Đại học quốc tế !

Vietsciences- ------------ 12/10/2009

 

Những bài cùng đề tài

  • Vô tội vạ đại học quốc tế !
  • Đại học “làng” chứ “quốc tế” gì!
  • Đại học “quốc tế” kiểu... Hồng Bàng !
  • ĐH quốc tế Hồng Bàng: Những khoản thu kỳ dị!
  • ĐH Hồng Bàng: học phí tăng

Vô tội vạ đại học quốc tế !

 

Chưa có quy chuẩn trường đại học quốc tế nhưng trường mang tên quốc tế bắt đầu có xu hướng tràn lan, khiến người học rất dễ.... mua nhầm hàng giả
Sau một số trường ĐH có tên quốc tế được thành lập như Trường ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, mới đây, Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng cũng được chính thức đổi tên thành Trường ĐH Tư thục Quốc tế Hồng Bàng. Việc này đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, kể cả sinh viên của trường. Bởi sinh viên của trường từng phản ứng rất nhiều về điều kiện đào tạo, quản lý đào tạo... của trường.


Cổng trường Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với rất nhiều bảng hiệu quảng bá tên tuổi là trường quốc tế
 


Quốc tế thật hay chỉ nhằm chiêu dụ sinh viên?


Một cán bộ Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT khẳng định việc trường ĐH Hồng Bàng đổi tên do cấp có thẩm quyền quyết định. Còn để có chữ “quốc tế”, Trường ĐH Hồng Bàng đã xây dựng đề án, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành - trong đó có Bộ GD-ĐT- thẩm định... Trong đề án, trường giải thích là chương trình đào tạo có liên kết quốc tế, chất lượng đào tạo đạt chất lượng quốc tế... vì thế đã được chấp thuận đổi tên thành trường ĐH quốc tế!


Theo GS Phạm Phụ, Bộ GD-ĐT lý giải việc “có yếu tố liên kết đào tạo ĐH quốc tế” nên cho thành lập ĐH quốc tế như ĐH Quốc tế Hồng Bàng thật là chuyện khôi hài. Thật ra, không có mô hình ĐH quốc tế. Cũng chẳng ở đâu trên thế giới này có chuẩn mực để gọi tên ĐH quốc tế.


Còn TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng từ “quốc tế” không phải là một tên khoa học mà chỉ là tên thương hiệu. Vì vậy nên ai thích sử dụng chữ “quốc tế” cũng được!

TS Vũ Thị Phương Anh nhận định hiện nay trên thế giới, nhiều trường ĐH có xu hướng sử dụng tên quốc tế nhưng hầu hết những trường ĐH đó đều là trường yếu kém về chất lượng đào tạo hoặc là trường mới thành lập, dùng tên quốc tế nhằm chiêu dụ người học. Trong khi đó, những trường ĐH có đẳng cấp quốc tế thì lại không cần sử dụng tên quốc tế.


Không chỉ ĐH Hồng Bàng đổi tên thành quốc tế, gần đây cũng nổi lên hiện tượng đua nhau lập trường ĐH quốc tế nhưng không có cơ sở pháp lý nào để thể hiện đây là loại hình trường quốc tế!

 


Thiếu quy chuẩn


Một cán bộ lãnh đạo Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: Hiện chưa có văn bản quy định nào trong việc hình thành ĐH quốc tế. Tuy vậy, ngay khi trường ĐH quốc tế ra đời cũng phải tự tuân theo những tiêu chuẩn cần thiết để đào tạo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, về đội ngũ giảng dạy, thời gian đầu nhà trường phải đạt ít nhất 40% cán bộ giảng dạy là giảng viên nước ngoài. Sinh viên tuyển đầu vào phải đạt chuẩn tiếng Anh và được giảng dạy bằng tiếng Anh. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu phải được đáp ứng...
 


Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn nhiều hạn chế, việc thực hành, thực tập của sinh viên cũng hạn chế. Các cơ sở của trường rải rác khắp TP, nhiều cơ sở xa trung tâm khiến sinh viên phải “chạy đua” khắp nơi để theo kịp lịch học... Khi trường đổi tên quốc tế, nhiều sinh viên còn tỏ ra mắc cỡ thay vì tự hào.


