Giải pháp phát triển giáo dục

Vietsciences- Hồ Ngọc Đại           12/12/2008

 

Những bài cùng tác giả

Em sinh năm 2001, vào học lớp Một năm 2007-08. Em hưởng trọn vẹn nền giáo dục thế kỷ XXI.

Vấn đề. Nền giáo dục hiện đại thế kỷ XXI có gì khác với Nền giáo dục thế kỷ XX kéo dài sang?

Giả thuyết. Nền giáo dục hiện đại thế kỷ XXI ở tầm nguyên lý cao hơn, như Đại công nghiệp cơ khí cao hơn Tiểu nông – tiểu thủ công. Sự khác biệt này biểu hiện một cách tường minh ở tất cả các lĩnh vực:

Nội dung (cái)

Phương pháp (cách)

Thể chế tổ chức

Xử lý đồng bộ các lĩnh vực trên, ngay từ đầu, cần phải định hướng dứt khoát, rõ ràng:

Hướng đi – Hiện đại hoá nền giáo dục,

Cách làm – Công nghệ hoá quá trình giáo dục.

         Giải pháp.

         1. Bậc tiểu học thuần Việt, đảm bảo cho cả 100% dân cư hiện đại:

* Ai được học thì học được, học gì được nấy, học đâu được đấy. Nhờ vậy

* Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!

* Đi học là hạnh phúc!

         2. Bậc trung học một phần hội nhập và theo cơ chế tự chọn.

         3. Bậc đại học hội nhập với thế giới hiện đại.

  Bậc tiểu học đầu thế kỷ xxi

I. Định hướng tổng quan

 

    1. Bậc tiểu học thực hiện được bước phát triển từ lứa tuổi 0-6 (ở nhà) sang lứa tuổi 6-12 (ở trường). Bước phát triển này đặc trưng bởi sự phát triển trí tuệ, nhận thức, tư duy. (Lĩnh vực này được nghiên cứu tập trung nhất trong triết học và tâm lý học lứa tuổi). Bậc tiểu học thực hiện bước phát triển từ tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa, với khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa và các thao tác tay chân, sang tư duy khoa học bằng các khái niệm khoa học, với các thao tác trí óc. Đó là bước phát triển quan trọng bậc nhất của đời người hiện đại, coi như một “bước nhảy sinh mệnh”, một có một không.

         Sự phát triển trí tuệ diễn ra trong lĩnh vực khoa học, dưới hình thức các Môn học. Các Môn học khoa học làm nên cốt thép vững chắc của toà nhà trí tuệ hiện đại, là nền tảng trí tuệ và tâm hồn của cả đời người. Vì vậy việc học ở lứa tuổi này đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển cá nhân, là sức mạnh “vật chất” tạo ra sự phát triển của lứa tuổi.

    2. Nói rằng, ở lứa tuổi 6-12, sự phát triển trí tuệ đóng vai trò chủ đạo, tự nó có nghĩa là có nhiều lĩnh vực tinh thần cùng làm nên Cuộc sống thực tự nhiên của em:

         Khoa học cho Lý trí.

         Nghệ thuật cho Tình cảm.

         Niềm tin cho Đạo đức.

         ý chí cho Lối sống.

         …………………..

         Khi em đến trường, học lớp Một, tất cả đều đã có, đã có một cách tự phát tự nhiên, ngay trong cuộc sống hằng ngày, như phù sa lắng đọng, ở tận đáy sâu tâm hồn bé, đã có là còn đó suốt đời.

         Các Môn học (hiểu là các Hệ thống khái niệm khoa học) là cốt thép của trí, là sức mạnh của duy. Còn trong các lĩnh vực Tình cảm, Đạo đức, Niềm tin, ý chí… thì khái niệm dùng làm chỗ bấu víu, định hướng, cho sự vận dụng, điều chỉnh (uốn nắn…), nên chỉ cần các khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa, gắn với phong tục tập quán, truyền thống lâu đời của dân tộc… Trong các lĩnh vực này, những gì đã có là đã có và vẫn còn có mãi, có thể sẽ vững chắc hơn, nhưng không phát triển. Chỉ có lý trí, tư duy mới có năng lực phát triển, ngày càng có nhiều cái mới hơn, với chất lượng cao hơn.

