Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”. Bài 2: Hội đồng du di!

Vietsciences-Linh An - Tiến Đạt               29/01/2010

 

Những bài cùng đề tài

Việc sao chép, mua bán, đổi chác đang là chuyện cơm bữa trong “chợ” luận án tiến sĩ (TS)… Nhưng thật ngạc nhiên khi ít có luận án nào không đạt yêu cầu mặc dù quy trình để một luận án TS được đưa ra bảo vệ ở Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước rất khắt khe, từ việc thi tuyển, đến xét duyệt của cấp bộ môn, đến cấp trường, cấp bộ, quá trình đào tạo, nghiên cứu… Vậy mà, ít ai dám nhìn thẳng nhìn thật vào các cơ sở đào tạo và cấp hội đồng ấy “có gì”, bởi, ngồi vào hội đồng đều là những nhà khoa học có uy tín.

  • 17 bài đi thi, du di 15

Việc Trường ĐH Bách khoa TPHCM hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S. cho thấy một thực tế: Hội đồng đã không “hiểu” quy chế! Nhưng đó chỉ là bề nổi, phần chìm mới là điều được dư luận đặt nhiều nghi vấn.

Quyết định của Trường ĐH Bách khoa TPHCM về việc hủy kết quả do hội đồng chấm luận án ngày 10-8-2009 thông qua luận án TS cho NCS T.T.S.

Ngày 4-12-2009, trên tinh thần chỉ đạo xử lý của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tổ chức buổi góp ý cho luận án TS của NCS T.T.S. sau khi kết quả bảo vệ đã bị hủy. Tại buổi góp ý có sự tham dự của PGS-TS T.D.S., người đã cải tiến thiết bị kỹ thuật của nhóm nghiên cứu của Khoa Cơ khí chế tạo máy và được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế năm 2005, và cũng là… người hướng dẫn luận án cho NCS T.T.S.!

Tại đây, TS Trần Thiên Phúc, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, cho rằng luận án còn sơ sài, nội dung và tên đề tài chưa phù hợp, trình bày thiếu logic, chương trước với chương sau chưa hợp lý, kết quả nghiên cứu thực nghiệm, phần tính toán vừa mơ hồ vừa không khớp với thực tế và không đủ độ tin cậy. Thậm chí trong luận án còn có quá nhiều lỗi về chính tả… Với nhận xét như vậy, không hiểu vì sao luận án vẫn được hội đồng cấp bộ môn thông qua?

Có thể nói, việc bảo vệ luận án ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật bị “lật tẩy” là trường hợp hy hữu. Trong buổi bảo vệ của NCS T.T.S., nếu một trong 2 vị bỏ phiếu chống, “ngủ gật” trong lúc ngồi hội đồng, thì chúng ta lại có thêm một… TS (!). Và, nếu TS Nguyễn Trung Chơn, Trưởng phòng Sau đại học ĐH Bách khoa TPHCM, không hoàn thành nhiệm vụ của “người gác đền” khi kiên quyết đề nghị hủy kết quả chấm luận án, thì Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước của buổi bảo vệ “chấn động” kia vẫn là một hội đồng… uy tín.

Tại một hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), khi nói về chất lượng các luận án TS, đã cho biết: Khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định lại 17 bài thi môn Anh văn của thí sinh NCS vào Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam năm 2005 tại Hội đồng thi ĐH Thái Nguyên thì chỉ có… 2 bài đạt yêu cầu!

Thật là nực cười chuyện một NCS được yêu cầu viết lại năm lần bảy lượt bản thông tin về luận án để giới thiệu cái mới trong luận án. Cuối cùng, NCS này đã trình bày cái mới là: “Phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng” - một điều đã nằm trong… Điều lệ Đảng! Đó không chỉ là câu chuyện cười ra nước mắt, mà còn là một trong hàng trăm câu chuyện hóm hỉnh về thực trạng “người người làm TS” của chúng ta.

Vấn đề là những bài thi không đạt, những luận án sao chép, thiếu nghiên cứu, thiếu thực tiễn ấy vẫn lần lượt vượt qua hội đồng chấm đề cương, hội đồng khoa học bộ môn, hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn và… hội đồng khoa học cấp nhà nước! 

  • “Những bông hoa điểm 10”

Xem lại “đường đi” của một luận án TS sẽ thấy suốt chặng đường với khá nhiều “vọng gác”, nhưng dù chưa đảm bảo an toàn giao thông vẫn có thể vượt qua khá dễ bằng nhiều cách “làm luật”. Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống “có đi có lại” theo kiểu “tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi”. Sau khi “qua” cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!

Ở giai đoạn học, thường thì các thầy hướng dẫn đều ở xa đến, NCS phải lo từ khách sạn, vé máy bay, thậm chí ăn uống… Những khoản này đã có trong tiêu chuẩn, nhưng thầy hướng dẫn vẫn… chấp nhận nên không tránh khỏi việc du di cho học trò của mình.

