Về chương trình, sách giáo khoa ở bậc phổ thông bao giờ có chuẩn?

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn   29/04/2008  

 

Những bài cùng tác giả


Học sinh bỏ học đang là vấn nạn của xã hội. Một trong những nguyên nhân sâu xa là chương trình giáo dục quá tải, SGK có nhiều sai sót. Gần đây Bộ có chủ trương đánh giá lại CT-SGK ở bậc học phổ thông. PV Báo có cuộc trao đổi với GS- TSKH Nguyễn Xuân Hãn - ông được coi là “người phản biện”của ngành giáo dục xung quanh vấn đề này.

Chủ trương của Bộ tuy đã chậm nhưng cần thiết!

PV: Thưa Giáo sư, Bộ GD- ĐT nhấn mạnh mục tiêu của đợt tổng kiểm tra này: Nhằm tìm ra những ưu, khuyết điểm của chương trình SGK hiện hành. Giáo sư có nhận xét gì về chủ trương này?

GS. Nguyễn Xuân Hãn. Chương trình (CT) là cốt lõi của nền học, SGK là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học. Sự bất ổn CT-SGK trong lịch sử giáo dục trong và ngoài nước sẽ dẫn đến sự bất ổn trong sự nghiệp trồng người. Việc hàng chục vạn HS bỏ học là một ví dụ . Sự quá tải của bậc học phổ thông cũng đã được nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư nhắc nhở ngành GD- ĐT từ năm 1998. Vấn đề này cũng đã được bàn bạc ở nhiều diễn đàn Quốc gia, như tại Đại hội Đảng lần thứ IX, X; ở Quốc hội và các hội nghị, hội thảo nhiều năm nay, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo tôi, việc thiết kế lại CT, biên soạn SGK và đánh giá CT-SGK phải tuân thủ một quy trình khoa học chặt chẽ. Nền giáo dục của chúng ta chưa hề có CT- SGK chuẩn ở bậc phổ thông suốt 27 năm qua ( 1981 đến nay), là vấn đề bức xúc, bất lợi cho sự nghiệp trồng người.Chủ trương tổng kiểm tra SGK trên toàn quốc là một yêu cầu cần làm từ lâu, đến nay mới thực hiện đã là quá chậm, nhưng “thà chậm còn hơn không”.

Thiết kế CT, biên soạn SGK không khoa học, thiếu chuẩn

PV: Ông vừa cho biết, suốt 27 năm qua ta chưa làm được CT-SGK chuẩn. Tại sao vậy, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Xuân Hãn. Nguyên nhân thì có nhiều, tôi chỉ điểm lại một số bất cập chủ yếu.

Trước hết, muốn có CT-SGK chuẩn, điều quan trọng là phải tìm ra được chuẩn kiến thức - tương tự như cái thước tre, mà người nông dân Bắc Bộ sử dụng để xây nhà. Ông Trần Kiều,- nguyên Viện trưởng Viện KH-GD đã từng thừa nhận, ta không tìm được cái thước tre (!) ( Báo Lao Động đề cập ngày 1-9-2000). Làm nhà mà không có thước tre, ngôi nhà sẽ dị dạng- điều này ai cũng hình dung được. Trong trường hợp này, “cái thước tre” cần phải hiểu là chuẩn kiến thức đúc kết từ CT-SGK của các nước tiên tiến – phương Tây, kết hợp với thực tiễn VN. Gần đây, ông Trần Kiều lại bàn rằng phải xây dựng CT-SGK ở thành phố, khác với CT-SGK ở vùng sâu vùng xa (!?).Đã gọi là “chuẩn” mà lại còn khác nhau giữa các vùng miền thì làm sao có thể là “chuẩn” được? Nhìn ra thế giới HS của cac nước Châu Á , Phi, Mỹ La tinh, …sau khi tốt nghiệp phổ thông, họ vào các nước tiên tíên học Đh cùng với SV VN, với một mặt bàng chung về trình độ, vậy thì CT-SGK cua họ tương ứng với CT-SGK của vùng nào của nước ta?

Thành tựu KH-KT của nhân loại, được các nước trên thế giới coi là thành tựu của họ, còn ở nước ta mang về đập ra làm lại , thay đổi cấu trúc trật tự và coi đó là sáng tạo. Ví dụ cuốn Hình học Eculide -là tài sản trí tuệ của nhân loại- kinh thánh, đã tồn tại 2300 năm nay, chiếm già nửa chương trình toán ở bậc phổ thông, các nước tiên tiến đều dạy cơ bản giống nhau, môn học này - chỉ cần một GS giỏi với một vài cộng sự biên soạn lại khoảng 3 tháng là xong.

Tại Việt Nam thì sao?

Cuốn sách này được chia thành mấy chục suất, mỗi người một phần biên soạn lại, kéo dài trong vòng nhiều năm, cuối cùng Định lý Thalès bị đưa xuống bài tập (!?). Cách làm này không phải là khoa học, chưa nói làm khó học và dạy vì kiến thức không liền mạch. Sáng tạo như vậy thì có nên không?

Thiết kế CT-SGK chuẩn trong thời gian tới chỉ cần vài tháng

PV: Về CT-SGK chuẩn, ông nhiều lần khẳng định sẽ là xong trong vài tháng với kinh phí 100 tỷ đồng. Vậy cơ sở khoa học của ý kiến này là gì?

GS. Nguyễn Xuân Hãn. Kể từ năm 1945 đến nay, ta có 5 lần thiết kế lại CT và chuẩn bị và biên soạn SGK. Đó là những năm 1945, dưới sự chỉ đạo của GS Hoàng Xuân Hãn, làm trong vòng 2 tháng. Ở miền Bắc CT-SGK sử dụng từ 1945 đến năm 1955, còn miền Nam sử dụng từ 1945 đến 1972. Năm 1955 khi tiếp quản Thủ Đô, dưới sự chỉ đạo của GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tụy và nhà giáo Lê Hải Châu và nhiều người khác CT-SGK làm trong 6 tháng và được s dụng 35 năm. Năm 1975 thống nhất đất nước, CT-SGK cũng được làm trong mấy tháng. Ln thứ tư và thứ năm vào năm 1981, và 2002, CT-SGK được làm theo một cách khác, cắt khúc cuốn chiếu , thay dần - kiểu vừa chạy vừa xếp hàng. Kết quả là từ đó đến nay ( 27 năm) ta chưa hề có CT-SGK chuẩn, và chưa có bất cứ người có trách nhiệm nào trả lời trước Quốc hội và dân “bao giờ làm xong CT-SGK chuẩn để ổn định giáo dục phổ thông” . Vậy sự khác nhau cơ bản của hai cách làm CT-SGK kể trên nằm ở đâu? Vân đề nhận thức và cách làm CT-SGK. Kiến thức chung là tài sản của nhân loại, mặt bằng chung về trình độ, về cơ bản giống nhau. Thấu hiểu vấn đề học thuật này các GS Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Văn Chiển và GS Hoàng Tuỵ Nhà giáo Lê Hải Châu, đã làm CT-SGK trong vài tháng. Rõ ràng nhận thức 27 năm qua có vấn đề , và chưa hề có CT-SGK chuẩn.

Việc thiết kế CT- và biên soạn SGK hiện nay, có nhiều thuận lợi hơn trước. Đó là: không phải bắt đầu từ con số không; so với trước đây, số lượng trí thức được đào tạo bài bản, đông gấp vạn lần; tài liệu tham khảo đầy đủ và dễ dàng hơn. Với tất cả những lý do trên, nếu đội ngũ chúng tôi không làm được bằng và hơn thế hệ cha anh mình, đó mới là điều lạ và đât nước khó mà phát triển.

PV. Nhiều môn học trong chương trình giáo dục 1945 và 1955 trước đây ta lấy, thậm chí dịch nguyên văn t sách của Pháp và Nga, nay đất nước ta độc lập ta phải tự làm lấy CT-SGK chuẩn của riêng mình. Tại sao ông lại phản bác lại tư duy này?

GS. Nguyễn Xuân Hãn. Tự làm lấy CT-SGK là đúng, song không tham khảo đầy đủ sách của các nước, xin khẳng định là sai về khoa học. Nội dung giáo dục trong CT-SGK của các nước có hai khối kiến thức: một là kiên thức chung của nhân loại và còn lại là kiến thức liên quan đến từng đất nước cụ thể. Kiến thức chung cơ bản là giống nhau. Các nước có sử dụng chung hay dịch nguyên văn ra tiếng nước mình, là chuyện hết sức bình thường. Cuốn hình học Euclide –thành tựu chung, thi đâu chỉ có nước Mỹ dịch từ chữ Hy Lạp ra tiếng nước mình. Khi một sản phẩm khoa học đã được thừa nhận, không có bất kỳ nhà khoa học nào đó mang tác phẩm đó về đập ra làm lại!. Thiếu sót trong chỉ đạo của ta, khi biên soạn CT-SGK, hầu như không có sách tham khảo của nước ngoài (có thể, một vài tác giả tự sưu tầm cho mình, song nhìn chung, qua nghiên cứu riêng nhiều năm của tôi, là các sách này chưa đầy đủ, chưa tiêu biểu và thiếu tính hệ thống). Kết quả CT-SGK của ta không thể coi là sản phẩm khoa học đúng nghĩa của nó. So với các nước, nhiều nội dung trong SGK nặng hơn, từ 1 đến 3 năm! Ngôn ngữ trình bầy trìu tượng, xa cuộc sống , khó học khó nhớ.

PV. Các môn khoa học tự nhiên có thể giống nhau giữa các nước, song các môn khoa học xã hội, làm sao có thể giống nhau được? Thế còn lĩnh vực khoa học xã h ội thì sao?

GS. Nguyễn Xuân Hãn. Sự khác nhau ở đây chỉ là chất liệu cụ thể của những môn học này , nhưng hình thức luận giữa các nước là giống nhau. Mọi sự so sánh có thể khập khiễng. Hình thức luận ở đây được hiểu như cái nhà khung – “khung trình độ” ở các bậc học phải như nhau, còn “chất liệu” có thể là nhiều loại gạch: gạch lỗ hay gạch đặc, còn chọn loại gạch nào tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.

