Trang mạng ĐHBK tpHCM

ĐH Bách khoa tpHCM là một trong các trường nằm trong chương trình

Chương trình hỗ trợ giáo dục của Hoa Kỳ mang tên Liên kết Đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao (HEEAP) sẽ được mở rộng đến năm 2014 nhằm đẩy mạnh đào tạo đại học và phát triển công nghệ tại Việt Nam.

Chương trình - với sự tài trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, USAID, đại học tiểu bang Arizona, ASU, tập đoàn Intel và Siemens - liên kết với tám trường đại học và cao đẳng của Việt Nam nhằm tăng cường chất lượng giảng dạy đại học.

Trọng tâm là phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ trang thiết bị đào tạo, nâng cao chương trình giảng dạy và kinh nghiệm thực hành cho sinh viên.

Với hai triệu đôla để mở rộng, chương trình mở đầu sẽ cho phép các đối tác liên kết bổ sung học phần hướng nghiệp sử dụng phương pháp dạy cải tiến và dụng cụ sư phạm.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Đình Tuấn, hiệu phó trường ĐH Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh - một trong các trường tham gia chương trình - cho đài BBC biết hôm 18/4 rằng trường đã nhận được giấy phép sử dụng gói phần mềm cung cấp cho năm trường đại học trị giá tới 71 triệu đôla hỗ trợ cho công tác dạy học và nghiên cứu.

Ông Phan Đình Tuấn cho biết các bước hợp tác là trao đổi giảng viên sinh viên, giúp đào tạo cán bộ cho Việt Nam ở bậc tiến sĩ cũng như cử cán bộ sang thực tập theo định kỳ hàng năm.

Lợi ích

Lợi ích thực tiễn, theo ông Tuấn, là cán bộ giảng dạy Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với chương trình đào tạo tiên tiến hơn của Mỹ, được tiếp cận với các công nghệ mới, và với việc Intel đầu tư vào Việt Nam, hi vọng các sinh viên Việt Nam sẽ được tiếp cận với công nghệ mới của Intel.

Triển lãm giáo dục Mỹ tại Hà Nội

Chất lượng giáo dục của Mỹ là tiêu chuẩn mà nhiều sinh viên VN mong đạt được

Thông qua việc hiện đại hóa các chương trình giáo dục hướng nghiệp, các nguồn lực và kiến thức công nghệ, chương trình hi vọng “sẽ trang bị cho các sinh viên đầy đủ để đạt thành công trong nền kinh tế toàn cầu”.

Thông cáo báo chí của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam trích lời Francis Dovovan, giám đốc USAID tại Việt Nam, nói: “Cạnh tranh giữa các nền kinh tế đòi hỏi phải có nguồn lực lao động có kỹ năng để đạt được hiệu quả hoạt động trong bối cảnh toàn cầu”.

“HEEAP không chỉ nâng cao đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam hiện nay mà còn thúc đẩy mối quan hệ dài hạn giữa giáo dục - công nghiệp”.

HEEAP được bắt đầu năm 2010, với sự tài trợ của USAID, Intel và ASU, với các đối tác chính ban đầu là ba trường Đại học Bách Khoa của Hà Nội, Đà Nẵng và tp Hồ Chí Minh, cùng đại học Cần Thơ và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.