Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa trút hơi thở cuối cùng
ở tuổi Đại thượng thọ 103 tuổi. Cả nước thương tiếc người anh hùng của thời
đại Hồ Chí Minh. Riêng giới trí thức đau xót tiễn đưa người trí thức cách
mạng tiêu biểu, và là người gắn bó thân thiết với giới trí thức nước nhà.
Võ Đại tướng sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, xã Lộc
Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình , trong gia đình một nhà nho yêu nước. Gia
đình ông có 7 anh chị em, nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại
năm, 3 người con gái và 2 người con trai là Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho
(sau này là Giám đốc Khu học xá trung ương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục). Học
xong lớp 3 cậu phải xuống thị xã Đồng Hới học tiếp..Những năm học ở thị xã
Đồng Hới, cậu Giáp ở trọ nhà người quen của cụ Nghiêm. Cậu được học với nhà
sư phạm có tiếng, thầy giáo Đào Duy Anh. Hai năm học ở tiểu học Đồng Hới,
hàng tháng cậu luôn đứng đầu lớp. Tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ
đầu toàn tỉnh. Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê
nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau
ông Nguyễn Thúc Hào, sau là Giáo sư , Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Vinh).
Hai năm sau, ông bị đuổi học
cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa
Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ
chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và
được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia
Tân Việt Cách mạng Đảng. Nguyễn Chí Diểu cũng giới
thiệu ông vào làm việc ở Huế, tại nhà
xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy
Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của
Huỳnh Thúc Kháng. Tháng 4/1927 tại
trường Quốc học Huế lại diễn ra một cuộc
bãi khóa rầm rộ với quy mô lớn. Nguyễn
Chí Diểu bị tên giám thị Pháp chú ý, coi
là kẻ cầm đầu những cuộc đấu tranh bãi
khóa ở trường, nên đuổi học. Ông liền
bàn với Nguyễn Khoa Văn tiếp tục tổ chức
bãi khóa để phản đối việc Diểu bị đuổi
học. Cuộc bãi khóa của học sinh Trường
Quốc học Huế lan rộng ra khắp các trường
ở Huế và phát triển thành cuộc tổng bãi
khóa. Ông bị bắt rồi bị đuổi học, phải
trở về quê nhà. Mùa hè năm 1928, ông trở
lại Huế, bước vào đời của một chiến sĩ
cách mạng. Tại Huế, Nguyễn Chí Diểu giới
thiệu ông đến làm việc ở Quan Hải Tùng
thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân
Việt chủ trương. Tại đây ông có điều
kiện tiếp xúc với những học thuyết kinh
tế, xã hội, dân tộc, cách mạng. Đặc biệt
là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và
tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) do
Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về.Đầu
tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết
Nghệ Tĩnh, ông bị bắt và bị giam ở Nhà
lao Thừa phủ (Huế) Cuối năm 1931, nhờ sự
can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp,
ông được trả tự do nhưng lại bị Công sứ
Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại
Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert
Sarraut và đỗ. Ông nhận bằng cử nhân
luật năm 1937 (Licence en Droit). Từ năm
1936 đến 1939, ông tham gia phong trào
Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập
viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban
Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông
Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và
làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói
của chúng ta), Le Travail (Lao động),
biên tập các báo Tin tức, Dân
chúng.Tháng 5 năm 1939, ông nhận dạy môn
lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long,
Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc
nhà trường. Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ
Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài
Nam cùng ông Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng
rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Bác
Hồ .Chỉ sau một thời gian ngắn, Bác Hồ
đã thấy ông là người có nhiều triển vọng
nên liên hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc
và cử ông đi học quân sự tại căn cứ địa
Diên An. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông
Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt
động của mình trong Việt Nam Độc lập
Đồng minh Hội, một tổ chức chống
phát-xít và đấu tranh cho độc lập của
Việt Nam. Năm 1941 ông cùng Bác Hồ trở
về Cao Bằng. Sau đó ông tham gia xây
dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện
quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng. Ngày
22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của
Bác Hồ, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân tại chiến khu
