Vai trò của phụ huynh trong viêc ngăn chận nạn bức hiếp giữa các học sinh

Vietsciences- Nguyễn Hồng Chí     09/08/2006

 

Những bài cùng tác giả

Vai trò của phụ huynh trong viêc ngăn chận nạn bức hiếp giữa các học sinh

Giới thiệu


Nạn bắt nạt giữa các học sinh không phải là vấn đề hiếm gặp hay chỉ xảy ra ở một số trường hợp cá biệt, mà nó xảy ra ở cả nam và nữ sinh, không những trong trường học mà còn ở bên ngoài trường. Các nước trên thế giới đều phải đang đối phó với vấn đề này một cách hết sức nghiêm túc bằng cách gia tăng sự phối hợp chặt chẽ giữa học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội. Chủ yếu đề cập đến nạn bức hiếp xảy ra trong trường phổ thông, bài viết nhằm giới thiệu đôi nét về hiện tượng này và đề cử một số giải pháp cho phụ huynh để giúp con em của mình không trở thành nạn nhân của vấn nạn này.

 

Đôi nét về nạn bạo lực trong trường học


Bắt nạt hay côn đồ xảy ra cả trong trường học lẫn bên ngoài xã hội khi học sinh trở về nhà, đi xe buýt hay tham gia các hoạt động vui chơi bên ngoài. Học sinh nam thường hay bắt nạt các học sinh nam và nữ khác trong khi nữ sinh đôi khi vẫn hay bắt nạt các bạn nữ sinh khác. Theo nghiên cứu của Pepler, Craig, Ziegler và Charach (1994), trong số 1.041 học sinh lớp 8 ở 4 trường phổ thông ở Toronto, Canada, thì có đến 12 - 15% là nạn nhân của nạn bức hiếp, và có khoảng 7 - 9% nhìn nhận rằng đã từng bức hiếp các bạn khác. Giáo sư Olweus (1993a) đã tiến hành một khảo sát khác kéo dài 20 năm ở Na Uy và thấy rằng cứ 1 trong 7 học sinh hoặc là nạn nhân hoặc là hay người ăn hiếp các bạn khác. Khoảng 3% trong số này bị bức hiếp hơn một lần/tuần trong khi 2% khác luôn hay bắt nạt các bạn. Nhưng đây chỉ là những con số ở bề mặt của tảng băng mà thôi vì thông thường các em không nói thật hay không muốn cho bất cứ ai biết mình là nạn nhân hay là người thích phá rối người khác. Tình trạng bức hiếp lẫn nhau sẽ giảm dần khi lứa tuổi và cấp học các em tăng lên. Ví dụ như trong một khảo sát khác của Olweus (1993b) với hơn 83.000 học sinh từ lớp 2 đến lớp 9 tại Na Uy thì có khoảng 16 - 17% học sinh lớp 2 nhìn nhận rằng các em đã từng là nạn nhân trong khi tình trạng này chỉ xảy ra với khoảng 3% nữ sinh và 6,5% nam sinh lớp 9. Bên cạnh đó, nam sinh thường là người hay chọc phá và có các hành vi bạo lực với các bạn khác, trong khi theo khảo sát của Olweus (1993) với các học sinh lớp 5, 6 và 7, hầu như 80% học sinh đã từng bị nam sinh khác bắt nạt ở các hình thức khác nhau.

Hầu hết tất cả các hành động bắt nạt bạn học của các em cá biệt này là luôn có ý thức và chủ ý. Một số học sinh cá biệt thường tụ tập thành từng nhóm riêng biệt và cử ra một em làm thủ lĩnh của nhóm. Các nhóm này thường hay la hét, chọc phá những người xung quanh và thường hay gây gổ với bất kỳ một học sinh nào khác. Ngoài ra, có em tự kết bạn với một bạn khác để trở thành một đôi quậy phá của lớp và thường hay nói xấu người khác. Một số em trước đây chưa từng bắt nạt một ai, nhưng lại trở thành học sinh cá biệt khi có một nhóm học sinh khác bắt nạt chính các em. Do quá bức xúc vì lý do bảo vệ cho mình và cũng do háo thắng muốn chứng tỏ khả năng, các em dần dần có các hành động thái quá với các bạn khác, và trở thành một nhóm riêng. Một số học sinh lém lỉnh khác không bao giờ tỏ ra mình là người hay hành hung người khác. Các em chỉ luôn đứng phía sau các cuộc xung đột giữa các băng nhóm, hay là người nói khích để học sinh khác tấn công người mà các em muốn chọc phá. Thông thường, nhóm học sinh không lộ mặt này là con em các gia đình quyền thế và giàu có, và khiến các bạn cùng trang lứa trở nên dè dặt hơn trong cư xử. Bên cạnh đó, một số em giỏi về vi tính và sử dụng các phương tiện điện tử lại có xu hướng tấn công người khác thông qua email, tin nhắn với nội dung và hình ảnh đe dọa, khiêu dâm, hay phá rối.

