Đảm bảo tính quốc tế của học vị tiến sĩ

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn         10/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Học vị tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học.  Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”.  Chương trình huấn luyện tiến sĩ là nhằm mục đích đào tạo một đội ngũ nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao cần thiết cho việc phát triển khoa học và công nghệ của một nước.  Những người này đóng vai trò then chốt trong nền khoa học, và là nguồn cung cấp nhân lực khoa bảng cho các trường đại học của nước nhà.  Do đó, có một chương trình đào tạo và huấn luyện có chất lượng cao là một bước đầu cực kì quan trọng trong việc chấn chỉnh và phát triển giáo dục đại học ở trong nước.

 

Có người xem những người với học vị tiến sĩ là những bác học.  Nhưng tôi muốn nhìn họ như là những nhà khoa học chuyên nghiệp (hay nói theo tiếng Anh là “professional scientists”).  Mà, nghiên cứu khoa học, nhất là trong khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm, luôn là một nỗ lực mang tính quốc tế.  Thật vậy, cái cốt lõi của học vị tiến sĩ (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác) có thể tóm lược bằng hai chữ: nghiên cứu.  Nói đến nghiên cứu khoa học là nói đến tính quốc tế, bởi vì giá trị của nghiên cứu khoa học không giới hạn trong một quốc gia nào.

 

Học vị tiến sĩ, do đó, có thể ví von như là một giấy thông hành để được tham gia vào nghiên cứu khoa học.  Nói đến “giấy thông hành” cũng là nói đến gia trị pháp lí quốc tế của học vị tiến sĩ.  Vì thế tổ chức một chương trình đào tạo sao cho học vị tiến sĩ từ Việt Nam được đồng nghiệp trên thế giới công nhận và kính trọng là một việc làm hết sức quan trọng. 

 

Một trong những biện pháp để đảm bảo tính quốc tế của học vị tiến sĩ, tôi nghĩ chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước nên phù hợp với đại đa số qui trình và tiêu chuẩn của các chương trình đào tạo cùng bậc trong các đại học trên thế giới.  Qua kinh nghiệm cá nhân trong nghiên cứu và giáo dục, tôi nghĩ có thể chia quá trình đào tạo và huấn luyện một tiến sĩ làm hai giai đoạn: giai đoạn một là học hành và nghiên cứu để sao cho xứng đáng với học vị tiến sĩ; và giai đoạn hai là huấn luyện sinh viên đã tốt nghiệp tiến sĩ để họ trở thành những nhà nghiên cứu độc lập. 

 

Thông thường, ở các nước Âu Mĩ nói chung, sau khi sinh viên sắp hay đang hoàn tất giai đoạn một (hay thậm chí còn trong quá trình viết luận án), người hướng dẫn phải có trách nhiệm tìm cơ sở và điều kiện để sinh viên có thể bước sang giai đoạn hai.  Trong giai đoạn này, sinh viên sẽ được gửi sang một trung tâm nghiên cứu khác, thường là ở nước ngoài, để họ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu “hậu tiến sĩ” dưới sự hướng dẫn của một người khác và dần dần huấn luyện họ trở thành những nhà nghiên cứu độc lập, tức có thể tổ chức và tiến hành một công trình nghiên cứu từ A đến Z.  Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 đến 5 năm, tùy theo ngành chuyên môn và sở thích của sinh viên. 

 

Sự chuyển tiếp từ giai đoạn tiến sĩ sang nghiên cứu hậu tiến sĩ không xảy ra như là một dây chuyền tự động.  Không phải sinh viên nào sau khi xong tiến sĩ đều được nhận vào nghiên cứu hậu tiến sĩ ở các trung tâm nước ngoài, vì trong thực tế họ phải trải qua một qui trình tuyển chọn có khi khá gắt gao.  Hàng năm, có hàng chục ngàn sinh viên tiến sĩ trong các ngành khoa học thực nghiệm khắp thế giới tìm cơ hội ở nước ngoài để hoàn tất chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ.  Do đó, các sinh viên cần phải chuẩn bị tinh thần để “dấn thân” vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu trong việc tìm một chỗ nghiên cứu hậu tiến sĩ.  Muốn nâng cao xác suất thành công trong cuộc cạnh tranh này, tôi nghĩ ngay trong giai đoạn một của quá trình đào tạo tiến sĩ, cần phải chú trọng và cân nhắc một số biện pháp cụ thể như sau:

 

