Truyện ngắn không tên

Tô Vũ                                                      Trích "Chuyện Cà Kê"
 

Ðể bổ túc kiến thức về bệnh Bò Ðiên, xin mời đọc  bài Bacteria, Virus và Prion

 
 

Ít lâu nay ở nước Pháp có chuyện bò điên. Bng dưng con bò đi lẩy bẩy không vững, rồi lăn ra chết. Các nhà khoa học tìm ra một loại siêu vi khuẩn ở trong tủy, trong óc con bò, làm  cho bò bị điên và sợ rằng bệnh điên đó có thể lây sang người tiêu thụ được, nên đưa ra những luật lệ khắt khe để cấm đoán hòng giảm bớt sự nguy hiểm có thể gây ra cho người.

Nguyên nhân những vi khuẩn đó do những thức ăn của bò, lấy từ xác những con vật chết, đốt cháy rồi nghiền thành bột cho bò, heo, gà, cá ăn thay chất prô-tê-in.  

Có người sợ không dám ăn thịt bò nữa. Sức tiêu thụ thịt bò giảm xuống nhiều, các nhà chăn nuôi kêu trời lỗ lã, có nhà bị phá sản. Tuy nhiên vẫn còn  một số người vẫn ăn nên các nhà nghiên cứu khuyến cáo người tiêu thụ chỉ nên ăn bắp thịt, đừng ăn  óc, tủy, mắt,  lá lách, lòng, xương có tủy và các bộ phận nguy hiểm khác v.v...

Tô Vũ tôi vẫn thường đến ăn phở ở quận 13 Paris ngày cuối tuần, nên nhận thấy các tiệm phở vẫn đông đúc như xưa, và coi thấy nạn bò điên chẳng làm lay chuyển được lòng dạ trung thành của các người nghiện phở. Một ông bạn nói "tỉnh bơ" rằng theo các nhà  khoa học thì nếu có bị lây phải 10 hoặc 20 năm nưã bệnh mới phát ra, đừng lo! Một ông bạn khác thì nói rằng số người chết ở Pháp vì bệnh bò điên mới chỉ khoảng vài chục người, còn thua xa với số tử vong về tai nạn lưu thông, nên cũng đừng lo! Riêng Tô Vũ tôi thì không dám xen vào lãnh vực khoa học là lãnh vực mù tịt không biết, nên chỉ lẩm cẩm nghĩ rằng, bò là một con vật ăn cỏ, ăn prô-tê-in thực vật, bao tử bò không thể tiêu được những prô-tê-in động vật chế biến từ xác chết các súc vật. Cho nên bắt bò ăn những thức ăn mà cơ thể nó không thích hợp, bao tử nó không tiêu hoá được, hết ngày này sang ngày khác, bò tức quá, không xuống đường biểu tình phản đối được, không la lối om sòm được, không đăng báo chửi bới được, nên nó phát điên, chứ chẳng phải vi khuẩn với vi trùng gì ráo trọi! Ở nước ta, ai cũng biết con bò là con vật hiền lành, nó kéo cày, kéo xe, làm quần quật từ sáng đến tối, buổi chiều khi nghỉ việc cho nó ăn ít rơm , một vài bó cỏ là nó mãn nguyện rồi, có thấy nói đến bò điên bao giờ đâu! Không những nó phục vụ tốt cho loài người mà  loài người đã không biết ơn nó lại  còn xơi tái nó chấm với tương Cự Đà, rồi còn tặng cho nó danh từ "ngu như bò" !  Thật là quá đáng !

Nói thì nói chơi vậy chứ những con vật không phải là ngu.  Con bò, con gà, con trâu, con cừu, con voi, con cọp, con cá, con khỉ, con chim, con rắn v.v... tất cả các con vật ở trên trái đất mà ông Nô-ê đã cứu sống qua nạn hồng thủy, ngoại trừ con khủng long dinosaure vì thiếu chỗ ông Nô-ê không chở nó đi được nên nó bị tiêu diệt tuyệt chủng, tất cả các con vật trên trái đất đều có trí khôn mà loài người không biết đấy thôi.
Tô Vũ tôi xin cà kê một truyện vui sau đây đễ tặng độc giả tủm tỉm cười chơi nhân dịp cuối năm Rồng đầu năm Rắn,  một truyện nhan đề là "Bài học của con gà trống", truyện này trích từ truyện cổ thần thoại Arabian Nights .
 