Như vậy, qua việc Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng đổi tên thành quốc tế cho thấy sự thiếu quy chuẩn, thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.


Cần quản lý chặt chẽ


TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng trên thế giới những trường ĐH mang tên quốc tế hoạt động trên hai lãnh thổ khác nhau nên thường thoát ra sự kiểm duyệt pháp luật của cả hai nước. Còn người học ở đất nước kém phát triển thì lại dễ bị lóa mắt trước cái tên quốc tế. Vì vậy, vấn đề là cần có bàn tay quản lý của Nhà nước. Bộ GD-ĐT cần siết chặt quản lý những trường sử dụng “vô tội vạ” thương hiệu quốc tế để bảo vệ người học vốn ở thế yếu và chịu thiệt thòi nhất. Việc dễ dãi cho phép và sử dụng thương hiệu quốc tế để lòe bịp người học mà thiếu quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến hiện tượng phát sinh tràn lan các trường đại học mang tên... quốc tế nhưng chất lượng thì còn quá thấp.

 

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, có thể nói việc quản lý các hoạt động giáo dục mang thương hiệu quốc tế vẫn chưa thực sự hiệu quả nếu không muốn nói là gần như hoàn toàn bỏ ngỏ.


TS Vũ Thị Phương Anh đề xuất ngành giáo dục cần sớm điều chỉnh hoặc thiết lập một hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi của người học. Về phía người học, cũng phải biết xử lý các thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn, cảnh giác và tự bảo vệ mình trước những trường ĐH chỉ chú tâm lòe bịp.

Khốn đốn vì hai chữ... quốc tế


Gặp nhiều sinh viên tại ký túc xá của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nằm ở tầng trên cùng tại số 521/22A Thống Nhất, quận Gò Vấp-TPHCM, chúng tôi chứng kiến nhiều em rơi nước mắt khi được hỏi về tình hình học tập tại trường.

L.T, sinh viên năm thứ hai ngành tài chính ngân hàng, nói: “Em không dám gọi điện về nhà vì ba mẹ hỏi thì không biết phải trả lời sao. Trong năm học vừa rồi, có tháng, tụi em thường xuyên phải ở nhà vì không có lịch học”. Em cho biết thêm đã học hết năm thứ nhất nhưng nhà trường chưa bố trí học nổi đến 10 môn vì giảng viên không có, phòng học cũng không.


T.H, sinh viên năm thứ nhất ngành kế toán – kiểm toán, cho biết mới đây em vừa phải thi hết môn ở cơ sở Ngô Quyền từ lúc 16 giờ đến 18 giờ 30 phút, nhưng lịch học môn tiếng Anh ở cơ sở Gò Vấp lại bắt đầu lúc 18 giờ 15 phút. do đó thi xong, em vội vàng đến lớp tiếng Anh nhưng thầy giáo không cho vào vì đến trễ, mà trường quy định nếu bỏ học hai buổi là cấm thi.


Việc sắp xếp lịch học, lịch thi cũng hết sức vô lý. T.H cho biết  các bạn trong lớp của em đều giật mình khi nhận được lịch học môn giáo dục thể chất và giáo dục pháp luật trùng buổi, trùng ngày. Nhiều sinh viên tại ký túc xá xót xa: “Trường đã lừa sinh viên bằng mác “quốc tế”. Trường quốc tế học phí cũng “quốc tế” khiến sinh viên tụi em khốn đốn”.

T.Vinh

 
Bài và ảnh: Xuân Hương

http://www.nld.com.vn/20091004113557636P0C1017/vo-toi-va-dai-hoc-quoc-te-.htm

 

=======

Đại học “làng” chứ “quốc tế” gì!

 

Đó là ý kiến của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng sử dụng tên gọi đại học quốc tế ngày càng tràn lan

 

. Phóng viên: Giáo sư nhận xét như thế nào về tình trạng nở rộ các trường ĐH hiện nay, nhất là các trường mang danh xưng ĐH quốc tế?


 

- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm 1987, nước ta có 63 trường ĐH, năm 2009 có 150 trường. Số lượng sinh viên từ 1987 đến nay tăng 13 lần; số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Tỉ lệ giáo viên/sinh viên năm 1987 là 1/7 thì nay là 1/28.

