Cải cách giáo dục: không phải là phong trào*

Vietsciences- Hồng Lê Thọ       26/12/2007
 
Những bài cùng tác giả

 

Ở nước ta có nếp sinh hoạt xã hội theo kiểu phong trào, chiến dịch như “chiến dịch mùa hè xanh” cho SVHS làm công tác quét dọn đường phố, cống rãnh… hay đi đến các  vùng sâu, vùng xa xây nhà, dạy học, v…v... trong kỳ nghỉ ;  phong trào xây dựng “khu phố văn hóa” để bài trừ tệ nạn ở từng khu dân cư. Mỗi đợt có thể kéo dài suốt mấy tháng hè hay cả năm tùy theo nội dung “vận động” mà ý nghĩa của nó là nhằm nâng cao ý thức của người dân, phát huy tinh thần hi sinh của HSSV trong cuộc sống cộng đồng.

 Việc cải cách và xã hội hóa giáo dục hiện nay của chúng ta cũng vậy, có phong trào “hai không”(nói không với tệ nạn chạy theo thành tích, dạy và học kém chất lượng..), rồi 4 “không” và dài hơi nhất là chủ trương đào tạo 21,000 TS trong 8 năm tới . Chủ trương nầy, tuy chưa thành đề án chính thức, đã dấy lên thật ồn ào, làm cho cả xã hội nhốn nháo; âu lo đan xen với hi vọng . Không ít người hoài nghi những kỳ tích nầy có thể thực hiện như ý muốn chủ quan hay không, nhằm làm thay đổi diện mạo của nền giáo dục đại học nước nhà, khắc phục được sự tụt hậu của hệ thống giáo dục đại học và trên đại học như quan chức ngành giáo dục mong đợi, bởi tính khả thi  của nó không thuyết phục; hiện tượng  tiêu cực được nhiều người nói nhiều trong hệ thống giáo dục mà xã hội lên án như học giả - bằng thật, mua bằng, thi giùm, dối trá trong thi cử v...v...….vẫn chưa khắc phục được. Vã lại trên thực tế, vấn đề đặt ra là liệu có cần phải chạy theo số lượng TS đông đảo như thế không hay là chỉ cần một số nào đó đủ trình độ giảng dạy và nghiên cứu học thuật phù hợp với khả năng phát triển của nền đại học nước nhà trong 10-15 năm tới, ít hơn nhiều so với con số hai vạn mốt, nhưng thật sự giỏi giang ?  Cuối cùng,  đây có phải là hiện tượng lọt vào một trong hai cái “nói không” mà chính BT Nguyễn Thiện Nhân đang kêu gọi!?

Thật  ra, hoài nghi  ấy còn  được khẳng định thêm vì lời phát biểu mới đây  của BT Nguyễn Thiện Nhân, ông dõng dạc tuyên bố "Không có cái mới và không làm khoa học thì đừng làm tiến sĩ” khi trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội ngày 16/11/2007 . Phát biểu nầy đã làm “nóng” hội trường vì nó quá đúng hay vì nhiều người đồng tình với suy nghĩ trên? Từ trước đến nay đã có ai dám nêu vấn đề thẳng thừng như vậy!

Bình tĩnh suy xét,chính BT lại mâu thuẩn với chính mình vì trong tình trạng hiện nay thử hỏi lấy đâu ra giáo sư  chỉ đạo và hướng dẫn, phương tiện, cơ sở vật chất,  phòng thí nghiệm…để thực hiện 21,000 đề tài “mới” như BT nói, ngoài  việc ngồi nhà hay ở văn phòng làm luận văn “tại chức” như thực tế hiện nay đối với các chuyên đề nghiên cứu trong khoa học nhân văn ?. Cho dù là ½ số TS nầy sẽ được nước ngoài đào tạo giúp thì cũng không hi vọng gì tìm được GS hướng dẫn, vốn  bận rộn vô cùng trong công việc thường nhật.  Ngoài ra còn phải chọn cho ra đề tài gì để nghiên cứu,có đủ tiền để ủy thác đào tạo ; không  lẽ mặc “ai muốn làm gì thì làm, đề tài nào, trường nào cũng được miễn là nước ngoài” trong khi nhà nước phải cưu mang trong 3-4 năm(và có thể dài hơn) của “lộ trình” lấy bằng tiến sĩ ? Còn 10,000 người nữa nghiên cứu ở trong nước thì ai sẽ thẩm định cái tính “thật sự mới” của đề tài khoa học.