         3. Bậc tiểu học hiện đại dành cho lứa tuổi 6-12 có tầm quan trọng quyết định đối với phần đời còn lại.

         - Một cách tường minh, sự phát triển trí tuệ đóng vai trò chủ đạo là cơ hội đầu tiên cho em tiếp cận nền văn minh hiện đại, để em có thêm những cái lần đầu tiên có. Về phía Người lớn, giáo dục nhà trường đóng vai trò chủ đạo, hoặc có thể tự làm lấy việc này.

         - Một cách ẩn tàng, vốn có sẵn như là nhân lõi hình thành từ lúc lọt lòng những gì về tình cảm, đạo đức… mà vì không thể tường minh, nên người đời nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Giáo dục nhà trường cùng với giáo dục gia đình cần tận dụng, phát huy và điều chỉnh cái đã có ở nhà, làm cho nó “sáng hơn”, “vững chãi” hơn…

         Từ sự phân tích trên, cần tổ chức lại giáo dục tiểu học theo hướng:

Buổi sáng dành cho các Môn học khoa học: Toán – Tiếng Việt – Văn, đặc trưng cho giáo dục nhà trường, chủ yếu tạo ra sự phát triển trí tuệ, tư duy…

Buổi chiều dành cho các Hoạt động, Ngoại ngữ, Đất nước học (bao gồm Sử - Địa – Môi trường…), nặng về tình cảm, bản sắc văn hoá, gắn liền với Cuộc sống thường ngày ở nhà, tại địa phương. Vì vậy, nên tổ chức nhiều Hoạt động tự nguyện, với nhiều loại hình, với tính đa dạng về nội dung, địa điểm, thời gian: ngày nghỉ, ngày hè, ngày lễ… cốt tạo ra hoạt động chung giữa nhiều người, cho em thâm nhập vào các quan hệ xã hội hiện đại hết sức đa dạng và phong phú.

* Nếu các Môn học tạo ra sự phát triển trí tuệ bằng sức mạnh (năng lượng) của khái niệm khoa học hiện đại, cho em trực tiếp tiếp cận nền văn minh hiện đại, thì các Hoạt động (thường là ở ngoài 4 bức tường lớp học) tạo ra sự hài hoà, tự nhiên bình thường của Cuộc sống thực hiện đại, năng động, cởi mở…

* Cả hai cùng nhau tạo ra sự phát triển tự nhiên của từng cá nhân học sinh, là “nguồn năng lượng” đáng tin cậy nhất cấp cho Lẽ sống và Sức sống của giáo dục nhà trường và mang lại cho em Hạnh phúc đi học cùng Niềm vui đến trường.

Nhà trường hiện đại là nơi Trẻ em đang sống cuộc sống thực ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay, với những hạnh phúc thực, đau khổ thực, bù trừ cho nhau một cách tự nhiên, tạo ra sự cân bằng tự nhiên trong Cuộc sống thực của mỗi cá nhân hiện đại.

 

II. Định hướng cho Thiết kế

 

Một. Bậc tiểu học có hai cơ hội vàng.

         Cơ hội cuối cùng để giáo dục nhà trường củng cố vững chắc hơn bản sắc dân tộc. Theo nghĩa này, Bậc tiểu học phải thuần Việt.

         Cơ hội đầu tiên để giáo dục nhà trường cho em tiếp cận với nền văn minh đương thời, được hưởng ngay những thành tựu hiện đại có tính nhân loại. Theo nghĩa này, Bậc tiểu học phải hiện đại.

Hai. Bậc tiểu học hiện đại được thiết kế theo:

Hướng đi – hiện đại hoá nền giáo dục.

Cách làm – công nghệ hoá quá trình giáo dục, sao cho ngay từ khi bước chân vào lớp Một, em học gì được nấy, học đâu được đấy, đem lại cho em hứng thú mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui, đi học là hạnh phúc. Xin lưu ý rằng học sinh tiểu học còn bé, còn có bố mẹ, ông bà nội ngoại, chú bác cô dì cậu mợ, anh chị em ruột và họ hàng… Có hàng trăm người liên quan đến một em. Hạnh phúc của em làm cho gia đình dễ yên ấm, gia đình yên ấm thì xã hội dễ yên lành. Nói cách khác, bậc tiểu học có một vai trò xã hội – chính trị rất lớn và rất thực.