Tình hình này giống như một nồi cháo đã loãng lại pha thêm 5, 10 gáo nước lã nữa. Như vậy, cháo ngon làm sao được? Cũng may là hiện mới chỉ có khoảng dăm trường ĐH mang danh ĐH quốc tế nhưng điểm tuyển sinh của các trường này thường không cao. 


. Vậy theo giáo sư, có sự lập lờ đánh lận giữa tên gọi “quốc tế” với mục tiêu VN đang hướng tới “xây dựng trường ĐH mang đẳng cấp quốc tế”?


- Theo tôi, mục tiêu mà ĐH VN cần hướng tới lúc này là nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chứ không phải cố để có một vài trường lọt vào tốp 100 hay 200 trong các bảng xếp hạng ĐH vốn rất đa dạng trên thế giới.

Gồng mình để xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế là một sai lầm, vừa tốn công tốn của vừa rất mơ hồ. Có lẽ mục tiêu mơ hồ ấy và tâm lý sính ngoại của nhiều người là gợi ý rất tốt để một số trường ĐH gắn thêm hai chữ “quốc tế” vào tên trường mình nhằm thu hút sinh viên. Cứ như những gì được mô tả trên Báo Người Lao Động mấy ngày qua thì đó là ĐH “làng”, chứ đâu phải ĐH “quốc tế”! 


. Có người giải thích rằng ĐH quốc tế là thương hiệu, những người lập trường có quyền đặt tên cho trường của mình. Là người hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục, các trường ĐH mang đẳng cấp quốc tế trên thế giới có trường nào đưa tên “quốc tế” vào tên gọi?


- Tôi không nghĩ rằng lập luận này đúng. Là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD-ĐT cần chấn chỉnh ngay những cách đặt tên như vậy để người dân không bị lầm. Ngay tên dịch tiếng Anh của một số trường ĐH bây giờ cũng loạn. Trường nào cũng là “university” (ĐH đa ngành, đa lĩnh vực), là “national university” (ĐH quốc gia). Bộ cần ban hành quy chuẩn về vấn đề này và cần chú ý khi duyệt tên trường, duyệt mở trường.


Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: N.HỮU

Trong số các trường ĐH danh tiếng của Mỹ, Anh, không có trường nào được đặt tên là ĐH quốc tế cả. Trước đây, tôi học ở Nga, những trường lớn nhất như MGU (ĐH Quốc gia Moscow), LGU (ĐH Quốc gia Léningrad) cũng chỉ là ĐH quốc gia thôi. Tôi cũng đã từng làm việc ở Pháp. Trường ĐH tầm cỡ như ĐH Sorbone cũng chẳng gắn thêm danh hiệu “quốc tế”, “quốc gia” nào. Ở Trung Quốc, ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa lớn như thế cũng chỉ được gọi đơn giản là “ĐH” thôi.  


. Vậy, một trường ĐH cần đáp ứng những tiêu chí nào để có thể gọi là ĐH quốc tế?


- Tất cả các trường ĐH tầm cỡ quốc tế như tôi vừa nêu đều không có thêm định ngữ “quốc tế” bên cạnh tên trường. Cũng như không có nhà khoa học tầm cỡ quốc tế nào tự gọi mình là “nhà khoa học quốc tế”. Vậy thì chỉ có thể hiểu ĐH quốc tế là trường có giảng viên và sinh viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó số lượng giảng viên và sinh viên nước ngoài chiếm một tỉ lệ rất đáng kể...


. Đến nay, ngoại trừ Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia  TPHCM (có hướng tới tiêu chí quốc tế trong việc thu hút đội ngũ giảng viên quốc tế, sử dụng tiếng Anh...) là trường công, các trường “quốc tế” còn lại đều là trường tư. Và không ít  trường bị dư luận, phụ huynh, sinh viên  phản ứng vì mục tiêu thu lợi nhuận...


- Tôi phải nói rằng ở một số nước như Anh và Mỹ thì hầu hết những trường ĐH danh tiếng là trường tư. Nhưng đó cũng là những trường hoạt động theo nguyên tắc bất vụ lợi, nghĩa là tiền làm ra không phải để lãnh đạo trường chia nhau mà chủ yếu là để tái đầu tư phát triển nhà trường.