Có một số nguyên nhân khiến cho các em trở thành người hay bắt nạt người khác. Lý do đầu tiên là do nhân tố gia đình của các em. Cách nuôi dạy, cư xử giữa các thành viên và với những người xung quanh, hay loại hình kinh doanh của gia đình cũng tác động đến thái độ và hành vi của các em trong trường học. Thiếu sự quan tâm, giám sát nghiêm túc và chăm sóc từ phía cha me,ï hay thấy những cách cư xử bạo lực và lời nói khiếm nhã trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ còn rất ngây thơ của các em. Ngoài ra, chính tính khí bốc đồng, háo thắng và quá năng động sẽ khiến cho một số em có thể chất khỏe mạnh trở thành người phá rối trong trường học. Chính sự mất cân đối về thế lực và ảnh hưởng về thể chất, nền tảng gia đình, vị trí xếp hạng, v.v… với các bạn chung trường, lớp là một trong những nguyên nhân gây ra xung đột giữa các em. Thậm chí các em làm cán bộ lớp như lớp trưởng, lớp phó hoặc là con em của giáo viên dạy trường đó đôi khi cũng hay ỷ lại và bắt nạt các bạn. Môi trường không ổn định, bạo lực và có nhiều tệ nạn ở xung quanh các em ví dụ như cộng đồng hay láng giềng cũng là một tác nhân khác. Nhìn chung, nếu người lớn không giám sát các em một cách cẩn thận, các em rất dễ trở thành nạn nhân hay là người gây ra việc hành hung trong môi trường học đường và cả bên ngoài.



Một số ví dụ về việc bức hiếp giữa học sinh phổ thông



Các hành động hành hung thường mang tính tiêu cực, tấn công và lặp lại thường xuyên bằng các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Thông thường học sinh cấp I và II thường hay bị bắt nạt vì các em còn nhỏ, sợ sệt và hay nghe lời người khác. Ngược lại, các học sinh cá biệt lại có khuynh hướng bắt nạt các học sinh cùng trang lứa hoặc nhỏ hơn vì nhiều lý do nhỏ nhặt như ghen tị, hay vì bản tính thích chọc phá hay đánh người khác một cách vô cớ. Các nghiên cứu ở Bắc Mỹ lại cho thấy những lý do khác do ảnh hưởng của môi trường xung quanh khi các em thích được chứng tỏ mình đang trưởng thành và tỏ ra mình đã là đàn ông hay người lớn thực thụ. Qua các bộ phim hành động, võ thuật, các câu chuyện phím tình cờ nghe được, hay những lần chứng kiến các cuộc xô xát, ẩu đả bên ngoài và trong gia đình, những học sinh này suy nghĩ rằng đàn ông hay người lớn là phải mạnh bạo và đứng vững để mọi người xung quanh sợ hãi và nể phục. Một số học sinh cá biệt thường hay lôi kéo, ép buộc bạn học phải hành hung hay chọc ghẹo bạn cùng trường, khiến các em này dần dần cũng trở thành côn đồ trong lớp học. Các học sinh cá biệt này chẳng bao giờ chịu nhìn nhận hành vi sai trái của mình và luôn hay có các lý do khác nhau để biện hộ. Nhiều em nghĩ rằng các hành động như vậy là của người lớn và thường không nhận thức hết được hậu quả do hành động của mình gây ra cho người khác.

