này không đúng. Thầy không nói vậy để an ủi các em không có học bổng du học hay quá nghèo không thể đi học tự túc ở nước ngoài. Uy tín của một trường Đại học dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật của nhà trường chứ không dựa vào kỹ năng nghiệp vụ và đời nghề của cựu sinh viên. Trong số những giáo sư nổi tiếng ở nước ngoài cũng như ở trong nước thì có vị dậy rất giỏi nhưng nhiều vị chỉ quan tâm đến đề tài nghiên cứu của mình chứ không thích dậy hay dậy rất khó hiểu làm các em mất thì giờ. Cũng như ở Việt Nam, việc đào tạo các em chủ yếu đổ lên đầu các thạc sĩ nghiên cứu sinh đang soạn tiến sĩ. Điều quan trọng là các em nên tránh những trường dỏm, ở trong nước hay ở nước ngoài. Những trường đó chỉ được thành lập để ban giám hiệu làm giầu hay để thỏa mãn tính khiêu ngạo của lãnh đạo chính trị địa phương. Ngoài việc các em sẽ không được đào tạo bài bản, bằng cấp một trường không có tiếng tăm hay đã giải thể khó mà giúp các em tìm được việc làm vừa ý. Những trường nước ngoài, nhất là những trường có tên hấp dẫn, không nhất thiết dậy giỏi hơn các trường ở Việt Nam.

Tôi có dịp phỏng vấn một số cựu sinh viên những trường thuộc Đại học Bách khoa ở Hà– Nội, Đà–Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy và những khách hàng thầy tư vấn nhận thấy rằng các kỹ sư ba trường này đều có thể tuyển dụng được. Nếu các em không thành công sau khi tốt nghiệp ba trường đó là tại vì các em không thông thạo Anh ngữ, không biết tự học hay đã học tắt hai năm đầu của bậc cử nhân chứ không phải lỗi nhà trường dậy kém.

Sau khi tốt nghiệp, trách nhiệm sẽ là một sản phẩm hay một dịch vụ thích ứng với điều kiện sách, mang lại lợi nhuận cho xí nghiệp, tôn trọng các tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường và đã được sản xuất trong những điều kiện hài hòa với nguyện vọng của nhân viên xí nghiệp và cư dân xung quanh xí nghiệp. Thầy không biết có nghề nào khác với nhiều gò bó như vậy. Mặc dù đầu óc đầy những phương trình, định lý, định luật của toán học, vật lý học, hóa học, sinh học,... khi khởi nghiệp, các em vẫn chưa biết gì mấy về nghề kỹ sư và sẽ được đào tạo uốn nắn theo triết lý quản lý nhân sự của xí nghiệp tuyển em. Các em sẽ được một kỹ sư lão thành, kỹ sư phó hay kỹ sư trưởng, đỡ đầu. Các em sẽ thi hành những gì vị đó sai bảo. Sau ba đến bốn năm các em sẽ phải tự quyết nhiều việc, chỉ huy dăm ba người. Tuần tự, tùy khả năng và sự hăng say làm việc, các em sẽ điều hành một phân xưởng hay một công trường nhỏ, rồi điều hành cả một nhà máy, như là nhà máy lọc dầu Dung–Quất, hay một công trường, như là công trường xây đập Sơn–La, chỉ huy cả vạn nhân viên. Càng lên cao thì các em sẽ càng ít phải huy động những kiến thức khoa học kỹ thuật các em đã học ban đầu để tập trung vào những vấn đề nhân sự và quan hệ xã hội. Tỷ dụ, kỹ sư xây một hố bùn chỉ lo làm sao cho hố bùn đó có đủ dung tích và vững chắc. Nhưng kỹ sư trưởng của dự án khai thác bô–xít sẽ bỏ tất cả thì giờ và hơi sức để thuyết phục dân chúng địa phương rằng hố bùn đỏ sẽ không vỡ nếu có động đất mạnh. Việc thiết kế, xây dựng và vận hành toàn bộ khu mỏ thì đã có những kỹ sư dưới quyền đảm nhiệm.

Nghề kỹ sư là một nghề mang lại nhiều tiếng và nhiều miếng. Giá phải trả là, ở những năm cử nhân, các em phải học vất vả hơn là những sinh viên khác và, trong suốt đời nghề, các em phải liên tục trau dồi kiến thức. Sau khi đọc những dòng trên mà các em vẫn quyết tâm muốn trở thành kỹ sư thì thầy chỉ còn nước là hoan nghênh em. Từ khi nước ta mở cửa, có bao nhiêu nhà máy đang chờ các em thiết kế và lắp đặt, bao nhiêu hạ tầng đang chờ các em xây, bao nhiêu là công nhân đang chờ các em chỉ huy sản xuất, bao nhiêu tầu biển tầu sông đang chờ các em đóng để chở hàng,... Chúc các em nhiều can đảm để thành công.

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org