Doanh nghiệp và tiến bộ khoa học

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng            08/01/2009
 

Những bài cùng tác giả

So với xu thế chung thế giới thì doanh nghiệp Việt Nam còn tách rời khá xa đối với các tiến bộ khoa học. Điều này một phần do các nhà khoa học nước ta chưa tạo ra các tiến bộ đáng đưa vào sản xuất, mặt khác do thiếu sự cộng tác của doanh nghiệp cùng với sự đầu tư quá phân tán của Nhà nước khiến cho các nhà khoa học thiếu động lực và thiếu điều kiện để tạo ra các tiến bộ đích đáng có thể ứng dụng vào sản xuất.

Tôi có điều kiện khảo sát tại nhiều nước về việc ứng dụng Công nghệ sinh học vào sản xuất và thấy rõ mối liên hệ mật thiết giữa các doanh nhân với các nhà khoa học. Với các ngành khoa học khác chắc cũng tương tự như vậy. Tại Trung Quốc, Viện vi sinh vật học Bắc Kinh có riêng hẳn một nhà máy tại Thiên Tân chuyên đưa các kết quả nghiên cứu vào ngay sản xuất. Tại Đại học Korea (Hàn Quốc) tôi thấy những tòa nhà lớn do Sam Sung, LG…xây dựng và trang bị hiện đại để dành cho các nhà khoa học và nghiên cứu sinh thực hiện các dự án khoa học do các công ty này tài trợ. Tại Viện nghiên cứu quốc gia NITE (Nhật Bản) dù nhà nước đã đầu tư rất lớn nhưng nhiều phòng thí nghiệm cũng đang thực hiện các dự án do các doanh nghiệp đặt hàng . Tại Munich (Đức) nhiều nhà máy lớn đang sản xuất dược phẩm mới từ các tế bào động vật mang gen tái tổ hợp. Tại Đại học Liège (Bỉ) nhiều giáo sư tự mở phân xưởng (quy mô rất nhỏ nhưng rất hiện đại) ngay trong trừong để trực tiếp đưa thành tựu nghiên cứu của chính mình vào sản xuất…

Việc liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học kích thích mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực cho các nhà khoa học đi sâu vào các hướng nghiên cứu hiện đại nhưng có định hướng rất cụ thể và thiết thực. Các Viện nghiên cứu thường gắn liền với các trường Đại học để tận dụng trí tuệ của đội ngữ giáo sư và đông đảo các nghiên cứu sinh.

Ở nước ta những mô hình này chưa nhiều. Nguyên nhân trước hết thuộc về các Viện , các Trung tâm nghiên cứu khoa học. So với khả năng tài chính thì chúng ta hiện đang có quá nhiều các Viện, các Trung tâm nghiên cứu khoa học, phần lớn tách rời với các trường Đại học. Chính vì vậy thiếu sức mạnh cả về kinh phí, thiết bị lẫn đội ngũ nghiên cứu.. Hàn Quốc cách đây không lâu đâu có khác biệt nhiều so với chúng ta vậy mà hiện nay các Trung tâm nghiên cứu , các Trường đại học lớn có trang bị rất hiện đại và đội ngũ giáo sư trẻ nhưng rất giỏi (phần lớn được đào tạo từ nước ngoài trở về). Chính vì vậy họ đủ sức đáp ứng cho các yêu cầu của doanh nghiệp và nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các doanh nghiệp. Tại Viện KRIBB (Hàn Quốc) tôi thấy có những dự án với sự tài trợ của cả nhà nước lẫn doanh nghiệp với kinh phí hàng năm lên tới 13 triệu USD. Tất nhiên kết quả nghiên cứu phải mở ra những khả năng sản xuất được các dược phẩm có giá trị kinh tế rất cao.

Tôi có cảm tưởng như Nhà nước đang cấp kinh phí tràn lan để “nuôi” các Viện , các Trung tâm sống “thoi thóp” với các đề tài không đủ sức tạo ra tiến bộ khoa học nào thực sự. Tôi giật mình khi thấy sản phẩm viên nang của một doanh nghiệp kết hợp với nhà khoa học mang tên Đông trùng hạ thảo, vậy mà xem tờ hướng dẫn thì lại là sản xuất từ Nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) chứ đâu phai từ Đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis). Rất nhiều loại phân bón mang tên Phân vi sinh, Phân hữu cơ- vi sinh mà thành phần và số lượng vi sinh vật khác rất xa so với tiêi chuẩn nhà nước (!). Một nước 86 triệu dân mà chưa làm ra nổi bất kỳ 1g chất kháng sinh hoặc vitamin nào (!) Một nước đứng thứ nhì về xuất khẩu lúa mà đến nay vẫn chưa có được giống lúa kháng bọ rầy, kháng nấm đạo ôn. Một nước mọi nông dân đều chăn nuôi mà không có đủ văcxin phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm. Nguyên liệu tinh bột từ sắn là vô cùng quý giá cho việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp sinh học rất đắt tiền , nhưng toàn dành cho các doanh nghiệp nước ngoài với giá khi lên khi xuống và có cả khi ứ thừa…Các nhà doanh nghiệp có biết bao nhiêu cơ hội để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có tầm quan trọng quyết định đến nền kinh tế nước nhà. Nếu biết tin cậy các nhà khoa học đầu đàn trong từng lĩnh vực thì đâu đến nỗi lọt qua đấu thầu các đề tài thiếu chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm các doanh nghiệp hoặc gây lãng phí một cách đáng tiếc cho ngân sách nhà nước. Ngay các Phòng nghiên cứu trọng điểm, Phòng nghiên cứu chuyên đề cũng chưa đủ sức hấp dẫn các nhà doanh nghiệp. Nguyên nhân có thể do nhiều khía cạnh khác nhau: Chưa chọn đúng các phòng thí nghiệm chìa khóa (key lap) cho từng lĩnh vực khoa học mũi nhọn , từng lĩnh vực kinh tế trọng điểm; đầu tư dù lớn nhưng vẫn chưa đủ tầm để có thể tạo ra các sáng chế, nhiều khi có thiết bị đắt tiền nhưng chưa kịp đào tạo người có thể sử dụng thành thạo, nhiều nơi đóng cửa không cho các nhà khoa học thuộc các đơn vị khác sử dụng, chưa giới thiệu năng lực giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp để hấp dẫn sự liên kết…

Tôi mong các nhà lãnh đạo chủ chốt các ngành và các doanh nhân hãy dành thời gian thực hiện nhiều khảo sát tỷ mỉ về các mô hình liến kết giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học tại các nước phát triển và mới phát triển để rồi tiến hành bắt tay chặt chẽ hơn với các nhà khoa học, cùng với việc Nhà nước đầu tư đủ tầm hơn cho các trung tâm khoa học đã được lựa chọn một cách chính xác. Xin ghi nhớ một khẩu hiệu đang nổi tiếng tại nước ngoài Building the Science, Capitals of the Future- Gây dựng khoa học là vốn liếng của tương lai!

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Lân Dũng