Hàng chục triệu cuốn sách giáo khoa sẽ phải sửa lem nhem

Vietsciences-   Nguyễn Xuân Hãn      08/09/2008

 

Những bài cùng tác giả

    (LĐ) - Theo NXB Giáo dục, năm học 2008-2009 in và phát hành 99 triệu bản SGK phổ thông các cấp. SGK vừa đến tay học sinh để bước vào năm học mới thì một thông tin gây chấn động dư luận: NXB Giáo dục đang chuẩn bị in 3 cuốn sách đính chính SGK.

PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) xung quanh sự kiện này.

- Thưa GS, việc NXB Giáo dục phải in tới 3 cuốn sách để đính chính SGK đang làm dư luận hết sức quan tâm. Vì sao lại có nhiều sai sót trong SGK đến như vậy? GS đánh giá sự kiện này như thế nào?

- SGK có nhiều sai sót, đặc biệt là sai kiến thức, thật bất lợi cho dạy và học ở phổ thông. Điều này đã được bàn bạc ở nhiều diễn đàn quốc gia và công luận nhiều năm nay. Việc thiết kế chương trình và biên soạn SGK của ta trong 27 năm qua có vấn đề, từ tư duy, từ nhận thức, chỉ đạo và tổ chức triển khai.

- Sự bất cập này đã được giới khoa học cảnh báo, nhưng cơ quan có trách nhiệm vẫn bỏ qua. Nói một cách hình ảnh, một ngôi nhà 12 tầng tương ứng với 12 lớp ở phổ thông, chỉ cần một nhóm thợ giỏi làm, đồng bộ là đủ, còn ta đem cắt khúc ngôi nhà này ra thành nhiều phần và thuê hàng trăm nhóm thợ khác nhau làm theo kiểu cuốn chiếu "vừa chạy vừa xếp hàng", lại không có ai tổng chỉ huy về học thuật, nên sai sót là không tránh khỏi.

- Dù có 3 cuốn sách đính chính cũng không giải quyết được gốc vấn đề. Tại sao? Kiến thức trình bày trong SGK không liền mạch, thiếu logic, ngôn ngữ trình bày xa cuộc sống, khó học và khó dạy. So với các nước, chương trình của ta nặng hơn từ 1 đến 3 năm.

- Gia đình cũng là một kênh giáo dục, nhưng không ít phụ huynh có bằng cấp TS, GS cũng chưa hẳn đã hiểu để kèm cặp cho con mình. Chương trình và SGK hiện nay nếu tiếp tục sử dụng, thật bất lợi cho sự nghiệp trồng người.

- Là người nghiên cứu chương trình và SGK trong  ngoài nước, GS có thể nói cụ thể những bất lợi?

- Chương trình nặng, nên HS phải học thêm ngay từ năm lớp 1, làm các em mất tuổi thơ. Ngoài SGK ở lớp 1 đã có tới 59 đầu sách tham khảo! Theo kết quả điều tra của một số tổ chức VN với Tổ chức Cứu trợ nhi đồng Anh, số tiền học thêm rất lớn, khoảng 300 triệu USD/năm.

- Việc hàng trăm ngàn HS trượt tốt nghiệp THPT và hàng trăm ngàn học sinh bỏ học đang là vấn đề bức xúc, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là thiếu chương trình và SGK chuẩn.

- Về việc bỏ học, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đã nói "ngay lập tức phải coi tình trạng bỏ học chẳng khác gì tín hiệu SOS, ngang với thiên tai, lũ lụt... phải nhanh chóng tìm cách cứu chữa ngay".

- Tại sao không chỉnh sửa trước khi in SGK mới, để khỏi phải in thêm sách đính chính, thưa GS?

- Theo tôi được biết, sau khi in xong sách đính chính, Bộ GDĐT sẽ chuyển sách đính chính về các sở GDĐT, các sở chuyển cho phòng GDĐT các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc, các phòng GDĐT lại chuyển cho các trường, các trường chuyển cho các thầy cô, các thầy cô trực tiếp hướng dẫn các em học sinh sửa bằng bút vào SGK mới mua.

- Hơi lem nhem thôi, chứ không phải dùng cả SGK lẫn sách đính chính. Còn việc tại sao không chỉnh sửa trước khi in SGK mới để khỏi phải in thêm sách đính chính thì tôi chịu. Chỉ có Bộ GDĐT mới trả lời được.

- Theo GS, để có chương trình và SGK chuẩn, chúng ta cần phải có giải pháp gì trong thời điểm hiện nay?

- Gốc tư duy sai về khoa học thì phải sửa ngay. Thực tế hiện nay, tất cả các nước đều làm chương trình và SGK đạt chuẩn quốc tế và được sử dụng ổn định hàng chục năm, dù nước đó là nước phát triển: Anh, Đức, Nga, Pháp và Mỹ, hay các nước còn khó khăn ở Châu Á, Phi, hay Mỹ Latinh.

- Tại sao VN còn nghèo mà mỗi năm người dân phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng cho việc mua SGK? Điều này thật phi lý. Khi công tác ở nước ngoài, tôi đã trao đổi kỹ với các bạn ở các nước, đặc biệt là các nước ở Châu Phi, Mỹ Latinh và nhận thấy, cách thiết kế chương trình và biên soạn SGK của các nước đang phát triển, và cách làm trước đây của GS Hoàng Xuân Hãn năm 1945, của GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tụy, nhà giáo Lê Hải Châu và các nhà giáo khác năm 1955, giống hệt nhau.

- Hiện đại hoá kinh nghiệm quý báu trong tổ chức biên soạn trong - ngoài nước, với những CT-SGK của nước ta trước đây, xin một lần nữa khẳng định lại CT-SGK phù hợp với VN và đạt chuẩn mực quốc tế trong vài tháng sẽ làm xong, để sang năm triển khai đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12. Vấn đề là con người và tổ chức, người chúng ta có, vấn đề còn lại là biết chọn và sử dụng.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Huy thực hiện

 

Lao Động số 200 Ngày 30/08/2008 Cập nhật: 8:42 AM, 30/08/2008 http://www.laodong.com.vn/Home/xahoi/giaoduc/2008/8/104562.laodong

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn