Có thể coi giáo dục đào tạo là hàng hóa được không?

Vietsciences-Gs. Bùi Trọng Liễu       27/02/2005  

 

Hiện nay, câu hỏi : « Có thể coi giáo dục đào tạo là hàng hóa được không ? » được một số người nêu ra, kèm theo những vấn đề liên quan như tư hữu hóa giáo dục, trường công trường tư, dịch vụ có lãi, hay vô vị lợi vv. Trong bài « Về giáo dục và thị trường » đăng trên Thời báo Kinh tế Sai gòn, ngày 14/10/04, tôi có nêu thí dụ nước Pháp để diễn tả một số ý. Trong bài « So sánh chương trình giáo dục đại học ở Mỹ và Việt Nam » đăng trên mạng http://www.vast.ac.vn/HVGD/ của xemina « Chấn hưng giáo dục », tác giả Vũ Quang Việt có đề cập đến một số vấn đề liên quan đến câu hỏi trên trong khung cảnh nước Mỹ, đất nướccủa nền kinh tế thị trường tự do. Mỹ và Pháp đều là nước tư bản, nhưng có những khác biệt trong cách tổ chức giáo dục đào tạo (GDĐT) ; tuy nhiên, về câu hỏi nêu trên, lại có những điểm tương đồng. Chính vì vậy mà tôi thử nêu lên những điểm tương đồng đó, nhằm mục đích góp một phần vào giải đáp cho câu hỏi trên, trong khung cảnh của nước nhà. (Tôi không nêu thí dụ các nước khác, vì nói chung, chúng cũng na ná như một trong hai trường hợp dẫn trên, và tôi chỉ đề cập đến GD đại học).

Mỹ là nước liên bang, GD thuộc về các bang, mỗi bang cũng gần như một nước; Pháp là nước có chính quyền tập trung, có Bộ quốc gia GD ; nhưng mục tiêu GDĐT của Mỹ và Pháp không khác nhau mấy, thí dụ như trong GD đại học không đặt vấn đề « đào tạo nhân tài », mà nhằm mục tiêu trang bị cho người học những hiểu biết cơ bản nghiêm túc và, ngay từ đó hay sau đó, mang lại cho họ những kỹ thuật nghề nghiệp vững chãi để đi vào thị trường lao động. Tài năng được nảy nở hay không là ở lúc đã vào đời.

Ở Pháp, đại học chủ yếu là công lập, nhà nước trợ cấp tài chính ; sinh viên hầu hết thuộc hệ thống công lập, trả học phí ít, vì lẽ dân chúng cho rằng tiền bạc của nhà nước là do của cải chung của nhân dân, người dân đóng góp trả thuế, cho nên nhà nước phải gánh GDĐT. Mỹ, có nhiều đại học tư, nhưng tư lập đây là theo nghĩa không chịu sự quản lý của chính quyền về mặt tài chính, trong khi công lập hưởng một phần sự tài trợ từ ngân sách của bang hoặc thành phố. Bảng thông kê của Vũ Quang Việt cho biết ở Mỹ tỉ số sinh viên công lập là 77%, tư lập là 23%, học phí ở đại học công chiếm 19% ngân quĩ (còn lại là tài trợ của chính quyền trung ương và địa phuơng, đóng góp của các nhà hảo tâm, vv.), học phí ở đại học tư chiếm 49%, vv. (trong khi một số người ở Việt Nam muốn nâng tỉ số sinh viên hệ « ngoài công lập » lên 40% , thậm chí 50%, và học phí trường công lập đôi khi cũng không nhẹ gì so với tư lập). Nhưng dù ở Mỹ hay ở Pháp, nói chung, công hay tư, các đại học đều không có mục đích kinh doanh, chúng hoạt động « vô vị lợi », chúng không phải là những công ty với cổ phần viên hưởng lợi nhuận. Lợi nhuận nếu có, thí dụ như do những hợp đồng ký và thực hiện với các doanh nghiệp, được sử dụng vào trang trải các kinh phí và trang bị nghiên cứu hoặc đầu tư phát triển trường. Trên mặt này, có thể nói là Mỹ và Pháp đều không coi giáo dục là một thứ hàng hóa mua bán kiếm lời.

Ở Pháp, giáo sư đại học được duyệt tuyển theo hai vòng : theo tiêu chuẩn quốc gia công nhận đủ tư cách ứng viên rồi các đại học tuyển lựa ; ở Mỹ, các đại học tự tuyển lựa trực tiếp theo tiêu chuẩn của mình. Nhưng ở cả hai nước, danh hiệu giáo sư gắn liền với chức vụ-chỗ làm, (khác hẳn với hình thức « phong hàm » - nay đổi gọi là phong chức danh - có lẽ đến ngày nay chỉ ở nước ta mới có). Theo tôi biết, thì ở hai nước kể trên, người ta cũng chỉ mở trường khi có hội tụ đủ những điều kiện, đặc biệt là điều kiện có được một đội ngũ nhà giáo đủ tiêu chuẩn. Cho nên dù có « cầu », cũng không cứ phải có « cung ». Nghe đồn là hiện nay ở nước ta, có nhiều đơn xin mở đại học dân lập tư lập chưa nhận được giấy phép ; « cầu » thì thấy rõ là có, nhưng với đội ngũ giảng dạy nào, có đủ chất lượng và số lượng, để « cung » ?