        

Ba. Bậc tiểu học hiện đại đã có sẵn cứ liệu tuyệt vời về thể chất. Năm 2001, Mỹ công bố Bản đồ gen: Trẻ em hiện đại sinh ra đều có đến 99,9% số gen giống nhau. Do đó, tất cả trẻ em hiện đại đều có bộ não như nhau cho sự phát triển tinh thần, năng lực trí tuệ, năng khiếu nghệ thuật, phẩm chất đạo đức… ở mặt này, nền giáo dục hiện đại còn phải thăm dò, thu thập cứ liệu trên Trẻ em hiện đại. Từ 1960, các nhà khoa học trên thế giới đã “sáng chế” ra phương tiện thăm dò bằng phương thức thực nghiệm, ở trường Thực nghiệm, nhờ vậy đã có những cứ liệu vững chắc làm cơ sở để thiết kế Bậc tiểu học thế kỷ XXI khác về nguyên lý so với Bậc tiểu học thế kỷ XX, như máy cày khác cày chìa vôi.

Xây dựng Bậc tiểu học hiện đại có thể bắt đầu xử lý một cách vật chất, bằng hai chữ: cái và cách (cốt thép của Toà nhà giáo dục).

         * Em cần (học) cái gì?

         * Em làm ra (học) cái đó bằng cách gì?

         Cả cái lẫn cách đều do Người lớn áp đặt. Bản chất giáo dục là áp đặt. Chỉ có điều áp đặt như thế nào cho tự nhiên, tự nhiên như áp lực không khí, tự nhiên như sức hút của quả đất. Giáo dục càng tự nhiên bao nhiêu thì Trẻ em phát triển càng tự nhiên bấy nhiêu, và đó là phương án tối ưu.

         Bốn. cái chọn cho Bậc tiểu học hiện đại có thể hình dung theo 2 ví dụ này (đã thực nghiệm tại Trường Thực nghiệm ở Hà Nội):

         Tiếng Việt.

Lớp Một. Cấu trúc ngữ âm của Tiếng.

Lớp Hai. Từ – Ngữ - Câu. Viết thành câu.

Lớp Ba. Viết đúng câu và không bao giờ viết sai câu.

         Toán

Lớp Một. Làm quen với ngôn ngữ tập hợp.

Số tự nhiên – dãy số tự nhiên trên các Hệ đếm.

Phép toán đại số

Lớp Hai. Các phép toán trên Tập hợp (Hợp, Giao, Hiệu).

Phép cộng và phép trừ.

Lớp Ba. Tích Đề-các

Phép nhân và phép chia.

 

         Các ví dụ này cho thấy, 4 phép tính số học cổ truyền nay chỉ còn là một “chi tiết” trong chương trình Toán hiện đại, giống như cày chìa vôi thu lại thành một “chi tiết” trong Bộ phận công tác của máy cày.

 

         Năm. cách là cốt tuỷ của Nghiệp vụ sư phạm. Bậc tiểu học là nơi tinh chất Nghiệp vụ sư phạm đậm đặc nhất, thuần khiết nhất và có sức mạnh quyết định nhất.

         Cách chẳng qua là quá trình, sẽ đọng lại thành sản phẩm (cái). Nếu tổ chức và kiểm soát được quá trình thì sản phẩm là tất yếu. Quá trình (cách) được thiết kế bằng các việc làm, thực thi (làm) bằng các thao tác. Các sản phẩm vật chất làm bằng các thao tác vật chất / thao tác tay chân. Làm ra khái niệm khoa học thì cần phải có các thao tác trí óc. Do đó, đến trường học lớp Một, em lần đầu  tiên được huấn luyện các thao tác trí óc và học cách làm việc trí óc. Nhờ vậy, em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, tức là ngay từ đầu, em đã học cách tự học. Toàn bộ “bí quyết” của Nghiệp vụ sư phạm hiện đại được phân giải một cách tường minh, thành một hệ thống thao tác, mà thao tác nào cũng đơn giản, chuẩn xác, ai làm cũng được, ai làm cũng như ai.

