« Đứng nhầm lớp » còn hại hơn « ngồi nhầm lớp »

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu          18/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Từ dăm tháng nay, báo chí truyền thông đưa rất nhiều thông tin về việc học sinh « ngồi nhầm lớp » (theo nghĩa ghi tên vào lớp học, nhưng không có đủ trình độ tương xứng để theo nổi chương trình) và dư luận cho rằng đây là một tai hại lớn cho ngành Giáo dục. Chắc chẳng cần nói thêm.


Nhưng « đứng nhầm lớp » còn tai hại hơn. Tôi muốn nói đến sự việc có những nhà giáo không có khả năng và trình độ phù hợp, mà vẫn được trao trách nhiệm giảng dạy. Tai hại hơn, vì mặt nào, đó là sự góp phần biến những học sinh, sinh viên thành những người « ngồi nhầm lớp ». Để khỏi rườm rà, tôi xin bỏ qua trường hợp của các lớp mẫu giáo, các trường tiểu học, các trường trung học, mà đề cập thẳng đến giáo dục đại học. Chẳng cần nói quanh co : hiện nay không ít nhà giáo đại học không có bằng cấp tương xứng – và dù cho có bằng cấp, thì chưa chắc đã có hiểu biết tương xứng – để giảng dạy đại học. Vậy mà vẫn dạy. Và lại có sự ồ ạt mở thêm nhiều đại học, và nhiều đại học lại được mở thêm nhiều ngành. Lớp thì mở nhiều, nhà giáo có trình độ tương xứng thì ít. Rồi sinh viên tốt nghiệp sẽ có trình độ nào để vào đời đáp ứng được nghiệp vụ, trong một khung cảnh toàn cầu hóa ? Không quyết tâm giải quyết nạn « đứng nhầm lớp », thì e rằng những lời phát biểu về chấn hưng giáo dục đại học chỉ là những khẩu hiệu rỗng, những chỉ tiêu nêu ra sẽ chỉ là bảng kê những thành tích ảo tương lai.


Lấy thí dụ con số 2 vạn tiến sĩ dự kiến sẽ được đào tạo cho đến năm 2015. Trước hết là về số lượng nghiên cứu sinh, tuyển họ ở đâu ra ? Bao nhiêu người mỗi năm ? Giả thử như có đủ ngân quĩ để « nuôi » họ một cách tương xứng, họ sẽ được đào tạo ở cơ sở nào, ai hướng dẫn họ, ngành này bao nhiêu, ngành kia bao nhiêu, đề tài nghiên cứu gì, trong nước ? Câu hỏi cũng tương tự, nếu như đủ ngân quĩ để gửi họ ra để được đào tạo ở nước ngoài. Hình như một số nhà quản lý khi nêu chỉ tiêu đã « quên » rằng các đại học nghiêm chỉnh nước ngoài không dễ gì nhận nghiên cứu sinh nếu như quá trình học tập cơ bản không chứng tỏ được là họ đã là những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp từ những đại học có trình độ. Tiếp theo đó, soạn một luận án, không phải là cứ học chăm, tiếp thu nhanh bài giảng của thày, trả bài đúng ý ban giám khảo, là có « bằng tiến sĩ », na ná như kiểu ông cha ta ngày xưa đi thi Hội thi Đình. Nói một cách tóm tắt và đơn giản hóa cùng cực cho dễ hiểu, luận án tiến sĩ ngày nay mặt nào có thể ví như những « bằng sáng chế » nhưng mang tính hàn lâm, có thể có ứng dụng ngay hay không. « Tìm ra cái mới » là theo nghĩa đó, chứ hoàn thành một luận án tiến sĩ không phải là ngồi viết ra một cái gì « không giống người khác ». Một điều lạ là đâu đó có lúc nêu ra tiêu chí kiểu : muốn được bảo vệ luận án tiến sĩ, phải có vài bài báo đã đăng ở « tập san có giá trị » ở nước ngoài, thậm chí còn đòi hỏi người muốn dự thi làm nghiên cứu sinh phải có 2 « công trình khoa học » đã công bố. Hình như tác giả của những chủ trương này không biết rằng thời gian chờ đợi để một bài báo được thẩm định xong và được đăng lên một tập san nghiêm chỉnh có khi mất hàng hai, ba năm hay hơn nữa. (Ở đây tôi không kể đến trường hợp « có tay trong » hay « thày trò đều xuất chúng », hay trường hợp đặc biệt xảy ra ở một số nước đã phát triển, có những luận án có nội dung tế nhị đụng tới an ninh quốc phòng, kết quả không bao giờ được công bố). Như vậy thì cần bao nhiêu năm để có được 2 vạn tiến sĩ, và bao nhiêu trong đám tiến sĩ này sẽ là nhà giáo cho các đại học đã thành lập hiện nay ở Việt Nam ?