 Trong khoa học, để lấy bằng TS thì kết quả nghiên cứu  phải là những phát hiện mới về lý thuyết hay phương pháp thực nghiệm vậy mà theo như lời BT Nguyễn thiện Nhân thì nước ta đang (đã) có một thực tế khác đáng lo ngại (1 *)  . Thiết nghĩ  bộ GD DT cần có can đảm điều tra và đưa  ra con số TS mà luận văn nghiên cứu “không có gì mới” để giảm bớt tỷ lệ người học “giả” bằng thật . Có như vậy mới tránh khỏi tiếng xấu  “nói để mà nói” thôi, giống như  kêu gọi theo kiểu phong trào trong SVHS hay  các chiến dịch huy động quần chúng trong xã hội tham gia mà chúng ta thường nghe thấy. Cuối cùng liệu có  khả năng 21,000 vị đỗ đạt mảnh bằng TS sắp tới lại là sản phẩm của phong trào chạy theo thành tích , học xong trở vể ngồi ở chiếc ghế giảng dạy tại đại học thôi (để nâng lên tầm quốc tế ?) hay để dành một chức vụ trong bộ máy quản lý nhà nước(70% người lấy bằng Tiến Sĩ nhằm mục đích nầy), không thể nghiên cứu tiếp tục đề tài theo đuổi trong suốt quá trình lấy TS.

Hơn thế nữa, việc cho rằng tỷ lệ giáo viên có học vị TS trên 20% số cán bộ giảng dạy để chứng tỏ đại học nước ta có nhiều người có trình độ cao chỉ có giá trị biểu kiến, thật là huyễn hoặc và lãng phí vô cùng cho đất nước nếu nhận thức rằng lấy được học vị nầy là đạt đến đỉnh cao của học thuật trong khi trên thực tế đây chỉ là bước khởi đầu của nghiên cứu khoa học  mà thôi! Người trí thức nào cũng thừa biết rằng muốn nghiên cứu khoa học ở cấp độ TS thì cần có cơ sở vật chất, ê-kíp (nhóm cùng nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của một vị giaó sư trong ngành) đồng thời phải có ngân sách dành cho nghiên cứu học thuật , khả năng giao lưu, công bố kết quả tại các hội nghị quốc tế; Thử hỏi khi chuyên gia hay TS của VN về nước có  được những điều kiện như thế hay không hay phải tự bỏ tiền túi ? Nói cho cùng, đây  cũng chính là một trong những lý do giải thích tại sao nhiều trí thức VK đỗ đạt cao e ngại khi nghĩ đến việc  trở về quê hương dạy học  mà  không có điều kiện theo đuỗi nghiên cứu khoa học.

 Về việc lập chuẩn trong đào tạo TS trong nước, tại sao BGD DT không áp dụng tiêu chuẩn mà phần lớn các ĐH lớn  ở các nước đang áp dụng . Luận án Tiến sỹ phải có ít nhất 3 bài báo cáo trên báo chuyên ngành quốc tế ? Ba bài phát biểu chuyên ngành trên báo chuyên ngành quốc tế(hoặc trong nước) này cũng có thể áp dụng cho việc thẩm định lại học vị Tiến sĩ hiện có(3***) của những người trong các ngành khoa học tự nhiên đã được tuyên phong .

 Thiết nghĩ vấn đề cải cách giáo dục đang rối như  tơ vò, không thể nào một cá nhân dù tài giỏi đến mấy có thể xây dựng một lộ trình nghiêm túc.Cần phải xây dựng một hội đồng nghiên cứu và thẩm định một cách qui cũ, theo hệ thống những vấn đề liên quan đến lực lượng giáo viên, giáo sư, lương bỗng, sách giáo khoa, trường lớp, chương trình đào tạo, tổ chức thực hiện…đã tích tụ bao nhiêu khó khăn, nan giải chồng chất từ nhiều năm, không thể  chỉ hô hào “ba giảm” hay “hai không”, chỉ họp hằng năm đôi ba lần phát biểu chung chung, chiếu lệ…là có thể khắc phục được. Nếu có thì cũng chỉ là hạn chế được phần nào trong lúc ”phong trào” dâng cao, rồi sau đó đâu lại hoàn đấy.

Đã đến lúc cần có những giải pháp cơ bản và đồng bộ mang tính chiến lược, bên cạnh vấn đề đặt lại chuẩn mực trong nghiên cứu khoa học để cấp phát bằng cấp, cơ chế kết hợp-phối hợp(liên thông) về học thuật giữa các đại học trong và ngoài nước… , bức xúc nhất là cần phải làm rõ ràng  những tiêu cực về chi-thu trong giáo dục, rà soát lại vấn đề biên soạn sách giáo  khoa, chế độ đãi ngộ như thế nào trong nghiên cứu học thuật cũng như lương bỗng, phong hàm một cách tương xứng cho những công trình khoa học có giá trị…thay vì châm bẫm vào vấn đề tăng học phí để “nâng cao chất lượng” trong việc thực hiện chủ trương “xã hội hóa” giáo dục như hiện nay.

