Trong một số tác phẩm văn học xưa và
nay, đôi khi xuất hiện những nhân vật ảo xen lẫn
với nhân vật thực, thí dụ như trong Truyền kỳ
mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỉ 16). Có lẽ
cũng là một hình thức hữu hiệu để tác giả phát
biểu được ý kiến của mình trên một số vấn đề
nóng hổi nhưng tế nhị, của thời đại. Mặt khác, ở
chính trong một con người - tác giả - cũng có
thể có mặt này và mặt nọ, vv. , làm tôi liên
tưởng tới truyện « Dr. Jekyll và Mr. Hyde »
(1886) của tác giả (người Anh) Robert Louis
Balfour Stevenson (*). Bác sỹ Jekyll, là con
người thiện, tình cờ phát minh ra được
một liều thuốc, uống vào thì biến thành ông
Hyde, một con người ác. Nhưng trong bài viết
này, không phải là lúc luận chuyện thiện hay ác,
thuần đạo hay nghịch đạo, có chăng chỉ là hình
thức phát biểu.
Tôi có một kẻ đối thoại, thực
và ảo, gọi là Y, thường cùng tôi trao đổi, luận
bàn, trong những buổi thư nhàn hay trong những
cơn mộng mị, và tôi đã có dịp giới thiệu tỉ mỉ
trong cuốn sách cuốn sách Học gần Học xa
của tôi, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
Y và tôi có qui ước như sau : khi đã trao
đổi xong về một vấn đề gì mà y muốn tôi viết ra,
tôi mất công ghi chép, thì tôi nhận phần
« hơn » : những gì ôn tồn, nghiêm chỉnh, thanh
tú, thì tôi nhận phần tôi ; những gì thô bạo
ngang ngược, chướng tai thì y phải nhận ; và y
đã đồng ý.
Y có bài thơ «Gửi ông Khổng tử» trao cho tôi
trong giấc mộng. Nay đang thời thượng của tâm
linh, cũng không có gì là lạ. Thời nay nước nhà
mở cửa, mọi ý kiến được
tiếp nhận, tôi xin chép lại dưới đây, và ghi chú
thích, còn việc phê bình hay, dở, đúng, sai, xin
để phần người đọc:
|
Khổng tử, ông
người Tàu, sinh ra ở nước Lỗ,
Lũ hủ nho nước
tôi vái ông, đặt ông trên cả bố (1).
Họ phục nước ông
văn minh,
Họ chê dân tôi
mọi rợ, sơn răng đóng khố (2).
Họ học ông những
điều hay, điều dở,
Rồi họ chế biến
cả những điều vô bổ.
Họ lập Văn miếu
(3), họ lập Võ miếu (4),
Họ thờ người
nước ông, hơn cả thờ tổ (5).
Họ bày ra thứ
chữ Nho,
Làm dân nước
tôi, nhiều thể kỉ, học khổ (6).
Mấy thế kỉ độn
đần, hiểu biết thô lỗ.
Hậu quả đến tận
nay, còn gây ra những điều nhăng nhố.
Chẳng qua vì
trọng sự vinh danh, hám ngồi chiếu trên
ăn cỗ.
Lũ hủ nho tân
thời, hậu sinh khả ố,
Dẫn mấy học
thuyết phương Tây,
Nhưng trong đầu
họ, tư tưởng tôn ti của ông đâu có đổ !
Người khôn nước
mình thì chẳng nghe,
Với người nước
ngoài thì vái như búa bổ.
Lời, ý phát ra,
sặc mùi lưỡi gỗ.
Đấy cũng là một
yếu tố
Gây ra một số
chuyện lạ kỳ, lố lăng tổ bố:
Dỡ ngói, ném
phao ; học không nổi, thi không đạt, mà
vẫn đỗ.
Bằng thật bằng
giả cũng là bằng,
Công việc làm
thì dành chỗ,
Chèn ép những
người năng nổ.
Đâu có phải một
vài kẻ, bè cánh cũng cả ổ.
Lợi cho kẻ giàu,
thiệt cho kẻ nghèo, bất công trong phân
bố.
Tưởng rằng tân,
hóa ra vẫn cổ (7).
Vinh danh giáo
sư viện sĩ, bộ óc vĩ đại, danh nhân thế
giới,…
Để cho bọn kinh
doanh tiểu sử quốc tế dụ dỗ (8).
Thật lố,
Mà không biết
rằng mình ngố.
Học thế, dạy
thế, muốn mua bán giáo dục thế, có mà
xuống hố.
Chứng kiến việc
họ làm, người ngay muốn độn thổ.
Khổng tử ông ơi,
nếu ông linh thiêng, phù phép cho họ
tỉnh ngộ.
Nếu không, xin
mời tư tưởng ông về Tàu,
Cho Hồng vệ binh
(9) họ tố.
Để dân tôi đổi
mới tư duy,
Để những việc lố
lăng chóng xuống lỗ.
Để danh nước tôi
khỏi hoen ố,
Để con cháu
chúng tôi khỏi hổ.
Tháng
8/2005 |
_________
Chú thích :
(*)

Robert Louis
Balfour Stevenson
(1) Quân, sư, phụ.
(2) Câu người xưa « sơn răng, chằng đít, đánh
đai đầu », nghĩa là nhuộm răng đen, đóng khố và
chít khăn.
(3) Theo Đại việt sử ký, Văn miếu ở Hà
Nội, từ lúc thành lập, thờ Khổng tử, Chu công,
Tứ phối (Nhan tử, Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử) và
thất thập nhị hiền (72 người học trò giỏi của
Khổng tử) đều là người Trung Hoa. Còn Chu (Văn)
An người nước ta (1292-1370, thời nhà Trần) được
thờ theo ở Văn miếu.
(4) Theo bài « Võ miếu ở Huế » của Phan Thuận
An, trong « Hồn Việt » số 2, Trung tâm
Nghiên cứu Quốc học, nxb Văn Học, 2004, tr.
291-309, tôi tóm tắt như sau : Võ miếu ở Huế được
bắt đầu xây dựng vào năm
1835, thời vua Minh Mạng, đến 1836 thì xong. Tại
Miếu chính thờ 12 danh tướng Trung
Hoa sau đây : ở án chính trung, thờ Khương Tử
Nha (thời nhà Chu) ; ở án phía đông, thờ 6 nhân
vật : Quản Trọng (nước Tề
thời Đông Chu liệt quốc), Tôn Võ (nước Ngô thời
Đông Chu liệt quốc), Hàn Tín (nhà Hán), Lý Tĩnh
(nhà Đường), Lý Thanh (nhà Đường), Từ
Đạt (nhà Minh) ; ở án phía tây, thờ 5 nhân vật :
Điền Nhương Thư (nước Tề thời Đông Chu liệt
quốc), Trương Lương (nhà Hán), Gia Cát Lượng
(nhà Hán thời Tam quốc), Quách Tử Nghi (nhà
Đường), Nhạc Phi (nhà Tống). Tại 2 Miếu phụ
(Tả Vu và Hữu Vu), thờ 6 nhân vật Việt Nam ; ở
Tả Vu, thờ 3 vị : Trần Quốc Tuấn (1226-1300, nhà
Trần) ; Nguyễn Hữu Tiến (1602-1665, thời các
chúa Nguyễn), Tôn Thất Hội (1757-1789, thời
Nguyễn Ánh) ; ở Hữu Vu, thờ 3 vị : Lê Khôi
( ?-1446, nhà Lê), Nguyễn Hữu Dật (1603-1681,
thời các chúa Nguyễn) ; Nguyễn Văn Trương
(1740-1810, thời Nguyễn Ánh-Gia Long). Với binh
lửa và thời gian, hiện nay, chỉ còn 10 bài vị
thờ 5 nhân vật Trung Hoa (Quản Trọng, Trương
Lương, Gia Cát Lượng, Lý Thanh, Quách Tử Nghi)
và 5 nhân vật Việt Nam (Trần Quốc Tuấn, Nguyễn
Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội, Nguyễn
Văn Trương). 5 bài vị thờ người Tàu thì được
sơn son thếp vàng, trang trí kỹ, đều một cỡ cao
khoảng 52,5cm ; 5 bài vị thờ người Việt Nam sơ
sài hơn, sơ son nhưng không thếp vàng, cũng
không trang trí gì, không cùng một cỡ, nhưng nói
chung nhỏ hơn (cao từ 47cm đến 48cm).