Đôi khi vì mâu thuẫn vặt vãnh giữa các cá nhân về học tập, cách ăn mặc hay cách tiếp xúc với các bạn khác, một số học sinh tỏ ra biệt lập với các bạn khác và tụ tập thành một nhóm riêng để bảo vệ cho nhau. Những hành động bắt nạt lẫn nhau của các em đi từ mức độ rất thấp đến cao như vẩy mực, chọc ghẹo, la lối, ngắt nhéo, nắm tóc của nhau, xô đẩy, chửi tục, dọa nạt, trêu ghẹo tên của bạn và tên cha mẹ của bạn, chế giễu cách ăn mặc hay dáng đi, cách nói chuyện. Điều này đặc biệt gây tổn thương cho các em học sinh có khuyết tật, dù là rất nhỏ như cà lăm hay có hình dáng mập mạp. Ngoài ra, các em còn hay chọc phá, châm chọc và mỉa mai các bạn có tôn giáo khác (ví dụ như các chú tiểu đi học ở trường phổ thông) hay thuộc nhóm các dân tộc thiểu số và có cách phục sức hay thói quen khác các bạn còn lại. Các nhóm học sinh quậy phá này thường hay giấu, phá hoại và ăn cắp đồ đạc cá nhân của bạn chung lớp như viết, cặp đi học. Khi các nạn nhân có thái độ phản kháng như đánh trả hay chửi mắng trở lại thì các học sinh cá biệt này lập tức có hành động côn đồ ở mức cao hơn để áp chế ngược lại. Quăng tập vở hay đồ đạc của các bạn vào sọt rác và sỉ nhục các bạn này cũng là một hành động rất phổ biến. Có em còn viết và vẽ hình thô tục vào sách vở, hay đâm thủng bánh xe đạp của bạn. Các em nữ thường hay tẩy chay người bạn mình ghét bằng cách nói xấu, rêu rao với các bạn khác, kêu gọi các bạn chung lớp xa lánh và không nói chuyện hay chơi chung với người đó. Thậm chí các em còn gửi tin nhắn nói xấu lẫn nhau trên các diễn đàn của các trang web công cộng, gửi tin nhắn dọa dẫm và gửi những lời lẽ thô tục vào điện thoại di động. Ngoài ra, những học sinh cá biệt còn viết và vẽ những lời lẽ hăm dọa, dâm tục và mắng chửi học sinh khác trên vách tường nhà vệ sinh ở trường học và trên bàn học.

Một số hành động khác xảy ra với mức độ nghiêm trọng hơn như đòi tiền mỗi ngày, đánh nhau bằng hung khí bên trong và cả bên ngoài trường. Các em học sinh này còn lôi kéo, dọa dẫm hoặc ép buộc các học sinh khác gia nhập băng nhóm của mình để đi chọc phá các bạn khác, hay chỉ để ăn cắp tiền, máy tính và các vật dụng học tập khác. Một số học sinh từ các gia đình giàu có còn thuê mướn những người nghiện ngập để thanh toán bạn chung lớp. Các em khác còn có những biểu hiện lợi dụng, quấy rối và xâm phạm tình dục của các bạn khác phái, và thậm chí đối với bạn cùng phái.

Nạn trấn lột tiền bạc cũng rất phổ biến ở các trường phổ thông. Ví dụ như ban giám hiệu một trường cấp II tại Thành phố Cần Thơ gần đây (cuối năm 2005) đã phát hiện một em học sinh bị bạn mình bắt nộp tiền trong vòng ba năm với tổng số tiền lên đến hơn 30 triệu đồng. Một vụ đâm chém lẫn nhau cũng vừa xảy ra trong một trường cấp II của Thành phố Cần Thơ khiến cho nạn nhân phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa. Có những biệt danh nghe rất giang hồ như Khứa Lão, Quân Đen, Trung Đầu Heo, v.v  làm cho các em khiếp sợ và thậm chí phụ huynh và nhà trường cũng khó biết những người này là ai, vì trong đó có cả những phần tử từ bên ngoài len lỏi vào trường học trong bộ đồng phục nhà trường để trấn lột tài sản các em. Các học sinh cá biệt đã lợi dụng các biệt danh này hòng dọa dẫm và uy hiếp các em học sinh nhỏ để xin tiền hay trấn lột. Thông thường, bắt nạt lẫn nhau xảy ra ở cấp độ nghiêm trọng ở các trường học tại thành thị. Vì quá bức xúc khi một bạn chung lớp luôn đánh vào đầu khi ngồi học, một em học sinh cấp III ở thị xã Sa Đéc đã dùng dao đâm chết người bạn đó của mình. Nạn côn đồ còn xảy ra ở phạm vi quan hệ tình cảm, điển hình như một vụ giết người đã xảy ra tại huyện Đức Hòa tỉnh Long An khi một nam sinh giết chết bạn gái của mình chỉ vì những em này không được bạn gái đáp trả lại tình cảm cá nhân. Việc giết bạn học cũng thường hay xảy ra ở các nước đã phát triển khi các em thiếu sự quản lý và giám sát chặt chẽ của nhà trường, cộng đồng và gia đình. Trong thập niên 1990, nước Mỹ đã từng kinh hoàng với thảm sát bạn học bằng súng trong trường học mà điển hình là cuộc thảm sát tại trường trung học Columbine.

