Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: chất lượng ngành giáo dục còn nhiều nỗi lo lắng

        13/04/2007
 
Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Báo chí Việt Nam vừa tường thuật chuyến đi thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại bộ giáo dục ở Hà Nội. Dịp này, ông nhìn nhận rằng chất lượng ngành giáo dục còn nhiều nỗi lo lắng, nhất là khi so sánh giữa Việt Nam với bạn bè thế giới.

Mời quý vị nghe thêm chi tiết vế vấn đề thực trạng nền giáo dục trong nước cùng những bước cải tiến mà ngành này cần phải xúc tiến trong thời gian tới theo nhận định của người đứng đầu chánh phủ cũng như của các chuyên gia giáo dục quốc tế.

Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các báo trích thuật nói rằng, chương trình giáo dục quốc dân từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học nghề, bậc cao đẳng, đại học và trên đại học đã hình thành một hệ thống đồng bộ.

Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhìn nhận là chất lượng giáo dục còn nhiều cấn đề phải tiếp tục nỗ lực thêm, vì qua báo cáo của bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, thì số học sinh trung học phổ thông yếu kém lên tới 50%.

Lên tiếng tại bộ giáo dục, ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bộ này phải nâng cao chất lượng đào tạo. Theo ông nếu làm được công việc này một cách hữu hiệu thì nền giáo dục của Việt Nam sẽ không thua kém các nước bạn.

 

Thiếu phần thực hành

 

Vậy dưới cái nhìn của một chuyên gia được cử về Việt Nam tham gia công tác đào tạo, huấn luyện sinh viên trong chương trình đào tại sinh viên mang tên là “Mêkông 1000”, thì giáo dục Việt Nam có vấn đề gì cần phải cải tiến trước mắt, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, thuộc Ngân hàng Liên Mỹ nói với đài chúng tôi rằng:

“Sinh viên học sinh tại Việt Nam thiếu hẳn phần thực hành. Còn các sinh viên Việt Nam được du học nước ngoài trở về thì không có cơ hội ứng dụng những điều đã học hỏi được trong việc phát triển xã hội, chấn hưng kinh tế”.

Vẫn theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc tại bộ giáo dục ở Hà Nội mới đây thì bộ giáo dục và đào tạo phải tập trung vào công tác nâng cao chất lượng các cấp học, bằng các giải pháp đồng bộ như xây dựng kế hoạch, năng lực quản lý và giảng dạy.

Phát biểu ý kiến với Ban Việt Ngữ chúng tôi, tiến sĩ Ngô Như Bình, Chủ nhiệm Chương trình tiếng Việt, Bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, Viện đại học Harvard, Boston, MA, Hoa Kỳ, cho biết:

“Cải tổ giáo dục là một vấn đề rất quan trọng cho nên cần có ý kiến của nhiều ngành, nhiều giới, điều này cũng đòi hỏi thời gian và sự nghiên cứu đến nơi đến chốn.

Với kinh nghiệm của một giáo sư đại học tại Việt Nam trước đây, tiến sĩ Bình góp ý là muốn chương trình giáo dục được hiệu quả cao thì các giáo sư hay giáo viên phải được phép tự do lựa chọn sách hay biên soạn giáo trình, chuẩn bị giáo án sao cho phù hợp với môn mình phụ trách, cần phải tránh mọi sự ràng buộc, gò bó đối với các thầy, cô.

 

Yếu ngoại ngữ

 

Thủ tướng Nguyện Tấn Dũng cũng nhắc lại nhận xét của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, khi hai ông đánh giá cao trình độ sinh viên Việt Nam khi qua Singapore học, duy chỉ có điều là sinh viên, học sinh Việt Nam yếu ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Qua câu chuyện với đài RFA chúng tôi, giáo sư Đinh Văn Long, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục và đào tạo đã về Việt Nam phối hợp công tác, hiện giảng dạy tại đại học Strayer và South Eastern University, nhấn mạnh rằng:

“Nếu không thông thạo tiếng Anh thì khi sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập, nhất khi tới các quốc gia sử dụng Anh Ngữ, sẽ gặp lắm khó khăn vì giáo sư xem họ có đủ trình độ ngoại ngữ nên không lặp lại những gì đã giảng.

Nếu không nghe kịp thì sẽ bị trở ngại lớn. Hơn nửa tại các đại học Mỹ, sinh viên phải đứng nói chuyện trước số đông người lắng nghe mình, nếu không làm được việc này thì quả là một vấp váp và thiệt thòi lớn cho du sinh Việt Nam.”

Theo các báo thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bộ giáo dục và đào tạo phải chọn hướng đi thích hợp, trước mắt là cần nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, xây dựng giáo trình tiên tiến, nhập các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, xây dựng hai trường đại học quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế.

 

 http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org