Bất lợi cho sự nghiệp "trồng người"

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn      09/05/2008

 

Những bài cùng tác giả

Một trong những nguyên nhân sâu xa của việc học sinh bỏ học là chương trình giáo dục quá tải, sách giáo khoa có nhiều sai sót. Suốt 27 năm qua (từ 1981 đến nay), nền giáo dục của chúng ta chưa hề có chương trình - sách giáo khoa chuẩn ở bậc học phổ thông.

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: "Chỉ cần 10 ngày để đánh giá xong chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện hành, vài tháng xây dựng xong chương trình - sách giáo khoa chuẩn. Nếu đội ngũ chúng tôi không làm được bằng và hơn thế hệ cha anh mình, đó mới là điều lạ và đất nước khó mà phát triển".

Một trong những nguyên nhân sâu xa của việc học sinh bỏ học là chương trình giáo dục quá tải, SGK có nhiều sai sót. GS- TSKH Nguyễn Xuân Hãn khẳng định: "Theo những nghiên cứu hệ thống nhiều năm của tôi, suốt 27 năm qua (từ 1981 đến nay), nền giáo dục của chúng ta chưa hề có chương trình - sách giáo khoa (CT- SGK) chuẩn ở bậc học phổ thông. Đây là vấn đề bức xúc trong dư luận và bất lợi cho sự nghiệp trồng người".

Mới đây, Bộ GDĐT đã tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá lại CT-SGK ở bậc học phổ thông. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn xung quanh vấn đề này.
 

- Thưa ông, Bộ GDĐT nhấn mạnh mục tiêu của đợt tổng kiểm tra này là nhằm tìm ra những ưu, khuyết điểm của chương trình SGK hiện hành. Ông có nhận xét gì về chủ trương này?
 

- Chương trình là cốt lõi của nền học, sách giáo khoa là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học. Sự quá tải của bậc học phổ thông cũng đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư nhắc nhở ngành GDĐT từ năm 1998. Nền giáo dục của chúng ta chưa có CT- SGK chuẩn ở bậc phổ thông suốt 27 năm qua (từ 1981 đến nay), là vấn đề bức xúc, bất lợi cho sự nghiệp "trồng người". Như vậy, chủ trương tổng kiểm tra SGK của bậc học phổ thông trên toàn quốc là một yêu cầu cần làm từ lâu, nhưng thà chậm còn hơn không.

Nhưng xin khẳng định cách làm CT-SGK và cách đánh giá CT-SGK của ta chưa chuẩn. Tại sao? Ai cũng biết học sinh của các nước Châu Á, Phi, Mỹ..., sau khi tốt nghiệp phổ thông, họ vẫn đến các nước tiên tiến học ĐH cùng với sinh viên VN, với cùng một mặt bằng chung về trình độ. Vậy nhưng khi làm CT-SGK ở nước ta lại hầu như không có sách tham khảo chuẩn của nước ngoài. Khi đánh giá CT-SGK lại không có CT-SGK chuẩn của trong và ngoài nước để so sánh và đối chiếu. Cách làm này không khoa học.

- Căn cứ vào đâu ông lại khẳng định nền giáo dục của chúng ta chưa có CT- SGK chuẩn ở bậc phổ thông suốt 27 năm qua?

- Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Kể từ năm 1945 đến nay, ta có 5 lần thiết kế lại CT, chuẩn bị và biên soạn SGK. Đó là năm 1945, dưới sự chỉ đạo của GS Hoàng Xuân Hãn, làm trong vòng 2 tháng. Năm 1955, sau khi tiếp quản thủ đô, dưới sự chỉ đạo của GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tụy và nhà giáo Lê Hải Châu và nhiều người khác, CT-SGK làm trong 6 tháng. Năm 1975 thống nhất đất nước, CT-SGK cũng được làm trong mấy tháng. Lần thứ tư, thứ năm là vào năm 1981 và năm 2002, CT-SGK được làm theo một cách khác, cắt khúc, thay dần - kiểu vừa chạy vừa xếp hàng và không biết đến bao giờ mới xong".

- Về CT-SGK chuẩn, ông đã nhiều lần khẳng định chỉ trong vài tháng sẽ xây dựng xong. Dựa trên cơ sở nào có thể khẳng định như vậy?

- Việc thiết kế CT và biên soạn SGK hiện nay, có nhiều thuận lợi hơn trước. Đó là: Không phải bắt đầu từ con số không; tài liệu tham khảo đầy đủ và dễ dàng hơn... Trong khi như trên đã nói, thế hệ cha anh chúng ta chỉ làm CT - SGK chuẩn chỉ trong vài tháng. Với tất cả những lý do này, nếu đội ngũ chúng tôi không làm được bằng và hơn thế hệ cha anh mình, đó mới là điều lạ.

- Có ý kiến cho rằng việc đánh giá tổng thể chương trình SGK phổ thông của Bộ GDĐT chỉ thực hiện trong vòng 1 tháng là... siêu tưởng. Nhưng ông lại từng khẳng định việc đánh giá tổng thể CT-SGK có thể hoàn tất trong vòng... 10 ngày. Nói như vậy có phải là chủ quan không?

Vấn đề là quan niệm về cách đánh giá như thế nào ? Trong khoa học không phân biệt thời gian nghiên cứu dài hay ngắn. Với cách chỉ đạo tổ chức đánh giá của Bộ GD&ĐT hiện nay thì dù có làm lâu cũng khó có thể đi đến được kết luận đúng. Bộ chỉ đạo các trường, các sở GD&ĐT và một số tổ chức nhận nhiệm vụ đánh giá CT-SGK cho bậc học phổ thông, song không có CT-SGK chuẩn để so sánh đối chiếu với CT-SGK đang sử dụng hiện nay.

Vậy chúng ta cứ nói nặng nhẹ nhưng so với cái gì là chuẩn? Phải có cái để so sánh chứ. Trong khi đó, chỉ cần chúng ta có đầy đủ CT- SGK chuẩn của nước ngoài như của Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp; CT-SGK của tú tài quốc tế, cùng với đó là các bộ CT-SGK trong nước từ trước.

Hãy đặt chúng cạnh CT-SGK từ lớp 1 đến lớp 12 mà ta đang sử dụng hiện nay. Ai am hiểu giáo dục, đều có thể cho nhận xét vừa định tính vừa định lượng được, đặc biệt là sự kế thừa truyền thống giáo dục trước đây và tính hội nhập với các nước tiên tiến. Theo ước tính của chúng tôi, chắc chắn trong vòng 10 ngày sẽ đánh giá xong chương trình SGK hiện hành.

- Xin cảm ơn ông!

 

 Phan Huy Ha thực hien
 

    Đã đăng trên Lao Động
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Hãn