Trần Hưng Đạo. Đây là tổ chức tiền thân
của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là
đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và liên
tiếp 6 kỳ sau. (sau khi ông qua đời có
lẽ đại biểu Quốc hội Khóa I chỉ còn lại
có bác Nguyễn Văn Trân và bác Việt
Thanh). Ngày 14 tháng 8 năm 1945, ông
trở thành uỷ viên Ban chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là
ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia
Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội
II, III, IV của Đảng Cộng sản Việt Nam,
ông đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung
ương và là Uỷ viên Bộ Chính trị. Có thể
nói, trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện
Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến chống
đế quốc Mỹ kết thúc bằng Chiến dịch Hồ
Chí Minh lịch sử năm 1975, Võ Nguyên
Giáp luôn là một trong những nhân vật
lịch sử đứng ở hàng đầu trong cuộc đấu
tranh của dân tộc Việt Nam. Do những
cống hiến lớn lao, Võ Đại tướng đã được
thưởng Huân chương Sao vàng, huân chương
cao quý nhất của Đảng và Nhà nước.Cuộc
đời của Đại tướng qua các cuộc kháng
chiến cứu nước với nhiều cương vị khác
nhau - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội nhân
dân Việt Nam, Phó Thủ tướng phụ trách
Khoa học - Kỹ thuật... là thời gian mọi
người đều biết đến nên không cần phải
nhắc lại thêm nữa.
 
Bản thân Võ Đại tướng là một trí
thức cách mạng, một nhà giáo yêu nước
nên Võ Đại tướng đã dành rất nhiều tình
cảm và tâm trí để xây dựng đội ngũ trí
thức Việt Nam, phát triển nền giáo dục
và khoa học trong công cuộc Đổi mới .
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn như ngọn
hải đăng của những người trí thức trước
những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông
đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của
một người trí thức biết gánh vác vận
mệnh của đất nước trong cả thời chiến
lẫn thời bình. Nhà sử học Dương Trung
Quốc, từng là một người đồng nghiệp -
người học trò của Đại tướng đã đánh giá
: “Có thể nói thắng lợi của cách mạng
Việt Nam với mục tiêu giải phóng dân tộc
bao gồm việc giành độc lập dân tộc, và
giữ vững nền độc lập ấy trong suốt ba
thập kỷ chiến tranh phụ thuộc một phần
lớn vào tinh thần “uy vũ bất năng khuất”
của một thế hệ vàng. Dù trưởng thành
trong nền giáo dục thực dân, nhưng họ
vẫn giữ được những giá trị của nền văn
hóa dân tộc, tiêu biểu là nền Quốc học.
Bên cạnh đó, họ đã được tiếp thu một nền
học vấn với những tư tưởng văn hóa
phương Tây rất cơ bản mặc dù trong bối
cảnh nền giáo dục của một nước thuộc địa
luôn bị thực dân áp bức, đồng hóa. Thứ
ba, đó là thế hệ khao khát độc lập tự do
đến mãnh liệt và ba điều đó hòa trộn với
nhau rồi được quy tụ dưới lá cờ cách
mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Võ Nguyên
Giáp là một trong những tinh hoa đầu
tiên trong thế hệ vàng đó.” Một bài viết
trên tạp chí Tinh Hoa đã nêu rất rõ tinh
thần thiết tha với sự nghiêp khoa học và
giáo dục của Võ Đại tướng: Năm 1977, hai
năm sau khi thống nhất đất nước, theo sự
phân công của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên
Giáp giã từ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng đã được Hồ Chủ tịch ủy nhiệm từ
năm 1945 để nhận công tác ở cương vị
mới: Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực
khoa học – kĩ thuật. Bao nhiêu năm cầm
quân đánh giặc, liệu nền tảng trí thức
trong ông có bị phai nhạt ít nhiều? Tư
duy ấy có bị chuyện thắng thua chi phối
mà quên mất chiến thắng chỉ có ý nghĩa
khi xây dựng được những nền tảng tiến bộ
cho đời sống nhân dân? Có thể nói, bản
lĩnh của một trí thức lớn đã được khẳng
định đầy thuyết phục qua thử thách của
Đảng và Chính phủ. Tuy những hạn chế của
thời đại đã khiến nhiều chiến lược kinh
tế của ông không thể thành hiện thực
nhưng cho đến hôm nay, những tư duy của
ông vẫn khiến chúng ta phải kính trọng
về hàm lượng trí tuệ và con mắt chiến
lược trong đó. Từ những năm 1978, khi tư
duy kinh tế thời chiến vẫn còn ngự trị
trong toàn xã hội, ông đã nhìn thấy vấn
đề “đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ
thuật trong nông nghiệp nước ta”. Đại
tướng đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ
tổng hòa của các yếu tố đất - nước -
rừng - biển trong việc giữ gìn hệ sinh
thái và phát triển lâu dài. Ông viết:
“Nước ta nằm trên bờ biển Thái Bình
Dương, cho nên đất, nước, rừng, biển đều
có mối liên hệ qua lại và tác động lẫn
nhau. Có thể nói rằng: rừng và biển có
tầm quan trọng rất to lớn không những về
mặt tiềm năng các sản phẩm quý giá có
thể cung cấp cho xã hội mà còn có vai
trò giữ gìn môi trường và cân bằng sinh
thái tốt nhất đối với toàn bộ đất đai
nước ta, đối với việc phát triển các
ngành kinh tế quốc dân trong cả nước.
