Cải cách giáo dục: Nên xác định gốc và ngọn

Vietsciences-Dũ Lan Lê Anh Dũng               25/01/2010

 

Những bài cùng tác giả

Cái gốc của giáo dục là gì? Trong tiếng Anh, giáo dục (education) có gốc La-tinh educare, nghĩa là nuôi nấng trẻ con. Nghĩa này tương đồng với chữ dục 育. Ngoài ra, dục còn có nghĩa là bé thơ, nhỏ dại.

Giáo 教 là dạy, gồm chữ hiếu 孝 ở bên trái ghép với bộ phộc 攴 ở bên phải.

- Phộc là đánh nhè nhẹ, đánh khẽ; ngụ ý dạy trẻ thì cần uốn nắn lỗi lầm, cần trách phạt cho trẻ biết lỗi, nhưng không dùng bạo lực hay nhục hình.

- Hiếu là lòng con cái tôn kính, nhớ ơn, phụng thờ cha mẹ; ngụ ý việc giáo dục trẻ phải gắn với nền tảng gia đình, trước tiên dạy cho trẻ biết đạo làm con.

Phân tích như trên gợi cho thấy, xét từ quan niệm căn bản, cái gốc của giáo dục chính là dạy dỗ con trẻ, đặt trẻ trong quan hệ gần gũi nhất là gia đình, và nội dung chủ yếu là đạo làm con, đạo hiếu.

Đối tượng chiến lược của giáo dục là ai? Có lẽ xuất phát từ căn nghĩa như trên, phương châm giáo dục Việt Nam đã đề ra từ xưa là Tiên học lễ, hậu học văn.

- Học văn là phần trang bị kiến thức để đào tạo cái tài, nó chưa phải là ưu tiên một.

- Học lễ là phần trang bị đạo đức, nhân cách, để biết làm người có tấm lòng (tâm), và nó chính là ưu tiên hàng đầu. Nguyễn Du bảo “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” cũng không khác gì quan niệm truyền thống của dân Việt là đức thắng tài.

Cái gốc của giáo dục như thế xét cho cùng là dạy cho biết làm người, mà đối tượng chiến lược là các trẻ từ cấp tiểu học trở xuống. Đây là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, như cây non dễ uốn nắn. Giáo sư Tương Lai rất có lý khi viết: Đừng quên rằng “để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ”, đấy là lời khuyên của nhà văn hóa đáng kính Nguyễn Khắc Viện. Mà theo ông “có thể nói sau năm, sáu tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi”. Cũng đừng quên rằng bậc tiểu học là thời điểm quan trọng nhất để duy trì, giữ gìn bản sắc dân tộc cho một nhân cách. (http://www.phapluattp.vn)

Những vấn nạn lớn của xã hội hiện nay xét về căn cơ là do con người thiếu cái tâm, mỏng cái đức, kém nhân cách… Vì thế, nếu một tác giả bảo rằng Cuộc khủng hoảng trong giáo dục hiện nay thực chất là khủng hoảng về phần “lễ” (http://vietnamnet.vn) hẳn không ngoa. Cho nên, xây dựng một chiến lược giáo dục nhân bản để đối trị cuộc khủng hoảng ấy phải đặt trên cái nền tảng gia đình, lấy chữ lễ (đạo đức) để rèn tập cho từ trẻ bậc tiểu học trở xuống.

Gốc và ngọn của giáo dục. Giáo dục có thể không làm thay đổi bản tính tự nhiên của con người (như tính ác, thói ích kỷ...), nhưng có thể làm thay đổi cách ứng xử, để một người được giáo dục tốt và đúng sẽ có thể biết sống phù hợp với những tiêu chuẩn chung của xã hội... Vì thế trước hết giáo dục phải mang tính nhân bản, dân tộc rồi mới hướng tới yêu cầu hiện đại.

- Yêu cầu hiện đại là phần động, là cái ngọn. Nó được cập nhật để chỉnh sửa chương trình giáo dục, và nên hướng vào bậc trung học để chuẩn bị cho trẻ bước lên đại học. Phương châm là trang bị cho trẻ đủ những kỹ năng cần thiết để sau này trẻ có thể biết cách để sống còn trong một thế giới đang biến dịch rất nhanh và trong xu thế toàn cầu hóa.

- Nhân bản và dân tộc là phần tĩnh, là cái gốc. Nó có thể ít và chậm thay đổi, do đó cần ưu tiên nhắm vào bậc tiểu học để đắp nền và tiếp tục duy trì, củng cố ở bậc trung học.