Thứ nhất là khuyến khích sinh viên tiến sĩ công bố các kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học quốc tế trước khi viết luận án.  Phần lớn sinh viên khi bước vào chương trình học tiến sĩ đều chú tâm vào việc viết luận án như là một ưu tiên số một, và cho rằng công bố các bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế là ưu tiên hạng hai.  Tôi cho rằng đây là một định kiến hết sức sai lầm.  Một luận án dù có giá trị khoa học cách mấy cũng chỉ lưu lại trên các kệ sách của trường đại học hay được lưu hành trong một số rất ít người liên quan.  Nhưng các bài báo khoa học, nhất là được đăng trên các tập san quốc tế có mức độ ảnh hưởng lớn, thì được lưu hành rộng rãi trong giới chuyên môn và thu hút sự chú ý của đồng nghiệp trên khắp năm châu.  Sự chú ý của đồng nghiệp trên thế giới là một yếu tố cực kì quan trọng để sinh viên có thể thành công trong việc xin học bổng hay một nơi nghiên cứu cho giai đoạn hậu tiến sĩ.

 

Công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san khoa học ngoại quốc còn là một cách nâng cao sự có mặt và uy tín của giới nghiên cứu khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.  Hiện nay, dù số lượng các bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế đang tăng, nhưng nói chung vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước trong vùng.  Chỉ riêng trong ngành y – sinh học, tính từ thập niên 1970s đến nay, số bài báo từ Việt Nam chỉ trên dưới 350 bài, so với Mã Lai (2100 bài), Thái Lan (5200), Singapore (6900).

 

Thứ hai là cần phải tạo điều kiện cho các sinh viên tiến sĩ có cơ hội đi dự các hội nghị chuyên môn quốc tế ít nhất là một lần trong thời gian đào tạo tiến sĩ.  Các hội nghị chuyên môn là các diễn đàn lí tưởng để sinh viên có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình trực tiếp với đồng nghiệp trên thế giới, và qua tiếp xúc trực tiếp, các sinh viên có cơ hội gặp và bàn thảo với những người mà trong tương lai có thể là người hướng dẫn mình trong các nghiên cứu hậu tiến sĩ.  Các diễn đàn này còn là nơi lí tưởng để các sinh viên học hỏi và làm quen với “nghệ thuật” thuyết trình khoa học bằng ngoại ngữ trước đồng nghiệp nước ngoài.

 

Thứ ba là, nếu có thể, tạo điều kiện cho một giáo sư từ một trung tâm nghiên cứu ngoài Việt Nam tham gia vào ban giáo sư hướng dẫn luận án.  Sự có mặt của một nhà khoa học nước ngoài có thể dưới hình thức cộng tác trong nghiên cứu, hay qua trao đổi thường xuyên giữa sinh viên và ban hướng dẫn.  Sự có mặt của một giáo sư hay một nhà khoa học uy tín trên thế giới ngoài Việt Nam (nhưng có thể là người gốc Việt Nam) trong ban hướng dẫn luận án không những đảm bảo tính quốc tế của luận án, mà còn là một cách phát biểu gián tiếp giới thiệu các công trình nghiên cứu của Việt Nam cho các đồng nghiệp trên thế giới. 

 

Ngoài ra, tôi nghĩ một cách khác đảm bảo tính quốc tế của luận án tiến sĩ là, ngoài các giáo sư trong nước, cần mời một hay hai giáo sư hay nhà khoa học nước ngoài tham gia vào hội đồng thẩm định luận án.  Sự có mặt của đồng nghiệp nước ngoài còn là một cách phát biểu về sự khách quan của quá trình chấm luận án.  Trong thực tế, ở các nước như Mĩ và Úc, việc chấm luận án chỉ là một việc làm mang tính tương đối hình thức.  Rất ít khi nào hội đồng chấm luận án lại đánh rớt một thí sinh, vì trước khi viết luận án, thí sinh đã công bố ít nhất là ba bài báo trên các tập san khoa học quốc tế, và những bài báo này đã qua một quá trình đánh giá, xem xét nghiêm túc của các đồng nghiệp trên thế giới. 

 

Nước ta đang trên đà hội nhập và gia tăng giao dịch, kể cả quan hệ hợp tác khoa học, với thế giới bên ngoài, nhất là thế giới Tây phương.  Các nhà khoa học tương lai của ta cần phải được đào tạo và huấn luyện qua một chương trình có qui củ quốc tế, mà trong đó họ được trang bị bằng những tri thức và kĩ năng chuyên môn không những mới nhất, mà còn phải sâu nhất, để sao cho họ không cảm thấy mặc cảm, mà còn tự hào cầm trong tay một học vị tiến sĩ từ Việt Nam.

 

Xin mời đọc Trang Nguyễn Văn Tuấn

http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org