Trong một đất nước có bờ biển dài hơn
3000 km với 80% dân số là nông dân, tư
duy ấy không chỉ đảm bảo sự phát triển
bền vững cho nền kinh tế, mà còn đảm bảo
cho cuộc sống lâu dài của mỗi người dân.
Giờ đây, những suy nghĩ từ cách đây hơn
30 năm ấy mới bắt đầu đi vào cuộc sống.
Nếu trong chiến tranh, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp nổi tiếng với khả năng nhìn
thấy điểm yếu và tấn công điểm yếu của
kẻ địch thì trong thời bình, người trí
thức ấy lại tìm ra những thế mạnh nổi
trội của nền kinh tế. Ngoài chiến lược
về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
còn đề xuất một chiến lược về Kinh tế
biển và Khoa học kỹ thuật về biển .Trong
đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh
tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc
phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ
cấu kinh tế ven biển thành miền công
nghiệp thủy sản trù phú. Cái nhìn ấy
cũng đã cách đây hơn 30 năm và giờ đây
chúng ta cũng đang đi những bước đầu
tiên về phía biển…
Ngay từ năm 1985,
Đại tướng đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa
học và giáo dục, trong đó Đại tướng nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả
công cho lao động khoa học tương xứng, Chấm dứt việc thang lương của thầy cô
giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng. Đòi hỏi phải
xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó
việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được Đại tướng dày công
xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1 năm 1989, đến nay đã
được gần 20 năm nhưng vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự.Năm 1991, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ hưu ở tuổi 80 và thôi giữ các chức vụ trong Đảng
và Nhà nước. Tuy nhiên, tâm huyết và trí tuệ của ông thì chưa bao giờ ngừng
nghỉ. Cả cuộc đời ông đã hiến mình cho lý tưởng cách mạng và lý tưởng đó đã
trở thành máu thịt trong ông. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong cuộc sống,
ông vẫn đồng hành cùng từng trăn trở, từng suy tư của người dân Việt Nam.
Giáo sư Hoàng Tụy kể lại: sáng kiến về bản kiến nghị chấn hưng giáo dục do
nhóm 24 nhà khoa học- trí thức gửi lên Chính phủ năm 2004, chính là lấy ý
tưởng từ bản kiến nghị của Đại tướng gửi đến nhóm. Sau khi công bố, bản kiến
nghị đã có một tiếng vang lớn, và một số những thay đổi về phân ban, chức
danh Phó giáo sư, giáo sư... đã được bộ Giáo dục thực hiện theo đề xuất của
bản kiến nghị. Giáo sư Trần Văn Hà đã từng viết: Sau này, đọc các cuốn sử do
người nước ngoài viết về Việt Nam, tôi thấy nhà báo, nhà sử học Benard Fall
đã có một lời đánh giá rất xác đáng từ năm 1962 trong tác phẩm Võ Nguyên
Giáp - con người và huyền thoại (Võ Nguyên Giáp - Man and Myth - New York
F.P.Publishers, 1962): “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây
chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp”.
Về Giáo
dục Võ Đại tướng đã nhấn mạnh:" Đại tướng khẳng định: Cần phải coi chiến
lược con người, “tất cả cho con người và tất cả vì con người” có tầm quan
trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một trong những nhiệm vụ lớn lao có tầm quan trọng chiến lược trong suốt
thời kỳ quá độ tiến lên CNXH là đào tạo con người phát triển toàn diện, có
tinh thần làm chủ và năng lực làm chủ, có tinh thần yêu nước và lý tưởng
XHCN, có trình độ văn hoá và khoa học ngày càng cao, nắm vững kỹ thuật và
công nghệ sản xuất, kể cả công nghệ và kỹ thuật cổ truyền, kỹ thuật và công
nghệ hiện đại, có cả những công nghệ hiện đại nhất. Đây chính là lực lượng
sản xuất vĩ đại nhất, thế mạnh lớn nhất, có sức sáng tạo nhất. Trong sự
nghiệp ấy, công tác giáo dục từ mẫu giáo đến đại học và trên đại học có
nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục về thực chất phải được
coi là một bộ phận quan trọng trong chính sách đầu tư để phát triển kinh tế
- xã hội và là một trong những loại đầu tư có tầm quan trọng chiến lược và
đem lại hiệu quả lớn lao "
Từ sự khẳng định: “Sự phát triển của con người là
liên tục… Con người là một thể thống nhất với sự phát triển liên tục, không
thể chia cắt được trong không gian, trong thời gian”, Đại tướng nhấn mạnh:
Giáo dục với tư cách là quá trình hướng dẫn sự phát triển con người, cũng
phải liên tục . Giáo dục thế hệ trẻ là một quá trình liên tục từ khi lọt
lòng mẹ cho đến lúc trưởng thành và là sự nghiệp của toàn xã hội. Cần phải
tạo ra được một môi trường giáo dục thống nhất giữa nhà trường, gia đình và
xã hội, đảm bảo “giáo dục toàn diện, giáo dục thường xuyên, giáo dục liên
tục”, thực hiện được sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, tư tưởng
và lối sống XHCN, phổ cập văn hoá, khoa học, kỹ thuật và công nghệ song song
với phổ cập nghề nghiệp . Ông chủ trương: cần phải hình thành trong toàn xã
hội một phong trào, một nếp sống chăm lo học hành sôi nổi trong cả nước, học
ở trường, học ở nhà, học ở xã hội, vừa học vừa làm, theo tinh thần “học tập,
học tập nữa, học tập mãi mãi”. Học tập để thành con người mới XHCN, học tập
để xây dựng thành công xã hội văn minh và hạnh phúc, học tập để bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa . Đại tướng nhận định: Khoa học giáo
dục phải là một hệ thống quy luật tổng hợp, chịu sự tác động của các quy
luật phát triển kinh tế - xã hội, quy luật nhận thức, quy luật tâm lý xã
hội, quy luật phát triển sinh lý, quy luật kế thừa truyền thống tốt đẹp của
dân tộc, nhằm đào tạo thế hệ trẻ từng bước trở thành con người mới XHCN Việt
Nam . Vì vậy, cần tập trung trí tuệ, sức lực và các điều kiện vật chất cần
thiết để nghiên cứu giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, mấu chốt nhất của
khoa học giáo dục ở nước ta (tr. 538). Từ bản chất của khoa học giáo dục,
ông yêu cầu những người nghiên cứu khoa học giáo dục không những phải có
trình độ trong lĩnh vực chuyên sâu mà còn phải có sự hiểu biết về nhiều mặt:
về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối, chính sách của Đảng, về thực
tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam, về con người Việt Nam xưa và nay, về
những thành tựu trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học kỹ thuật xưa và nay, về
những thành tựu và cả những nhược điểm… của sự nghiệp giáo dục xưa và nay ở
nước ta và ở các nước trên thế giới .