Hơn bất cứ bậc học nào khác, Bậc tiểu học chức trong bản thân mình hai đặc trưng cơ bản của giáo dục hiện đại:

1. Về mặt xã hội chính trị – cả 100% dân cư đều được học.

2. Về mặt nghiệp vụ sư phạm – hễ ai được học thì học được, học gì được nấy, học đâu được đấy.

Bậc tiểu học hiện đại phải là nền tảng vững chắc nhất cho nền giáo dục hiện đại xây lên trên đó toà nhà với bất cứ tầm cỡ nào.

 

III. Định hướng xử lý thực tiễn

         Xây dựng nền giáo dục hiện đại của thế kỷ XXI cũng như xây dựng một công trình hiện đại: Dựa vào Định hướng cho thiết kế (một hình thức “ra đầu bài”) mà thiết kế và đành phải trông cậy vào Năng lực thiết kế của những cá nhân cụ thể.

         Xử lý thực tiễn Bậc tiểu học hiện đại là xử lý các quan hệ trong từng cặp phạm trù hiện đại, ví dụ:

Nhiệm vụ xã hội – chính trị / Nghiệp vụ sư phạm

Trưởng thành / Phát triển

Giáo dục / Tự giáo dục

Gia đình / Nhà trường

Tất cả những gì về mặt xã hội – chính trị cần xử lý trong giáo dục thì phải trông cậy vào Nghiệp vụ sư phạm hiện đại xử lý các mối quan hệ cơ bản nhất:

1. Quan hệ Trưởng thành / Phát triển

Trẻ em sinh ra có đến 99,9% số gen giống nhau, nhưng lớn lên không ai giống ai, mỗi cá nhân là duy nhất, có một không hai trên thế giới. Quá trình “lớn lên” này có hai dòng cơ bản:

- Lớn lên về thể chất gọi là Trưởng thành.

- “Lớn lên” về tinh thần gọi là Phát triển.

Trưởng thành là một quá trình có bản tính tự nhiên thiên nhiên, theo một lộ trình (chương trình) vạch sẵn từ trong bụng mẹ.

Phát triển là một quá trình tự tạo ở trong đời, trong cuộc sống thực và chỉ có thể phát triển được, nếu Trẻ em sống trong xã hội loài người và sống chung với người lớn. (Các bé chó sói đưa về nuôi có trưởng thành, nhưng không phát triển theo kiểu người). Nói cách khác, không phải là “dòng giống” hay bộ gen, mà Giáo dục / Tự giáo dục mới quyết định sự phát triển của mỗi cá nhân cụ thể.

2. Quan hệ giáo dục / Tự giáo dục

Giáo dục không có mục đích tự thân.

Tự giáo dục có mục đích tự thân, nhưng phải ở trong lòng Giáo dục của người lớn, giống như thai nhi lớn lên trong lòng mẹ. Mối quan hệ Giáo dục / Tự giáo dục là mối quan hệ có tính quyết định đối với đời sống cá nhân, luôn luôn biến động và tuỳ thuộc vào lứa tuổi, vào thời đại…

Trẻ em hiện đại phát triển qua từng lứa tuổi. Mỗi lứa tuổi có mục đích tự thân (đóng vai trò chủ đạo), tạo ra sản phẩm đặc trưng cho riêng mình, sau đó sản phẩm ấy biến thành điều kiện, phương tiện… phục vụ cho bước phát triển của lứa tuổi tiếp theo, ví dụ:

Từ 0 đến 6 tuổi, hình thành những gì có tính sống còn, kết thành tảng liền vững chắc, ở tận nơi sâu nhất, kiên cố nhất của trí tuệ và tâm hồn, sẽ mãi mãi đi theo em suốt đời.

Từ 6 tuổi trở đi, tất cả 100% trẻ em hiện đại phải đến trường, em sẽ học để có thêm những gì chưa hề có, nhưng đã có trong nền văn minh đương thời như là “nhân tố tự nhiên” của Cuộc sống thực hiện đại.