Hay là phải hiểu rằng con số được nêu ra, chỉ nhằm mục đích « báo động » một tình trạng bất cập của giáo dục đại học hiện thời ?
Cho nên, giải quyết vấn đề « đứng nhầm lớp » (liên quan trực tiếp đến việc chấn hưng giáo dục đại học) rất là khó, và ta nên có cái nhìn thiết thực hơn. 40 năm làm giáo sư đại học ở nước định cư – nước Pháp cũng thuộc loại đã phát triển cao và có một chiều dày trong truyền thống giáo dục – tôi cũng có chút kinh nghiệm để nhận thấy là cải cách theo kiểu đại trà là khó lắm, bởi vì nó liên quan tới việc chuyển đổi đồng loạt cả một hệ thống sẵn có, với những khuyết tật của nó, với phương tiện vật chất cần có, với sức ì, với sự cầu an của một phần nhân viên. Ở nước ta thì những khó khăn này lại gấp bội, do bối cảnh lịch sử để lại, thí dụ như một thời đã trót tuyển một số nhà giáo có trình độ yếu kém mà nay lại không thể sa thải, cộng với sự tế nhị trong việc nâng lương bổng nhà giáo sao cho đủ sống để họ có thể toàn tâm toàn ý trong việc thực hiện nhiệm vụ, cộng với khả năng trang bị trường sở, cộng với việc phải nâng đỡ sinh viên về điều kiện sinh sống và học tập như thế nào, để đạt được một trình độ « bình thường » – khoan nói tới đẳng cấp cao làm gì – của một nền giáo dục đại học. Đối với ai có cái nhìn khách quan, không bị ràng buộc về mặt này mặt nọ, rõ ràng là giải pháp nâng cấp các đại học sẵn có là một giải pháp đắt hơn, lâu hơn và khó thực hiện hơn gấp bội.


Do đó, đã từ nhiều năm, tôi cố kiến nghị cho giải pháp thành lập « mới » một đại học công lập, bước đầu cỡ nhỏ, để làm « mẫu » – cho nên mới dùng tên gọi « hoa tiêu» – để giải quyết cấp bách, song song với việc dần dần nâng cấp những cơ sở còn lại . Cũng cần nói thêm rằng, theo ý tôi, « thành lập mới » không có nghĩa là phải « xây cất mới » nhà cửa – có người hiểu lẫn « xây dựng » với « xây cất » – mà trong ý tưởng « hoa tiêu » này, dù cho có gọi nó là đẳng cấp quốc tế, hay đẳng cấp cao, hay có tiêu chuẩn quốc tế, hay gì gì đi nữa, chữ « mới » cần hiểu theo nghĩa là : phải tuyển chọn nhà giáo có trình độ, bổ nhiệm theo chức vụ, chứ không phải theo quan niệm phong hàm, tập trung lại để có một khối lượng tối thiểu nhân sự, kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, tổ chức phương cách quản lý, trang bị và giảng dạy theo chương trình phù hợp, tuyển sinh có trình độ, học tập và kiểm tra nghiêm túc, vv. Ý này trùng hợp với ý của một số đồng nghiệp trong nước.


Trong nhiều năm trước đây, tôi đã kiến nghị sát nhập các viện nghiên cứu vào các trường đại học, nhưng nay nhận thấy có những đại học quá yếu để vực lên được khâu nghiên cứu khoa học.


Do đó tôi chia sẻ cái ý là nên thành lập một đại học « mới » từ các viện nghiên cứu, nơi có nhiều nhân viên có khả năng và đã có chức danh giáo sư, với điều kiện là nhân viên cũng phải được tuyển chọn lại. Cơ sở vật chất lại đã có sẵn. Một đại học đa ngành thành lập từ các viện nghiên cứu, đã có sẵn khả năng để đào tạo tiến sĩ, và dần dần mở thêm những cấp đào tạo từ dưới lên (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ) để bảo đảm « đầu vào » thật nghiêm túc, và dần dần kết hợp được khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và các ngành khoa học kinh tế, nhân văn , … là một giải pháp nhanh chóng nhất mở ra triển vọng cho tương lai, trong đó có khâu giải quyết vấn đề « đứng nhầm lớp ».
Nhưng việc thực hiện sẽ bao giờ xảy ra, hay rồi lại đợi chờ năm này qua năm khác?
 

Đã đăng  trên Vietnam.net và Hanoimoi.com.vn

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bùi Trọng Liễu