Thằng nhỏ bên kia

Vietsciences-Thuần Ngọc         01/01/05

 

            Tôi không nhớ rõ tại sao, chỉ biết là tôi đã sống thời thơ ấu ở nhà ông Ngoại của tôi.  Nhà ông Ngoại tôi nằm ngay mặt lộ, trên đường Hàng Thị, gọi tên Tây là Avenue de l'Inspection, cách chợ Bà Chiểu chưa đầy 500 thước.  Ba tôi có lẽ đi làm xa, ít khi tôi gặp mặt, má tôi rất cưng thằng em kế tôi, chăm chút lo cho nó, nên suốt ngày tôi chơi một mình ở ngoài sân, hay đôi khi, tham dự các trò chơi do Cậu Út của tôi bày đặt, chơi chung với anh chị, con Cậu Tư tôi.

            Sân nhà ông Ngoại tôi rộng lắm, trong sân có hai cây rất lớn thuộc loại cổ thụ và gần mười loại cây khác mà tôi vn còn nhớ một cách rành mạch.  Từ trong nhà ngó ra, gần hàng ba là bốn cây bông lài, hoa trắng, rất thơm và thường nở về đêm.  Ra ngoài một chút, bên trái là cây hồng quân, và bên phải là cây vú sữa trắng, cả hai cây đều gần hàng rào hai bên hông nhà. 

            Cây hồng quân gốc khá lớn, cành chắc và dẻo, chỉ có gai trên những cành nhỏ, lá nhỏ, không rậm lắm.  Thường rất sai trái, trái hồng quân lúc sống màu xanh, ăn rất chát, lớn cỡ đầu ngón tay cái người lớn hay hơn một chút, khi chín lúc đầu ngả sang màu hồng  lợt, rồi đỏ và sau cùng là màu đỏ hay tím sẫm.  Lúc đó ăn ngọt, có vị hơi chua.  Tôi ít hái trái ăn, chỉ khoái leo cây, và leo rất cao.  Lên trên chót vót ngọn cây, gió thổi mát, và tầm mắt không vướng nóc dãy phố bên cạnh, tôi có nhiều lần thấy tàu lớn ra, vào sông Sài Gòn.

            Tôi chưa bao giờ leo cây vú sữa được, gốc và thân cây lớn quá, hai tay tôi không ôm hết vòng, vỏ lại sần sì, bám chân vào hơi đau, chạng hai, nơi có thể đặt chơn làm trớn leo lên, lại cao khỏi đầu tôi.  Lá vú sữa lớn hơn bàn tay, mặt trên màu xanh, hơi láng, mặt dưới lộ gân lá, màu nâu nâu.  Lá rậm, trời mưa lâm râm, núp dưới  gốc cây không  bị ướt.  Trái vú sữa trắng , lúc chín rất ngọt.  Những trái nhỏ cũng lớn hơn chén sành ăn cơm, và có trái lớn, để gần đầy tô mì nhỏ.  Tôi đo thử  hết, vì ngày tháng rộng, chưa đi học, và  chơi một mình.  Má tôi theo giữ thằng em kế tôi, và nó quấn quít trong nhà suốt ngày, thành ra tôi hưởng nhiều tự do, chạy nhảy, leo cây, chỉ bị cấm đến gần giếng thôi.  Mà tôi cũng không đến gần giếng, vì chẳng có gì hấp dẫn.  Tôi có chống tay trên thành giếng hai lần, gọi bống lên ăn, nhưng có lẽ mắc chống tay, không v được, nên không có con cá nào ló lên, tôi không khoái cái giếng đó lắm.

            Sau hai cây cổ thụ trên, ở bên phía cây vú sữa là cây mận xanh, cây mận trắng.  Trái không sai, nhưng có ổ kiến vàng.  Tôi cho kiến cắn lộn thường lắm, và thích nhất là khi kiếm được một con kiến lửa đầu bự đi trong đoàn ở dưới đất.  Chộp anh ta ngay, và hí hửng chạy đến cây mận xanh, vì ổ kiến vàng bên cây này đông và dữ hơn đám kiến vàng bên cây mận trắng, có lẽ tại khác thủy thổ chăng?  Thả anh kiến lửa đầu bự vào giữa đàn kiến vàng, và xem anh ta tả xông hữu đột không khác gì Triệu Vân một ngựa một thương, đai Á Ðẩu, phá quân Tào.  Thường thì kiến lửa đầu bự không thoát ra được, tuy mỗi khi kiến vàng bị nó kẹp trúng, là đứt đôi ra ngay.  Nhưng xoay trở một hồi, kiến lửa đầu bự bị đám kiến vàng cắn chân giữ lại, rồi có con bò lên lưng, cắn cho đến khi kiến lửa lăn queo ra.  Nhưng có khi kiến lửa cũng chạy trở xuống đất được, và tìm đường về đoàn, tha hồ kể lại chiến tích anh dũng với mấy con kiến lửa nhỏ.  Sau này, biết là ác, không cho kiến cắn lộn na, nhưng lúc nhỏ đâu có món đồ chơi nào?

            Bên trái cây mận trắng là cây bông trang, bông màu đỏ từng chùm lớn, bà Ngoại tôi thường hái và chưng cúng trên bàn thờ.  Tôi hay ngắt từng cái bông vào lúc sáng sớm, rút cây tăm giữa những cánh hoa, kéo ra khỏi cọng.  Thường có một giọt sương ra theo cuối cọng tăm này, nếm ngọt như mật, nhưng vì giọt quá nhỏ, nếm một hồi thì làm biếng, vì rút tăm rất công phu, gãy nửa chừng không có mật.  Cây bông trang này khá đặc biệt vì nó cao, cỡ hơn hai thước, gốc lớn như bắp chân, sau này ít khi tôi được thấy cây bông trang nào lớn như thế.

            Gần bên cây mận xanh là cây bòn bon.  Cây nầy ít khi ra trái, trái như trái dâu ta, tròn hơn một chút, và bên trong cũng giống như trái dâu, có ba hay bốn múi, có hột, vị ngọt chứ không chua.  Cây có vẻ chắc chắn, ít cành, lá vừa phải không lớn, không nhỏ, trái mọc từng chùm từ thân cành hay cây.  Bên trái cây bòn bon là cây điệp, bông màu vàng chớ không đỏ.  Trái điệp dài, trong có hột màu xanh bóng khi trái chín.  Lúc trái đen, khô lại thì đã quá già.  Lúc trái mới chín còn xanh, hái xuống, bẻ ra, tỉa lấy mấy cái hột hơi dẹp mà mập, g lớp vỏ xanh ra gặp một lớp thịt bao quanh nhân xanh, lớp thịt này ăn được, hơi sừng sực, nhưng ngọt ngọt.  Nhân tuy ăn được, nhưng hơi đắng, tôi không hảo mấy.

            Sau cây bòn bon, và sát hàng rào trước nhà là cây nguyệt quới, bông trắng, trái nhỏ, hơi nhọn đầu, từng chùm mươi, mười lăm trái, khi chín màu đỏ, thịt mềm, không ăn được, nhưng tôi cũng có thử, nên biết vị cay cay.  Ðầu mùa mưa, bông trắng trổ thành chùm đầy cả cây, không còn thấy lá.  Về đêm hoa rất thơm, tuy không ngào ngạt như dạ lý hương.  Cây nguyệt quới nầy khá cao, thân nhỏ nhưng rất chắc, trưa leo lên cháng ba ngồi lim dim cũng thần tiên lắm.

            Xeo xéo cây nguyệt quới là cây mai, huỳnh mai, gốc to cỡ tấm thớt.  Cây có nhánh xoai xoải ra hai bên, từ từng, trông rất đẹp, và quý phái, không giống cây mận, cây điệp, nhánh chĩa tứ tung, không có tôn ti, trật tự gì hết.  Cây mai nầy, với cây mai thứ nhì sát con đường vô nhà, phía bên kia cây mận trắng là niềm hảnh diện của ông Ngoại tôi.  Hàng năm, đến cuối tháng 11 ta, là anh em chúng tôi được giao cho việc tước lá mai.  Trong hai ba ngày phải tước sạch hết lá, nhưng không được làm cẩu thả, ồ ạt để gảy nhánh nhỏ mà phải chắt chiu ngắt từ cọng lá.  Một hai tuần sau là nụ mai nhú ra, đầy các nhánh con.  Khoảng 27, 28 Tết, mấy cậu tôi chặt nhánh mai, bó lại, và tùy theo nhánh lớn nhỏ, nhiều bông, nhiều nụ, mà đem tặng bà con, bạn bè của ông Ngoại tôi, hay đem chưng lên ba bàn thờ chính trong nhà.  Không biết vì sao, hoa mai trên hai cây nầy nở rất lớn, mỗi bông năm hay sáu cánh màu vàng tươi, và qua đến rằm mới bắt đầu tàn.  Những người được biếu đều nhắc xin các cậu của tôi  từ giữa tháng 11 ta.

            Cây mai nằm sát hàng rào bên hông nhà.  Bên kia rào là con đường nhỏ, và sát đường nhỏ là một dãy phố năm căn.  Căn đầu, gần nhà ông Ngoại tôi nhất là nhà Thầy giáo Bảo.  Ông dạy lớp nhứt trường Nam Tiểu học Gia Ðịnh, người rất to, bụng bự, và trị học  trò rất nghiêm.  Ông dùng cây đô vông  mà mấy cậu của tôi, ai cũng  đã học qua tay ông, gọi là cây thiết bảng.  Cậu Út tôi chuyên môn đọc chuyện Tàu, than thầm với chúng tôi là chuyện Tây Du bây giờ lộn ngược, để Bát Giới dùng vũ khí của Tề Thiên đánh đau quá.  Tôi chỉ biết tới đó ở bên dãy phố bên kia.  Phía đằng sau dãy phố là khu đất lớn, có một bụi tre già, thân tre to, dang hai gang tay tôi  hết cỡ cũng không bao trọn vòng một cây tre được.  Quanh bụi tre, Thầy giáo Bảo chôn sáu, bảy cái lu ngập hơn phân nửa  xuống đất để Thầy nuôi cá thia thia, cá ta lẫn cá Xiêm.  Mỗi ngày  đi dạy về, Thầy ra đó, sang nước, vớt bỏ bèo chết, thay bèo mới, coi mấy đàn cá, và có khi lựa những con cá đã lớn đến cỡ cho đá được, vớt chúng ra, cho vào những cái chai đã cắt bỏ nửa trên, đem vào nhà.  Trong nhà Thầy có trên dưới một trăm chai, để san sát nhau, và xé giấy tập học trò ngăn giữa hai chai kế nhau.  Thầy dợt đám cá mới, xê dịch mấy chai, để gần nhau, và coi cách mấy con cá phùng mang, vươn vây, xáp vào nhau, chỉ chực phóng qua cắn lộn.  Thầy xem tướng cá rất hay, và khi cho đá thử, rất công bình.  Thầy thường cáp độ cá trước, chọn hai con tương xứng, rồi dùng một lúc hai cây vợt, vớt cá, bỏ vào thau nước cùng lúc.  Trong thau có tấm kiếng đục ngăn hay bên.  Ðợi cho cả hai con cá lại sức và hoàn hồn sau vụ vớt, Thầy mới từ từ rút tấm kiến ngăn, để hai chú cá tiến tới lao vào nhau, bắt đầu trận chiến.

            Tôi ít khi qua nhà Thầy giáo, và hầu như không đi quá cửa sau nhà Thầy qua mấy căn phố kế.  Cho đến một hôm, dường như sau khi mấy chú lính Tây không còn xếp hàng đi qua, đi lại trên đường Hàng Thị na, thì có một  gia đình dọn đến hai căn phố kế bên nhà Thầy giáo Bảo.  Tôi đi qua xem, và đó là lần đầu, tôi ngấp nghé, đi quá ranh nhà Thầy giáo.

            Tôi lơn tơn đi về, chạy vào trong nhà.  Chợt má tôi chận tôi lại, và hỏi: "Con cầm cái gì trong tay đó?"  Tôi đưa cho má tôi coi ngay.

- Cái này mắc tiền lắm, con lấy của ai vậy?

- Con không có lấy.  Của thằng nhỏ bên kia cho con.

Má tôi theo tôi ra sân, ngó qua bên kia theo tay tôi chỉ

- Ðó thằng nhỏ đó cho con.

Má tôi cười ngất một hồi rồi mới nói

- Con nhỏ, chớ không phải thằng nhỏ đâu con!

Từ đó, Cậu Út tôi, anh chị con Cậu Tư tôi, mỗi lần thấy tôi đứng bên này hàng rào ngó qua bên kia, đều chọc hỏi, thằng nhỏ bên kia ở đâu?

            Tôi đi học.  Không còn những buổi xế trưa leo lên cây hồng quân ngó tàu ra vô.  Không còn những lúc chạy núp mưa dưới bóng cây vú sữa na.  Yến, tên con nhỏ, mà tôi vn giữ nguyên cách gọi cũ là thằng nhỏ bên kia, cũng đi học, tuy tôi không biết học ở đâu.  Tôi học trường Cô Sáu gần nhà, đi học sáu ngày mỗi tuần và ngày hai buổi.  Sau tôi biết Yến đi học được nghỉ chiều thứ năm và chiều thứ bảy.  Hai buổi chiều đó Yến thường qua nhà, chờ tôi về, nói chuyện, hoặc chơi búng hột me, hay bắn đạn với tôi.  Má tôi vn nói:

- Con nhỏ cũng lạ, nó qua chờ con, má bảo nó đi chơi với Cảnh hay Hoa, (con cậu Tư tôi) vì con đi học chưa về, nó nói để nó đi về lát na trở qua, chớ nó chỉ qua chơi với con mà thôi.

Vì vậy, Cậu Út tôi và anh chị dường như có ganh tức, nên hay chọc, phá.  Nhưng Yến vãn thế, và chúng tôi vn thân nhau.  Cho đến khi Ba tôi về làm ở Sài Gòn, xin được nhà ở Cư xá Công chức, dọn đi, tôi mới hết chơi với Yến, nhưng thường vn được nghe nói về Yến.  Dì tôi mỗi lần lên thăm  là kể lại chuyện Dì đi chợ, gặp Yến, và Yến cứ hỏi thăm tôi luôn.  Yến còn nhắc chuyện thằng nhỏ bên kia nữa.  Lớn lên có dịp về thăm ông Ngoại, tôi gặp lại Yến vài lần.  Lần gặp chót là khi Yến học Marie Curie, ban Triết, tôi học Taberd ban Toán.  Hôm đó Yến để tóc đuôi gà, đẹp hẳn ra.  Cười

- Thằng nhỏ bên này (Yến, khi muốn trêu tôi, vn gọi tôi như thế) lúc này ra sao? Coi bộ mặt tèm lem (ban Toán, tên Pháp gọi tắt là Math Élem, âm Việt là mặt tèm lem).

- Thằng nhỏ bên kia khùng rồi sao mà nói vậy? (ban Triết, tiếng Pháp gọi tắt là Philo, đọc lái là Folie, nghĩa là điên, khùng). Yến cười, không có hờn giận chút nào.

- Thôi ráng học nghe, thi đậu Yến mừng.

Mấy tháng sau đó tôi nghe dường như có người đi nói Yến.  Lúc mới nghe, có hơi buồn,  cũng không rõ tại sao, nhưng rồi lo học, lo thi, không nhớ đến na.  Chỉ biết là sau đó không thấy đám cưới, và nghe như Yến đi học Dược.

            Tôi học Ðại Học Khoa Học, ra trường, đi dạy hai năm, rồi khi chiến tranh lan rộng, bị động viên, đưa qua Hải quân.  Tôi chơi thân với dược sĩ Thái, trước học chung trường Taberd với tôi.   Thái học xong khóa Dược trong Quân Y, biệt phái về Hạm đội, đi tàu.   Hôm tàu tôi về bến, cặp cầu E, cạnh Y-tế-hạm HQ 401, tôi qua tàu thăm Thái.  Thái rủ tôi cùng đi lên bộ Y-tế để liên lạc công vụ, dường như xin can thiệp để được bổ sung thêm một dược sĩ.  Ðến Bộ, để tài xế đậu xe xong, hai chúng tôi đi vào và được đưa đến văn phòng Giám đốc Nha Nhân viên. 

- Sao thằng nhỏ bên này mạnh khỏe không?

Yến, vâng Yến tươi cười, sau bàn giấy, không ngó gì tới Thái, mà hỏi ngay tôi.  Thấy tôi ngó áo bầu, Yến cười tiếp:

- Lấy chồng hai năm nay rồi, thằng nhỏ bên kia đâu có đợi thằng nhỏ bên này hoài được !

Mấy năm gần đây, nghe như thằng nhỏ bên kia ở Atlanta, và làm chủ một tiệm dược phòng.  Hai thằng nhỏ, giờ đều trên năm mươi tuổi.  Lâu quá rồi không gặp lại nhau :  bao nhiêu là tâm sự không nói, chưa nói, và chẳng bao giờ được nói.  Thôi thì để yên cho thằng nhỏ bên kia vậy, nhưng mỗi lần thấy  thỏi son, cái món mà thằng nhỏ bên kia đã cho tôi hồi xa xưa đó, lòng tôi vn cứ cảm thấy tức cười, không biết là cười cái thằng nhỏ bên này, hay cười vì thằng nhỏ bên kia.

 Bài này theo bài đã đăng trên Ngàn Thông 2002,  Montréal.  Tác giả đã sửa đổi một số đoạn trong bài.

© http://vietsciences.free.fr  Thuần Ngọc