Nhân câu chuyện “bán hồn cho Quỉ”.

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu       17/12/2007

 

Những bài cùng tác giả

“Trí tuệ” có thể coi như “linh hồn” của cả dân tộc, trong khi đó “lợi nhuận trên hết” là một thứ Quỉ Satan. Cổ phần hóa trường công lập, nhất là đại học công lập... là một thứ « bán hồn cho Quỉ » mà không đổi lại được gì khác ngoài một chút tiền, không có được cả những cái hấp dẫn như sự hiểu biết, sắc đẹp, tình yêu, dù là nhất thời

Ở đây, tôi dùng chữ Quỉ để chỉ Xa-tăng : Satan còn gọi là Mephistopheles, là chúa quỉ, chuyên làm việc ác, trong đạo Do Thái và đạo Ki-tô, chứ tôi không nói nhân vật Xa tăng theo thày Tam tạng đi thỉnh kinh Phật trong Tây du kí đâu!

Dr Faust là đề tài của truyện, với nhiều dị bản, về một nhân vật bán linh hồn của mình cho Quỉ để đổi chác được hưởng một số quyền lợi tức thời. Có những bản trong đó nhân vật này gây thiện cảm của người đọc, có bản ngược lại, có bản “có hậu”, có bản không.

Theo truyền thuyết thì Dr Faust là một nhân vật có thật, người Đức sinh ra ở cuối thế kỉ 15 – tôi không biết tiếng Việt Nam phải dùng từ “bác sỹ” hay từ “tiến sỹ”, có lẽ có thể là cả hai, vì y vừa là người chữa bệnh (lang băm) vừa là nhà “thông thái” về bói toán (tiếng la-tinh doctus là chỉ người thông thái) – khoe là mình đã từng tốt nghiệp Đại học Cracovie (thật hay tiếm nhận?), một trường nổi tiếng thời đó, một phần vì ở đó có một khoa dạy phép phù thủy, cho đến tận cuối thể kỉ 16 (?). Nhưng Dr Faust này không phải là một nhận vật gây thiện cảm, mà là một tay đại bịp, khoe mình có tài chiêm tinh, khoe mình là một “cô đồng” siêu việt (biết gọi hồn ma để đoán sự việc), và biết phù phép, do có quan hệ đặc biệt với Quỉ. Trong vòng bốn chục năm, y lừa đảo được nhiều người, nhiều nơi, lại có một lúc có những hành vi cực xấu hiếp dâm trẻ em (nefandissimo fornicationis genere), nhiều lần bị săn đuổi, và cuối cùng y chết vào khoảng năm 1540.

Hình ảnh sau đó về nhân vật Dr Faust thì khác, biến thể. Có nhiều dị bản, có những bản được nổi tiếng, thí dụ như của Marlow (1590), của Goethe (đầu thế kỉ 19), của các nhạc kịch opéra của Berlioz (1846) và của Gounod (1859), trong đó nhân vật này bán hồn mình cho Quỉ để đổi lấy sự hiểu biết, tuổi trẻ và sự giàu sang. Đặc biệt là trong cuốn phim  “La beauté du Diable”  (Sắc đẹp của Quỉ, 1949) của đạo diễn René Clair, với các diễn viên Michel Simon trong vai Dr Faust già, lúc chưa bán hồn cho Quỉ, và Gérard Philipe trong vai Dr Faust, khi đã bán hồn cho Quỉ, trẻ lại, đẹp trai, lại gặp tình yêu, và rốt cục nhờ ơn Chúa Trời, giữ được những “quyền lợi” đã đổi được, mà không mất “linh hồn” của mình.

Ở đây, tôi không có ý kể dài dòng về Dr Faust, mà muốn liên hệ đến một vấn đề làm tôi trăn trở, khi hướng về quê hương Việt Nam. Tôi nghĩ kinh tế thị trường là điều tất yếu. Nhưng “thị trường hóa” giáo dục, hay nói thẳng ra là “thương mại hóa” giáo dục, thì tôi không thể đồng tình. Với tôi, “trí tuệ” có thể coi như “linh hồn” của cả dân tộc, trong khi đó “lợi nhuận trên hết” là một thứ Quỉ Satan. Cổ phần hóa trường công lập, nhất là đại học công lập, dù muốn giải thích bằng cách nào đi nữa, dù là do chưa đủ cân nhắc, do thiếu hiểu biết, hay cố tình chưa tiết lộ ra, cũng vẫn là con đường mon men tiến tới lấy tài sản công biến thành tài sản tư, bởi vì tôi chưa từng thấy có cổ đông mà không có chia chác lợi nhuận ; trên toàn thế giới này cốt lõi của công ti cổ đông là hoạt động như vậy.

Tiến hành việc đó là một thứ « bán hồn cho Quỉ » mà không đổi lại được gì khác ngoài một chút tiền, không có được cả những cái hấp dẫn như sự hiểu biết, sắc đẹp, tình yêu, dù là nhất thời. Tôi không phải là nhà tiên tri, nhưng tôi dám khẳng định là loại dự định như thế này, không thể dẫn đến kết luận tốt đẹp. Bán « trí tuệ », linh hồn của dân tộc thì còn gì ?
 

10/12/2007 http://www.viet-studies.info/BTLieu_BanHonChoQui.htm

11/12/2007 http://www.diendan.org/viet-nam/ban-hon-cho-quy/

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bùi Trọng Liễu