(5) Trong bài Nhân đọc 2 lời bình về việc học
của người xưa, của tôi đăng trên tạp chí
Thời Đại số 4/1999, và có in lại trong cuốn
sách Chung quanh việc Học, của tôi, nxb
Thanh niên, Hà Nội 2004, tôi có trích lời bình
của hai vị sau đây :
a/ Ông Nguyễn Trường Tộ
viết trong Tế cấp bát điều, (bản dịch của
Trần Lê Hữu trong Những đề nghị cải cách của
Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỉ XIX - Đăng Huy
Vận, Chương Thâu - nxb Giáo dục 1961):
« Nước ta cũng có tổ tiên mà sự tích còn lưu
truyền lại [...]. Các vị danh thần trong các
triều đại trước của nước ta còn lưu lại biết bao
công lao thành tích [...], cũng có việc đáng nêu
lên, sao không truyền tụng những gương tốt đó
cho người ta phấn khởi bắt chước vùng lên [...]
mà cứ không kể đêm ngày luôn miệng kêu réo Hàn
Tín, Tiêu Hà của Trung quốc, là những người đã
chết từ mấy ngàn năm nay? Phải chăng hôm nay
chúng ta còn mang ơn họ? »
b/ Ông Dương Bá Trạc viết trong Tiếng gọi đàn
(Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội 1925):
Người Tàu thờ ông thánh Quan, bà Thiên-hậu, kỷ
niệm ông Khuất Bình, ông Giới Tử-Thôi, người
mình cũng bắt chước thờ ông thánh Quan, bà
Thiên-hậu, kỷ niệm ông Khuất Bình, ông Giới
Tử-Thôi. Trong cái lúc thâu-thái được chút đỉnh
luân-lý, học-vấn, văn-chương, kỹ-nghệ [...] thì
bao nhiêu cái dại cái dở [...] , mình cũng nhắm
mắt theo cho kỳ hết. Nhân thế mà bao nhiêu cái
tinh-thần tự-lập, cái năng-lực sáng-tạo mất dần
đi cả.
(6) Trong bài báo Thoáng nghĩ về chữ Nho,
đăng trên báo Tia Sáng số Xuân, tháng
2/2002, có in lại trong cuốn sách Chung quanh
việc Học, đã dẫn trên, tôi có nói ý nghĩ của
tôi về cái thứ chữ này : viết thì viết như người
Tàu, nhưng đọc ra thì người Tàu cũng không hiểu,
người nước ta cũng không hiểu, trừ vua quan và
nho sĩ. Chín thế kỉ học hành, thi cử, sách vở,
văn bản, pháp lệnh vv. đều dùng thứ chữ Nho như
vậy ; đến thời Pháp thuộc, năm 1918 mới bỏ thi
Hương, 1919 mới bỏ thi Hội thi Đình.
(7) Phạm Đình Hổ (1768-1839) kể trong cuốn Vũ
Trung tuỳ bút của ông (có bản dịch của
Nguyễn Hữu Tiến) mấy câu chuyện về thi cử thòi
Lê mạt, với sự nghi ngờ là có người đỗ không
xứng đáng. Tôi xin tóm tắt một chuyện :
« Thời đó, người ta đồn là
ông Nguyễn Hoãn, khi đi thi tiến sĩ, bài văn
sách là do bài của sáu văn sĩ làm giúp cho
trước. Lời đồn kể rằng vì thuở ấy bố ông Nguyễn
Hoãn, là Phong quận công Hiệu đang làm Tham tụng
(nghiã là Tể tướng), quyền to, các quan khác đều
sợ. Khi ấy có một ông quan bị khiển trách, phải
bãi chức. Một hôm, ông này được triệu vào tướng
phủ, nhưng ngồi đợi lâu ở nhà trong mà không
được yết kiến. Ngồi mãi, không có gì làm, ông ta
chợt thấy trên kỷ có một đầu đề văn sách, mở ra
xem đọc đi đọc lại thuộc hết cả. Suốt ngày được
kẻ hầu người hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều
ra về mà vẫn không thấy quan Tham tụng hỏi đến,
không hiểu ra sao. Đến khi phủ chúa (chúa Trịnh)
triệu tập các quan văn thần vào soạn đề thi, thì
ông quan ấy cũng được triệu vào, ông ta liền đề
nghị cái đầu đề văn sách đọc được bữa trước
trong tướng phủ. Khoa ấy, ông Nguyễn Hoãn đỗ Hội
nguyên ».