(Để minh họa, tôi xin nêu thí dụ vài con số ở Pháp hiện nay, niên học 2003-2004 :

Số sinh viên đủ mọi ngành là 2254949, kể cả ngành học ngắn hạn (tú tài+2 như IUT, mà có lẽ ở ta coi là cao đẳng, vv), trong đó sinh viên hệ công lập là 1941304, tư lập là 313645.

Tổng cộng số professeurs và maîtres de conférences đại học, nghĩa là các nhà giáo đại học có « chức danh chính thức » là 54956, với chi tiết như sau : Số Giáo sư đại học (professeurs des universités) là 19655 , gồm : 2596 cho các ngành Luật, KH chính trị, Quản lý ; 4479 cho các ngành văn khoa học nhân văn và xã hội ; 7854 cho các ngành khoa học và kỹ thuật ; 4726 cho các ngành Y Dược Nha. (Nhắc lại là giáo sư đại học ở Pháp ngày nay phải có bằng tiến sĩ và HDR (Habilitation à Diriger des Recherches) cho mọi ngành trừ Luật, KH Chính trị và Quản lý phải có Agrégation de l’Enseignement Supérieur, và được tuyển theo 2 vòng : vòng 1 do Hội đồng khoa học toàn quốc xét duyệt công trình khoa học để công nhân tư cách ứng viên (qualification), rồi vòng 2 do Hội đồng khoa học trường đại học tuyển chọn theo nguyên tắc bàu ; sau đó Tổng thống ký sắc lệnh bổ nhiệm). Số maîtres de conférences (một danh hiệu khó dịch ra tiếng Việt, vì bằng cấp và lý lịch khoa học tương đối cao mà quyền hạn thì lại tương đối thấp so với nước khác !) là 35301 gồm 5248 cho các ngành Luật, KH chính trị, Quản lý ; 10285 cho các ngành văn khoa học nhân văn và xã hội ; 16511 cho các ngành khoa học và kỹ thuật ; 3257 cho các ngành Y Dược Nha. (Nhắc lại là loại nhà giáo này phải có bằng tiến sĩ, được tuyển theo 2 vòng : vòng 1 do Hội đồng khoa học toàn quốc xét duyệt công trình khoa học để công nhân tư cách ứng viên (qualification), rồi vòng 2 do Hội đồng khoa học trường đại học tuyển chọn theo nguyên tắc bàu ; sau đó Bộ trưởng ký nghị định bổ nhiệm). Đây là loại nhà giáo cơ hữu của các đại học công lập ; trong số 54956 này không kể các phụ giảng viên cơ hữu hay giảng viên theo hợp đồng có bằng tiến sĩ hay không, giáo viên thỉnh giảng, các nghiên cứu viên thấp hay cao như loại directeurs de recherche CNRS tham gia giảng dạy một số giờ, cũng không kể các nhà giáo của hệ tư lập. Số luận án tiến sĩ bảo vệ Pháp là khoảng trên 1 vạn mỗi năm.)

Vì số lượng và chất lượng của đội ngũ nhà giáo cần như thế, tôi thiết tưởng, vấn đề cấp bách hiện nay không phải là chuyển từ đại học tinh hoa sang đại học đại chúng, mà là giáo dục đại học phải có trình độ đại học, nếu không thì là chính thức hóa « học giả, bằng thật », « dán nhãn hiệu chất lượng cho hàng hóa dỏm ». Thà rằng, trong một thời gian chấn chỉnh, tạm như Trần Hưng Đạo thời chống quân Nguyên đã nói : quân tinh còn hơn quân đông.

Nếu coi giáo dục đại học như một « dịch vụ », người giảng dạy là người lao động, tất phải được hưởng thụ sự đền bù công sức của mình, với điều kiện là chất lượng giảng dạy của mình có giá trị phù hợp. Mà ở mức độ này, chất lượng giảng dạy luôn luôn gắn liền với khả năng cập nhật, với nghiên cứu khoa học, cho nên ở đại học Mỹ hay ở đại học Pháp, nhà giáo cũng là nhà nghiên cứu. Vì vậy mới có câu hỏi : cách tổ chức đại học tách rời với các viện nghiên cứu (mang dáng dấp lưu luyến với mô hình tổ chức kiểu Liên Xô cũ với những nhược điểm của nó) liệu có khả năng bảo đảm nổi chất lượng giảng dạy không ? Rồi cũng lại có câu hỏi : giả thử như chấp nhận tư hóa giáo dục, cho phép mở vung vãi nhiều đại học tư và coi đó là những cơ sở kinh doanh với cổ phần viên hưởng lợi nhuận, họ sẽ chọn mở những ngành thời thượng nhưng nhất thời và cần đầu tư nhẹ nhất để chóng có lãi mà ít vốn ; vậy thì những ngành đầu tư nặng, lâu dài nhưng mang tính chiến lược, thì ai lo ? Vì vậy mà GD đại học không nên tư hóa quá một tỉ số nào đó, điều mà chính nước Mỹ, đất nước của tư bản và kinh tế thị trường tự do, cũng chú ý.

Tôi đã cố thử tìm hiểu vài khía cạnh của vấn đề . Nhưng xét cho cùng, từ ngữ không thể thay thế được cho một đường lối. Thay vì câu hỏi « GD có là hàng hóa hay không ? », phải chăng câu hỏi chính phải giải đáp là : ta muốn gì ?

 

http://www.ncst.ac.vn/HVGD/

© http://vietsciences.free.fr Bùi Trọng Liễu