Đề án Sử dụng trí thức Việt kiều để xây dựng giáo dục đại học chất lượng cao tại Việt Nam

Vietsciences-Phạm Chí Dũng       18/01/2008

 

Những bài cùng tác giả


Một số phận chơi vơi
 

Vào năm 2006, lần đầu tiên có một đề án xây dựng đại học chất lượng cao (ĐHCLC) được một nhóm trí thức Việt kiều tâm huyết lập ra và đề xuất với những cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước. Thế nhưng cho tới nay, đề án này vẫn chưa nhận được sự phản hồi chính thức nào…
 

Những người nghiên cứu tiên phong

Dường như không thể chờ đợi lâu hơn nữa trong bối cảnh nền giáo dục VN ngổn ngang giữa cái cũ và cái mới, và nói như người ta nói, lại lồng trong bối cảnh con thuyền ĐH VN sắp tiến ra biển lớn nhưng chỉ với hành trang là những cái phao cứu hộ mỏng manh. Trong tình hình đó, cũng như khoa học kỹ thuật phải có những ngành công nghệ chủ công như công nghệ chính xác, công nghệ sinh học, môi trường ĐH VN cũng phải được tượng trưng bởi một số đầu tàu nào đó. Những đầu tàu này tuy không quyết định vận mạng giáo dục ĐH, nhưng sẽ kích thích, kéo mặt bằng giáo dục ĐH lên cao hơn. Đó chính là những trường ĐH theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hướng đến tiêu chí giáo dục ĐH quốc tế (hoặc cũng có thể gọi là ĐH đẳng cấp quốc tế như những người lạc quan thường dùng). Tuy nhiên, từ chủ trương đến khâu thực hiện vẫn dường như là một quãng đường quá dài, khiến cho người ta phải nghi hoặc không biết khi nào VN mới thực sự có một trường ĐH theo mô hình mẫu như vậy, một mô hình mà ít ra cũng nên tồn tại bằng dự án cụ thể để khuyến khích niềm hy vọng rằng dự án sẽ có thể được nghiên cứu triển khai.
Đó cũng là lý do để một nhóm trí thức Việt kiều tập hợp lại và xây dựng nên bản đề án về ĐHCLC. Nhóm này bao gồm Hồ Tú Bảo - giáo sư tin học của Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Trần Nam Bình - giáo sư kinh tế Atax thuộc ĐH New South Wales Australia, Trần Hữu Dũng - giáo sư kinh tế ĐH Wright State Dayton (Ohio, Mỹ), Trần Văn Thọ - giáo sư kinh tế ĐH Waseda Tokyo (Nhật), Hà Dương Tường - giáo sư toán ĐH Công nghệ Compiègne (Pháp), Vũ Quang Việt - chuyên viên cao cấp Vụ Tài khoản quốc gia (Cục Thống kê Liên hiệp quốc). Trong những năm gần đây, những người này đã khá quen thuộc với giới nghiên cứu VN, thường xuất hiện trên nhiều tờ báo trong nước với các bài viết có tính nghiên cứu và học thuật. Với đề án ĐHCLC cũng vậy, nhóm trí thức Việt kiều trên đã đề nghị thành lập hai trường ĐH nhằm đào tạo trí thức hàng đầu cho đất nước, đồng thời trường cũng trở thành trung tâm nghiên cứu về khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên có uy tín trong khu vực. Để đạt được những mục tiêu đó, điều kiện cần đối với hai trường ĐH này là phải có đội ngũ giáo viên giỏi và lớp sinh viên có khả năng tiếp thu.
Vậy còn giá của mỗi trường ĐHCLC là bao nhiêu? Nhóm nghiên cứu Việt kiều cũng đã xác định sơ bộ: một ĐHCLC với 2.000 sinh viên và 150 giáo sư sẽ yêu cầu vốn đầu tư ban đầu tối thiểu là 11 triệu USD và chi phí hàng năm khoảng 5 triệu USD. Thoạt nhìn, số vốn đầu tư này có vẻ nhiều, nhưng nếu chúng ta so sánh với một số dự án thành lập trường đại học tư thục ở VN thì sẽ nhận ra đó chỉ là con số trung bình, thậm chí chỉ bằng phân nửa vốn đầu tư dự kiến của một trường ĐH tư thục (dự án trường này cũng nhắm đến mục tiêu đào tạo chất lượng cao). Như vậy, có thể xác định vốn đầu tư ban đầu cho ĐHCLC mà đề án trên đưa ra là không nói thách, hoàn toàn có thể được đáp ứng bởi nguồn ngân sách hoặc đầu tư tư nhân trong nước mà chưa cần thiết phải huy động từ nguồn ngoại lực. Nhưng quan trọng hơn, nhóm trí thức Việt kiều xác định ĐHCLC cần có tư cách pháp nhân của một trường công, có thể thu học phí nhưng về bản chất là hoàn toàn phi lợi nhuận. Đây chính là một kiểu trường ĐH đang phát triển ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu, với nguồn thu chính của trường không phải từ học phí mà từ các dịch vụ nghiên cứu khoa học. Mặt khác, quan niệm phi lợi nhuận như vậy khác hẳn với một số trường hợp dự án ĐH chất lượng cao hoặc đẳng cấp quốc tế do tư nhân trong nước đầu tư.
Đề án là thế, nhưng việc thực hiện nó mới là điều khó. Khó không phải ở chuyện tiền bạc mà chính là nguồn nhân lực phục vụ cho việc giảng dạy. Đối chiếu với tình hình giáo dục ĐH tại VN, chúng ta đều thấy hiện nay nhiều trường, đặc biệt là những trường ĐH dân lập và tư thục mới thành lập mấy năm gần đây, hầu như không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 30% giáo viên cơ hữu, trong khi phải luôn hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên các trường ĐH công lập, mà số giáo viên này lại gần như là một hằng số. Chính vì thế, cứ mỗi trường ĐH được cấp phép ra đời là lại thêm một mối lo về sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực, cũng như tình trạng số giáo viên hiện có chạy sô quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ chất lượng giảng dạy bị sút kém, còn bản thân giáo viên thì không lấy đâu ra thời gian để nghiên cứu khoa học nữa. Còn với đề án ĐHCLC, bài toán tìm nguồn nhân lực trở nên đơn giản hơn: trường có kế hoạch thu hút trí thức Việt kiều hồi hương, trong đó có trí thức Việt kiều về hưu - một đội ngũ khá đông đảo mà nếu Nhà nước VN có chính sách tuyển dụng phù hợp, không nhất thiết về lương bổng mà đặc biệt cần thiết về tạo điều kiện trong môi trường làm việc, thì chắc chắn sẽ có nhiều trí thức Việt kiều trở về nước để tham gia, kể cả tự nguyện không hưởng lương, vào lĩnh vực giáo dục ĐH, bù đắp khoảng trống thiếu nhân lực trong nước.
Theo người viết bài, đây là một đề án nghiêm túc và khoa học, là một tác phẩm không chỉ mang tính định hướng hay khái quát chung nhất những mục tiêu và yêu cầu, mà những người soạn ra nó còn chi tiết hóa bằng các phụ lục số liệu về nguồn nhân lực và nhu cầu tài chính. Với tính định lượng rõ ràng và phương pháp tính toán dựa theo chuẩn quốc tế, bản đề án này xứng đáng được các trường đại học VN và những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực giáo dục tham khảo.