Đại tướng cho rằng,
giáo dục là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật; nội dung giáo dục bao
giờ cũng kết hợp chặt chẽ với phương pháp sư phạm. Vì thế, nội dung và
phương pháp dạy - học cần hướng cho học sinh suy nghĩ về các mục tiêu kinh
tế - xã hội của đất nước, của địa phương,… để khi đi vào đời sống không bỡ
ngỡ, không sống theo tập quán cũ… mà tích cực tham gia vào cuộc sống mới.
Cần mau chóng và kiên quyết khắc phục tình trạng học sinh phổ thông ra
trường không hiểu gì về đất nước, về địa phương; và không thể hiện đầy đủ
lòng thiết tha đối với tiền đồ của quê hương, Tổ quốc . Phải kết hợp giảng
dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ với lao động sản xuất
theo ngành nghề ở mức độ khác nhau tuỳ theo từng lứa tuổi và tính chất của
các trường nhằm biến tiềm lực khoa học kỹ thuật của nhà trường thành lực
lượng sản xuất trực tiếp . Phải xác định cho được nội dung, phương pháp tối
ưu để đào tạo con em chúng ta thực sự trở thành những người lao động giỏi
trong các lĩnh vực và trên các địa bàn của đất nước phục vụ tốt hơn cho sự
nghiệp công nghiệp hoá nước nhà.
Đại tướng phân tích: Chất lượng
giáo dục đào tạo là chất lượng toàn diện
(chính trị, chuyên môn, sức khoẻ) được
xác định trên cơ sở mục tiêu giáo dục
đào tạo của từng ngành học, từng loại
hình giáo dục, từng cấp học gắn chặt với
những mục tiêu kinh tế - xã hội của cả
nước, từng ngành từng địa phương trong
từng thời kỳ. Đại tướng chỉ rõ: “Tri
thức khoa học là một cơ sở rất quan
trọng để trao đổi năng lực và phẩm chất
đạo đức của con người mới . Vì thế, cần
trang bị cho các em những kiến thức cơ
bản về tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, xã
hội ở trình độ phổ thông tương đối hoàn
chỉnh, cơ bản, hiện đại, Việt Nam, vừa
phù hợp với nhu cầu thực tế trước mắt,
lại vừa tạo khả năng phát triển về lâu
dài… Cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ càng để
xác định chương trình biên soạn sách
giáo khoa cho thật khoa học, thiết thực,
tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân
luồng, khối để các em tiếp tục học hoặc
đi vào nghề nghiệp. Nhất thiết phải làm
và làm ngay, làm cho tốt việc tinh giản
phần tri thức cơ bản, để các em có thì
giờ học thêm về kiến thức kinh tế, lịch
sử, địa lý của địa phương, nghe nói
chuyện về các vấn đế thời sự tuỳ theo
lứa tuổi, và nhất là học kỹ thuật, công
nghệ và tham gia lao động sản xuất. Đại
tướng cho rằng: Cần phải giáo dục ý thức
lao động, tình cảm lao động, thói quen
lao động vì tập thể, vì xã hội ngay từ
tuổi thơ, từ vườn trẻ. Phải kiên trì rèn
luyện cho học sinh có ý thức sâu sắc về
lao động, lao động để xây dựng đất nước
phồn vinh, quê hương tươi đẹp, lao động
có kỹ thuật, có kỷ luật, với năng suất
cao, chất lượng và hiệu quả tổt. Phải
làm cho thế hệ trẻ coi đó là mục tiêu
quan trọng để phấn đấu thực hiện. Cần
nhận thức rõ rằng, càng làm tốt công tác
hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thì
càng có điều kiện để tiến hành có hiệu
quả về giáo dục tư tưởng chính trị, đồng
thời phát huy mọi tài năng của thế hệ
trẻ. Vì vậy, phải kiên quyết khắc phục
tình trạng coi nhẹ và tự phát đang phổ
biến trong việc hướng nghiệp cho học
sinh phổ thông. Theo Đại tướng, nhân tố
quyết định đối với chất lượng giáo dục
là đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục.
