Để đột phá giáo dục, phải tạo "đặc khu tri thức"

Vietsciences-  Hồ Bất Khuất         13/02/2012

 

 
Dù là trường tư hay trường công, dù quy mô lớn hay bé, dù tiền của tư nhân hay của nhà nước, nhưng nguyên tắc cơ bản để trường hoạt động phải là độc lập, tự chủ, tập trung vào chuyên môn, không ngừng sáng tạo. Đấy chính là những điều kiện để "đặc khu tri thức" hình thành.

Trước nhu cầu phát triển của cuộc sống, người Việt Nam chúng ta ai cũng mong muốn đất nước có bước đột phá, mà  đi đầu phải là giáo dục và đào tạo- "động lực phát triển". Nhưng để có được bước phát triển này, nền tảng của nó chỉ có thể là những cơ sở giáo dục đại học có chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng yêu cầu kinh tế- xã hội thời hội nhập. Đặc khu tri thức, rất có thể là mô hình đào tạo đáp ứng yêu cầu ấy.

Điều kiện cho "đặc khu tri thức": Quyền tự trị rất cao

Có thể rất nhiều người lạ lẫm, chưa thật thông khái niệm này, trong khi Việt Nam chúng ta có tới gần 300 trường đại học và hàng trăm viện nghiên cứu. Thực ra, đó cũng vẫn là loại hình trường đại học giảng dạy- nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, mang tính "tiên phong" trong hệ thống các trường đại học. Mục đích của cơ sở đào tạo - nghiên cứu này, nhằm đào tạo ra những người có trình độ và bằng cấp từ cử nhân đến tiến sĩ, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, có kiến thức tương đương với những người có bằng cấp tương tự trên thế giới.

Để tạo ra được những cơ sở đào tạo như vậy, chúng ta phải có cách nghĩ và cách làm khác về cơ bản với những cách mà chúng ta đã và đang làm. Điều này là không quá khó nếu ngành giáo dục thực sự quyết tâm cao, táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ.

Giáo dục đại học của Mỹ hiện nay được xem là tiên tiến và có chất lượng nhất trên thế giới. Căn cứ vào lịch sử hình thành và hoạt động của những trường nổi tiếng như Bologna, Harvard, Virginia, Cornell, Johns Hopkins..., chúng ta có thể rút ra được những kết luận bổ ích.

Đại học Harvard - Mỹ

Ví dụ, Đại học Harvard là một trường tư, được thành lập năm 1636 với tên gọi "The college at New Towne", được đổi tên thành Harvard College vào ngày 13 tháng 3 năm 1639, sau khi John Harvard hiến tặng cho trường một thư viện khoảng 260 đầu sách và khoảng phân nửa tài sản của ông (gần gấp hai lần ngân sách của bang Massachusetts lúc bấy giờ). Năm 1642, Harvard có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, gồm 9 người.

Đại học Virginia thành lập năm 1819, đi vào hoạt động năm 1825 với 8 giảng viên. Còn Đại học Cornell  ra đời sau khi Tổng thống Lincoln ký ban hành Đạo luật Morrill năm 1862, theo đó, liên bang cấp đất cho các tiểu bang để xây dựng các trường đại học công lập. Tuy nhiên, Ezra Cornell - cổ đông lớn nhất của Western Union đã hiến phần lớn tài sản của mình để xây dựng trường.

Và Đại học Cornell là hình mẫu của việc kết hợp giữa hoạt động từ thiện tư nhân và ngân sách nhà nước. Điều kiện để các trường đại học này phát triển thành những thương hiệu mạnh ngày nay là họ có quyền tự trị rất cao.

Lịch sử hình thành và phát triển của các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ chỉ ra rằng: Dù là trường tư hay trường công, dù quy mô lớn hay bé, dù tiền của tư nhân hay của nhà nước, nhưng nguyên tắc cơ bản để trường hoạt động phải là độc lập, tự chủ, tập trung vào chuyên môn, không ngừng sáng tạo. Đấy chính là những điều kiện để "đặc khu tri thức" hình thành.

Làm thế nào để có "đặc khu tri thức" ở Việt Nam?