Đến hội đồng cấp nhà nước, mối quan hệ giữa thành viên hội đồng với cơ sở đào tạo, với các thành viên hội đồng khác khiến một thành viên nào bỏ phiếu chống thì chẳng khác nào tố cáo rằng trình độ của các thầy ở hội đồng cơ sở và cơ sở đào tạo nói chung là… dốt!

Một vị GS nổi tiếng kể, trước đây ông là một trong những người được mời ngồi hội đồng khoa học thường xuyên. Nhưng theo ông, sau này, thấy có nhiều “vấn đề” quá nên không tham gia nữa. Ông chỉ xin tham gia làm thành viên ở một số đề tài hay để cập nhật thông tin trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông xót xa… cho mình: “Mỗi lần làm hội đồng là… cay đắng lắm, vì mình phải nhân nhượng, có những luận án không đạt nhưng mình cũng phải cho đạt. Một hội đồng thường có 6 hoặc 7 thành viên, nếu các thành viên khác đều cho đạt mà mình bỏ phiếu không đạt thì… “coi sao được”.

Có lần ở một hội đồng, bản thân đề tài và chất lượng NCS chỉ ở mức dưới trung bình. Đang phân vân thì thấy người ta “ném” ra những phiếu toàn đạt, tốt! 6/7 thành viên trong hội đồng cho đạt, mình cũng phải cho qua chứ không thì là người kỳ dị! Nếu mình có bỏ phiếu chống thì luận án vẫn qua như thường vì đạt số phiếu yêu cầu. Sau mấy lần phải bỏ phiếu chung như vậy, đành xin rút khỏi hội đồng”.

Vị GS già kể tiếp, trước đây có một chị bên ngành kinh tế, vẫn thường được gọi là “bông hoa điểm 10”. Chị này thường xuyên tham gia các hội đồng về kinh tế, với một bản nhận xét dùng đi dùng lại trong… nhiều đề tài. Đến mức, các thành viên hội đồng nghe riết rồi thấy cũng… quen. Với bản nhận xét này, mỗi lần được mời ngồi hội đồng thì chị lại… chỉnh sửa vài chữ cho hợp lý một tí là đưa vào đọc trong buổi bảo vệ. Hầu hết NCS được chị cho đạt bằng bản nhận xét mẫu ấy, nên mọi người gọi là “bông hoa điểm 10”.

Nhưng thật cay đắng khi có những đề tài… dở ẹc mà cũng thấy chị ta đánh giá như những luận án tốt! “Tôi được biết thu nhập của nhiều giảng viên 30 - 40 triệu đồng/tháng. Không hiểu sao nhiều người ngồi hội đồng mà giàu lắm!” – vị GS bộc bạch.

  • Đề tài “núp bóng”

Quyết định của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, hủy kết quả bảo vệ luận án của NCS T.T.S., là một trong những trường hợp được dư luận phản ánh như là một điển hình cho chất lượng đào tạo TS.

Nhiều luận án TS có rất ít tính chất nghiên cứu mới, trong khi đó là điều bắt buộc ở bậc TS. Có những đề tài, theo các nhà khoa học, chỉ là thu thập tư liệu để tổng hợp một vấn đề… không cần nghiên cứu! Tài liệu về các đề tài luận án NCS của một trung tâm đào tạo TS lớn ở phía Nam, trong danh mục hàng trăm luận án đã được bảo vệ thì chiếm đa số là các dạng như “Xu hướng phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở…”, “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành… ở nước ta qua khảo sát ở…”, “Những chuyển biến kinh tế - xã hội của…”, “Quá trình nghiên cứu và giới thiệu văn học… ở Việt Nam”… Với các đề tài na ná nhau trên đây, việc ứng dụng vào thực tế gần như không có.

 Lỗi ở... hội đồng!

Ngày 12-11-2009, trao đổi với PV Báo SGGP, NCS T.T.S. cho biết nếu Trường ĐH Bách khoa TPHCM không công nhận kết quả luận án TS, anh sẽ kiện nhà trường vì trường đã giao đề tài cho NCS trùng với đề tài trước đây đã thực hiện tại trường!

Trong một lần đặt vấn đề về việc này, PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) cho rằng NCS hiện nay thường né tránh các nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các nghiên cứu chất lượng thấp nhưng nhẹ nhàng hơn dưới bóng các nhà khoa học làm lãnh đạo hoặc các GS tên tuổi để dễ bảo vệ. Trong khi một thực tế khác là các vị GS – lãnh đạo luôn bận bịu với công tác quản lý nên không còn nghiên cứu khoa học trình độ cao nữa!

GS Nguyễn Ngọc Lanh (Trường ĐH Y Hà Nội) bức xúc: “Đào tạo TS là để có các công trình nghiên cứu. Tên gọi NCS đã nói lên mục đích này. Thế nhưng trên tất cả các bảng thành tích đào tạo của đất nước, ta chỉ thấy trưng ra số lượng TS mà lảng tránh họ đã sản xuất bao nhiêu công trình”.

Nhưng sự nối tiếp thì không ngừng. Những TS với các luận án “lặn sâu” như vậy vài ba năm sau lại trở thành người hướng dẫn cho những NCS khác…

LINH AN - TIẾN ĐẠT

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    L