Vì thế, cùng với việc bồi dưỡng trình độ
văn hoá, khoa học và năng lực giảng dạy,
nghệ thuật sư phạm cho giáo viên, cần
chú ý thích đáng tới việc bồi dưỡng nâng
cao phẩm chất chính trị, lòng say mê
thiết tha yêu nghề, năng lực … và khả
năng vận dụng tri thức và kỹ thuật vào
thực tiễn sản xuất và đời sống. Mặt
khác, vấn đề chăm lo đời sống giáo viên
… có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng
cao chất lượng giáo dục. Các nhà trường
cần đặc biệt chú ý nghiên cứu những hình
thức thích hợp để tổ chức sản xuất, cải
thiện đời sống cho giáo viên. Đối với
thế hệ trẻ, Đại tướng nhấn mạnh: Tiền đồ
rạng rỡ của Tổ quốc Việt Nam nằm trong
tay thanh thiếu niên và nhi đồng
...Thanh niên các cháu, tuổi đang trẻ,
sức đang mạnh, trí đang độ tiến dần, bao
giờ cũng phải biết lấy việc chung làm
trên hết. Làm việc gì cũng phải nghĩ đến
lợi ích của nước nhà, lợi ích của tập
thể, lợi ích của cơ quan trước hết. Chớ
có nghĩ ngay đến lợi ích cá nhân, đặc
biệt phải chống thói “dĩ công vi tư”.
Nước nhà còn nghèo, đang trong công cuộc
xây dựng CNXH, thanh niên phải đi trước
một bước trong việc xây dựng con người
mới XHCN, tức là phải biết cống hiến hy
sinh cho lợi ích nước nhà trước, đừng vì
lợi ích cá nhân trước mắt mà quên đi lý
tưởng phấn đấu cho người dân.
Võ đại tướng rất quan tâm đến sự
nghiệp phát triển khoa học -kỹ thuật.
Hồi ở chiến khu Việt Bắc ông đã khen
ngợi những chiến công của Badoca , thấy
kỹ sư Trần Đại Nghĩa là người hiền lành,
ít nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi
ông là “Ông Phật làm súng”. Khi đất nước
hòa bình, thống nhất, độc lập, được
Đảng, Nhà nước giao làm Phó Thủ tướng
phụ trách khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu
tư tưởng Hồ Chí Minh, dù công việc rất
mới mẻ, nhưng được Đảng tin cậy, Đại
tướng đã đi sâu, đi sát từng nhà khoa
học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ.
Thành tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng
cũng như những đề đạt, ý kiến với Đảng
và Nhà nước.
Nhờ đó mà Đại tướng đã hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ, từng bước đưa
khoa học kỹ thuật Việt Nam sánh kịp
trình độ các nước trong khu vực và thế
giới. Trong công việc nào ông đều để lại
dấu ấn sâu đậm. Nhà sử học Dương Trung
Quốc cho biết: "Ông là một nhà sử học
thực thụ với những công trình tổng kết
về lý luận, đặc biệt là những tập hồi ức
của ông, có thể nói là những kho sử chứa
đựng rất nhiều chất liệu để cho đời sau.
Vì thế, riêng tôi luôn nghĩ về ông như
một người làm nên lịch sử, hiểu theo cả
nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ hơn hai chục
năm nay, ông là Chủ tịch danh dự của Hội
Sử học Việt Nam và tham gia rất nhiều
hoạt động sử học như một người thầy thực
thụ của giới sử chúng tôi." Sau khi đã
nghỉ hưu Đại tướng vẫn theo dõi chặt chẽ
các hoạt động liên quan đến công nghệ và
môi trường. Trong bức thư gửi Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, Đại tướng đã viết: "Ý
kiến phản biện của các nhà khoa học nước
ta vừa qua phân tích trên nhiều phương
diện, trong các điều kiện kinh tế kỹ
thuật hiện nay cũng đi tới kết luận như
các nhà khoa học Liên Xô cách đây 20
năm. Với những cảnh báo nghiêm trọng như
vậy, chúng ta cần xem xét các dự án này
một cách khách quan - cần đánh giá lại
quy hoạch khai thác bô-xít trên Tây
Nguyên đến 2025.Về quy mô, quy hoạch
khai thác bô-xít Tây Nguyên từ nay đến
2025 là một kế hoạch lớn, giá trị ước
tới gần 20 tỷ đô-la Mỹ, sẽ tác động sâu
sắc nhiều mặt còn hơn cả các công trình
kinh tế lớn đã có ở nước ta.Vì vậy nên
mời thêm các tư vấn chuyên ngành quốc tế
có nhiều kinh nghiệm phối hợp với các
nhà khoa học và nhà quản lý của nước ta
cùng thẩm định cho khách quan, sau đó
báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội xem
xét, cân nhắc kỹ càng, không thể chỉ đưa
vào đề xuất của các Bộ hay tập đoàn kinh
tế. Vừa qua đồng chí Thủ tướng đã quyết
định bác dự án nhà máy thép lớn của Hàn
Quốc tại vịnh Vân Phong, khẳng định
quyết tâm của Chính phủ phát triển kinh
tế bền vững, được đông đảo nhân dân và
các nhà khoa học đồng tình, ủng hộ. Việc
xác định một chiến lược phát triển Tây
Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng
đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và
an ninh quốc phòng. Tôi đề nghị Thủ
tướng cho dừng triển khai các dự án khai
thác bô-xít ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ
chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên
cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi
quyết định."