Theo tôi hiểu thì ở nước ta chưa ai dám công khai cổ xúy cho “thương mại hóa giáo dục”. Chỉ có một vài ý kiến đề cập “thị trường giáo dục” đã bị “đập” tơi bời. Nhưng chính vì không chịu thừa nhận một thực tế là thị trường giáo dục đang tồn tại mà chúng ta không phân biệt được những hoạt động vụ lợi và bất vụ lợi trong GD-ĐT để có biện pháp điều chỉnh cho đúng (ví dụ, điều chỉnh bằng chính sách thuế, chính sách đất đai).

Vì thiếu những biện pháp điều chỉnh như vậy và vì thị trường lao động của ta chưa phát triển đúng quy luật để tạo nên sức ép đối với công tác đào tạo của các trường nên các trường yếu kém vẫn có thể đủng đỉnh, còn người dân thì vẫn chạy theo bằng cấp đơn thuần, bất kể chất lượng bằng cấp ấy như thế nào.

Đây là những điều khó khắc phục được ngay. Nhưng dù thế nào cũng phải có một bước đi đầu tiên. Bước đi ấy, theo tôi, là bổ sung văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng loạn trường ĐH, loạn trường quốc tế, chương trình quốc tế như hiện nay.

Phản hồi

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ chấn chỉnh trong 9 tháng

Sau khi Báo Người Lao Động ngày 7-10 đăng bài “ĐH quốc tế kiểu... Hồng Bàng”, ngày 8-10, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, đã có công văn gởi đến báo cho biết trường tiếp nhận thông tin về tồn tại và thiếu sót mà báo nêu và đã có cuộc họp xem xét nhằm chấn chỉnh hoạt động.


Theo công văn này, trường đã xây dựng phương án  từng bước tăng cường cải tạo cơ sở vật chất, chỉnh đốn lề lối làm việc, lập kế hoạch bố trí học tập, xây dựng đội ngũ giảng dạy có năng lực chuyên môn và tư cách, lập chế độ thù lao, đãi ngộ xứng đáng.

Công văn cũng nêu rõ: “Để có đủ thời gian thực hiện kế hoạch, chúng tôi suy nghĩ cũng cần khoảng 9 tháng (từ tháng 10-2009 đến tháng 6-2010)”.

Thái An thực hiệ

========

Đại học “quốc tế” kiểu... Hồng Bàng !

Các cơ sở đào tạo của trường rải rác khắp TPHCM nhưng không có cơ sở nào có thư viện; phòng học thì xuống cấp, tạm bợ...

Ngày 6-10, chúng tôi có mặt tại phòng học D12, tầng trệt ở cơ sở chính của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, số 215 Điện Biên Phủ - TPHCM. Trong lớp học có khoảng 30 sinh viên (SV) lớp kế toán – kiểm toán, khoa kinh tế năm thứ 2. Tôi hỏi một SV: “Lớp đang học môn gì vậy?”, em này ngơ ngác: “Ơ, môn gì nhỉ?”.


Đây là cơ sở được coi là khang trang của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nhưng bên trong lớp học nóng bức vì trần nhà thấp và ồn ào do tiếng xe máy chạy ngay hành lang

Cơ sở vật chất quá tồi


SV lơ là học tập cũng phải bởi ở ngay hành lang lớp học là chỗ để hàng trăm chiếc xe. Ngồi trong lớp mà nghe rõ tiếng xe máy chạy rền rã, phía trong thì tiếng quạt trần chạy vù vù nên cố gắng tập trung lắm nhưng SV cũng không thể nghe rõ giảng viên nói gì. SV ngồi phía dưới không thể nhìn rõ được nét phấn của giảng viên. Phần lớn SV ngồi nói chuyện riêng, một số khác gục lên bàn ngủ.
 
Cơ sở này được coi là khang trang nhất của trường nhưng theo quan sát của chúng tôi, các phòng học đều tạm bợ, trần nhà thấp nên mấy chiếc quạt trần cũ kỹ không xua được nóng bức.

Ở hội trường lầu 1, khoảng 2.000 tân SV đang học môn chính trị đầu năm, nhưng vì chật chội, nóng bức nên nhiều em phải ngồi tràn ra ngoài hành lang nghe giảng.