 

Một số biểu hiện của việc bị bắt nạt trong trường học


Học sinh bị bắt nạt thường ít khi báo ngay với cha mẹ hay giáo viên vì mắc cỡ và sợ bị rầy la với những câu đại loại như Con đã làm cái gì sai rồi đó nên người ta mới đánh con!, Biết bao nhiêu bạn chung lớp không sao cả, mà sao chỉ có con lại bị nó đánh?, v.v . Các em sợ người lớn sẽ mắng rằng các em chỉ tụ tập bè bạn mà không chuyên cần học tập. Một số phụ huynh thật sự lo lắng về hạnh kiểm của con mình khi phát hiện các em gia nhập băng nhóm cá biệt trong trường, và có những hành động nóng nảy với con. Thậm chí do chưa tìm hiểu kỹ vấn đề vì các em không dám tố cáo sự thật, một số giáo viên đã vội vàng qui chụp các em vào hạnh kiểm yếu trong khi nói cho cùng các em chỉ là nạn nhân của tệ côn đồ. Nhìn chung, các học sinh bị bắt nạt luôn có những biểu hiện khác thường so với hàng ngày. Với tâm lý sợ sệt khi gặp các bạn đầu bò, đầu bướu ở trường, các em thường tỏ ra ngần ngại khi đi học hay tham gia các hoạt động ngoại khóa. Một số em không dám đi học thêm ở nhà một số giáo viên vì sợ rằng sẽ gặp lại những bạn học đó ở trong lớp học thêm hoặc theo dõi em trên đường đến nhà giáo viên. Có thể các em sẽ nằng nặc đòi chuyển trường, chuyển lớp hoặc xin không học thêm ở nhà giáo viên đó nữa. Các em cũng đột nhiên không chơi với những bạn chung xóm hoặc chung lớp vì e ngại rằng các bạn này sẽ biết em đang bị bắt nạt trong trường.