Như vậy, để tạo ra "đặc khu tri thức", chúng ta phải bắt đầu làm mới hoàn toàn, không nên dựa vào cơ sở hay nền tảng một trường đại học nào đó, vì tính bảo thủ, tính ổn định và sức ì của giáo dục truyền thống. Trước hết, cần phải có đất đai và kinh phí ban đầu. Đất thì đương nhiên là của nhà nước. Còn tiền, có thể có từ nhiều nguồn đầu tư, từ vốn đi vay, từ ngân sách, từ sự đóng góp tự nguyện của những người giàu có mong muốn làm cái gì đó cho giáo dục.

Hiệu trưởng, đội ngũ giảng viên ở những đặc khu tri thức, đa số phải là giảng viên ở các trường đại học ngoài nước, giảng viên Việt kiều (loại giỏi), còn lại là giảng viên, cán bộ nghiên cứu được lựa chọn, được mời từ các trường đại học và các viện nghiên cứu hiện nay.

 

Đại học Tổng hợp Hà Nội

Cách làm này, có thể không "thuần khiết" lắm, nhưng nó cho phép "đặc khu tri thức" hình thành nhanh chóng. Trong điều kiện hiện nay, có thể tiến hành theo cách thứ hai vì trong đội ngũ trí thức, có một số người hiểu rất rõ cần phải sống và làm việc khác đi, cần phải dạy và nghiên cứu khoa học theo cách mới, cần phải tập trung vào chuyên môn, tránh hội họp vô bổ... Nếu những người này được huy động vào "đặc khu tri thức", họ sẽ làm việc theo phong cách mới.

Hoạt động chủ yếu của "đặc khu tri thức" là nhằm lĩnh hội, truyền đạt và tạo ra tri thức mới. Tri thức sẽ là nguồn tài nguyên cơ bản trong thế kỷ XXI. Khác với những loại tài nguyên thông thường khác là khi sử dụng, chúng bị hao mòn và mất đi; tài nguyên trí thức càng được sử dụng, càng tăng lên. Vì vậy, việc đầu tư vào "đặc khu tri thức" là đầu tư để khai thác nguồn tài nguyên hữu ích và dường như vô tận.

Tuy nhiên, cách sử dụng vốn như thế nào cho có hiệu quả lại là vấn đề đáng bàn, vì chúng ta đã từng làm, nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Cách gộp nhiều trường đại học lại thành Đại học Quốc gia và Đại học vùng là một ví dụ. Thậm chí có người cho rằng, cách làm này đã huỷ hoại trường đại học Tổng hợp Hà Nội vốn đã có vị trí trong khu vực vào những năm bảy mươi của thế kỷ XX.

Việc tạo dựng "đặc khu tri thức" phải được nhận thức đầy đủ và rõ ràng. Có một điều được xem như một nguyên tắc, đó là việc thực hiện sự độc lập và quyền tự chủ, tự trị để "đặc khu tri thức" phải là nơi "ngự trị" của trí tuệ; không gian rộng mở của tự do sáng tạo; nơi sử dụng kiến thức và công nghệ để giải quyết những vấn đề dân sinh.

Cốt lõi khái niệm "học tập" của "đặc khu tri thức" là biến những dữ kiện thành thông tin có ích; biến thông tin thành kiến thức có ích; biến kiến thức thành sự phán xét có ích. Do vậy, quá trình học tập này phải được tiến hành một cách tự trị cao, dân chủ, dựa trên cá tính sáng tạo của từng cá thể. Học cái gì, học như thế nào là do mỗi cá nhân lựa chọn.

Ở đây cần nhớ lại tuyên bố của ông  A. D. White - Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Cornell: "Ngành học ra đời từ những nghiên cứu mà người ta ưa thích chứ không phải từ những nghiên cứu mà người ta miễn cưỡng phải làm".

Để tạo "đặc khu tri thức", có nhiều việc phải làm, nhiều điều phải chú ý, trong đó đừng quên khuôn viên nội trú có vai trò cực kỳ quan trọng. Phải nói tới điều này bởi vì hiện nay hầu như không có một trường đại học nào của Việt Nam có khuôn viên nội trú xứng tầm "đặc khu tri thức". Do vậy, xây dựng mới hoàn toàn là điều bắt buộc.

 

http://tuanvietnam.net/2010-07-14-de-dot-pha-giao-duc-phai-tao-dac-khu-tri-thuc-

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Hồ Bất Khuất