Những câu hỏi quanh bản báo cáo tài chính của Bộ GD-ĐT

Vietsciences- Nguyễn Xuân Hãn          02/12/2007

Những bài cùng tác giả


TT - Ngày 8-11-2007 Bộ GD-ĐT công bố tại cuộc giao ban báo chí bản báo cáo số liệu về "Giáo dục VN - đầu tư và cơ cấu tài chính".
Việc Bộ GD-ĐT công bố tương đối chi tiết các số liệu tổng hợp về vấn đề "nóng" luôn được dư luận xã hội quan tâm là một việc làm rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, trong bản báo cáo có một số nội dung chưa rõ ràng. Xin dẫn một vài thí dụ cụ thể như sau:
 

Chưa tính đủ các khoản
 

"Học phí ở nước ta hiện tại qui định từ năm 1998 đến nay không thay đổi" là chưa đúng vì: trước hết quan niệm về học phí đã có thay đổi căn bản. Trước đây, theo Luật giáo dục năm 1998, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, các nhà trường còn được phép thu tiền xây dựng trường, tiền học các môn học chưa qui định chính thức trong chương trình (ngoại ngữ, tin học, các hoạt động ngoại khóa…), tiền học 2 buổi/ngày...
 

Theo Luật giáo dục năm 2005 (điều 105): "Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục đào tạo. Học sinh trường tiểu học công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác".
 

Như vậy, bản số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT đã chưa tính đủ các khoản đóng góp thực tế hiện nay của người học và gia đình người học để bảo đảm chi phí học tập. Chính với cách thống kê "học phí” này, Bộ GD-ĐT đã chưa tính đến rất nhiều khoản đóng góp của người học và gia đình ở ngoài báo cáo, chưa đưa vào số liệu tổng các nguồn lực tài chính của giáo dục.
 

Thí dụ, chỉ tính riêng cấp tiểu học, theo qui định của UBND cấp tỉnh, thành phố, học sinh các trường công lập còn phải đóng tiền xây dựng trường, tiền học 2 buổi/ngày, tiền học ngoại ngữ, tin học (ở những nơi có dạy các môn này), tiền học cho các hoạt động ngoại khóa... Nếu tính cả các khoản này thì học sinh tiểu học công lập đã phải đóng học phí (trái hiến pháp 1992 và Luật giáo dục) và tổng số kinh phí thu được là rất lớn chứ không thể bằng 0 như số liệu tại các trang 29, 30 của báo cáo.
 

Ngoài ra, học sinh tiểu học còn phải đóng tiền đồng phục, bảo hiểm y tế, mua sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết và dụng cụ học tập, quĩ hội cha mẹ học sinh, quĩ đội, tiền học trái tuyến, tiền học thêm... (là các khoản không có trong quyết định của UBND tỉnh, thành phố).
 

Về cách tính tỉ lệ chi phí bình quân cho giáo dục so với thu nhập, các nước trên thế giới đều tính tỉ lệ theo đầu người chứ không thể tính theo hộ gia đình. Phải chăng vì muốn chứng tỏ rằng chi phí học tập chỉ chiếm 4 - 8% mà Bộ GD-ĐT đã có cách tính khác với các nước như vậy? Còn nếu tính theo cách tính thông thường của các nước thì năm 2006, tỉ lệ giữa chi phí giáo dục bình quân một người đi học so với thu nhập bình quân một nhân khẩu của nước ta, tính từ các con số trong bảng trang 19 và trang 23 của Bộ GD-ĐT nói trên, là 14,96%.
Tương tự cấp tiểu học, học sinh công lập ở tất cả các cấp học khác (nhất là học sinh các trường bán công, công lập tự chủ tài chính ở phổ thông) và sinh viên các trường đại học, cao đẳng đều phải đóng rất nhiều khoản khác mà Bộ GD-ĐT không biết vô tình hay cố ý "quên" không thống kê để đưa vào nguồn đóng góp của xã hội cho giáo dục. Các con số về đóng góp của người dân trong bảng số liệu của Bộ GD-ĐT chỉ là các con số kinh phí thu được từ các qui định chính thức đối với người học trong các trường công lập mà thôi.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra được con số cụ thể về tổng đóng góp của người dân trong các trường ngoài công lập.
Vì vậy, con số tỉ lệ tương quan giữa đóng góp của người dân và của Nhà nước (25%/75%) được nêu ra trong báo cáo của Bộ GD-ĐT liệu có chính xác và đủ độ tin cậy?


Nhiều vấn đề chưa được giải đáp


Vấn đề Quốc hội, đại biểu Quốc hội, công luận và người dân quan tâm nhất là sử dụng các nguồn lực tài chính cho giáo dục như thế nào đã không được giải đáp trong bản báo cáo nói trên của Bộ GD-ĐT. Xin nêu thí dụ về một số nội dung cụ thể:


Lương giáo viên được bao nhiêu?


Theo con số thống kê ngành công bố trong báo cáo, năm 2006 có tổng số 1.020.862 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó 876.159 thuộc hệ thống công lập (trang 13). Đây là số người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tổng chi thường xuyên của năm 2006 là 44.798 tỉ đồng, nguồn học phí là 4.329 tỉ đồng; trừ các khoản thuộc chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT (2.970 tỉ đồng) và nguồn ODA (1.200 tỉ đồng) thì khoản thực tế dành cho chi thường xuyên là 44.957 tỉ đồng. Tính theo mức thấp nhất theo báo cáo của Bộ GD-ĐT trình Ủy ban VHGD TN, TN&NĐ Quốc hội ngày 3-10-2007, tỉ lệ chi lương chiếm 85% tổng chi thường xuyên, thì tổng quĩ lương của cán bộ quản lý, giáo viên công lập phải khoảng 38.213,45 tỉ đồng.
Với quĩ lương này, bình quân lương cán bộ quản lý, giáo viên công lập sẽ là 3.634.561 đồng/người/tháng. Thế nhưng, trong thực tế lương bình quân mỗi giáo viên hiện nay khoảng 1.500.000 đồng/tháng, vậy số tiền hơn 2 triệu còn lại đáng lý phải thuộc về giáo viên thì đã đi đâu? Chúng ta thấy nếu số tiền lương này được trả đủ, đúng cho giáo viên thì không cần phải tăng học phí để tăng lương cho giáo viên.


Nguồn vốn ODA cho giáo dục là bao nhiêu?


Một nguồn lực tài chính rất lớn cho giáo dục - đào tạo là nguồn vốn vay ưu đãi và các khoản viện trợ không hoàn lại nhưng đã không được Bộ GD-ĐT báo cáo trong bản công bố số liệu đầu tư và cơ cấu tài chính giáo dục VN. Các nguồn vốn này cũng phải được quản lý như ngân sách nhà nước, và được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao rất cần được Bộ GD-ĐT công khai báo cáo!
 

Đã đăng trên Tuổi Trẻ

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Xuân Hãn