Ở một xứ Ả rập thời cổ xưa xa xăm, có một ông vua bị bà hoàng hậu cho "mọc sừng", ông bắt được nên ông trừng phạt,  giết chết bà ta và giết luôn cả những cung tần mỹ nữ hầu hạ trong cung điện.  Ông vẫn chưa nguôi giận nên ông trừng phạt luôn cả những người thiếu nữ trè đẹp ở trong nước. Ông ra lệnh cho tể tướng mỗi đêm phải tiến vào cung một thiếu nữ. Người thiếu nữ được sửa soạn trang điểm lộng lẫy, dâng cho vua làm vợ một đêm, đến sáng sớm hôm sau thì vua ra lệnh cho tể tướng giao thiếu nữ đó cho đao phủ chém chết.  Khắp nơi trong nước xôn xao bàn tán. Những nhà có con gái luôn luôn lo sợ đến số phận của con mình, nên yêu cầu các quan đại thần can ngăn Nhà Vua. Có nhiều ông quan dâng sớ can ngăn nhưng Nhà Vua không những không nghe mà còn ra lệnh chém đầu các ông quan đó. Quần thần đều lo sợ cho mạng sống của mình, không một ai dám ho he phản đối nữa.

Mọi người đều sợ hãi, oán hờn, căm phẫn, không ai còn vui vẻ làm ăn như trước. Đứng trước tai hoạ gieo vào dân gian mà không có cách nào chấm dứt được, cô con gái quan tể tướng tìm ra được một kế. Cô là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, rất giỏi về thơ văn, có một trí nhớ phi thường, và lại có lòng dạ nhân từ thương những người hoạn nạn.  Cô xin cha dẫn cô vào cung điện tiến cho Nhà Vua để làm vợ vua một đêm. Ông Tể tướng đang lo cho số phận của hai người con gái của ông,  không biết bao giờ đến lượt, nay thấy con gái tự ý mang thân dẫn vào miệng hùm, ông sợ hãi nói:

- Con ơi, cha vẫn thương con, không bao giờ từ chối con một điều gì. Nhưng với điều này thì cha không thể chiều con được. Con không nghe thấy Nhà Vua ra lệnh giết biết bao nhiêu thiếu nữ rồi đó không ? con mất trí rồi hay sao ?

- Thưa cha, con vẫn sáng suốt. Xin cha tha tội cho con là phận gái mà dám xét đoán công việc của Nhà Vua, nhưng con thấy toàn dân trong thành đều kêu ca, oán hận, con muốn chấm dứt hành động dã man đó để cứu vãn cho hàng ngàn thiếu nữ vô tội.

- Điều con nghĩ đó là điều đáng khen, nhưng con không biết rằng Nhà Vua đã thề chỉ ngủ với mỗi người con gái một đêm rồi sáng hôm sau giết chết. Cha dù có làm đến chức tể tướng thì cha cũng không thể cãi mệnh lệnh Nhà Vua để cứu mạng con được.

- Thưa cha, con không dám nhờ đến thế lực của cha, con đã có kế hoạch.

- Cha không thể chiều lòng con được, cha không thể nào đưa con vào chỗ chết.

- Thưa cha, con biết là nguy hiểm lắm, nhưng con muốn được vào cung điện  làm vợ Nhà Vua một đêm để thi hành kế hoạch của con, nếu chẳng may kế hoạch thất bại con có chết thì cũng là một vinh dự, nếu thành công thì là một điều nhân đạo đáng hy sinh tánh mạng để cứu vãn hàng ngàn cô gái vô tội đáng thương.

- Con ôi, thôi con đừng nói nữa, cha không thể chiều lòng con đuợc. Con giống như con lừa trong truyện cổ tích,  có ý định tốt nhưng hành động không tốt.

- Con không biết truyện đó, xin cha cho con nghe.

- Được ! Con hãy nghe cha kể :

Một phú nông giàu có, có nhiều ruộng đất vừa chăn nuôi gia súc vừa trồng trọt. Phú nông được một bà tiên truyền cho biệt tài hiểu được tiếng súc vật nói với nhau,  nhưng bà tiên dặn rằng nếu phú ông kể cho ai biết những điều gì mà ông ta nghe thấy thì ông bị chết liền. Trong vườn nhà ông có một con bò và một con lừa. Một buổi tối trời nóng nực, ông ngồi ngoài vườn hóng mát gần chuồng nhốt hai con vật, ông nghe thấy con bò nói với con lưà :

- Anh thật là sung sướng, suốt ngày thanh nhàn, lại còn được người tắm rửa, chải lông cho mượt, ăn ngô ăn thóc cho béo, lâu lâu mới phải kéo cái xe nhỏ đưa ông chủ đi chút việc rồi lại về ngay. Trái lại tôi thật cực nhọc. Tờ mờ sáng đã phải kéo cày suốt ngày nặng nhọc, mệt quá cũng không được nghỉ. Không những thế luôn luôn bị anh thợ cày đi đàng sau lấy roi quất vào mông, không ngưng được. Đã thế, đến tối về chỉ được ăn bó rơm và chút đậu khô dính đầy đất. Ngủ thì nằm ngay cạnh bãi phân mùi hôi nồng nặc. 

Con lừa chờ cho con bò kể lể hết nỗi khổ, rồi nói:

- Người ta nói "ngu như bò!" thật đúng không sai. Tôi thấy người ta dắt anh đi đâu, bắt anh làm gì, cho anh ăn gì,  anh cũng díu díu theo, anh có phản đối bao giờ đâu. Anh phải phản đối chớ! kéo đi thì anh không đi, cho ăn tồi thì anh không ăn, đánh đập thì anh giơ sừng ra doạ húc, anh cứ làm như thế rồi anh sẽ thấy có sự thay đổi tốt, rồi anh sẽ biết ơn tôi.

Sáng sớm hôm sau người thợ cày đến dắt bò ra đồng cày ruộng. Bò theo ra đồng nhưng suốt ngày tỏ ra bướng bỉnh, lúc chiều về cho ăn rơm khô, bò không chịu ăn và còn giơ sừng định húc nữa. Sáng sớm hôm sau thợ cày đến, thấy đống rơm vẫn  còn nguyên, bò nằm dưới đất bốn chân duỗi thẳng không nhúc nhích. Anh thợ cày cho rằng bò bị bệnh nên báo cho ông chủ biết.

Ông phú nông biết rằng con bò đã nghe lời con lừa, nên ông ta bảo anh thợ cày dắt con lừa ra đồng cày ruộng thay thế con bò. Suốt ngày hôm ấy lừa phải kéo cầy nặng nhọc, nhất là lại không quen công việc, không những thế còn bị anh thợ cày đánh đập nữa, nên đến chiều về, lừa không còn hơi sức để đi nữa. Suốt ngày hôm ấy bò được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, chờ lừa về để cảm ơn. Khi bò thấy lừa đi ngang qua, bò ngỏ lời cảm ơn, lừa lặng thinh không trả lời. Đến lúc thợ cày buộc lừa vào máng cỏ cho ăn, thì lừa không còn đứng vững nữa, ngã lăn kềnh ra. Lừa lo ngại nếu cứ phải thay bò kéo cày thì chẳng mấy lúc  kiệt sức mà chết, nghĩ mình thật dại dột, đang ở yên ở lành sung sướng lại bầy vẽ cho con bò nên phải lãnh đủ.

Kể đến đây, ông tể tướng ngưng lại, nói với con gái rằng:

- Con đang giống như con lừa ở trong truyện. Đang ở yên lành sung sướng lại bầy chuyện ra để mà lo. Thôi con ơi, con đừng tính chuyện can thiệp vào việc của Nhà Vua nữa.

 Cô con gái trả lời : Thưa cha, chuyện con lừa mà cha kể không thể làm con thay đổi quyết định, nếu cha không tiến dẫn con vào cung điện làm vợ Nhà Vua, thi con còn quấy rầy cha cho đến khi nào cha bằng lòng mới thôi.

- Nếu con  không thay đổi ý định thì cha bắt buộc phải làm theo như ông phú nông.

- Phú nông làm thế nào, xin cha cho con biết.

Phú nông thấy lừa kiệt sức, muốn biết lừa phản ứng ra sao, nên đêm hôm đó dắt vợ  ra vườn gần chuồng bò ngồi hóng mát, gặp lúc lừa đang nói với bò :

- Sáng mai thợ cày mang rơm cho anh ăn thì anh làm thế nào?

- Tôi lại làm như lời anh bảo chứ còn làm thế nào nữa. Tôi giả dạng bị đau, nếu thợ cày đến gần định giắt tôi ra đồng thì tôi lùi lại và cúi đầu giơ sừng húc.

- Không được đâu anh! Anh mà làm thế nữa thì mất mạng. Chiều nay, khi đi ngang chỗ ông chủ đứng tôi thấy ông chủ bảo anh thợ cày rằng, nếu ngày mai con bò bị đau không đi cày được nữa thì anh gọi người đến làm thịt phân phát cho những kẻ nghèo trong làng, chỉ giữ cái da để làm giày dép.

Bò nghe thấy thế rụng rời chân tay, năn nỉ lừa bầy mưu cho thoát chết. Lừa biết bò trúng kế, thủng thẳng nói :

- Đầu tiên là khi nào người ta mang rơm và đậu khô cho anh ăn, thì anh vui vẻ ăn như là đói khát lắm, rồi khi thợ cày đến đắt anh ra đồng thì anh ngoan ngoãn như mọi ngày, ông chủ thấy thế cho là anh hết bệnh sẽ tha chết cho anh không gọi đồ tể đến làm thịt anh nữa. Bò nghe thấy thế mừng quá cảm ơn lừa rối rít.

Phú nông bật cười lớn làm bà vợ ngồi bên cạnh không hiểu sao chồng lại phá lên cười, hỏi chồng lý do tại sao ?

Ông chồng không dám nhắc lại những lời hai con vật nói, vì nếu ông kể ra thì ông bị chết, nên trả lời bà vợ rằng nghe hai con vật nói với nhau mà buồn cười đó thôi chứ không có gi quan trọng.

Bà vợ nghi ngờ ông chồng có điều gì dấu diếm, nên nói rằng :

- Nếu ông không cho tôi biết tại sao ông bật cười thì từ nay trở đi, tôi không chung sống với ông nữa. Nói rồi bà vợ vào nhà, ngồi xuống một góc phòng, gào khóc suốt đêm không ngủ.

 Sáng hôm sau ông chồng thấy vợ vẫn còn khóc chưa nguôi, bèn nói rằng:

- Đây là chuyện giữa con bò và con lừa, không dính dáng gì tới bà và tôi, thôi bà bỏ qua đi đừng khóc nữa.

Bà vợ nghe thấy càng khóc thêm và nói rằng: Tôi chỉ nín khi nào ông cho tôi biết chuyện đó là chuyện gì.

-  Đây là điều bí mật tôi phải giữ, nếu tôi nói ra thì tôi phải chết.

- Vậy thì tôi không thể sống được, tôi cứ ngồi ở đây cho đến khi nào kiệt lực chết thì thôi.

Ông chồng nói, nếu bà quyết định như vậy, thì tôi phải gọi các con cháu và cha mẹ bà lại từ biệt trước khi bà chết.

Nói rồi ông cho người đi mời bố mẹ vợ và gọi các con cháu lại. Mọi người đều khuyên ngăn bà ta, nói rằng câu chuyện không đáng để phải chết, nhưng bà ta nhất định không nghe. Phú nông rầu rĩ ngồi ở bực cửa nhìn ra vườn. Ông thương vợ quá, sợ bà vợ không ăn uống khóc lóc buồn rầu mà chết, nên ông định hy sinh kể câu chuyện giữa con bò và con lừa cho bà vợ biết, rồi sau ông có phải chết thì ông cũng chấp nhận.

Trong vườn có nuôi một đàn gà, hai chục con mái và một con trống, và một con chó giữ nhà. Con chó nằm ở bực cửa, thấy gà mái cục ta cục tác, gà trống đạp gà mái, rồi gáy om sòm. Con chó bảo gà trống rằng : Mày vô tình quá, mày chẳng thấy trong nhà này ai cũng buồn và lo cho ông chủ, chỉ riêng mình mày vui thú với vợ lại còn la lối gáy om sòm.

Gà đáp :  Tại sao hôm nay tao lại không vui thú như mọi ngày được ?

Chó nói :  Để tao nói cho mày biết chuyện. Cả nhà lo sợ cho ông chủ. Vi ông ấy thương vợ, thấy vợ khóc lóc quá, sợ ông không cương quyết, nói ra điều bí mật thì ông bị chết. Cả nhà đều buồn rầu chung, chỉ riêng mày không những không buồn mà lại còn tìm thú riêng rồi la lối om sòm.

Gà đáp:  Ông chủ nhà này hiền quá. Ông chỉ có một vợ mà không dìều khiển nổi, trái lại tao có hai chục vợ mà tao muốn làm gì thì làm chẳng có vợ nào dám cự nự cả. Ôi chao ! ông chỉ cần cương quyết một chút là yên ổn câu chuyện.

Chó nói : Theo như mày thì ông phải làm  gì ?

Gà đáp : Có khó gì đâu. Ông vào phòng đóng chặt cửa lại, lấy roi quất cho bà mấy chục cái, là bà ríu ríu nghe lời ông ngay.

Vừa nghe gà sống nói tới đó, phú nông vội đứng dậy, tìm một cái gậy nhỏ, vào phòng bà vợ đang ngồi khóc lóc, khoá chặt cửa lại, ông quất túi bụi cho bà mấy chục cái, bà vợ hoảng hồn chạy không thoát, lạy van chồng tha cho không dám hỏi nữa. Phú nông thấy vợ thực hối cải, mở cửa toang ra, cho cả nhà vào, mọi người mừng rỡ ngợi khen ông đã tìm được một giải pháp nhanh chóng, tốt đẹp, mặc dầu không được lịch sự lắm!

Kể đến đây, ông tể tướng bảo con gái  rằng :

- Con ơi ! con đáng phải đánh đòn như bà vợ ông phú nông đó.

- Thưa cha, con thật có tội với cha, nhưng con không thể tuân theo lời cha được. Nếu cha lấy tình phụ tử mà thương con, ngăn cản con thì con sẽ vào thẳng cung điện, xin với Nhà Vua để được làm vợ vua một đêm.

Ông tể tướng thấy con gái nói vậy biết  không thể nào lay chuyển, ngăn cản con gái được, bèn vào tâu với vua rằng tối nay sẽ đem con gái mình vào cung điện để dâng nhà vua.

Vua ngạc nhiên hỏi nguyên do. Tể tướng trả lời  là do ý muốn của con gái ông. Con gái ông muốn được vinh dự làm vợ vua một đêm rồi sáng hôm sau có chết cũng cam tâm.

Nhà Vua nói : Tể tướng đừng có mơ ước hão huyền. Sáng mai ta sẽ ra lệnh cho tể tướng giết con gái, tể tướng phải tuân lệnh, không thể từ chối được. Nếu không tuân hành thì chính tể tướng cũng bị chặt đầu.

Tể tướng trả lời : Hạ thần sẽ đau lòng đứt ruột khi phải thi hành mệnh lệnh, nhưng hạ thần đã quyết tâm trung thành với thánh thượng thì dù có phải giết con gái mình để thi hành mệnh lệnh thần cũng phải tuân theo.

Vua nghe nói vậy bèn chấp nhận lời đề nghị của ông tể tướng.....

 
Xuân Tân Tị
 
Tô Vũ (Paris)
 
Trích "Chuyện Cà Kê của Tô Vũ)