Nếu theo dõi các bảng báo cáo học tập hay thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh có thể phát hiện các em đôi khi bỏ học một số tiết, hay thường xin giáo viên đi ra ngoài trong giờ học với lý do đi vệ sinh. Các em thường hay xao nhãng và quên làm bài tập về nhà hay không chuẩn bị bài trước. Đây có thể là những biểu hiện của những khi các em đang gia nhập băng nhóm. Những em này đôi khi vào học trễ và viện lý do là đi vệ sinh hay ăn quà bánh vào muộn. Các em cũng thường hay mất tập trung và hay nhìn ra bên ngoài khi giáo viên giảng bài, và vì vậy kết quả học tập của các em thông qua các bài kiểm tra sút giảm rõ rệt. Một số em có biểu hiện không muốn người lớn đưa đi học mỗi ngày vì sợ rằng phụ huynh phát hiện, và đồng thời sợ rằng những người bạn bức hiếp mình sẽ cho rằng mình đã báo sự việc này cho người lớn. Các em thường rất sợ bị hành hung ở những nơi vắng vẻ như góc hành lang, nhà vệ sinh trong và sau giờ học, bên ngoài trường, hay cả trong sân trường vào giờ ra chơi. Vì thế các em thường trở nên rụt rè ở nơi đông người, hối hả đi vệ sinh ngay sau mỗi lần đi học về. Một số em còn trở nên thụ động trong suy nghĩ và thích chơi điện tử ở nhà và thường ở trong phòng riêng của mình. Ngược lại, nếu bị bạn bè rủ rê, các em lại thường đạp xe la cà ở các quán ăn uống, siêu thị hay các tiệm chơi điện tử. Viện ra các lý do khác nhau như đóng tiền trợ cấp bão lụt, tiền quĩ lớp, v.v các em thường hay xin tiền, hoặc thậm chí ăn cắp tiền trong nhà. Đôi khi phụ huynh có thể phát hiện một số đồ đạc trong nhà bị mất cắp mà không rõ nguyên nhân. Rất có thể, các em đã bị các bạn khác dụ dỗ hoặc cưỡng ép lấy cắp những vật dụng đó. Trong trường hợp này, phụ huynh đôi khi phát hiện một vài cuộc điện thoại gọi vào những giờ nghỉ trưa hoặc khuya, và khi nghe giọng nói của mình thì người đối thoại lại gát máy. Nếu xem vào hóa đơn điện thoại và mục Nhật ký (History) của Internet, phụ huynh cũng có thể tìm thấy những số máy và địa chỉ email mà mình không quen biết. Những em này thường tỏ vẻ hiểu biết nhiều về các tay anh chị trong giang hồ, nói chuyện ngông cuồng và tự cao với những người trong gia đình. Các em còn tập tành hút thuốc và uống rượu trong nhà hay ở quán cà phê và về nhà muộn mà lý do không rõ ràng. Trong cặp đi học của các em đôi khi có những đồ vật khác thường có thể làm tổn thương người khác như cây sắt, dây, dao, kéo, hay lưỡi lam.

Đối với trẻ nhỏ, các em thường hay có dấu hiện chán ăn và ngủ chập chờn vì lo sợ. Một số em có những dấu hiệu trưởng thành bất ngờ như thôi bú tay hay cáu giận vô cớ với cha mẹ và anh chị em vì bị bạn bè trêu chọc trong lớp. Ở tuổi vị thành niên, một số nam sinh bất ngờ tỏ ra rất nam tính như đòi tập thể hình hay đi học võ, cố chỉnh sửa giọng nói. Các em gái bắt đầu quan tâm nhiều đến dáng vẻ bề ngoài như da mặt hay áo quần đi học. Các em dường như luôn bị áp lực vô hình đè nén về việc quan tâm đến thân thể của mình một cách thái quá. Nếu bị các bạn khác đánh trong lớp, các em sẽ có các vết bầm đỏ, gẫy răng, chảy máu hay quần áo rách và dơ bẩn. Một vài em có thể trở về nhà với nét mặt hoảng sợ, nói lắp bắp và cố tình tránh mặt người lớn. Một số em hay hỏi người lớn những câu hỏi vu vơ và thường cố tình tránh né các câu hỏi liên quan đến bạn bè trong lớp. Phụ huynh cũng có thể phát hiện các em thường hay nói rằng đã đánh mất hay để quên máy tính, viết, thước, nón, v.v  ở một nơi nào đó. Thậm chí có em đành để bạn lấy xe đạp của mình đi bán và về nhà nói dối rằng đã mất xe đạp.

 

Các biện pháp phụ huynh cần thực hiện để bảo vệ con


Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là phụ huynh phải thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, giám thị và nhà trường để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con tại trường, thậm chí cả khi các em không có biểu hiện gì khác lạ. Thông thường nếu phát hiện ra những trường hợp này, nhà trường sẽ lập tức liên hệ với gia đình để tiến hành các cách giải quyết liên kết hợp lý. Riêng đối với gia đình, phụ huynh cần lưu ý các biểu hiện khác lạ của con như đã đề cập bên trên. Rất có thể, các em vẫn chưa nhận thức được rằng mình đang bị bắt nạt trong trường, nhất là trường hợp các em bị dụ dỗ gia nhập vào các băng nhóm quậy phá. Vì vậy, nếu phụ huynh nghi ngờ rằng con của mình dường như đang quậy phá hay bắt nạt bạn học, rất có thể là chính bản thân của các em đang bị người khác cưỡng chế. Ngoài ra, không phải tất cả giáo viên chủ nhiệm có thể luôn quan tâm từng phút giây đến từng em học sinh kể cả khi các em về nhà. Vì vậy, gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các em khỏi tình trạng côn đồ trong trường.