Đáng ngạc nhiên thay khi được biết 80% người tham gia viết sách giáo khoa cấp học phổ thông ở nước ta lại là những nhân vật chưa tham gia giảng dạy, không hiểu cặn kẽ những vấn đề tâm sinh lý, khả năng tiếp thu của các em theo từng cấp.

 Kinh nghiệm tại Nhật bản, trước khi đưa ra một sách giáo khoa (cho một cấp học nào đó), Bộ giáo dục phải lập ra một Ban chuyên môn kiểm định và cuối cùng phải được một hội đồng khoa học gồm những những nhà giáo,giáo sư, chuyên gia, phụ huynh (gọi tắt là Hội đồng Tuyển định sách giáo khoa) thông qua sau khi tranh cãi nhiều chiều và thậm chí còn phải chịu kiện tụng trước tòa án như vụ sách giáo khoa dạy sử cấp phổ thông của GS Ienaga Saburoo(2**). Điều đó cho thấy việc soạn  Sách giáo khoa cho cấp phổ cập ở Nhật bản được xem trọng và cẩn thận như thế nào vì nhận thức được rằng đây là thời gian(từ lớp 6-9) hình thành và tác động nhận thức và nhân cách của các em học sinh.

 Đó chỉ là một ví dụ nhỏ để nhấn mạnh rằng trong  cải cách giáo dục, bên cạnh việc lập ra các chương trình dài hơi (lộ trình) phải cần có những hội đồng chuyên gia thảo luận, phản ánh ý kiến của các tầng lớp thức giả trong và ngoài nước nhằm mục tiêu cuối cùng là đạt được một kết luận hợp lý có giá trị khoa học và thực tiển trên cơ sở đồng thuận của xã hội cho từng nội dung cải cách, không thể làm ào ào theo lối phong trào để tránh tạo ra những vết xe đổ khó lòng cứu vãn trước “sự thật đã rồi” mà ngày nay đang là vấn nạn nghiêm trọng !. Bản thân cách làm nầy tự thân đã nâng cao tầm nhìn không những cho lãnh đạo mà còn nâng cao trình độ dân trí của người dân đồng thời hạn chế mức thấp nhất (mức cao nhất) sự độc hành, đặt “nhầm chỗ” của một vài vị lãnh đạo cấp cao trong ngành như hiện nay.

 

Hồng lê Thọ

12/2007

 

           (1*) Ông Nhân kể lại câu chuyện, có lần khi hỏi lãnh đạo một trường ĐH về việc có bao nhiêu luận văn TS trong thời gian qua "mới" và "khoa học" thì nhận được ngay câu trả lời rằng không có gì mới và cũng chẳng có tình khoa học bởi "quốc tế người ta làm cả rồi". Thậm chí, có những luận án TS, khi yêu cầu tóm tắt cái mới, tính khoa học trong 1 trang A4 cũng không thể tìm đủ.

(2**) GS Sử Học Ienega Saburo (1913-2002) khởi kiện chính phủ Nhật bản từ tháng  12/1965 về chế độ kiểm duyết sách giáo khoa vi phạm Hiến pháp, và sau đó kiện tiếp việc Chính phủ và Bộ Giáo dục NB đã gạt bỏ sách giáo khoa về lịch sử do Ông biên soạn ghi lại hành động tội ác của quân phiệt Nhật tại Nam Kinh trong thế chiến thứ hai…những vụ kiện nầy kéo dài trong trên 3 thập niên, lên đến Tòa Tối cao vào năm 1997, ra phán quyết Nhà nước NB phải bồi thường cho GS Ienaga Saburoo về việc gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho ông khi gạt bỏ nội dung ghi lại hành động dã man của lính Nhật ở Nam kinh, hay binh đoàn đặc chủng hóa học 731 về chiến tranh vi trùng dùng tù nhân người TQ để thử nghiệm trong của sách giáo khoa mặc dù tòa án tối cao giữ quan điểm việc thực hiện chế độ kiểm duyệt là “hợp hiến”

3***Hơn thế nữa đề nghị  thành lập tiêu chuẩn quốc gia cho các  chức vụ cần thiết phải có  học vị tiến sĩ trong cơ cấu, tổ chức nhà nước và trong các cơ quan nghiên cứu cuả quốc gia . Người đó đã có ít nhất ba (3) bài báo về thành quả nghiên cứu của chính tác giả đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành của quốc tế (TS Nguyễn trọng Bình-Mỹ)

 

* bài viết nầy có sự tham gia ý kiến tích cực của anh Nguyễn trọng Bình.

 

 

 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr