Cải cách giáo dục: không phải là phong trào

Vietsciences-Hồng Lê Thọ       25/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

Ở nước ta có nếp sinh hoạt xã hội theo kiểu phong trào, chiến dịch như “chiến dịch mùa hè xanh” cho sinh viên, học sinh (HS, SV) làm công tác quét dọn đường phố, cống rãnh... hay đi đến các vùng sâu,vùng xa xây nhà, dạy học... Mỗi đợt có thể kéo dài suốt mấy tháng hè hay cả năm tùy theo nội dung “vận động” mà ý nghĩa của nó là nhằm nâng cao ý thức của người dân, phát huy tinh thần của HS, SV trong cộng đồng.

Việc cải cách và xã hội hóa giáo dục hiện nay của chúng ta cũng vậy, có phong trào “2 không”, rồi "4 không” chủ trương đào tạo 20.000 tiến sĩ (TS) trong 8 năm tới. Không ít người hoài nghi những kỳ tích này có thể thực hiện như ý muốn chủ quan hay không nhằm làm thay đổi diện mạo của nền giáo dục đại học nước nhà, khắc phục được sự tụt hậu của hệ thống giáo dục đại học và trên đại học như quan chức ngành giáo dục mong đợi bởi tính khả thi của nó không thuyết phục; hiện tượng tiêu cực được nhiều người nói nhiều trong hệ thống giáo dục mà xã hội lên án như học giả - bằng thật, mua bằng, thi hộ, dối trá trong thi cử v. v... vẫn chưa khắc phục được. Vả lại trên thực tế, vấn đề đặt ra là liệu có cần phải chạy theo số lượng TS đông đảo như thế không hay là chỉ cần một số nào đó đủ trình độ giảng dạy và nghiên cứu học thuật phù hợp với khả năng phát triển của nền đại học nước nhà trong 10-15 năm tới, ít hơn nhiều so với con số hai vạn, nhưng thật sự giỏi giang?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu "Không có cái mới và không làm khoa học thì đừng làm tiến sĩ” khi trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội ngày 16-11-2007. Từ trước đến nay đã có ai dám nêu vấn đề thẳng thừng như vậy!

Bình tĩnh suy xét, ở đây đang có sự mâu thuẫn vì trong tình trạng hiện nay thử hỏi lấy đâu ra giáo sư chỉ đạo và hướng dẫn, phương tiện, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm... để thực hiện 20.000 đề tài “mới” như bộ trưởng nói, ngoài việc ngồi nhà hay ở văn phòng làm luận văn “tại chức” như thực tế hiện nay đối với các chuyên đề nghiên cứu trong khoa học nhân văn? Cho dù là một nửa số TS này sẽ được nước ngoài đào tạo giúp thì cũng không hi vọng gì tìm được GS hướng dẫn, vốn bận rộn vô cùng trong công việc thường nhật. Ngoài ra còn phải chọn cho ra đề tài gì để nghiên cứu, có đủ tiền để ủy thác đào tạo ; không lẽ mặc “ai muốn làm gì thì làm, đề tài nào, trường nào cũng được miễn là nước ngoài” trong khi nhà nước phải cưu mang trong 3-4 năm (và có thể dài hơn) của “lộ trình” lấy bằng tiến sĩ ? Còn 10.000 người nữa nghiên cứu ở trong nước thì ai sẽ thẩm định cái tính “thật sự mới” của đề tài khoa học.

Thiết nghĩ Bộ GD - ĐT cần có can đảm điều tra và đưa ra con số TS mà luận văn nghiên cứu “không có gì mới” để giảm bớt tỷ lệ người học “giả” bằng thật . Có như vậy mới tránh khỏi tiếng xấu “nói để mà nói” thôi, giống như kêu gọi theo kiểu phong trào trong SV, HS hay các chiến dịch huy động quần chúng trong xã hội tham gia mà chúng ta thường nghe thấy. Cuối cùng liệu có khả năng 20.000 vị đỗ đạt mảnh bằng TS sắp tới lại là sản phẩm của phong trào chạy theo thành tích, học xong trở về ngồi ở chiếc ghế giảng dạy tại đại học thôi (để nâng lên tầm quốc tế ?) hay để dành một chức vụ trong bộ máy quản lý nhà nước (70% người lấy bằng Tiến sĩ nhằm mục đích này), không thể nghiên cứu tiếp tục đề tài theo đuổi trong suốt quá trình lấy TS.

Hơn thế nữa, việc cho rằng tỷ lệ giáo viên có học vị TS trên 20% số cán bộ giảng dạy để chứng tỏ đại học nước ta có nhiều người có trình độ cao chỉ có giá trị biểu kiến, thật là huyễn hoặc và lãng phí vô cùng cho đất nước nếu nhận thức rằng lấy được học vị này là đạt đến đỉnh cao của học thuật trong khi trên thực tế đây chỉ là bước khởi đầu của nghiên cứu khoa học mà thôi! Người trí thức nào cũng thừa biết rằng muốn nghiên cứu khoa học ở cấp độ TS thì cần có cơ sở vật chất, ê-kíp (nhóm cùng nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của một vị giáo sư trong ngành) đồng thời phải có ngân sách dành cho nghiên cứu học thuật , khả năng giao lưu, công bố kết quả tại các hội nghị quốc tế. Thử hỏi khi chuyên gia hay TS của Việt Nam về nước có được những điều kiện như thế hay không hay phải tự bỏ tiền túi? Nói cho cùng, đây cũng chính là một trong những lý do giải thích tại sao nhiều trí thức VK đỗ đạt cao e ngại khi nghĩ đến việc trở về quê hương dạy học  mà không có điều kiện theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Về việc lập chuẩn trong đào tạo TS trong nước, tại sao Bộ GD-ĐT không áp dụng tiêu chuẩn mà phần lớn các ĐH lớn ở các nước đang áp dụng. Luận án Tiến sỹ phải có ít nhất 3 bài báo cáo trên báo chuyên ngành quốc tế? Ba bài phát biểu chuyên ngành trên báo chuyên ngành quốc tế(hoặc trong nước) này cũng có thể áp dụng cho việc thẩm định lại học vị Tiến sĩ hiện có của những Tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên đã được tuyên phong.

Thiết nghĩ vấn đề cải cách giáo dục đang rối như tơ vò, không thể nào một cá nhân dù tài giỏi đến mấy có thể xây dựng một lộ trình nghiêm túc. Cần phải tổ chức một hội đồng nghiên cứu và thẩm định một cách qui củ, theo hệ thống những vấn đề liên quan đến lực lượng giáo viên, giáo sư, lương bổng, sách giáo khoa, trường lớp, chương trình đào tạo, tổ chức thực hiện đã tích tụ bao nhiêu khó khăn, nan giải chồng chất từ nhiều năm, không thể chỉ hô hào “ba giảm” hay “hai không”, chỉ họp hằng năm đôi ba lần phát biểu chung chung, chiếu lệ là có thể khắc phục được. Nếu có thì cũng chỉ là hạn chế được phần nào trong lúc ”phong trào” dâng cao, rồi sau đó đâu lại hoàn đấy.

Đã đến lúc cần có những giải pháp cơ bản và đồng bộ mang tính chiến lược, bên cạnh vấn đề đặt lại chuẩn mực trong nghiên cứu khoa học để cấp phát bằng cấp, cơ chế kết hợp-phối hợp(liên thông) về học thuật giữa các đại học trong và ngoài nước, quan trọng nhất là cần phải làm rõ những tiêu cực về chi-thu trong giáo dục, rà soát lại vấn đề biên soạn sách giáo khoa, chế độ đãi ngộ như thế nào trong nghiên cứu khoa học cũng như lương bổng, phong hàm một cách tương xứng cho những công trình khoa học có giá trị... thay vì chỉ chú tâm vào vấn đề tăng học phí để “nâng cao chất lượng” trong việc thực hiện chủ trương “xã hội hóa” giáo dục như hiện nay. (Tokyo)

Đẵ đăng trên Đại đoàn kết online ngày 24/1/2008

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