Nếu nhận thấy các em có các biểu hiện khác lạ ở nhà, phụ huynh có thể hỏi các em các câu hỏi sau:
- Hôm nay con đã làm gì ở trường?
- Con có làm được những gì con thích không?
- Có phải con đã làm những chuyện gì mà con không thích không?
- Con chơi với ai?
- Con chơi trò gì?
- Con có vui không? Tại sao?
- Lúc đó con có muốn chơi với ai khác không?
- Con có mong được ngày mai đi học nữa không?

Nếu các em ở tuổi lớn hơn, phụ huynh có thể hỏi các câu hỏi khác như:
- Hôm nay con đã làm gì ở trường?
- Có ai mời con đi đâu chơi không?
- Con có muốn mời ai về nhà mình chơi không?
- Hôm nay con có học được điều gì thú vị không?
- Hôm nay con có điều gì bực bội trong trường không?
- Bạn Minh gần đây như thế nào rồi?
- Con có không thích ai trong lớp, trường không?
- Con có thích ngày mai được đi học nữa không?

Các câu hỏi này hoàn toàn có tính chất gợi ý để phụ huynh có thể tìm hiểu thêm về các hoạt động trong ngày của con và lắng nghe con bày tỏ tình cảm và ý kiến của mình. Các em rất có thể nói dối hay từ chối trả lời, nhưng nguyên tắc chung của cách đặt câu hỏi mở là để tạo điều kiện cho các em nói ra những điều mà người lớn cần biết.

Ngoài ra, phụ huynh đôi khi nên khuyến khích con mời một số người bạn thân về nhà của mình để dự sinh nhật của con, để học bài hay chỉ để chơi chung một trò chơi lành mạnh nào đó. Thông qua các người bạn này sẽ giúp phụ huynh có thể hình dung được các mối quan hệ của con mình trong trường. Phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra bài học và quan sát những thay đổi trong cuộc sống của con. Phụ huynh cần phân biệt được những thay đổi của các em do môi trường tác động (thường mang tính bất thường) và những thay đổi do sự phát triển tâm sinh lý (kéo dài và khá quen thuộc). Hướng dẫn các em tham dự một số khóa học để giải trí và thể thao như học đàn, học võ, hay tham gia vào câu lạc bộ thể dục nhịp điệu, v.v  cũng có thể giúp các em có nhiều tự tin về chính bản thân hơn, có cơ hội bộc lộ và thể hiện năng khiếu của mình. Người lớn nên khuyến khích các em lập tức báo cho nhà trường, công an và gia đình khi chính bản thân bị bắt nạt hay khi các em thấy bạn khác bị hành hung. Phụ huynh nên khuyên các em tuyệt đối không được gây hấn với những học sinh cá biệt đó, đặc biệt là khi các em đang trực tiếp đối mặt nhau. Phụ huynh hãy lưu ý và khuyến khích các em mạnh dạn báo cho người lớn biết về các tin nhắn với nội dung đe dọa qua điện thoại di động hay email của các em để có biện pháp ngăn chận kịp thời.

Để ngăn ngừa bị trấn lột tài sản hay bạo lực, phụ huynh nên đừng cho các em nhiều tiền hay đeo nhiều trang sức (dù là nữ trang giả). Phụ huynh hãy khuyên các em đừng nên la cà ở những nơi vắng vẻ, khuyến khích các em kết bạn và chơi chung với nhau để tránh đi tính nhút nhát và sợ gặp người lạ. Một số em có thể không thích cha mẹ đưa đến trường mỗi ngày vì nghĩ rằng mình đã lớn. Trong trường hợp này, phụ huynh có thể cho phép các em tự đến trường bằng xe đạp hay xe buýt nhưng phải đi cùng với em trên tuyến đường trong một khoảng thời gian, và lặp lại điều này sau một khoảng thời gian khác. Nếu các em phải đi bộ về nhà một mình, phụ huynh nên hướng dẫn các em thay đổi tuyến đường đi trong tuần, đi sớm hơn hoặc muộn hơn một chút so với bình thường. Nếu các em bị bắt nạt trên xe buýt hay các phương tiện giao thông công cộng, hãy khuyên các em ngồi sau tài xế, bên cạnh hành khách lớn tuổi hơn, hoặc lập tức báo cho các cơ quan bảo vệ an ninh trong khu vực đó. Ở Anh, một số phụ huynh thậm chí trang bị cho con mình một máy báo khi bị tấn công (attack alarm) trông giống như khoen móc khóa và trị giá khoảng 5 bảng Anh. Khi bị tấn công, các em nhỏ sẽ bấm vào một nút và nó sẽ phát ra âm thanh để khiến tên côn đồ giật mình và có thể thu hút sự chú ý của khách qua đường.