Bài học lịch sử. Khi nói rằng nên xem hai yếu tố nhân bản và dân tộc là phần tĩnh, là cái gốc của nền giáo dục quốc gia, có nghĩa là khi cải cách giáo dục đừng vô tình đánh rơi nó. Cuộc chạm trán giữa Á Đông và phương Tây trong quá trình lịch sử đã buộc các nước phương Đông (trong đó có Việt Nam) nhiều lần tiến hành cải cách giáo dục, và đã không khỏi mắc phải một số sai lầm. Chẳng hạn:

- Khi học hỏi từ phương Tây, người phương Đông hay quên rằng những gì dân tộc mình đã thành tựu được vẫn có nguyên giá trị. Do đó, khi từ bỏ những giá trị sẵn có, người phương Đông đã tự đánh mất ưu thế của mình.

- Sở dĩ có sai lầm đó, là bởi người phương Đông dễ có xu hướng chỉ nhìn thấy những gì lóa sáng trong thành tựu của phương Tây và bị choáng ngợp nên chưa kịp nhìn ra các góc khuất, chỗ tối của phương Tây.

- Khi tìm cách mô phỏng theo phương Tây, người phương Đông thường quên tính đến những tiền đề giúp phương Tây đạt được thành tựu đó. Nói khác đi, khi vay mượn một kiểu mẫu nào đó của phương Tây, người phương Đông thường bỏ sót những điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội, v.v… đã tác động hiệu quả đến sự thành công của kiểu mẫu đó.

Cải cách theo hướng nào? Khi xác định đâu là gốc là ngọn của giáo dục, các nhà hoạch định chương trình đào tạo sẽ điều tiết liều lượng các môn học và xác định lúc nào cần ưu tiên đầu tư tri thức gì cho trẻ. Đó cũng là cách giảm tải để giúp trẻ còn có thời gian được sống trọn với tuổi thơ hồn nhiên, nuôi dưỡng tâm hồn, thay vì sớm bị chai cằn vì bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức.

Thật vậy, con người thời đại đang chịu áp lực quá lớn của khối lượng tri thức, thông tin mỗi ngày một tích lũy nhiều và tăng quá nhanh. Nếu người lớn tham lam giùm cho trẻ, muốn trang bị cho lớp trẻ số vốn tri thức vừa mang tính cập nhật thời đại vừa không bỏ quên, bỏ sót truyền thống thì làm sao đạt được cả hai yêu cầu này khi mà con người không thể tăng thêm quỹ thời gian của mình mỗi ngày, mỗi tuần…

Thực tế cũng cho thấy, có nhiều thứ kiến thức ở học đường làm nhọc nhằn cho cả thầy và trò thì khi ra đời hầu như chẳng trò nào dùng tới. Những kiến thức ấy vì thế có thể nói chỉ là “vật trang sức” mà thôi. Cho nên muốn giảm tải cho trẻ thì thay vì nhồi kiến thức, hãy cung cấp những gì thật căn bản và hướng dẫn cho trẻ biết cách “moi” kiến thức, khai thác hiệu quả nguồn kiến thức phục vụ nhu cầu bản thân và xã hội sau này.

Tham khảo Singapore. Trong dịp Quốc khánh 2004, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói: “Chúng ta phải dạy ít đi để học trò có thể học được nhiều hơn.” (http://tuanvietnam.net). Câu nói tưởng như nghịch lý ấy lại là một định hướng quan trọng trong chính sách giáo dục của Singapore.

Để cải cách giáo dục theo hướng dạy ít, học nhiều, tức là giáo dục theo mục tiêu chất lượng chứ không phải theo chỉ tiêu số lượng, từ cuối thế kỷ 20 Singapore đã đưa ra mấy nguyên lý làm định hướng cho người thầy. Trong đó có hai nội dung rất đáng chú ý như sau:

- Thầy giúp trò xây dựng kiến thức, nắm phương pháp học (thay vì thầy chỉ truyền trao kiến thức).

- Thầy giúp trò học tập với định hướng của bản thân (thay vì chỉ có định hướng từ thầy).

*

Tóm lại, mỗi khi cải cách giáo dục thì không thể thay đổi theo tính cách đối phó. Những động tác giống như “loay hoay” của các nhà quản lý giáo dục trong thời gian qua phải chăng là hệ quả của thực trạng lẫn lộn giữa ngọn và gốc. Gần đây nhiều người làm công tác giáo dục sính nói tới “tầm nhìn thời đại” mỗi khi mở đầu cho một thay đổi trong chương trình đào tạo của mình. Phải thừa nhận rằng bốn chữ ấy thốt lên nghe rất “kêu”, và nó thỏa mãn được thị hiếu là muốn chứng tỏ mình không tụt hậu, chẳng lỗi thời. Nhưng, nếu không thận trọng, e rằng cái tầm nhìn ấy vốn dĩ quá động, nó sẽ làm mình mất cái thế quân bình vì không duy trì được những giá trị gốc, bền vững của một chính sách giáo dục.

Dũ Lan Lê Anh Dũng

Đã đăng tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 1742, ngày 22-01-2010

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    L