"Đại học nào cho thế kỷ XXI?"

Vietsciences- Dương Trung Quốc                    26/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

 
 
(LĐCT) - Đó là chủ đề một cuộc hội thảo mà dự rồi khiến phải nghĩ ngợi. Đọc trên các báo lại được biết cùng vào thời điểm này còn có 2 cuộc hội thảo khác với các chủ đề "Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo đại học - Cơ hội và thách thức" và "Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học".

Đứng ra tổ chức các sự kiện này đều do các tổ chức quốc tế, Bộ Giáo dục Đào tạo hay các trường đại học đã có bề dày hoạt động cũng như ban vận động cho một trường đại học chưa ra đời tổ chức, diễn ra cả ở 2 đầu: Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Mấy tuần nay, báo chí cũng bàn nhiều về đại học Việt Nam, một phần cũng để khởi động cho cuộc thảo luận tại Quốc hội nhân sửa đổi Luật Giáo dục, trong đó vấn đề đại học cũng nổi cộm như một chủ đề nóng. Từ cái câu hỏi trực tiếp vào một điểm nóng trong sửa đổi luật là quyền cấp phép mở trường đại học do Thủ tướng hay Bộ trưởng ký, người ta có thể hiểu rằng mối băn khoăn của xã hội về tình trạng cấp phép bị coi là tràn lan.

Người ta dẫn chứng ra con số 376 trường đại học và cao đẳng đang hoạt động so với hai thập kỷ trước đã tăng gấp 3,7 lần, còn tổng số sinh viên thì tăng gấp 13 lần, trong khi số giảng viên chỉ tăng có 3 lần và chia đều thì mỗi truờng chỉ có... 1 GS hoặc PGS, đương nhiên có nhiều trường chẳng có một vị nào. Đó là chưa kể đến cơ sở vật chất, nội dung và chất lượng giảng dạy cũng như những tiêu cực xoay quanh các khoản thu của người đi học và cả khoản chi mà có báo mạnh bạo rút tít: "Mở trường đại học phải lót tay 2 tỉ!" (Vietnamnet); còn lời rì rầm của người đọc: "2 tỉ là thế nào...!".

Đứng trước vấn đề này, Phó Thủ tướng "tư lệnh" của ngành giáo dục đã viện dẫn việc Bộ Chính trị "mới đây đã có nghị quyết không duy trì các trường đại học kém chất lượng" (VNNet). Còn Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục... thì sẽ đề nghị đưa vấn đề này vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội trong thời gian tới... Trong khi đó, những chương trình đào tạo hàng chục ngàn tiến sĩ, đầu tư xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế vẫn tiếp tục triển khai...

Trở lại với chủ đề "Đại học nào cho thế kỷ XXI?" thì người đồng chủ toạ hội thảo - Giáo sư Pierre Calame của một đại học Mỹ đồng thời là Chủ tịch một quỹ có mục tiêu "Vì sự tiến bộ của Con người" - cho biết rằng chủ đề này cũng đã từng được thảo luận tại Brazil từ cách đây vài năm và vị Bộ trưởng Giáo dục của quốc gia đông dân ở Nam Mỹ này đưa ra quan điểm rằng "đại học ở thế kỷ XXI nên tập trung vào con người, có trách nhiệm với xã hội và thể hiện sự gắn kết cộng đồng".

Mối quan tâm của họ không còn tìm kiếm những mẫu hình tiên tiến nhất, những thương hiệu nổi danh nhất, chủ yếu là ở Âu Mỹ như Havard, Cambridge hay Sorbonne... vì tất cả vẫn chỉ là đỉnh cao nhất của mô hình đại học, sản phẩm của Tây phương từ đầu thế kỷ XIX. Mặc dầu nó vẫn sáng giá trong con mắt toàn thế giới đang vươn tới một thời đại tri thức nhưng dường như nó đã bộc lộ sự bất cập nếu như muốn rập khuôn, bắt chước trong khi đã có những thay đổi to lớn của nhân loại khi bước vào một thế kỷ mới cũng là một thiên niên kỷ mới. Mà những thay đổi ấy không chỉ ở biểu hiện ở những thành tựu khoa học công nghệ được ứng dụng từ những cái mang lại cho con người đời sống dư giả và tiện nghi hơn đến những ứng dụng làm ra những cái có thể huỷ diệt chính loài người một cách "có hiệu quả nhất". Thế kỷ này đã mở ra một "thế giới phẳng" lại phải đối phó với những biến đổi khí hậu toàn cầu..., là những cái những thế kỷ trước chưa hề đối diện...

Con người của thế kỷ XXI không chỉ cần có tri thức và kỹ năng mà cần cả một nhận thức về trách nhiệm mà có thể quy về ba vấn đề chính phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với môi trường (chính là hai mối quan hệ tạo thành nội hàm của khái niệm "văn hoá").

Đó là, nguyên tắc hành xử giữa quyền và trách nhiệm, thực tế cho thấy người nắm quyền cao thường lại có trách nhiệm thấp. Ví như những nước phát triển giàu có lại thải nhiều khí độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường trong khi những nước nghèo lại chịu thiệt hại nhiều nhất khiến càng chậm phát triển. Đó là vấn đề quản trị. Nếu đại học thường phân chia thành nhiều chuyên ngành để đào tạo, hệ thống quản lý xã hội thì chia thành nhiều tầng lớp quản lý và điều hành khác nhau... thì vấn đề là cần thay đổi để tạo ra sự gắn kết liên ngành ngày càng hữu cơ và phải tạo ra hệ thống quản lý mọi mối quan hệ phức hợp phù hợp với một thế giới ngày càng thống nhất trong sự phức hợp ấy. Đó là phải tạo ra một mô hình phát triển mà yếu tố bền vững phải được đặt lên hàng đầu.