 

Ai sẽ lắng nghe?
 

Vào đầu năm 2008, một báo cáo của Bộ GDĐT đã chính thức công bố về hiện trạng nền giáo dục đại học VN chưa có nổi một vị trí trong bảng xếp hạng các trường ĐH hàng đầu thế giới. Những trường ĐH VN may mắn được tổ chức giáo dục quốc tế Webometrics đưa vào danh sách như ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH công nghệ TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội… cũng chỉ đứng thứ 28 trở xuống trong khối ASEAN và từ mức xấp xỉ 2.000 trở xuống trên phạm vi toàn thế giới. Ngay cả trong kết quả xếp hạng 100 trường ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á của Webomrtrics, VN cũng chỉ có 7 trường, trong khi Thái Lan có đến 41 trường, Myanmar 18 trường, Indonesia 14 trường, Philippines 13 trường. Điều trớ trêu là hiện nay số lượng thạc sỹ và tiến sỹ của VN cao hơn cả Thái Lan!
Không thể nói gì hơn về tình cảnh các trường ĐH và cả nền giáo dục VN đã tụt hậu khá xa với ngay các quốc gia cận kề trong khu vực. Trước nhiều khó khăn chồng chất ấy, đáng lý ra đề án sử dụng trí thức Việt kiều phục vụ cho ĐHCLC cần phải được khuyến khích và chú tâm nghiên cứu, cũng bởi đây chính là một trong số không nhiều lắm hoạt động đầu tư chất xám của Việt kiều nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người VN ở nước ngoài. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là cho đến nay, số phận của đề án này vẫn còn chơi vơi trên những dặm đường hành chính mà chưa có câu trả lời chính thức nào từ phía Bộ GDĐT. Phải chăng bản đề án đã mạo muội phác ra những cảnh báo về tính chất độc lập thí điểm của mô hình ĐHCLC như khó có được sự đồng tình của những người mà chức vụ hiện tại của họ sẽ phải xóa đi khi tái tổ chức? Hay bản thân những trí thức Việt kiều xây dựng đề án lại bị xem là người ngoài?
Thử hỏi với thái độ bàng quan như thế của cơ quan nhà nước, đến bao giờ nước ta mới có được những trường ĐHCLC đúng tầm để trở thành kích thích tố vực dậy ngành giáo dục ĐH? Rốt cuộc, ai sẽ lắng nghe đề án này đây?

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Chí Dũng