(8) Trong cuốn Chung quanh việc Học đã
dẫn trên, tôi có viết :
« Hiện nay, xem chừng như có sự tiếm xưng, tự
tôn vinh hay tôn vinh quá đáng, gây ra một sự
lẫn lộn không lành mạnh. Khởi thuỷ là một sự
hiểu sai thông tin. Trong một khoảng thời gian
mấy chục năm, tổ chức việc học đại học và cơ sở
nghiên cứu của ta chịu ảnh hưởng của Liên Xô.
Theo cách tổ chức đó, vai trò của Viện Hàn lâm
rất lớn, bao gộp hầu hết các viện nghiên cứu, và
do một số thành tựu khoa học thuở đó của Liên
Xô, danh hiệu viện sĩ được một số người Việt Nam
chiêm ngưỡng, nhất là khi danh hiệu này có trọng
lượng trong lĩnh vực quản lý khoa học và có kèm
theo những ưu đãi vật chất. Gần đây, khi nước
nhà đổi mới, mở cửa ra quốc tế, một số nhà khoa
học Việt Nam có dịp tiếp xúc với Mỹ và Tây Âu,
đã gặp loáng thoáng loại danh từ tương tự, nên
đã xảy ra một sự ngộ nhận. Academy (tiếng Mỹ),
Académie (tiếng Pháp) bị một số người hiểu lầm
là Viện Hàn lâm Quốc gia trong bất cứ trường hợp
nào; trong khi đó từ này có thể là tên gọi của
một hội khoa học tư, đóng một số tiền thì có thể
gia nhập, như New York Academy of Sciences; hoặc
có nghĩa là nơi mà người ta hành một thuật, một
trò giải trí như Académie Equitation Western
(cưỡi ngựa kiểu cao bồi), Académie de billard
(trò chơi bi-a), tất nhiên người gia nhập không
thể gọi là viện sĩ được. Từ sự ngộ nhận, nghe
nói đã có trường hợp tiến tới sự nhập nhằng tiếm
xưng và được tôn vinh. Trong một vài bài báo từ
năm 1999, cũng như một số người khác, tôi có báo
động việc này, nhưng có lẽ không mấy ai chú ý ».
Cũng trong cuốn sách đã dẫn, tôi có in lại bài
báo Bán hàm của tôi đăng trên báo Nông
Nghiệp Việt Nam, 15/4/2002, tạp chí Tia
Sáng nhắc lại 20/8/2005; nay tôi xin trích
vài câu như sau :
« Ngày nay, nghe đồn có một vài người hám danh,
dùng tiền của cơ quan để : trả niên liễm cho một
vài hội khoa học tư ngoại quốc để tiếm xưng
« viện sĩ », trả niên liễm cho mấy nhà xuất bản
cái mà họ gọi là danh sách « danh nhân thế
giới », để được đề cao, vv. Thay vì để việc này
tiếp tục, vừa không đẹp cho hình ảnh nước nhà,
vừa phạm vào việc « danh hiệu không đúng tiêu
chuẩn » nói trên, có thể nào bắt chước tổ tiên
ta trong cách giải quyết không ? Xin nêu hai thí
dụ. Nước ta hiện nay chưa có [và chưa cần thiết
có] Viện Hàn lâm, có thể nào qui định cho phép
những ai muốn, bỏ tiền ra mua một hư hàm « Viện
sĩ ». Như vậy, không những thoả mãn được ham
muốn của họ, mà còn lấy tiền của họ để làm việc
công ích như giúp học bổng cho sinh viên học
sinh, tu sửa trường sở, bồi dưỡng cho những cán
bộ giảng dạy chân chính, vv. ? […]. Lại có thể
nào cho phép mấy nhà xuất bản của một vài cơ
quan nhà nước, trước đây đã bỏ của công ra đăng
những cuốn sách tôn vinh một vài « danh nhân
không đúng tiêu chuẩn », nay được phép « bán
chỗ » trong các « danh sách danh nhân » địa
phương cho những ai muốn có tên trên các danh
sách đó, xen lẫn với vài tên danh nhân thế giới
? Tiền thu được vào công quĩ để làm những việc
thực sự có ích cho nền giáo dục đào tạo nước
nhà, phải chăng cũng là một việc tốt ? ».
(9) Cuộc Đại cách mạng văn hóa, thời Mao Trạch
Đông.