Tết tha hương đầu tiên

Vietsciences-Trần Văn Khê         28/01/2005 

 

Trong đời tôi, có lẽ chưa có cái Tết nào buồn hơn cái Tết đầu tiên tại thành phố Paris năm 1950 khi tôi vừa rời đất nước.

Đang sống đầm ấm với vợ và ba con nhỏ tại Sài Gòn, hàng ngày vừa đi dạy tại nhiều trường tư thục vừa là cộng tác viên của hai tờ báo tên tuổi thời bấy giờ là Thần Chung và Việt Báo, hoàn cảnh đưa đẩy khiến tôi phải lìa xa quê hương, từ giã gia đình để một thân một mình sang tận trời Âu.

Khi mới sang Paris, tôi ở nhờ nhà cha mẹ của một người bạn Pháp là François Lebouteiller. Đang sống trong một biệt thự khang trang rộng rãi tại đường Monceau (Tân Định) ở Sài Gòn, những ngày đầu mới tới đây tôi tá túc trong căn phòng nhỏ xíu vỏn vẹn bốn mét vuông - vốn  dành cho người giúp việc - tận trên tầng lầu thứ sáu một chung cư.

Vì vậy mà trong cái Tết đầu tiên nơi xứ lạ quê người, vào buổi chiều 30 cuối năm, tôi một mình ngồi cô đơn trong căn phòng vắng lặng, nhìn lên khung cửa sổ nhỏ trên nóc nhà chỉ thấy một khung trời xám xịt thê lương, tôi cảm nhận hết nỗi sầu chất ngất của cảnh đời tha hương và nhớ da diết từ đất nước, quê nhà đến những người thân yêu.

Tết Nguyên đán nhằm vào tháng hai dương lịch là thời điểm lạnh nhứt trong năm tại Paris. Trừ một số người tìm lên vùng núi nghỉ Đông để hưởng thú vui trượt tuyết, mọi người tại thành phố đều đi làm như bình thường.

Paris những ngày này ngoài đường phố thì tuyết giá ngập đầy, trên không bầu trời ảm đạm, trong công viên cây cối trụi lá, vườn cảnh không còn hoa, thì tìm đâu ra chút nắng hanh vàng, làm sao hưởng được ngọn gió Xuân phơi phới của miền Nam hay giọt mưa phùn lất phất của miền Bắc!

Đêm giao thừa đầu tiên tại Paris, tôi mới qua không lâu chưa có dịp quen biết nhiều người Việt tại đây, lại sống trong một gia đình người Pháp chính gốc không hề quan tâm gì đến cái Tết của người Việt. May mà còn có anh bạn người Pháp của tôi.

(François vốn từng tình nguyện sang Việt Nam, nghĩ rằng để tiếp tay cho đất nước mình “hồi phục thuộc địa”, nhưng sau khi có dịp làm quen với các em tôi là Trần Văn Trạch và Ngọc Sương trong một lần đến tiệm cà phê ca nhạc, qua đó gặp gỡ và quen biết với tôi. Và khi nghe tôi giải thích về phong trào Việt Minh chống lại sự chiếm đóng của người Pháp, anh không gia hạn thời kỳ tình nguyện nửa mà trở về Pháp và từ đó thường xuyên thư từ qua lại với tôi. Vốn có cảm tình với con người và đất nước Việt Nam nên khi về Pháp anh đem theo một lon đất để giữ làm kỷ niệm).

Thế là đêm giao thừa năm đó François rủ tôi sang phòng riêng của anh, pha một bình trà, bày dĩa mứt gừng, đốt một cây nhang (tất cả đều mua từ Việt Nam) cắm vào lon đất mang về trước đây rồi hai anh em ngồi đối ẩm. François nhắc lại những bài hát tiếng Việt mà anh rất thích trong thời kỳ ở Việt Nam, còn tôi kể chuyện hai đứa em và gia đình mình cho anh nghe.

Rồi sau đó tôi trở về căn phòng lạnh lẽo trên từng lầu thứ 6, nằm cô độc một mình mà thấm thía nỗi cô đơn.

Sáng mùng một, tôi khai đàn theo như thông lệ xưa nay, dạo mấy câu Nam Xuân thanh thản mà lòng da diết nhớ đến bao người thân yêu ở nơi xa xôi và không sao ngăn được giọt lệ.

Phải đợi tới bốn ngày sau, nhằm tối thứ bảy cuối tuần, mới là đêm kiều bào tổ chức ăn Tết đến khuya, vì hôm sau chủ nhựt mọi người không đi làm. Hội người Việt - lúc đó mang tên là Ái hữu Việt kiều - tổ chức đêm văn nghệ cho kiều bào tại phòng A nhà Maubert Mutualité có sức chứa hơn ngàn khán thính giả. Năm đó tiết mục chánh của chương trình là một vở hài kịch mà hai nhân vật chánh là một cặp chồng Việt vợ Pháp, tuy rất thương yêu nhau nhưng do bất đồng về ngôn ngữ và khác biệt về nếp sống mà xảy ra nhiều ngộ nhận cười ra nước mắt. Đây là một hài kịch “song ngữ” vừa nói tiếng Việt vừa chêm tiếng Pháp, tuy mục đích để giải trí nhưng cũng ngụ ý nhắc nhở các cặp vợ chồng Việt Pháp cố gắng nhân nhượng nhau để có được hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi.

Tối hôm đó tôi nhận lời hát một bản nhạc trào phúng của Lê Thương tựa đề “Liên hiệp quốc” trong chương trình văn nghệ của Hội Ái hữu, sau đó lúc 9 giờ 30 tôi phải rời nơi đây để có mặt ở  tiệm “Bồng Lai”, một hiệu ăn có ca nhạc giúp vui tại vùng Champs – Elysées. Đây là nơi tôi làm thêm vào hai đêm cuối tuần để kiếm sống, giới thiệu nhạc truyền thống Việt Nam, ca một bản nhạc dân ca và tiếp theo là một bài hát trào phúng bằng tiếng Pháp trong chương trình văn nghệ của nhà hàng.

Nhưng không ngờ chương trình của Hội Ái hữu Việt kiều đêm đó có sự trục trặc. Chị kịch sĩ nghiệp dư người Pháp do quá lo lắng nên uống chút rượu vang trước khi ra sân khấu để được tự tin, nhưng rồi có hơi quá chén nên lúc ra diễn thì quên hết lời đối thoại. Chị mất bình tĩnh đến độ khóc oà ngay trên sân khấu và không thể tiếp tục diễn tuồng được nữa. Màn hạ gấp trước sự sững sờ của hơn cả ngàn khán giả bên dưới!

Ban tổ chức hết sức bối rối, vì huy động được chừng đó kiều bào đến vui Tết không phải là dễ, giờ chẳng lẽ mọi người phải ra về! Nhứt là người Việt vốn thường kiêng kỵ, hễ đầu năm đầu tháng mà trục trặc như vậy coi như xui xẻo cả năm.

Lúc bấy giờ tôi vừa ra đến cửa ngoài thì gặp anh Phạm Huy Thông, Chủ tịch Hội Ái hữu Việt kiều, tất tả chạy đến nắm tay tôi và nói: “Tình hình đã vậy, chỉ còn biết trông cậy vào anh. Nhờ anh lên làm vài tiết mục để cho bà con được vui”.

 Tôi hết sức phân vân và lưỡng lự không muốn nhận lời. Bởi tôi biết tánh anh Tuyền, chủ hiệu ăn Bồng Lai, rất kỵ chuyện nghệ sĩ không đúng giờ. Tôi đã tận mắt chứng kiến có lần cô ca sĩ chánh của hiệu ăn chỉ đến chậm 15 phút, vậy mà anh Tuyền nhứt định không sắp cho hát mà yêu cầu cô ra về. Vì vậy nếu tôi nhận lời “cứu nguy” cho chương trình Tết của Việt kiều thì sẽ đến Bồng Lai rất muộn, không chỉ 15 phút mà có lẽ phải cả tiếng đồng hồ. Như vậy không chừng sẽ bị mất việc làm.

Nhưng trong hoàn cảnh bất khả kháng nầy thì lỡ có mất việc cũng đành chịu thôi, chớ không lẽ để mọi người phải ra về nửa chừng! Vậy là tôi quay trở lên sân khấu. Cũng may trong dàn nhạc có em Võ Đức Lang (con của bạn tôi là nhạc sĩ Võ Đức Thu) biết tất cả những bài hát “tủ” của tôi nên đệm theo rất nhịp nhàng. Tôi hát một số bài thể theo yêu cầu, bày ra những cách đối thoại với khán giả, rồi tiếp theo kể chuyện vui …. Trong một tiếng đồng hồ tôi ứng biến “hát cương” đủ màn trên sân khấu, trong khi bên dưới khán phòng khán giả cổ vũ tinh thần hoan hô từng chập. Và đến khi chấm dứt chương trình thì tiếng vỗ tay kéo dài đến độ tôi phải trở ra sân khấu chào ba bốn lượt.

Lúc đó đã gần 12 giờ khuya, tôi rời nhà hát vội vàng đến hiệu ăn Bồng Lai, chuẩn bị tinh thần sẽ đối diện với nét mặt nghiêm khắc của anh Tuyền lạnh lùng mời tôi ra về như trường hợp cô ca sĩ trước đây. Nhưng không ngờ tôi vừa bước vào nhà hàng, anh Tuyền đang ngồi uống rượu với rất đông bạn bè người Việt lật đật đứng dậy chạy đến bên tôi với nét mặt lo lắng: “Ủa, anh có bị gì không ? Xưa nay anh luôn đúng giờ nên hôm nay thấy anh đến trễ, tôi cứ lo anh bị tai nạn giao thông”. Tôi giải thích vắn tắt mấy câu lý do vì sao tôi đi trễ. Vậy là anh Tuyền vui vẻ mời tôi uống một ly rượu để chúc mừng việc tôi đã góp phần “cứu một bàn thua trông thấy” cho Hội Ái hữu Việt kiều. Rồi anh nhắc tôi: “Anh em đang chờ nghe anh đàn tranh và giới thiệu nhạc dân tộc kìa”.

Tôi bước lên sân khấu nhỏ của nhà hàng vào đúng 12 giờ khuya. Đêm đó tôi đàn ca rất hào hứng vì có đồng bào người Việt chăm chú ngồi nghe, cũng vì cảm kích tấm lòng anh Tuyền đối với tôi như người bạn chớ không phải như với người làm công.

Giờ đây, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn không quên cái Tết tha hương đầu tiên với nỗi buồn da diết nhớ quê nhà, cùng nỗi lo lắng bởi chương trình nghệ thuật đột xuất và sự tất bật “chạy sô” bất đắc dĩ trong cái đêm đáng nhớ ấy .  

© http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  GSTS Trần Văn Khê