Trong trường hợp đã biết con em của mình đã bị bắt nạt trong trường học, phụ huynh đừng bao giờ nóng vội la mắng vì các em sẽ trở nên sợ hãi và cô đơn thêm. Chính lúc này là khi các em rất cần sự bảo vệ và che chở. Phụ huynh nên nói chuyện với các em với một thái độ bình tĩnh, không lớn tiếng và tìm mọi cách để khuyến khích các em nói ra sự thật. Hãy động viên các em rằng mọi việc đều có thể được giải quyết sớm. Đừng bao giờ nói với các em rằng người lớn không có ý kiến gì về chuyện này cả, cho dù đó là những biểu hiện rất nhỏ của vấn đề bắt nạt như chọc ghẹo tên của nhau. Đồng thời phụ huynh nên ghi nhận cụ thể tất cả các trường hợp khi các em bị bức hiếp ở đâu, khi nào và do ai cầm đầu để có thể báo cáo lại với nhà trường. Phụ huynh nên đến gặp giáo viên chủ nhiệm và trình bày nỗi lo lắng của mình và xin ý kiến để giải quyết vấn đề. Cách làm phổ biến nhất ở các trường tiểu học là đổi chỗ ngồi của các em, và đề nghị nhà trường lưu ý đến tình trạng này để có thể trực tiếp chứng kiến nạn bắt nạt. Làm như vậy sẽ giúp các em tránh khỏi những gán ép từ phía nhà trường cho rằng các em đang bịa đặt. Để có thể giúp nhà trường giải quyết tốt vấn đề, phụ huynh phải bình tĩnh và lịch sự thảo luận các kế hoạch của gia đình bằng văn bản hoặc bằng lời nói trong cuộc họp với thái độ đóng góp tích cực. Dựa trên qui định của nhà trường, phụ huynh có thể yêu cầu nhà trường tăng cường sự giám sát các em trong phạm vi trường học và trong các hoạt động ngoại khóa ngoài trường.

Thông thường, cha mẹ rất nóng ruột khi thấy con mình bị người khác bắt nạt nên một số phụ huynh đã hành động thiếu sự cân nhắc như đánh các em học sinh cá biệt đó, đến nhà để rầy rà cha mẹ các em, hay thúc giục con mình đánh trả lại. Những hành động này đều dẫn đến những vi phạm về mặt pháp luật và vấn đề bắt nạt tại trường có thể xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn. Các em sẽ luôn ở trong trạng thái căng thẳng phải luôn đối mặt với nạn bạo lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thay vì vậy, phụ huynh nên lập tức thông báo đến trường và cha mẹ của học sinh cá biệt đó. Không một cha mẹ nào muốn con mình trở thành côn đồ hay nạn nhân của nó cả. Vì vậy, cả hai gia đình nên gặp mặt tại trường để cùng nhau tìm ra biện pháp giải quyết. Phụ huynh nên chủ động liên hệ gặp giáo viên chủ nhiệm và người có liên quan để có được một cuộc gặp mặt trong thời gian sớm nhất kèm theo tờ tường trình mà các em và gia đình đã ghi nhận. Thông qua hội phụ huynh học sinh và các đoàn thể khác trong trường và cộng đồng, phụ huynh nên đề nghị thiết kế một chương trình phòng chống nạn côn đồ và tích cực tham gia vào chương trình này. Nếu nhận thấy con của mình phạm lỗi, ví dụ như lấy cắp máy tính của bạn vì bị ép buộc, phụ huynh hãy lập tức chỉ ra những sai phạm và giáo dục kịp thời thay vì bao che và cho rằng các em chỉ đơn thuần là nạn nhân. Nếu nhà trường không giải quyết thỏa đáng, phụ huynh có thể tiếp tục làm đơn khiếu nại và xin cứu xét ở cấp quản lý cao hơn và yêu cầu tiến hành điều tra trong thời gian sớm nhất.