Chúng tôi tiếp tục đến cơ sở của trường này tại số 28-30 Ngô Quyền, quận 5-TPHCM. Khác hoàn toàn với “mặt tiền” quét sơn màu trắng là vẻ tồi tàn phía trong của khu nhà 6 tầng cũ kỹ, xuống cấp, bốc mùi ẩm thấp ngay khi chúng tôi bước chân lên cầu thang. Không thể hình dung đây là cơ sở đào tạo của hàng ngàn SV các khoa Nhật Bản học, Đông Nam Á, công nghệ thông tin, kinh tế... của trường mang danh “quốc tế” khi ngay từ lầu 1, đập vào mắt chúng tôi là những phòng học cửa kính vỡ nát, bàn ghế xập xệ, bụi bặm bám đầy, thậm chí các nhà vệ sinh cũng không hề có cửa che chắn.


Chúng tôi vào một lớp học của ngành ngoại thương năm thứ 2. Khoảng gần 200 SV đang học môn pháp luật đại cương trong trạng thái mơ màng. Nắng nóng từ ngoài hắt vào cùng với mùi hôi thối phả ra từ nhà vệ sinh, hết sức ngột ngạt, khó chịu.

Tiếp xúc với chúng tôi, em L.H cho biết lớp có cả trăm SV nhưng  micro thường xuyên hỏng, máy chiếu thỉnh thoảng mới mượn được nên SV ngồi ở cuối giảng đường không thể nghe, nhìn được.


Tại cơ sở 89 Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận, chúng tôi chứng kiến cảnh gầm rú của hàng chục chiếc xe tải thường xuyên vào ra công ty  bao bì dược nằm bên cạnh cơ sở này. Các lớp học như muốn rung lên mỗi khi có xe tải đi qua.

Ngồi trong một lớp học tiếng Anh của SV khoa kinh tế, chúng tôi thấy giảng viên thường xuyên phải ngưng dạy, chờ cho xe tải đi qua, bớt tiếng ồn mới tiếp tục giảng bài.


Vắng bóng thư viện


Tệ hơn, chúng tôi đi tìm đỏ cả mắt tại cơ sở Điện Biên Phủ và cơ sở Ngô Quyền nhưng tuyệt nhiên không có phòng thư viện. Hầu hết các SV được hỏi đều nói: “Chúng em không biết thư viện ở đâu và chưa bao giờ đặt chân đến thư viện”.

Hỏi một cán bộ của trường, chúng tôi được biết, trường có thư viện ở cơ sở 521/22A Thống Nhất, quận Gò Vấp. Nơi đây là một dãy nhà 4 tầng cũng hoang tàn không hơn gì các cơ sở chúng tôi đã đến. Ngay ở tầng trệt, căn phòng khá lớn có bảng đề thư viện nhưng cửa đóng kín. Nhìn qua cửa kính, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi không hề thấy một giá sách nào mà chỉ là một dãy bàn ghế trống trơn. Ở lầu 1 cũng có một căn phòng chừng 20 m2, bảng đề thư viện nhưng phía trong không thấy sách. “Học đến năm thứ 3 rồi nhưng chưa bao giờ tụi em biết đến thư viện”, một nhóm SV khoa kỹ thuật công trình tại cơ sở này cho biết.


Đặc biệt, nhiều SV của trường cho biết rất “đói” thực hành. T.T,  SV năm thứ 2 ngành công nghệ thông tin, cho biết là SV công nghệ nhưng học lý thuyết cả tháng trời, SV mới được bố trí phòng thực hành.

Tại cơ sở Ngô Quyền có 3 phòng máy, mỗi phòng có khoảng 20 máy trong khi lớp có 120 SV nên SV phải chia ca ra để thực hành. Một tuần may lắm mới được sắp xếp thực hành một buổi, nhưng do học lý thuyết quá lâu mới được thực hành nên SV không tiếp thu được bao nhiêu.


P.H, SV năm thứ 3 khoa kinh tế, cho biết học ở cơ sở Ngô Quyền, quận 5 nhưng mỗi lần đến giờ thực hành, SV lại phải đến cơ sở trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Nhưng do SV quá đông, mà phòng máy ở cơ sở này cũng chỉ có khoảng 60 chiếc, nên SV khoa kinh tế năm thứ 3 phải thực hành từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút.

Trong lúc đó, một SV ngành kế toán – kiểm toán năm thứ 2 cho biết lớp em đã học lý thuyết xong năm trước nhưng nghỉ hè rồi vẫn chưa được thực hành ở phòng máy một buổi nào...

Không giáo viên chủ nhiệm

Nhiều SV các ngành kinh tế, công nghệ thông tin, Nhật Bản học... đều cho biết điều vô lý nhất của trường này là các lớp không có giáo viên chủ nhiệm, do đó SV như những đứa con rơi.

“Hầu hết là giảng viên thỉnh giảng từ các trường khác, còn giảng viên của trường thì rất hiếm”, một nhóm SV ngành kế toán – kiểm toán năm thứ 4 cho biết.

Bài và ảnh: Gia Thùy

http://www.nld.com.vn/20091006110159608P0C1017/dai-hoc-quoc-te-kieu-hong-bang-.htm

 

================

 24/09/2009
 

ĐH quốc tế Hồng Bàng: Những khoản thu kỳ dị!

TT - Nhiều tân sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đang bức xúc với những khoản phụ phí ngoài học phí mà trường này buộc tất cả sinh viên phải đóng mới được nhập học.

Trong bảng hướng dẫn làm thủ tục nhập học dành cho các thí sinh của trường này có ghi rõ các bước phải thực hiện. Cụ thể: thí sinh phải lần lượt đóng các khoản học phí, đồng phục, bảo hiểm y tế và đăng ký câu lạc bộ. Thí sinh phải có đủ các loại biên lai đóng tiền mới được nộp hồ sơ học sinh - sinh viên để nhập học.


Mũ bảo hiểm cũng đồng phục. Tuy nhiên, ông hiệu trưởng giải thích là “được tặng” cho sinh viên... - Ảnh: T.T.D.

Tiền và tiền, cặp sách cũng “đồng phục”

 

Đóng thêm
Như vậy, bên cạnh học phí (từ 6,98-13,98 triệu đồng/năm, tùy ngành) thì nữ sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng phải đóng thêm các khoản ngoài học phí 531.000 đồng (chưa kể tiền áo dài) và nam sinh viên đóng 601.000 đồng.

Chiều 23-9, một nữ sinh viên mới tên H. đội mưa đến trường làm thủ tục nhập học. Sau khi đóng học phí 9,98 triệu đồng/năm, khám sức khỏe 40.000 đồng, phí sinh hoạt câu lạc bộ 185.000 đồng, bạn tiếp tục hoàn tất một khoản nữa là phí đồng phục.

H. tìm đến kho đồng phục. Tại đây, bảng báo giá được dán ngay trước cửa phòng: “Cặp tài liệu: 138.000 đồng, áo sơmi dài tay 70.000 đồng, bộ áo dài nữ (giá tùy kích cỡ từ 138.000-171.000 đồng/bộ), đồng phục (giáo dục thể chất, quốc phòng) 168.000 đồng, Tổng cộng: nam 416.000 đồng, nữ 346.000 đồng + áo dài”.

Kiểm tra số tiền ít ỏi còn lại của mình, H. rụt rè: “Em có túi xách rồi, không cần mua cặp. Hiện em không đủ tiền, xin không mua cặp được không?”. Anh nhân viên bộ phận kho lắc đầu: “Nhà trường đã quy định, phải mua đủ”. H. lủi thủi đi ra. Một nam sinh viên khác sau khi đóng tiền, cầm chiếc túi ngao ngán: “Cái cặp chỉ đáng giá vài chục ngàn vậy mà trường buộc phải mua với giá 138.000 đồng”.

 


Những gương mặt bàng hoàng, ngơ ngác của phụ huynh, sinh viên ĐH quốc tế Hồng Bàng trước kho bán đồng phục của trường này, khi họ bị buộc phải mua những món hàng không cần thiết - Ảnh: Trần Huỳnh
 

Trước đó, sáng cùng ngày hàng trăm thí sinh phải chen chúc nhau để đóng lệ phí đồng phục gồm các món này. Một phụ huynh chen từ 7g30 tới 11g vẫn chưa đóng được tiền, bức xúc: “Tôi không hiểu nổi trường này, đã là sinh viên rồi còn buộc phải mua đồng phục, cặp táp...”. Tại phòng “đăng ký sinh hoạt câu lạc bộ” cũng có hàng trăm sinh viên chen lấn nhau để đóng tiền.