Lúc còn khoẻ, mỗi lần về thăm
quê, Đại tướng đều hỏi lãnh đạo tỉnh về
những người biết vượt khó, khắc phục
thiên nhiên khắc nghiệt để vươn lên
trong sản xuất, làm giàu cho bản thân,
cho quê hương và chủ động đến thăm họ.
Đại tướng đã nhiều lần đến thăm mẹ Phạm
Thị Nghèng ở Quang Phú (Đồng Hới). Người
phụ nữ được Đảng và Nhà nước phong tặng
danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành
tích trồng rừng chắn cát - mẹ Nghèng
không biên chế, không hưởng lương, nhưng
có đến 40 năm trồng rừng chắn cát. Cả
một rừng cây phi lao ven biển Đồng Hới
bây giờ đều do mẹ và đội trồng rừng của
mẹ tạo nên. Hơn thế, mẹ Nghèng là người
đầu tiên có sáng kiến dùng đọt phi lao
để ươm cây giống (trước đó người ta chỉ
biết ươm từ hạt). Lần nào đến thăm mẹ
Nghèng, Đại tướng cũng rất xúc động. Ông
bảo: “Quảng Bình cát trắng, gió Tây Nam
(gió Lào), nếu ai cũng làm được như mẹ
Nghèng thì tốt biết mấy!.” Ông nói rằng:
“Nếu không có những cuộc chiến tranh và
không trở thành một vị tướng cầm quân,
tôi rất muốn được làm một người trồng
rừng chống cát cho quê hương như mẹ
Nghèng”. Một lần khác, khi nghe tin ở
vùng đồi Cồn Chay, xã Cự Nẫm (Bố Trạch)
có người nông dân Ngô Văn Lý trồng rừng
làm kinh tế giỏi, Đại tướng đã yêu cầu
lãnh đạo tỉnh đến thăm. Đại tướng rất
vui mừng khi biết được, trong lúc đề tài
nghiên cứu nhân giống cây huỵnh (tiếng
địa phương là huệng- một loại gỗ tốt
dùng để đóng tàu thuyền) được các nhà
khoa học nghiên cứu nhiều năm mà chưa có
kết quả thì ông Lý đã nhân giống để
trồng cả một rừng hàng chục ha. Ông Lý
còn “chuyển giao công nghệ “ cho lâm
trường Nhà nước miễn phí. Ông Lý đã làm
cho đất đồi hoang của huyện Bố Trạch trở
nên “đắt như tôm tươi” vì nhà nhà nhận
trồng huỵnh. Lần đó, trong lúc ông Lý
luống cuống vì không ngờ được rằng trong
đời mình lại may mắn được đón vị Tổng tư
lệnh quân đội mà ông kính phục ngay tại…
nhà mình thì Đại tướng đã ôn tồn nói:
“Trong lúc Quảng Bình băn khoăn với việc
“trồng cây gì, nuôi con gì” thì anh đã
chứng minh bằng việc làm của mình. Anh
xứng đáng là một chiến sĩ quân đội nhân
dân, một cựu chiến binh, một tiến sĩ
thực hành như người dân đã phong cho".
 
| |