Những bài cùng tác giả
Cho sinh viên nghèo, hiếu học vay tiền để có điều
kiện tiếp tục học ĐH là chương trình khuyến học hầu như nước nào cũng có.
Đây là một chính sách đúng đắn, được người dân tích cực ủng hộ. Việc Bộ
GD-ĐT nước ta có chương trình cho sinh viên vay, bình quân 800.000
đồng/tháng/em, chứng tỏ khả năng tài chính của Nhà nước cơ bản đã đủ sức đảm
đương, tạo điều kiện để nâng cao tỉ lệ tiếp tục lên ĐH của học sinh tốt
nghiệp THPT.
Song, trước khả năng các ĐH công tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo
dục- dự kiến có thể lên 3-5 lần, đến 500.000 đồng/tháng như Bộ trưởng Bộ
GD-ĐT chủ trương- thì với 300.000 đồng còn lại, liệu sinh viên có đủ trang
trải cho việc ăn, học?
Với mức sống hiện nay, giá cả lương thực, thực phẩm tăng nhanh, chắc chắn
các em sẽ rất chật vật. Khi đó, các em buộc phải dạy thêm, làm việc ngoài
giờ hay xin tiền chu cấp của gia đình...
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn được đặt ra là những người được vay sẽ
phải hoàn lại tiền cho Nhà nước bằng cách nào, thời gian bao lâu sau khi tốt
nghiệp, nhằm bảo đảm thu hồi đồng vốn của Nhà nước? Nhiều kế sách đã được
bàn thảo, như: buộc cha mẹ, người thân hay các chủ cơ quan, đơn vị thu nhận
sinh viên ra trường có trách nhiệm buộc các em phải trả lại cho Nhà nước,
ngoài việc kêu gọi sự tự giác của các em. Những điều kiện và cam kết khi vay
của các em liệu có được thực thi nghiêm chỉnh hay “được xôi rồi việc” hoặc
bỏ học giữa chừng... thì sao? Các vấn đề này vẫn chưa có lời giải đáp, tuy
rằng hơn 2.000 tỉ đồng đã được chi cho vay trong năm 2007.
Bài toán cho vay và trả nợ được thực hiện ở nhiều nơi, nhất là các nước
phát triển như Mỹ, Nhật, Pháp..., khá suôn sẻ. Có khoảng 70% - 80% hoàn vốn
cho Nhà nước; 20% thất thoát bất khả kháng là do tử vong, tai nạn, bệnh
tật... Sở dĩ các nước này thu hồi nợ vay của sinh viên được vậy là nhờ thuế
thu nhập cá nhân của người vay được quản lý chặt chẽ thông qua công ty và
ngân hàng. Tổ chức thu hồi vốn vay của sinh viên là một cơ quan tách ra khỏi
ngành giáo dục. Nó thuộc lĩnh vực tài chính của bộ tài chính, vì vậy có thể
hoạt động thu hồi, gia giảm, khấu trừ theo đồng lương và hoàn cảnh cụ thể
như cơ quan thuế, được sự hợp tác chặt chẽ của nơi sinh viên ra trường làm
việc.
Cách làm này được xã hội đồng thuận, không gây sức ép tâm lý, cũng như
không là gánh nặng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, giải tỏa việc các em
không thể thanh toán do chưa kiếm được việc làm hay thất nghiệp. Mặt khác,
đây là nợ quốc gia, người vay không thể trốn tránh và phải có trách nhiệm
bồi hoàn với khoản phạt rất nặng để răn đe nếu cố tình vi phạm. Vì thế, số
người chây ì không trả nợ ở các nước nêu trên thật hiếm.
Ở ta, những gợi ý thu hồi vốn vay, kiểu: không cấp bằng tốt nghiệp ĐH nếu
chưa thanh toán nợ; thậm chí phê nợ lên mảnh bằng tốt nghiệp của sinh
viên... như đã được nêu ra là phương án gỡ bí thật buồn cười. Gợi ý lạ lùng
ấy nếu được thực hiện sẽ là cách nhục mạ học sinh, làm hoen ố tấm bằng mà
các em nỗ lực có được một phần bằng tiền vay đầy thiện chí và trách nhiệm
của Nhà nước.
Đã dăng tên Người Lao Động
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Hồng Lê Thọ
|