3. Quan hệ giáo dục gia đình / Giáo dục nhà trường

Giáo dục gia đình / Giáo dục nhà trường, cả hai đều không có mục đích tự thân, mà đều vì lợi ích cơ bản nhất của Trẻ em là trưởng thành bình thường và phát triển tự nhiên. Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải vì lợi ích cơ bản nhất của từng em cụ thể (không so sánh với em khác) mà tổ chức quá trình tự giáo dục sao cho thật tự nhiên, không đòi hỏi phải cố gắng. Tự giáo dục – việc này bé đã làm từ lúc lọt lòng, ví dụ, tự bú… Rồi bé tự học các thao tác tay chân, học nói… tất cả đều diễn ra tự nhiên, ngay trong cuộc sống thường ngày. Việc học càng tự nhiên bao nhiêu thì càng vững chắc, càng đáng tin cậy bấy nhiêu.

Đừng cưỡng bức bé, mà có khi phải ²chịu thua² bé đã, thì rồi sau mới mong sẽ  giáo dục được bé.

ở trường, tự giáo dục nghĩa là em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, chỉ có điều, quá trình này được Thầy giáo tổ chức và kiểm soát sao cho sản phẩm là tất yếu.

Giáo dục gia đình / Giáo dục nhà trường, cả hai đều cùng tuỳ thuộc vào truyền thống và nền văn minh đương thời. Nền văn minh thế kỷ XXI rồi sẽ có nền giáo dục của riêng nó, dù là giáo dục gia đình hay giáo dục nhà trường, nhưng thời nào cũng vậy, giáo dục gia đình vẫn cứ diễn ra tự nhiên, cuộc sống thực mách bảo gì nghe nấy. Còn giáo dục nhà trường thế kỷ XXI thì ở trình độ tự giác cao hơn, Thầy giáo hiện đại hành nghề theo Công nghệ học (cho các Môn học) hay Công nghệ giáo dục (cho các Hoạt động), để cho em tự làm ra những sản phẩm đúng hay sản phẩm gần đúng.

 

IV. Nghiệp vụ sư phạm

 

         Vì sự phát triển tự nhiên của Trẻ em hiện đại, giáo dục nhà trường phải có nghiệp vụ sư phạm tìm giải pháp ngang tầm với nền văn minh hiện đại, bằng cách xử lý các mối quan hệ cơ bản:

         1. Mối quan hệ cái / cách là mối quan hệ cơ bản sống còn của một nền giáo dục, như bộ xương của cơ thể.

         Cái cấp cho sự phát triển có tầm quan trọng như cái cấp cho sự trưởng thành, cùng đưa “năng lượng” từ ngoài vào, sao cho Trẻ em tiếp nhận nó một cách tự nhiên, bình thường, như hít thở không khí. Vấn đề cốt tử đành rằng phải có cái, nhưng có bằng cách nào đặc trưng cho nghiệp vụ sư phạm hiện đại, giống như từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, cứ đi thì rồi cũng đến, nhưng đi bằng cách gì, - đi bộ, đi cáng, xe ngựa, xe đạp, xe máy, ô tô, tàu hoả, máy bay?

         Cái / cách là cốt thép của toà lâu dài giáo dục nhà trường hiện đại, cũng là cốt thép của sự phát triển tinh thần (trong giáo dục, nói đến phát triển thì hiểu là phát triển tinh thần, khác với sự trưởng thành về cơ thể), do đó, là vấn đề cốt tuỷ của Nghiệp vụ sư phạm hiện đại.

         Sự phát triển tinh thần nói chung cần những cái / cách riêng cho từng lĩnh vực tinh thần: Khoa học – Nghệ thuật – Lối sống (Đạo đức – Lý tưởng – Niềm tin – ý chí…). Nghiệp vụ sư phạm hiện đại không “sáng tạo”, mà chỉ chọn lựa cái có sẵn (đã đạt đến hình thái chính thức, ổn định) trong xã hội đương thời. Tường minh hơn cả là cái trong lĩnh vực khoa học, ở đây

                            Cái là khái niệm khoa học.

         Trong thực tiễn giáo dục, không phải hỗn độn một đống những cái riêng rẽ, rời rạc, mà

                            Cái là một hệ thống khái niệm khoa học.

         Hệ thống khái niệm khoa học này phải phản ánh trung thành nội dung – phương pháp – tinh thần của khoa học ở trình độ đương thời (nhưng chỉ có những gì đã đạt đến hình thái chính thức, ổn định).

         Với cái – hệ thống (quen gọi là Chương trình môn học), Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải dùng ba nguyên tắc để thiết kế:

1.Nguyên tắc phát triển.

2.Nguyên tắc chuẩn mực.

3.Nguyên tắc tối thiểu.

 

Nguyên tắc chuẩn mực đề ra yêu cầu phải tôn trọng tính chính thống của nội dung giáo dục. Đương nhiên, chỉ là chính thống tương đối, vì còn phụ thuộc vào năng lực thiết kế của người chọn lựa. Rất có thể có các phương án “chính thống” khác nhau. Làm sao chọn được dòng chính thống hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của Trẻ em?

– Nghiệp vụ sư phạm dùng Nguyên tắc phát triển để xác lập

         2. Mối quan hệ Mục đích / Phương tiện trong nội bộ hệ thống khái niệm được chọn.

         Thoạt đầu, khái niệm A1 được hình thành với tư cách là Mục đích. Sau đó A1 biến thành Phương tiện phục vụ cho Mục đích mới A2. Như vậy, mỗi A có giá trị tự thân (với tư cách Sản phẩm – Mục đích), đồng thời nó cũng có giá trị sử dụng (với tư cách Phương tiện). Chuỗi A1, A2, … An,… hình thành dần theo lôgic nội tại. Chính nhờ sự chuyển hoá vừa tự nhiên vừa tất yếu từ Mục đích (sản phẩm) sang Phương tiện, nên cả giá trị lẫn giá trị sử dụng của khái niệm cùng mang lại cho em lợi ích cơ bản nhất là sự phát triển của chính em. Vì vậy, việc học tự nó có sức hấp dẫn nội tại, là nguồn hạnh phúc và niềm vui đích thực của em. Nhưng có cách gì đảm bảo rằng bất cứ em nào cũng được hưởng Hạnh phúc đi học và Niềm vui đến trường?

– Nghiệp vụ sư phạm phải xử lý thêm

         3. Mối quan hệ Đồng loạt / Cá thể.

         Giáo dục nhà trường ra đời để đáp ứng nhu cầu tăng “năng suất” giáo dục bằng nguyên tắc “Đồng loạt”: Một Thầy nhiều Trò.

         Nay, trong nền văn minh hiện đại, giáo dục nhà trường muốn nâng cao hơn “năng suất” giáo dục thì lại phải “Cá thể hoá” quá trình giáo dục, đem lại hiệu quả tối đa cho từng em học sinh. Nghiệp vụ sư phạm hiện đại xử lý “cứng” bằng chương trình học, thiết kế theo nguyên tắc tối thiểu.

         Chọn cái tối thiểu đồng loạt sao cho để mỗi Cá thể có thể khai thác tối đa giá trị của nó. Cái tối thiểu buộc phải chọn lựa là khái niệm khoa học cơ bản trong Hệ thống khái niệm được chọn (Môn học). Ví dụ,

                   Môn Tiếng Việt bậc tiểu học có 4 khái niệm cơ bản:

                            Tiếng – Từ – Câu và Ngữ.

                   Môn Toán bậc tiểu học có 4 khái niệm cơ bản:

                            Số – Phép toán – Phép cộng và trừ – Phép nhân và chia.

         Đã gọi là tối thiểu thì tất cả 100% học sinh đều phải học được, học gì được nấy, học đâu được đấy. Việc này Nghiệp vụ sư phạm xử lý bằng mối quan hệ Thầy – Trò trong nhà trường hiện đại.

         4. Quan hệ Thầy - Trò

         Thầy Khổng tử phát minh ra công thức kinh điển:

Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ

         Thầy Khổng tử còn ở điểm xuất phát của lịch sử (do đó, của lôgic) nên Công thức hành nghề ấy còn trừu tượng. Ngày nay, Thầy Khổng tử đã “phân hoá” thành hàng vạn hàng triệu Thầy giáo cụ thể: Thầy toán, Thầy văn, Thầy sử, Thầy địa… Tất cả làm thành Người Thầy tổng thể, mà mỗi Thầy giáo cụ thể là một Người lao động sản xuất bộ phận có nghiệp vụ sư phạm.

         Người Thầy tổng thể là một cấu trúc nhiều thành phần, mỗi thành phần đảm nhiệm một chức năng, hình dung như một Cỗ máy có ba Thành phần đảm nhận ba Chức năng:

         Thành phần 1 – Nguồn lực

         Thành phần 2 – Truyền lực

         Thành phần 3 – Công tác

Nguồn lực – Bộ phận thiết kế – thi công mẫu – ổn định công nghệ – xác lập mô hình – chuyển giao.

Truyền lực – Bộ phận đào tạo – chỉ đạo để tiếp nhận.

Công tác – Bộ phận thực thi trực tiếp – Giáo viên đứng lớp.

         Vận hành theo “Cỗ máy” hiện đại này, quan hệ Thầy – Trò xác lập theo Công thức mới:

Thầy thiết kế – Trò thi công

* Thầy thiết kế Hệ thống việc làm.

* Trò trực tiếp làm từng việc, mỗi việc làm ra một sản phẩm xác định.

* Việc làm liên hệ với cái – Sản phẩm.

* Cách làm liên hệ với cách – Quá trình.

 

         Mỗi việc làm thực thi bằng các thao tác.

         Các thao tác phải đơn giản, chuẩn xác, ai cũng làm được, ai làm cũng như ai (ai cầm đũa cũng như ai, ai dùng kéo cũng như ai).

         Trên cơ sở những thao tác chân tay học ở nhà đã thành thạo, đến trường, học sinh lớp Một bắt đầu học (được huấn luyện) các thao tác trí óc cho cách làm việc trí óc.

* Hệ thống việc làm: thiết kế có tính đồng loạt.

* Mỗi học sinh tự làm: thi công có tính cá thể.

 

         Trên thực tiễn sư phạm, quan hệ Thầy – Trò triển khai theo quan hệ “công việc” giữa Thiết kế – Thi công. Sản phẩm do mỗi học sinh tự làm ra có tính “cá thể”, thì trước đó đã có tính “đồng loạt” dưới hình thức Bản thiết kế.

 

V. Công nghệ học

Công nghệ giáo dục

 

         Nghiệp vụ sư phạm hiện đại tổ chức và Kiểm soát quá trình làm ra Khái niệm thì được một sản phẩm hoàn chỉnh, dứt khoát, xong là xong, với một giá trị đúng, có thể cân đo đong đếm. Nghiệp vụ sư phạm hiện đại còn làm ra loại Sản phẩm giáo dục, gồm có phần tường minh (là khái niệm, hành động, thao tác, các biểu hiện cảm tính…) và phần không tường minh là phẩm chất cá nhân (động cơ, tình cảm, đạo đức, lương tâm…), thì loại Sản phẩm giáo dục này thường có một giá trị gần đúng. Dù Nghiệp vụ sư phạm hiện đại phân biệt hai loại sản phẩm, thì nói chung, bất cứ sản phẩm nào làm ra ở Trường đều là Sản phẩm giáo dục, đều có đủ cả giá trị lẫn giá trị sử dụng như một Sản phẩm lao động nói chung. Chỉ có điều, Giá trị sử dụng, kể ra, cũng có ích thực tế, nhưng thế nào là thực tế? Mẹ em đi chợ mua 3 con gà, ở nhà đã có 2 con, vậy bây giờ nhà em có mấy con gà? Có ích gì cái “thực tế giả vờ” này? Rất có thể những “chuyện trên trời” lại thực tế hơn chuyện dưới đất, ví dụ, con tàu vũ trụ ở trên trời mới đích thực là con tàu vũ trụ có ích thực tế. Trong giáo dục hiện đại, lấy gì làm căn cứ để đánh giá Sản phẩm giáo dục có ích thực tế?

         - Nó tạo ra sự phát triển của em, chỉ có điều, sự phát triển này ở mỗi thời một khác, tuỳ thuộc vào Cuộc sống thực đương thời. Chẳng hạn, thế kỷ XVIII, trẻ em 6 tuổi đã đi làm để nuôi thân. Ngày nay, con 16 tuổi mẹ còn giục “ăn thêm” cho cao lớn hơn.

         Theo lý thuyết hoạt động chủ đạo, sự phát triển tự nhiên ở lứa tuổi tiểu học đặc trưng bởi Lý trí, nhận thức, tư duy… Nếu hình dung Cuộc sống thực ở lứa tuổi tiểu học như một bức tranh nhiều màu thì ánh sáng của Lý trí chiếu lên nó sẽ làm biến đổi các màu sắc còn lại (nhưng người ta vẫn nhận ra các màu đã có). Thuộc hoạt động chủ đạo, Lý trí có hai đặc điểm: một, bản thân nó đang hình thành, hai, nó có sức mạnh bắt tất cả các nhân tố còn lại phải biến đổi theo chiếc gậy chỉ huy của mình.

         Một Hoạt động được “định nghĩa” bằng Đối tượng của nó. Đi qua lò luyện hoạt động (quá trình hd), Đối tượng này sẽ biến thành Sản phẩm. Như vậy, Đối tượng / Sản phẩm chẳng qua là hai trình độ phát triển khác nhau trong một Hoạt động. Đối tượng có thể có hình thái vật thể, định hình như một đồ vật. Vì vậy, cả tiếng Nga lẫn tiếng Pháp chỉ dùng một từ chung cho cả Đối tượng và Đồ vật. Giá trị lý thuyết lớn nhất của lý thuyết hoạt động nằm ở chỗ Đối tượng là kẻ mang Động cơ, hoặc Đối tượng là nơi hiện thân của Động cơ. Động cơ quy định bản chất tâm lý của một Hoạt động: Hoạt động vì động cơ gì? Vậy nên có thể căn cứ vào một Đối tượng cụ thể có hình hài, để tổ chức và kiểm soát một Hoạt động làm ra Sản phẩm tâm lý.

         Hoạt động học (việc học) có Đối tượng / Sản phẩm làm nên Lý trí. Lý trí hiện đại được xây bằng khái niệm khoa học hiện đại. Nói cách khác, Đối tượng / Sản phẩm của việc học là Khái niệm khoa học hiện đại, được làm ra bằng chuỗi các thao tác trí óc sắp xếp tuyến tính theo thời gian, gọi là công nghệ học. Một khi đã có Công nghệ học thì dám cho học sinh là ra những Sản phẩm đích đáng nhất, là những khái niệm khoa học, hơn nữa, phải là những khái niệm khoa học hiện đại của Khoa học đương thời. Công nghệ học là quá trình biến Đối tượng A thành Sản phẩm a:

         A và a, cả hai cùng một bản chất khái niệm, chỉ khác nhau về hình thái (cũng có thể nói khác nhau về trình độ phát triển trong giáo dục): lúc đầu, A ở bên ngoài học sinh, cuối cùng, a ở trong đầu học sinh. Thiết kế công nghệ học là thiết kế quá trình hình thành khái niệm, tức là thực thi sự chuyển hoá biện chứng từ A đến a, qua các hình thái trung gian kế tiếp nhau. Người thiết kế bắt buộc phải làm được việc phân giải một cách tường minh các nhân tố cấu thành Công nghệ học, trên cơ sở phân giải các nhân tố cấu thành khái niệm và mối liên hệ giữa các nhân tố cấu thành ấy (gọi là mối liên hệ khái niệm) do chức năng (vai trò, vị trí) của mỗi nhân tố cấu thành đảm nhiệm.

         Trong giáo dục hiện đại, có thể lấy Công nghệ học làm điều kiện cần để thiết kế quá trình làm ra Sản phẩm giáo dục. Quá trình này cũng có thể tổ chức và kiểm soát như một công nghệ, gọi là Công nghệ giáo dục.

         Trong nền văn minh hiện đại, dù là Công nghệ học hay Công nghệ giáo dục, cũng đều quyết định bởi năng lực thiết kế. Năng lực thiết kế là sự kết tinh thuần khiết của Nghiệp vụ sư phạm hiện đại, mà rút cục, có thể thâu tóm vào một Công thức:

A ¾® a

cho cả Công nghệ học lẫn Công nghệ giáo dục.

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồ Ngọc Đại