Một bạn nữ sau khi đọc danh sách các môn học tự chọn với 17 môn (toàn các môn thể thao - PV) trong “phiếu đăng ký (sinh hoạt câu lạc bộ)” được dán ngay trước phòng, lo lắng hỏi: “Em chỉ thích các câu lạc bộ học thuật, các môn này em không chơi nổi. Em không tham gia được không cô?”. Một nhân viên thu tiền ngẩng mặt, kéo khẩu trang đáp: “Không thích cũng phải đóng tiền. Có cái biên lai này mới được nộp hồ sơ nhập học”. Bạn sinh viên cầm phiếu gạch chéo đại vô môn đá cầu.


Cặp “đồng phục” giá 138.000 đồng! - Ảnh: T.Huỳnh
 

“Biểu tượng tốt đẹp” của trường quốc tế (!?)

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường bắt buộc sinh viên mua đồng phục của trường, để tạo phong cách quốc tế, tạo màu sắc riêng cho sinh viên trường. Tất cả bộ quần áo, cặp... đều do tôi thiết kế. Đây là biểu tượng tốt đẹp trong giới ĐH quốc tế!

Nếu muốn học trường này sinh viên, học sinh đều phải mua đồng phục. Tuy nhiên, nhà trường đã có hỗ trợ sinh viên trong việc này là giảm 15% so với giá gốc cho tất cả món đồ và tặng mũ bảo hiểm (trị giá 109.000 đồng/cái) cho mỗi sinh viên”.

Ông Hùng cho biết thêm: “Nếu sinh viên nào quá nghèo có thể làm đơn gặp trực tiếp tôi sẽ được miễn khoản tiền này”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối chiếu với bảng báo giá đồng phục này và phí sinh hoạt câu lạc bộ vào thời điểm năm học trước thì đều tăng 30%. Năm nay trường có khoảng 6.000 sinh viên, học viên (ĐH, CĐ và TCCN) nhập học. Khoản “mua bán” thêm này cũng có doanh thu không nhỏ.

Ông Hùng cũng giải thích về việc sinh viên phải tham gia câu lạc bộ thể thao: “Các câu lạc bộ võ thuật, thể dục thể thao các em tự nguyện tham gia để được rèn luyện. Mục đích của nhà trường nhằm giáo dục kỹ năng cho sinh viên hòa nhập xã hội khi ra trường”. Tự nguyện có thể học hay không nhưng việc đóng tiền thì bắt buộc!

 

TRẦN HUỲNH

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=338621&ChannelID=13

================

ĐH Hồng Bàng: học phí tăng

TT - Từ ngày 15 đến 17-3, liên tục nhiều email của sinh viên, học sinh (SV, HS) Trường ĐH Hồng Bàng gửi về Tuổi Trẻ phản ảnh việc tăng học phí đột ngột của trường.

Theo phản ảnh của các bạn, những SV đã đóng học phí học kỳ 1 thì đến kỳ 2 này mức học phí tăng thêm 500.000 đồng so với thông báo đầu năm. Đặc biệt những sinh viên đến học kỳ 2 mới đóng học phí thì mức học phí lại tăng thêm 1 triệu đồng so với thông báo đầu năm.

Chiều 17-3, trợ lý hiệu trưởng Trịnh Hữu Chung cho biết tăng học phí là chủ trương từ đầu năm học của nhà trường, nhưng để các SV có điều kiện chuẩn bị về tiền bạc nên đến học kỳ 2 trường mới chính thức tăng học phí. Ông Chung lý giải tăng học phí là để phục vụ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của trường.

Theo thông báo đóng học phí của trường áp dụng từ ngày 14-3, mức học phí được áp dụng cho các chuyên ngành của các khoa như sau: kỹ thuật y học: 13.980.000 đồng/năm; ngành điều dưỡng đa khoa: 11.980.000 đồng/năm; chuyên ngành công nghệ spa và y sinh học TDTT: 9.980.000 đồng/năm; kiến trúc công trình: 8.980.000 đồng/năm; các ngành còn lại đều thu học phí ở mức: 6.980.000 đồng/năm.

QUANG PHƯƠNG

 

 

             http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org