Phụ huynh cũng đừng nên vội vã cho con nghỉ học một vài ngày để tránh mặt các em học sinh hay dọa nạt vì các em sẽ bị trêu chọc nhiều hơn khi quay trở lại trường, và nghỉ học như vậy sẽ ảnh hưởng đến số ngày nghỉ cho phép trong học kỳ của các em. Vấn đề chuyển con sang lớp khác hay trường khác cũng nên được sự tham khảo của nhà trường vì chính nhà trường cũng có trách nhiệm bảo vệ và uốn nắn các em trong môi trường giáo dục của mình. Khi quyết định chuyển trường, phụ huynh cần xem xét liệu các em sẽ bị tiếp tục bị bắt nạt ở môi trường mới hay không, và những học sinh hay dọa nạt và bạn bè của các học sinh này có thể vẫn còn đeo bám các em trên đường đến trường mới không. Vả lại, các em chắc chắn sẽ cảm thấy rất nhớ bạn bè cũ của mình, vì vậy các em sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể hòa hợp vào trường lớp mới. Quyết định chuyển trường cũng phải được tiến hành sao cho phù hợp với thời điểm kiểm tra và đánh giá của cả hai trường để các em không bị thiệt thòi trong học bạ. Nếu côn đồ xảy ra bên ngoài trường, phụ huynh nên một mặt thông báo đến nhà trường, mặt khác nên liên hệ kịp thời với công an trong khu vực và các cơ quan bảo vệ an ninh có thẩm quyền về tên và địa chỉ của học sinh cá biệt đó.
 


Kết luận


Nói tóm lại, để giúp các em tránh khỏi bị bức hiếp hay hành hung trong trường, phụ huynh nên thường xuyên theo dõi và quan sát việc học tập và sinh hoạt của các em. Cha mẹ phải rèn luyện tính cách mạnh mẽ, không nhút nhát và ỷ lại cho các em. Bên cạnh đó, phụ huynh phải ngay lập tức liên hệ và cộng tác chặt chẽ với nhà trường và các cơ quan giữ gìn an ninh để đảm bảo tối đa sự an toàn cho các em. Trong trường hợp các em đã bị vấn đề này tác động quá mạnh về mặt tâm lý, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý để giúp các em có thể nhanh chóng khôi phục lại sức khỏe tinh thần.
 


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Bullying - Advice for parents. Available:

 <http://www.bullying.co.uk/parents/parents1_advice.htm>

Bullying. Available:

<http://www.bullying.co.uk/links/links_sites.htm>

Hi-tech abuse - The mobile phone. Available:

<http://www.bullying.co.uk/children/mobile_phone.htm>

Hi-tech abuse. The Internet. Available:

<http://www.bullying.co.uk/children/internet_safety.htm>

Loeber, R., & Loeber, S. M. (1986). Family factors as correlates and predictors of conduct problems and juvenile delinquency. In M. Tonry, & N. Morris (Eds.), Crime and justice, Vol. 7. Chicago: University of Chicago Press.

Olweus, D. (1993a). Bullying at school: What we know and what we can do. Oxford: Blackwell Publishers.

Olweus, D. (1993b). Victimization by peers: Antecedents and long-term consequences. In K. H. Rubin, & J. B. Asendorf (Eds.), Social withdrawal, inhibition and shyness in childhood. Hillsdale NJ: Erlbaum.

Patternson, G. R., DeBaryshe, B. D., & Ramsey, E. (1989). A development perspective on antisocial behaviour. American Psychologist, 44, 329-35.

Pepler, D., Craig, W., Ziegler, S., & Charach, A. (1994). An evaluation of the anti-bullying intervention in Toronto schools. Canadian Journal of Community Mental Health, 13, 95-110.

Problems on the school bus and on the way to and from school. Available: http://www.dfes.gov.uk/behaviourattendance/guidance/exclusions/part1.cfm
 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr http://vietsciences2.free.fr   - Nguyễn Hồng Chí