Và trong bài phát biểu mang tính đề dẫn này, tác giả nhắc đến câu hỏi của Edgar Morin, nhà xã hội học nổi tiếng: "Rồi đây ai sẽ đào tạo ra những nhà giáo dục?" để gợi cho cuộc hội thảo hướng tới một cách nhìn bớt khuôn sáo bởi những tiêu chí tưởng như những chuẩn mực đại học của những thế kỷ cũ mà nhiều người chúng ta vẫn còn coi là "khuôn vàng thước ngọc" để phấn đấu.

Người ta có thể tham khảo 2 mô hình phát triển đại học của 2 quốc gia đông dân nhất thế giới lại rất gần với chúng ta về mặt địa lý và văn hoá là Ấn Độ và Trung Hoa. Nước đông dân thứ hai thế giới cũng là nước có số sinh viên nhiều thứ ba thế giới nhưng mới chỉ chiếm 10% số người trong độ tuổi được đến trường; còn nước đông dân nhất thế giới bằng một nỗ lực to lớn đã trở thành nước có số sinh viên đông thứ 2 thế giới nhưng tỉ lệ đến trường cũng mới đạt 15%, trong khi ở các nước công nghiệp phát triển khác đã đạt trung bình là 50%, cá biệt như ở Phần Lan là 80%.

Trong khi Ấn Độ chi 73 triệu USD để xây dựng 12 trường đại học đẳng cấp quốc tế, thì Trung Quốc dám đầu tư gần gấp 10 lần con số đó (700 triệu USD) cho một trường. Nhưng nếu đặt bên cạnh số tiền mà chỉ riêng Đại học Havard của Mỹ trong tài khoá năm 2008 (năm khủng hoảng) là ngót 3 tỉ USD (2,996 tỉ) thì thấy con đường học theo mô hình của những đại học Âu Tây có truyền thống vài trăm năm là... vô vọng. Đến nay, theo bảng xếp hạng quốc tế SJTU, thì năm 2005 nền đại học Trung Hoa mới chỉ có 8 trường lọt vào top 500, mà vị trí cao nhất mới là thứ 151; thì đến năm 2008 cũng chưa có trường nào lọt vào top 100... và nền khoa học Trung Hoa cho dù đã đưa con người lên vũ trụ cũng chưa có một ai nhận đựoc Giải Nobel (trừ những người gốc Hoa có quốc tịch và được đào tạo ngoài Trung Hoa)...

Nếu liên tưởng đến nước nhà thì quả là những cái đó còn quá xa vời cho dù các nhà lãnh đạo ngành giáo dục của chúng ta vẫn mạnh bạo đặt ra mục tiêu hàng vạn tiến sĩ và sẽ có đại học không chỉ đẳng cấp quốc tế mà còn ở những top này top khác...

Trong hội thảo cũng có nhiều ý kiến nói đến một đặc trưng của thời đại là sự đòi hỏi công bằng trong hưởng thụ nền giáo dục đại học của mọi người và không thể không nghĩ tới một tương lai không xa người ta phải "phổ cập đại học". Phải chăng, cũng như mới cách đây 70, 80 năm, ở nước ta vận động truyền bá quốc ngữ, rồi cách đây 50, 60 năm tổ chức xoá nạn mù chữ, rồi bình dân học vụ, bổ túc văn hoá, phổ cập cấp tiểu học, rồi trung học... thì những gì diễn ra ngày nay trong đời sống đại học cũng phản ánh một nhu cầu của xã hội mà ta phải đáp ứng. Người ta từng gọi nó nửa đùa nửa thật là "phổ thông cấp IV". Sẽ không phải là không có ích nếu như coi đó là sự bổ sung thêm những lỗ hổng của nền giáo dục phổ thông cũng đang lắm vấn đề về chất lượng. Như thế nó cũng góp phần cải thiện dù chì một chút thôi chất lượng nguồn nhân lực.

Vấn đề còn lại chỉ là cái thuật ngữ "đại học" mà ta trao cho nó trong hệ thống giáo dục của ta. Vả lại khi sử dụng nguồn nhân lực, hơi một tí ta cũng đưa ra tiêu chuẩn phải "tốt nghiệp đại học" mà đãi ngộ chưa tương xứng thì mọi chuyện ta bàn đến chất lượng đại học là thì chẳng có gì là lạ. Điều này phần nào cũng phù hợp với một khía cạnh của nội dung "Đại học cho thế kỷ XXI". Phần còn lại ta phấn đấu cho một trình độ đào tạo cao hơn tương ứng với "đẳng cấp quốc tế". Và khi đó ta có thể đặt cho nó một cái tên nào đó để phân biệt với "đại học-phổ thông cấp IV". Vấn đề chỉ là cách gọi, cũng như có thời ta gọi tiến sĩ là... phó tiến sĩ mà thôi.

Lao Động Cuối tuần số 43 Ngày 25/10/2009

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Dương Trung Quốc