Môn học Ngữ Văn có hai phần là phần Ngữ văn và phần Văn. Phần Ngữ Văn làm sao cho HS nói, viết đúng ngữ pháp và chính tả và viết câu văn chuẩn. Biết cách diễn đạt nhiều kiểu khác nhau để người khác hiểu đúng ý mình. Còn phần văn là dạy làm người, xây dựng nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, cảm thụ văn học, biết cách phân tích văn học, sống và cư xử nhân ái , phần văn học đâu chỉ học ở trong trường là đủ. Nhiều đồng nghiệp giỏi hơn tôi, sẽ nói rõ về môn học này. Nghiên cứu hệ thống chương trình giáo dục phổ thông, tôi có thắc mắc và có nhiều buổi trao đổi với các tác giả về môn học này. Ví dụ, về sự khác nhau nội dung môn học này, đang dạy hiện nay khác với thế hệ trước đây, khác với 5 nước tiên tiến Anh, Đức, Nga, Mỹ Pháp ( có thể thêm Trung Quốc, Ấn Độ) ở chỗ nào? Tại sao dự kiến dạy Ngữ Pháp ở THCS, tại sao Ngữ Pháp còn dạy ở THPT là 45 tiết, thậm chí có thời kỳ đưa vào chương trình Đại học đại cương 15 tiết? Trả lời cho những câu hỏi như vậy, không bao giờ cũng thoả đáng, thậm chí có tác giả còn nói, những câu hỏi như vậy chưa bao giờ được đặt ra trong số những người làm CT-SGK ở nước ta.

PV: Có ý kiến cho rằng theo Luật GD, hiện một CT quy định có 1 bộ SGK. Điều này không hợp với thực tiễn, ta phải sửa luật GD để 1 CT có nhiều bộ SGK . Quan điểm của ông ra sao?

GS. Nguyễn Xuân Hãn. Khi chương trình giáo dục được thống nhất, thông thường chỉ có 3 hay 4 kiểu viết khác nhau, chứ không phải là vô tận, càng không phải hai người khác nhau mà viết ra hai bộ SGK khác nhau. Trong các bộ SGK này một bộ SGK được chọn làm SGK chuẩn quốc gia nếu nó thoả mãn các yêu cầu: phổ thông, cơ bản, hiện đại (theo chuẩn mực quốc tế) và phù hợp với Việt Nam. Tại sao? Vì lý do thi cử, nên bộ SGK chuẩn mang tính pháp lệnh. Các bộ SGK khác còn lại sẽ được sử dụng làm SGK tham khảo.

Luật GD theo tôi hoàn toàn không phải sửa lại. Đơn cử như Phần Lan là một trong những nước có nền giáo dục ưu việt nhất hiện nay. Đất nước này chỉ duy trì một loại trường, không có trường chuyên lớp chọn, chỉ có một chương trình và một bộ SGK chuẩn Quốc gia, nhưng họ lại có nhiều câu lạc bộ khác nhau cho học sinh năng khiếu; Singapore có mô hình giáo dục tương tự, Nhà nước tài trợ và tổ chức khoảng 1001 câu lạc bộ khác nhau, nhà trường bố trí thời khoá biểu để tất cả học sinh có thời gian tham gia. Hoặc nền giáo dục của chúng ta trong những năm kháng chiến và cho đến trước 1975 học sinh cũng không học phân ban, không trường chuyên lớp chọn tràn lan nhưng nhiều thế hệ học sinh vẫn thành tài…

PV: Theo ông, chúng ta có thể tiến hành thay CT- SGK đồng loạt ở bậc học phổ thông? Lợi hại như thế nào?

GS. Nguyễn Xuân Hãn. Khi người Pháp vào nước ta, họ mang CT-SGK của họ vào dạy ở nước ta. Khi chúng ta giải phóng Thủ Đô 1955 hay thống nhất đất nước năm 1975 ta cũng chuẩn bị CT-SGK sẵn và tiến hành thay CT-SGK đồng loạt. Do đó, việc thay SGK đồng loạt là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn và có thể làm được.

Theo số liệu điều tra của Tổng Cục Thống Kê Nhà nước, năm 2004 người dân đã phải bỏ ra trên 2000 tỷ đồng/ năm để mua sách học, chú không còn là 1600 tỷ đồng/năm –xâp xỉ 100 triệu USD/năm mà tôi đã từng phát biểu. Như vậy quá lãng phí. Lợi hại về vật chất còn tính được, chứ mấy chục thế hệ HS với kiến thức chưa chuẩn- thiệt hại này không tính được.

Xin cảm ơn Giáo sư!
 

Đăng Dương thực hiện

Báo VĂN NGHỆ TRẺ,
Số 17+18 (599; 600), CHỦ NHẬT, Ngày 27-4 và 4-5-2008,
PHỤ TRƯƠNG CỦA TUẦN BÁO VĂN NGHỆ, NĂM THỨ MƯỜI BỐN

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn