Rồi cũng qua đi

Vietsciences-Thuần Ngọc        

 

Tôi quen Diễm thật tình cờ.  Năm đó, theo lời mời của anh Phong, một người bạn trong Gia đình Việt nam, tôi ghi tên dự trại hè ở giữa Fredericton và Gagetown, cạnh bờ sông Oromocto trong tỉnh Nouveau Brunswick.  Tôi đến văn phòng trại và được người trực văn phòng cho biết “anh Ðản ở toán C3, chị Diễm làm toán trưởng” rồi nheo mắt nhìn tôi, anh cười và tiếp “anh may mắn lắm, Diễm là chị cả của nhóm đó, rất vui tính !”

            Tôi theo lối chỉ  đi xuống khu trại.  Chỗ ở của toán C3 cũng dễ tìm.  Hỏi thăm một cô đang đứng ở ngoài và tôi được đưa trình diện Diễm.  Diễm khá cao, người mảnh khảnh, mái tóc dài đến vai ôm lấy khuôn mặt dễ nhìn, và tôi chú ý nhất đến đôi mắt.  Mắt Diễm nâu, sâu, mà thật trong sáng.  Diễm có cái nhìn hồn nhiên, thân thiện làm cho người đối diện cảm thấy dễ chịu.  Tất nhiên là tôi có cảm tình ngay với Diễm.  Toán C3 đã có 6 nữ và dự trù theo ghi tên sẽ có 6 nam, ở trong một căn nhà có hai phòng lớn, riêng biệt, cách nhau một hành lang rộng.  Phòng dành cho nữ  đã có đủ 6 túi ngủ bày ngay ngắn, và Diễm chỉ tôi phòng bên kia “Anh đến sớm nhất, anh chọn chỗ trước, xong rồi mời anh ra sân để bàn chương trình và chia công tác trong toán.”

            Lúc tôi ra sân, anh Phong, người bạn đã mời tôi đi trại đang đạp xe xuống.  Anh cười : “Nhầm rồi anh Ðản ơi ! Anh em quên không xét tuổi anh nên giao anh cho bà chị cả này.  Anh phải lên trên kia ở với mấy anh già như chúng tôi.”  Diễm cười “Làm gì mà đi bắt lính của người ta, lại còn dám kêu tên tộc của người ta nữa?”  Tôi nói với anh Phong để tôi ở trong toán C3 cũng được.  Diễm thêm là toán chưa có nam trại sinh nào hết, nên rất cần người khiêng gạo và bửa củi.  Phong cười ha hả “rồi, muốn cho anh khỏe mà anh không chịu, chừng nào hết gân sức thì nhớ la lên nha, tôi sẽ đón lên khu trên.”

            Nhưng suốt thời gian ở trại tôi sinh hoạt trong toán C3, vui vẻ và thoải mái.   Toán chỉ có 10 người vì chỉ có 4 nam trại viên.  Chúc,  trẻ tuổi nhất trong toán, nhỏ con, thẳng tính, có nhiều tài và hát rất hay.  Nhưng các cô thì lại không thích cách hát của Chúc.  Hôm trời mưa, sinh hoạt trong nhà, Chúc hát bài Mùa đông của em đến đoạn cuối

Ðêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc,

Anh thương em thật rồi, mà chưa quên mùi tóc ...

Giọng hát nhẹ và trầm xuống, làm cho những người dù có cứng lòng đến mấy cũng thấy như chìm vào một nỗi nhớ không tên, mông lung và lãng mạn.  Nhưng rồi đột nhiên nhóm ngồi phía trước cười phá lên, cười ngặt nghẽo, bò lăn ra sàn nhà.  Chúng tôi ngồi sau, chưa kịp nghe thấy gì hết.  Sau đó, Diễm kể lại  “anh biết không, Chúc nó hát là -- Em hỡi em, lần sau em có đến nhớ gội đầu chanh nhé em !”  Làm Yến, cũng trong toán C3 cự nự “cái gì mà nói xấu con gái quá vậy !”

            Tuy có Chúc hát hay và tếu nhưng toán C3 trong các sinh hoạt có chấm điểm đều về sau: kéo dây chót vì chỉ có mười người, trong khi các toán khác dự đủ 12, còn thi chạy nhanh thì cả toán C3 đều hăng hái, bậm môi, trợn mắt, rượt mấy toán khác chạy có cờ, chứ không có ai trong toán chịu nhịn để chạy về trước.  Hôm thi nấu cơm, bọn nam trại viên chúng tôi đi kiếm củi, để mấy cô nấu.  Nồi cơm toán C3 được giải nhất về dởm, không thua nồi cơm cô dâu thời xưa: trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhẹt.  Diễm cười “ở nhà chỉ cần xúc gạo, lường nước, cắm điện rồi bấm nút là nửa giờ sau có cơm nóng hổi, ăn liền.”

            Những ngày ở trại qua mau.  Ðêm trước hôm chia tay, Diễm đưa tôi địa chỉ nhà, địa chỉ điện thư, và nói “em ít khi thấy ai lớn tuổi như anh mà chịu khó hòa đồng với tụi con nít chúng em !  anh về, có rảnh biên thư cho em.”  Tôi đã để ý thấy Diễm làm việc đứng đắn, vui vẻ, tính toán kỹ kưỡng và không bao giờ đợi đến phút chót mới làm.  Tôi cũng cho Diễm địa chỉ nhà và chỗ làm và hứa sẽ gởi điện thư cho Diễm    Về đến nhà, tôi vẫn nhớ đôi mắt nâu, sâu mà trong sáng và hồn nhiên của Diễm.  Hôm sau, khi vào trường, tôi viết ít hàng cho hay là đã trở vào làm việc và cám ơn Diễm đã giúp cho tôi có những ngày thật vui ở trại.  Diễm không trả lời mấy điều đó mà chỉ hỏi: “Anh Ðản làm research associate vui không?  Anh làm bao lâu rồi, và có thích công việc này không?”  Sau đó chúng tôi thư từ qua lại, thăm hỏi nhau cũng chỉ tương tự như thế.  Diễm cho biết đã học xong và làm System Analyst hơn hai năm nay.

            Trong công việc, mỗi năm tôi vẫn được đi Âu châu, nhưng riêng năm đó tôi có dịp đi Âu châu thường hơn, hầu như hai tháng là đi một lần.  Mỗi lần đi, tôi đều mua vài tấm bưu thiếp gởi cho Diễm.  Tôi gởi hình tháp Eiffel, nhà thờ Chartres, nhà thờ Strasbourg, các trại trồng hoa ở giữa Rotterdam và Amsterdam ... Tôi cũng kể cho Diễm nghe đi uống cà phê ở Harrod's, bên Luân đôn và khen cà phê McDonald's ở Bruxelles uống rất ngon, khác hẳn McDonald's ở Bắc Mỹ.   Tôi không có mua quà cho Diễm, vì không biết làm sao gởi cho Diễm, lại sợ Diễm ngại, không dám nhận, nên chỉ gởi điện thư và bưu thiếp.   Diễm dặn khi đi trại lần tới, nên mang theo các hình chụp ở Âu châu cho Diễm xem.

            Trái tim cằn cỗi sau những lần không may trên đường tình  dường như hồi sinh, và đập mạnh hơn một chút mỗi khi tôi nghĩ đến Diễm.  Diễm cho biết cũng thích đi chơi, nhưng chỉ quanh quẩn  lên Montréal, hay thành phố Québec, hoặc qua Atlanta và Houston thăm cô và các anh chị em bạn dì .  Tết đó Diễm đi làm trong toán thả thơ ở hội chợ bên Westminster, tiểu bang California.  Ðó là lần Diễm đi chơi xa nhất.

            Ðến hè, chúng tôi gặp lại nhau ở trại.  Diễm vẫn thế, mắt nâu, sâu và trong sáng, nhưng tóc cắt ngắn, không còn để xõa vai nữa.  Tôi nhận ra ngay điều đó, làm Diễm cười “anh nhớ dai quá !”  Cả hai chúng tôi đều ở khu văn phòng trại, Diễm lo tổ chức các trò chơi, tôi phụ trách chấm điễm và giới thiệu thuyết trình viên.   Tôi có biết Bạch Yến hồi qua Paris dự Ðại hội thể thao sinh viên Việt nam nên giới thiệu anh Trần Quang Hải không khó mấy, với lại anh Hải là cháu của cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần văn Trạch, đã từng nổi danh quái kiệt một thời. 

            Làm việc chung với Diễm, tôi càng thấy Diễm biết lo, tính trước, sắp xếp công việc đâu ra đó, và lập luận một cách rõ ràng, minh bạch, rất khoa học.  Tôi cảm thấy ngày càng mến Diễm.  Tôi có mang theo cuốn album nhỏ để các hình tôi đi Âu châu trong mấy năm qua.  Tôi đưa cho Diễm xem trong những giờ nghỉ đầu tiên và chỉ cho Diễm biết đặc tính từng nơi.  Diễm thích lắm “em vẫn mơ được đi Pháp, giờ thì lại muốn đi hơn nữa !”

            Thời gian qua rất mau, tan trại và chúng tôi thu xếp về.  Diễm và tôi không hẹn mà ra phi trường cùng một lúc.  Phi trường không lớn lắm, các khu chờ chuyến bay  gần nhau.  Vì chúng tôi cùng đi Air Canada, chuyến của Diễm sẽ bay lúc 3 giờ 15 ở cửa 12, chuyến của tôi, 3 giờ 25 ở cửa 10, thành ra chúng tôi ngồi cạnh nhau.  Khu chờ không đông lắm.

            Chuyện sẽ tới phải tới, tôi nghĩ như thế, và thu hết can đảm, tôi hỏi Diễm:  “Có anh bạn già viết mấy câu thơ cho Diễm, anh đọc cho Diễm nghe, được không?”

- Anh đọc đi, Diễm sẽ chú ý nghe !   Và tôi nói nho nhỏ:

Biết có anh bạn già

Muốn suốt đời có Diễm

Sợ một mình ở nhà

Chắc sẽ sớm sập tiệm !

Diễm ngồi im một hồi không nói gì hết.  Tôi vừa định ngỏ lời xin lỗi đã đường đột làm phiền Diễm thì Diễm hỏi :  “Có già bằng anh không, có giống như anh không?”

- Có chứ, copain  mà ! Nhưng tôi chỉ sợ đã làm phiền Diễm.

- Không có phiền đâu, anh.  Ðể em trả lời nha,

Muốn suốt đời có Diễm,

Chuyện đó khó gì đâu !

Khi xuống nhà nói chuyện

Ðem trà, rượu, cau, trầu !

- Vậy là Diễm không từ chối?  Tôi ngạc nhiên, không nghĩ là chuyện xảy ra nhanh như thế.

- Anh, giọng Diễm trở nên tha thiết một cách không ngờ, nếu trên đời này chỉ có anh và em, không có gia đình hai bên, thì em cũng muốn được suốt đời ở bên anh.

- Diễm sợ gia đình không bằng lòng ?

Diễm không trả lời, chỉ nhìn lại tôi, đôi mắt nâu, sâu, mà hồn nhiên và trong sáng.  Trên khuôn mặt Diễm dường như tràn đầy hạnh phúc, một nguồn hạnh phúc thanh thản, từ trong nội tâm toát ra ngoài, bao trùm cả người và cả không gian quanh hai đứa tôi.

- Diễm, em thương anh đến thế sao?

Diễm gật đầu nhè nhẹ:

- Còn anh?

- Anh thương em dường như từ năm ngoái.  Anh sẽ về nhà thu xếp rồi đi thăm gia đình em.  Cầu mong mọi việc êm xuôi.

- Em cũng mong như thế.  Em chờ anh cho em hay lúc nào anh xuống được.

Ðến giờ, Diễm đi ra lối lên phi cơ, tôi nhìn theo. Diễm quay lại cười, vẫy tay nhè nhẹ, đôi mắt nâu, sâu, hồn nhiên và trong sáng hơn bao giờ hết.

            Tôi về tới nhà, ngồi ngay vào máy, viết thư cho Diễm, cám ơn Diễm đã hiểu lòng tôi và hứa sẽ thu xếp xuống thăm gia đình Diễm.  Tối đó Diễm trả lời, khuyên tôi nên từ từ, Diễm sẳn lòng chờ đợi và sẽ cố gắng thuyết phục gia đình.  “Có nhiều khó khăn hơn là em đã tưởng, nhưng em tin là sẽ làm cho gia đình em hiểu rõ anh và em hơn.  Em mãi mãi là ECN.  Tôi không biết ECN, hỏi, thì Diễm đánh cho mấy dấu “mặt cười” trong thư  “đó là bảng số xe của em và có nghĩa là Em Của aNh - anh hiền quá, không nhanh nhẩu gì hết !”  

            Tôi bàn với em út tôi ở Mississauga, nên mua rượu và trà hiệu nào, loại gì.   Nó cười hì hì “anh tính đem hai cái lăng nhăng chừa được để rước lấy cái lăng nhăng không chừa được ấy à !”  rồi chắc sợ tôi giận, nó tiếp ngay  “nhưng em nghĩ thiên thần của anh, đâu có làm sao mà thành lăng nhăng được, phải không?”  Nó khuyên tôi đợi khi đến nhà Diễm hãy mua rượu, mua từ trên tôi đem qua, vác nặng mà có thể bể chai.  Trầu và cau thì đành chịu.  Lúc đó không tìm ra đâu có trầu và cau tươi.  Diễm vẫn vui vẻ và khuyên tôi không nên hấp tấp.  Cuối thư nào Diễm cũng viết “Em mãi mãi là của anh, anh đừng lo !”

 

Tôi được thư của giáo sư Tadashi mời qua làm việc với International Bureau of Education (IBE) thuộc UNESCO, ngay tại trụ sở ở Paris, vào tháng 3 năm tới.  Tôi gọi cho Diễm hay,  Diễm mừng lắm “vậy là em có dịp đi Âu châu thăm anh .”   Lúc đó tôi muốn nói “qua ở luôn với anh, chớ ở đó mà thăm !” Nhưng không biết sao, tôi chỉ cười.

            Theo giáo sư Tadashi đề nghị, tôi sẽ qua Paris vào đầu tháng 10 để xem xét công việc, và coi mướn nhà ở ...   Tôi hỏi, thay vì cho tôi đi một vé khứ hồi hạng nhất, ông có thể gởi cho tôi hai vé thuộc hạng bình dân được không.  Ông cho biết sẽ gởi cho tôi hai vé hạng nhất, vì theo ông “chuyện thay đổi công việc và chỗ ở rất quan trọng nên cần có ý kiến  của bà nhà !”  Tôi không cải chính nhưng gọi điện thoại kể cho Diễm nghe và rủ Diễm cùng đi.  Diễm nhận lời ngay. Khi tôi hỏi  “em tin anh quá vậy !” Diễm cười “em biết anh mà, anh của em chứ bộ !”  Tối đó tôi trăn trở, không ngủ được, nghĩ rất nhiều đến Diễm.  Cả đêm, tôi tự hứa là sẽ mãi mãi lo cho Diễm, thương Diễm và mang hạnh phúc đến cho Diễm, để không phụ lòng tin yêu của Diễm.  Tôi cho Diễm biết là sẽ ở nhà người em của tôi, ở ngoại ô nhưng sát ngay Paris.  Diễm cười “gia đình anh có nói gì không?”

- Không em.  Em có phòng riêng của em và mình sẽ có thứ bảy cùng chủ nhật đi thăm Paris.  Em chịu không?

- Chỉ cần anh đủ thì giờ cho công việc, còn thì sau này, mình có biết bao nhiêu ngày giờ.

            Tối thứ sáu, đầu tháng 10, tôi đến phi trường Dorval.  Diễm đã có mặt đợi tôi ở quày Air France.  Trông Diễm thật tươi.  “Anh vẫn ngỡ là mơ, anh thật không ngờ !”  Diễm cười “em xin riêng với mẹ, mẹ tin em, chứ bố em thì không bao giờ cho đi như thế này !”

 - Anh sẽ không phụ lòng tin của em và của bác gái !

            Tôi đưa hai vé và thông hành của Diễm và của tôi cho cô tiếp viên ngồi ở quày hạng nhất.  Mọi việc đều suông sẻ và nhanh chóng.  Mặc dù còn sớm, chúng tôi đi ngay vào trong khu chờ lên phi cơ,  qua chỗ kiểm soát an ninh không gặp khó khăn.  Tôi chắc Diễm cũng như tôi, muốn vào trong cho an toàn.  Tôi không nghĩ là chúng tôi đi trốn hay đi lén, nhưng vẫn không muốn gặp rắc rối.  Tôi không biết sau này, mẹ của Diễm sẽ phải trả lời ra sao, nhưng qua những lần nói chuyện trước đây với Diễm, tôi biết bà rất thương Diễm, tin và chìu con.  “Mẹ mà không thương em, bênh em - như có lần Diễm đã nói - thì chắc giờ này em đã có chồng và hai ba đứa con rồi, có đâu mà gặp anh !”

 

Phi cơ lượn hai vòng trong khi Paris trở mình đón một ngày mới.  Trời trong xanh, và phi cơ đã xuống thấp để chuẩn bị đáp.  Tôi chỉ cho Diễm  tháp Eiffel đang vươn mình lên, như vẫy chào chúng tôi với những ánh đèn chớp nhanh.  Phi cơ đáp xuống phi trường Charles De Gaulle.  Không có những nhánh gie ra từ phi trường đến sát cửa phi cơ để hành khách đi nhanh và không bị lạnh hay ướt, mà tất cả hành khách đều xuống phi cơ, leo lên xe bus để được đưa vào khu quan thuế.  Diễm và tôi qua nhanh, không bị thủ tục rườm rà gì hết, và vì cả hai chúng tôi chỉ đem theo túi xách tay để trong cabine, nên không cần ở lại chờ lấy hành lý.  Chúng tôi theo ngõ không có gì phải khai báo và đi ra khu có thân nhân đón.

-  Anh Ðản !  Huy, em tôi đang đứng chờ trên lầu, gọi tôi.  Có tiếng người hỏi  “phi cơ Việt nam sao tới sớm vậy?” -  “Không, đây là phi cơ từ Montréal !”

            Tôi giới thiệu Diễm với em của tôi, nó đi du học trước 1975 và kẹt lại bên này.

-  Em đưa anh chị về nhà, nghỉ ngơi và ăn trưa, xong đưa đi một vòng Paris cho biết.

Từ phi trường về nhà Huy mất hơn một giờ tuy đường không đông xe lắm.  Dọc đường Diễm hỏi, bảng đề Fluide là gì.  Giờ thì bên Pháp dùng chữ Fluide để chỉ là không kẹt xe, và chữ Bouchon để báo hiệu có kẹt xe phía trước.  Diễm cũng ngạc nhiên khi thấy đèn báo hiệu giao thông màu đỏ đổi qua màu vàng rồi mới đến xanh, chứ không từ đỏ nhảy ngay qua xanh như ở Bắc Mỹ.

            Nhà Huy ở khu Bourg-la-Reine, nhờ ở ngoại ô nên khá rộng.  Chúng tôi quen miệng gọi là nhà chứ thật ra là một căn appartement, trong chung cư nhỏ gồm bốn tầng và 12 căn.  Mỗi tầng có ba căn, một căn ngó ra đường, một ngó ra sân sau, hai căn này cách nhau một hành lang, dẫn tới thang lầu và căn chót.  Căn này rộng nhất, chiếm trọn bề ngang căn nhà.  Các căn trong cùng như của Huy có ba phòng ngủ.  Huy ở tầng 1, cao hơn mặt đường, vì từng dưới nhất, theo lối gọi bên này là tầng trệt, mới nằm ngang mặt đường.  Huy chỉ phòng cho Diễm rồi mời :

-  Chị rửa tay, rửa mặt xong ra ăn trưa, hay ăn sáng theo giờ Canada.  Anh và chị Diễm qua đúng dịp, mỗi người được ở một phòng.  Cẩm, bạn gái em dắt con Lan về Việt nam, không thì anh Ðản phải ngủ ở salon.

Diễm cám ơn, rồi chúng tôi ngồi vào bàn.  “Bánh mì Paris ngon thật ! Trước đây có nghe anh Ðản kể, mà không ngờ là ngon đến thế này.”  Diễm nói, và ngó tôi cười. 

 

“Trưa nay, em đưa anh và chị đi  một vòng Paris  xem Arc de Triomphe (Khải hoàn môn),  Montmartre, Sacré Coeur, rồi chạy  dọc bờ sông Seine, đến Trocadéro để anh và chị Diễm xuống xem tháp Eiffel.  Sau đó đi qua quận 13 đi chợ rồi đi ăn tối.   Mai anh và chị Diễm đi nhà thờ Notre Dame chụp hình, tối ra Tổng hội Sinh viên Việt nam, họ mời anh và chị ăn cơm.”  Tôi cười:  “Vậy là tối mai ăn cơm chùa.”  Diễm dường như thoáng cau mặt nhẹ, rồi thôi.  Huy đi ra ngoài sân, lấy đồ trong xe. 

- Anh, em nói này anh nghe, anh đừng la em nha !

- Em nói đi, anh không bao giờ la em hết !

- Anh, người ta có lòng tốt mời mình, anh đừng nói ăn cơm chùa nghe anh !

Tôi ngó Diễm, ráng làm dịu ánh mắt cho thật hiền và trả lời thật nhẹ nhàng.  Tôi không muốn Diễm phải ngại hay phải sợ :

-  Em nói đúng Diễm.  Anh xin lỗi, anh sẽ không nói như thế nữa.

 Tôi thấy Diễm nhìn tôi, mắt có hơi ngạc nhiên.  Tôi vội hỏi tiếp: “Em có sao không, em, anh xin lỗi em mà!”   Diễm cúi đầu, nói nho nhỏ:

- Cám ơn anh.  Em có phước hơn mẹ của em.  Bố của em không bao giờ xin lỗi,  lúc nào bố của em cũng có lý và mẹ của em lúc nào cũng sai.

- Nhưng em nói đúng thì anh phải nghe, đâu cãi bậy được.

Tôi thấy mắt Diễm như có hai ngấn lệ, vội vói tay lấy khăn giấy đưa cho Diễm.

-  Em, đâu có gì mà em phải khóc.  Em đừng khóc nữa em !

Diễm lau mắt, đặt chiếc khăn giấy xuống bàn, ngó tôi với đôi mắt nâu, sâu, và ngời sáng:

- J'ai pleuré de bonheur, anh.  Cám ơn anh thương em.  

Lúc đó tôi chỉ muốn được ôm Diễm vào lòng và nói lời thương yêu chân thật với thiên thần yêu dấu đó.  Nhưng Huy vào nhà, “anh và chị Diễm xong chưa, mình đi.”

            Huy ở Paris cũng hai mươi năm, rất rành đường sá.  Huy cho chúng tôi đi xem Khải hoàn môn.  Chạy quanh vòng công trường, Huy nói : “Em chở mấy ông mới qua lên Carrousel, chỉ cho coi khải hoàn môn (có ba vòm) ở đó và nói đây là Arc de Triomphe của Paris.  Rồi em chở đến đây, nói là Arc de Défaite (vòm thua trận), vì Tây đánh đâu thua đó nên chỗ này lớn hơn Khải hoàn môn.”  Huy đưa chúng tôi lên Pigalle, chỉ cho coi Moulin Rouge, rồi chạy lên Montmartre, coi Sacré Coeur.  Diễm nhìn say mê, lâu lâu lại nói “em không ngờ đường ở Paris nhỏ như thế này.”  Huy chở chúng tôi chạy dọc bờ sông Seine, chạy dưới các cây cầu, và chỉ chỗ công chúa Diana bị đụng xe. 

Huy vòng lên Trocadéro và cho chúng tôi xem tháp Eiffel.  May mắn tìm được chỗ đậu.  Diễm cười ngất  “Huy đậu xe cao bồi thật!”  vì khi vào, Huy chạm vào cản trước của xe sau một cái nhẹ, rồi nhấp tới, chạm vào cản sau xe đậu phía trước.  Ðậu xong, mỗi xe cách nhau không đầy một tất. 

- Phải đậu như vậy thôi, Huy cười, chị thấy có xe nào mà không móp đầu, móp đuôi?

            Chúng tôi trèo các bậc thang lên Trocadéro, xem các vòi nước phun.  Huy chụp cho chúng tôi bốn tấm hình, và tôi chụp thêm cho Diễm ba tấm đứng một mình.  Diễm cười thật tươi, không có vẻ gì mệt mỏi dù đã đi suốt từ tối hôm qua đến giờ, chỉ ngủ một chút trên phi cơ.  Chúng tôi qua cầu, đến xem đủ cả bốn chân tháp.  Huy giải thích là mỗi chân tháp được đặt trên móng là một túi thủy ngân nên có động đất, tháp vẫn đứng vững.  Tôi nói với Diễm là hôm nay chắc chưa đi lên tầng hai tháp được, nhưng chút nữa, tôi sẽ đưa Diễm lên cao, xem một vòng Paris.  Chúng tôi tiếp tục đi dưới tháp qua bên Champ de Mars.  Tôi kể cho Diễm nghe các biến động hồi Cách mạng 1789 đã xảy ra ở quảng trường này.  Rồi tôi chỉ cho Diễm các dãy nhà phía xa, thuộc École militaire (Trường Quân sự) của Pháp.  Chúng tôi quay trở lại.   Ðến gần cái vườn nhỏ cạnh một chân tháp. Huy đưa cho Diễm mấy mẫu bánh mì khô để Diễm cho bồ câu ăn.  Diễm có vẻ vui lắm. 

            Trở ra xe, Huy chở chúng tôi chạy vòng qua Pont Neuf.   Khi gần tới, tôi nói Huy cho chúng tôi ở lại Nhà thờ Ðức Bà, Huy cứ đi chợ, rồi sẽ gặp nhau gần cửa nhà sách Nam Á trong thương xá Masséna, khoảng 6 giờ để ăn tối.   Huy đồng ý, cười “anh chị đi chơi vui, em mở portable, anh có đem theo số đó không ?”  Tôi gật đầu.  Huy để chúng tôi xuống.  Tôi đưa Diễm đi xem nhà thờ, Diễm đếm các tượng thánh trên tường, ngắm hai tháp chuông.  Tôi chụp cho Diễm vài tấm hình ở nhà thờ và bờ sông, rồi đưa Diễm đi xem chợ hoa, Diễm không thích loại hoa ăn ruồi, muỗi, mà rất thích các giò lan, trầm trồ luôn.

           

Tôi đưa Diễm đi xem các tiệm bán đồ kỷ niệm gần nhà thờ, mua cho Diễm hai vòng để chìa khóa hình tháp Eiffel, tôi chọn và chỉ cho Diễm xem các chữ Made in France bên trong hình tháp.  Trong ba bốn trăm vòng bày bán, chỉ có vài ba vòng có các chữ đó.  Chúng tôi qua cầu, sang bên kia nhánh sông, đi xem qua chợ chim, và chợ chó.  Tôi đưa Diễm vào Samaritaine, đi thang máy lên tầng 9 chót nhất.  Ra thang máy,  tôi lại đưa Diễm lên sân thượng ở tầng thứ 10, rồi đi thang xoắn ốc lên tầng sân lộ thiên.  Tầng này hình tròn, khá lớn, đi trọn một vòng là thấy hết Paris.  Trên lan can, có để hình và tên các khu danh tiếng gần, xa.  Tôi chỉ cho Diễm xem các nơi đã đi qua như Arc de Triomphe, Sacré Coeur, rồi tháp Eiffel.  Tôi cũng chỉ cho Diễm nóc các nhà ga, tháp Montparnasse, và Grande Arche de la Défense.   Khi chỉ cho Diễm ngọn tháp Saint Jacques, tôi kể cho Diễm nghe là ngày xưa, Pascal đã ở trên đó làm thí nghiệm và đo trọng lượng không khí.

           

Samaritaine là thương xá lớn nhất và có lẽ cao nhất ở trung tâm Paris, và sân lộ thiên này là nơi xem Paris không khác gì ở tầng nhì tháp Eiffel, có thêm phần chỉ dẫn và không mất tiền.  Hàng bán ở Samaritaine sang, đẹp, và  rất đắt tiền đối với du khách đến từ Bắc Mỹ.  Nhưng ở Paris, cũng như ở châu Âu, hàng để giá bao nhiêu thì người mua trả bấy nhiêu vì bao nhiêu thuế đều đã tính sẳn trong giá bán, người mua không phải bận tâm cộng thêm thuế.

            Ra khỏi Samaritaine, tôi cùng Diễm đi trở lại nhà thờ.  Tôi ghé tiệm bánh, mua hai bánh éclair café, rồi cùng Diễm vừa đi, vừa ăn.  Bánh ngon.  Bên này chỉ làm đủ bán trong ngày, không để qua đêm.  Bột bánh nhồi khéo, bỏ vào miệng là thau ra, không phải nhai.  Nhân bánh làm với kem sữa tươi, không rút bớt chất béo, ăn bùi hơn kem bên Bắc Mỹ.

            Tôi đưa Diễm sang bên kia sông, vì nhà thờ nằm trên île de la Cité, một hòn đảo giữa sông Seine.  Tôi chỉ Diễm lối xuống Métro, cũng không khác ở Montréal lắm.  Mua vé xong, chúng tôi đi qua quày soát vé, đến bảng chỉ dẫn.  Tôi trỏ cho Diễm cách chọn tuyến đường.  “Mình muốn đi quận 13, khu Porte d'Ivry và Porte de Choisy, chọn tuyến xe số 7, và hướng đi.  Em thấy mình phải chọn xe đi về trạm chót là Mairie d'Ivry.  Cũng đi xe số 7, mà nhánh Villejuif thì không đúng đường, lại phải xuống ở Maison Blanche, chờ chuyến Mairie d'Ivry.  Khi về, cũng đi xe số 7 nhưng đi về hướng La Courneuve.”  Chúng tôi đến thương xá Masséna chưa đến 6 giờ mà trời đã bắt đầu sụp tối.  Những cây platanes hai bên đường lá đã ngả màu vàng.  Ngày mai đi vườn Luxembourg chắc lá cây đẹp lắm.

            Huy đã chờ chúng tôi ở cửa tiệm sách Nam Á và đưa chúng tôi đến nhà hàng Sông Hương, cạnh nhà hàng Bi-da. Hầu như các tiệm quanh đây đều biết Huy, ai thấy Huy cũng chào hỏi.   “Mì Quảng ở đây ăn được lắm”  Huy vừa kéo ghế, vừa nói.  “Ðể chị Diễm xem thực đơn cái đã”, tôi nhắc khéo Huy.  Nhưng Diễm nói là chưa bao giờ ăn Mì Quảng, nên muốn thử cho biết.  Tôi nhớ hồi qua Calgary năm trước, có ghé một quán Việt nam, thực đơn đề là Mì Quảng Phan thiết.  Một người bạn cùng đi nổi sùng “mì Quảng là mì Quảng, còn đem Phan thiết vô đây làm gì nữa?”  Lúc đó tôi cười “chắc họ nêm với nước mắm !”

            Bữa ăn thật vui và ngon miệng.  Khi người ta đem café ra, Diễm tròn mắt hỏi “cái tách chỉ có bây lớn đó sao anh?”

-  Ðúng em,  café express thì tách chỉ bằng hột mít thôi.  Gọi double express, giá gấp đôi thì tách cũng chỉ lớn cờ một nửa ly small của Tim Hortons.  Nhưng café pha đậm lắm.

Huy cười, hỏi “anh ăn bánh éclair của anh chưa?”  Thấy Diễm có vẻ ngạc nhiên, Huy tiếp:

- Lần nào anh Ðản qua đây cũng ăn mỗi ngày một cái bánh éclair !

Diễm ngó tôi cười “hèn gì khi nãy, một hai cứ lôi em vô tiệm bánh mua cho được.”   Khi thấy Huy ký chi phiếu trả tiền nhà hàng, Diễm ngạc nhiên lắm.  Huy giải thích là ở Pháp,  nhà hàng, tiệm buôn đều nhận chi phiếu.  Người ký chi phiếu gỗ (chèque en bois) nghĩa là không tiền bảo chứng như NSF bên Bắc Mỹ sẽ bị ghi tên vào danh sách và mãi mãi không được mở trương mục ở bất cứ ngân hàng nào ở Pháp.

            Hôm sau chủ nhật, ăn trưa, thịt gà rô ti, bánh mì và đồ chua.  Huy cười: “Hồi năm ngoái, có anh bạn học cũ qua thăm, em đãi thịt gà rô ti như hôm nay, em không biết là anh ấy ở tiểu bang Kentucky, thấy bóng gà là không muốn ngồi xuống bàn.  Vậy mà anh ấy khen ngon, nên hôm nay mới dám mời chị.  Chị ăn thử coi giống Saint Hubert hay Swiss Chalet?”  Diễm lấy một miếng cánh nếm thử  “ngon chứ, không dai, mà không bở hay khô, ăn như thịt gà ở Việt nam ngày trước.”  Huy giải thích là gà giò bên Tây có ba loại, loại ít ngon nhất là poulet industriel, nuôi như gà Bắc Mỹ, chuồng chật, nuôi thúc, ăn thực phẩm chế biến, thịt bở và khô.  Poulet fermier loại plein air được tự do hơn một chút, có chuồng  ngoài trời nhưng vẫn tù túng, ăn lúa mì thì thịt trắng, ăn bắp, thịt màu vàng.  Ngon nhất là poulet liberté, nuôi như ở nhà quê bên Việt nam, tự do chạy nhảy.  “Ðãi chị bữa nay là poulet liberté đó.”

            Ăn xong, dọn bàn ăn, và vì còn hơi sớm, tôi mở máy rửa chén, xếp chén dĩa đã rửa và khô vào tủ.  Diễm ngó tôi làm, cười: “Bên em, anh xếp như thế là bị bố em rầy ngay !”

-  Sao vậy em?  Anh đặt chén dĩa mới rửa xong lên trên là không đúng sao em?

-  Bố em luôn luôn bảo phải để chén dĩa mới rửa và đã khô vào bên dưới, khi dùng lấy chén dĩa ở trên, thì luân phiên được, không phải dùng hoài một số nào đó.  Quên là bị la !

- Em nói đúng, nhưng ở đây, Huy với anh cứ xếp chén dĩa đã khô lên trên, khi dùng thì lấy chén dĩa ở dưới hết ra trước, như thế không sợ mặt chén dĩa để vào phải chạm vào đáy dĩa trước đã dính dưới ngăn tủ có thể dơ hay có bụi bậm.

Diễm cười, “bố em không có nghe như thế đâu !”  Tôi thấy dường như Diễm còn sợ bố của Diễm nhiều lắm.

 

           

 

Ăn xong, Huy chở chúng tôi ra trạm RER ở Bourg-la-Reine và hẹn sẽ gặp chúng tôi lúc 5 giờ ở Thương xá ngay Porte d'Italie.  Tôi chỉ Diễm cách đi RER B ra Saint-Michel. Notre Dame.  Chúng tôi qua cầu, xem Nhà thờ Ðức Bà lần nữa, rồi thả bộ trở về phía trạm métro vừa mới ra.  Tôi chỉ cho Diễm xem trạm Cluny-La Sorbonne, nơi trước đây đã bị khủng bố đặt bom.   Chúng tôi lấy RER B đi về trạm Luxembourg và lên, đi thăm vườn, vốn đã được Phạm Quỳnh diễn tả là vườn Lục Xâm Bảo.   Diễm nhớ chuyện Le livre de mon ami, trong đó cậu bé đi qua vườn vào ngày khai trường.  Diễm có trí nhớ rất tốt, đọc lại rành mạch từng câu trong bài.  Chúng tôi lấy métro số 7, đi về Porte d'Italie.  Diễm chọn đường sành sỏi, như đã ở Paris lâu lắm rồi.

            Bữa ăn ở tổng hội rất vui.  Khanh và Khánh lo các món ăn rất chu đáo.   Tôi đã có dịp quen phần lớn anh chị em ở đây và ai nấy đều vui vẻ và thân thiện với Diễm.  Diễm ngồi vào bàn cạnh Phúc, một nữ sinh viên từ Ðức qua chơi.  Sau khi nói tên nhau, cả hai cô cùng cười.  Diễm ngó tôi lúc đó ngồi trước mặt, “vậy là anh hên lắm, trước mặt lúc nào cũng có diễm phúc !”  Tôi cười và nói vừa đủ cho Diễm nghe “chỉ biết có mình em thôi cũng là tuyệt lắm rồi.”

            Sau khi chúng tôi trò chuyện thêm một hồi, Huy đưa chúng tôi lên Butte de Montmartre.  Hơn 9 giờ tối mà người vẫn đông, tới lui thật náo nhiệt.  Huy đưa chúng tôi đi bộ một vòng, nhìn xuống Paris ở phía dưới chân đồi, tháp Eiffel ban đêm để đèn sáng thật đẹp.  Lần đầu qua đây, tôi ước ao được nhận làm chân thợ điện, có nhiệm vụ đi thay các bóng đèn cho tháp, bảo đảm có công ăn việc làm quanh năm.  Kể cho Diễm nghe, Diễm cười quá chừng, rồi nghiêm nét mặt hỏi tôi “anh làm thợ điện làm sao em gặp được anh?” Tôi nhại thơ của Vũ hoàng Chương

Em ạ, anh ngồi trển đợi

Chờ em chấp cánh bay lên.

Tôi không ngắm đèn ở Paris ban đêm mà nhìn vào đôi mắt Diễm.  Ánh đèn chiếu trong mắt Diễm thật đẹp.  Tôi không bao giờ quên đôi mắt nâu, sâu mà sáng ngời hạnh phúc đó.

 

Sáng thứ hai chúng tôi ra trạm métro sớm, tôi hỏi Diễm đưa tôi tấm hình chụp cỡ thông hành để làm thẻ Orange, mua vé métro hàng tuần.   Bên Paris mua vé métro hàng tuần bắt đầu đi từ thứ hai cho đến hết ngày chủ nhật, và phải làm thẻ có dán hình.  Bên Luân đôn thì cũng làm thẻ có dán hình để mua vé 7 ngày, nhưng được đi kể từ ngày mua, không nhất thiết phải bắt đầu từ thứ hai đầu tuần.  Tuy chúng tôi chỉ ở đến thứ năm nhưng mua vé tuần vẫn rẻ hơn mua vé hàng ngày, và nhất là Diễm được tấm thẻ có hình làm kỷ niệm.

            Tôi có gặp giáo sư Tadashi khi ông qua Canada mấy năm trước và tôi có viết hai chương trong một quyển sách do IBE xuất bản, nên buổi gặp gỡ rất thân thiện.  Vấn đề lương bỗng không có gì trở ngại.  Diễm rất ngạc nhiên khi nghe IBE trả phụ cấp đắt đỏ và phụ cấp nhà ở, vì hai phần đó cộng lại gần bằng tiền lương của tôi đang lãnh !  Tôi đọc khế ước và ký tên, bắt đầu nhận việc vào tháng ba năm tới.   Giáo sư Tadashi đưa chúng tôi đi thăm khu làm việc, giới thiệu với những cộng sự viên của ông và mời ăn trưa.  Diễm rất thích không khí làm việc ở đây và cho là tôi đã tìm đúng môi trường. 

Ăn xong, chúng tôi cám ơn rồi từ giã Giáo sư Tadashi, đi kiếm trạm métro gần đó và tôi đưa Diễm đi Galeries Lafayette.  Chúng tôi ra sớm một trạm, tôi chỉ cho Diễm xem hý viện Opéra rồi đi vào Lafayette.  Tôi mua một chai Soir de Paris của Bourjois, và một chai Jicky của Guerlain.  Tôi nhờ Diễm mang chai Bourjois về tặng cho mẹ của Diễm.  Tôi nghĩ là người ở tuổi bà biết và sẽ quý hiệu này, tuy kiểu chai đã đổi.  Jicky thơm dịu và rất hợp với Diễm.  Diễm mua các loại kem của Vichy, mới thấy lần đầu, vì lúc đó hàng Vichy chưa bán ở Canada.

            Tối về ăn cơm ở nhà, ăn theo lối Pháp, nghĩa là ăn món ăn chính xong rồi mới ăn đến salade.  Huy khui rượu vang đỏ, vì ăn thịt trừu nấu đậu.  Diễm lúc đầu không uống, nhưng sau cũng lấy ly của tôi nhấp thử một chút.  Huy cười “ngon, phải không chị ?” rồi vói tay lấy chiếc ly khác, rót gần nửa ly cho Diễm.  Sau bữa ăn, má Diễm phơn phớt hồng thật đẹp.  Tôi cảm thấy hạnh phúc tràn trề, và cám ơn Diễm đã mang hạnh phúc đến cho tôi.  Ðời bỗng đẹp lên một cách không ngờ.

            Hôm sau, thứ ba chúng tôi đi Grande Arche de la Défense, ăn trưa với Huy.  Khu này nhiều công ty điện toán như CSC, IBM , kế toán như Ernst & Young, ga métro rất lớn.  Huy cho biết những công ty ở đây phải cam kết là không đóng cửa cùng lúc hay buộc nhân viên phải về cùng giờ, tránh cảnh chen lấn ở métro.   Nhân viên có thẻ mua thức ăn ở các tiệm với giá đặc biệt, còn khách như tôi và Diễm phải trả giá chính thức.  Thức ăn ngon, vừa miệng, vì các nhà hàng phải cạnh tranh để giữ khách.  Huy cho biết là có nói chuyện với giám đốc và ông ta ngỏ ý muốn mướn Diễm vì Diễm biết và đang làm với SAP.  Diễm sợ tiếng Pháp còn kém.  Huy cười “họ cần tiếng Anh của chị và SAP nhiều hơn.”

      

     Viện bảo tàng Louvre    

 

 

   

Jacques-Louis DAVID , Sacre de l'empereur Napoléon Ier et couronnement de l'impératrice Joséphine
Lễ Ðăng quang của Napoléon 1er và trao vương miện cho hoàng hậu Joséphine trong nhà thờ  Notre Dame de Paris ngày 2/12/1804. Tranh sơn dầu trên  lụa, cao 523cm, rộng 715 cm do Jacques-Louis DAVID vẽ - Viện bảo tàng  Louvre

(Sacre de l'empereur Napoléon Ier et couronnement de l'impératrice Joséphine dans la cathédrale Notre-Dame de Paris le 2 décembre 1804. (1ère étude) 1806-1807 Huile sur toile    H 523 cm, L 715 cm    Musée du Louvre)
 

 

Sáng thứ tư  chúng tôi trở lại giã từ tháp Eiffel,  Champ de Mars và Trường Quân sự,   rồi chúng tôi đi Musée du Louvre, khi đó họ đang xây Pyramide bằng kiếng.  Hôm ấy vào cửa miễn phí nên hơi đông.   Ðến trước bức tranh La Joconde, Diễm ngạc nhiên “chỉ có bây lớn thôi sao anh ?”  Tôi trả lời là giống như café express, nhỏ mà đậm đà.  Xem tranh  Sacre de Napoléon. Tôi chỉ cho Diễm xem giày của những người trong tranh, họa sĩ khéo đến độ người xem phân biệt được những đôi giày bằng satin.  Tôi kể cho Diễm nghe còn một bức như thế, họa sĩ đã phác họa trước khi vẽ bức này.  Tối đó chúng tôi đi ăn ở tiệm Nhật bản.  Ở Canada, từ  Montréal thuộc Québec xuống đến Windsor, trong tỉnh Ontario, phần lớn các tiệm ăn Nhật bản đều có chủ là người Nhật và đầu bếp múa dao là người Việt.  Ở Paris, chủ tiệm Nhật bản này là Lộc, bạn của Huy từ 20 năm nay, còn đầu bếp là người Nhật chính cống !

            Về lại nhà, Diễm cám ơn Huy, nhờ Huy trao lại quà tặng cho Cẩm và cho bé Lan.  Tôi thấy Diễm thật tế nhị và chu đáo, mua quà, gói, viết thiệp lúc nào tôi không hề biết.  Như đoán biết được điều tôi nghĩ, Diễm cười “quà mua từ Canada anh !”

            Trưa hôm sau chúng tôi ra phi trường về lại Canada.  Khi phi cơ đã bình phi, Diễm ngả đầu vào vai tôi, lần đầu Diễm có cử chỉ thân mật như thế và nói:

- Cám ơn anh thật nhiều.  Sáu ngày qua em hết sức sung sướng và hạnh phúc.  Em cứ xin cho thời gian đi thật chậm để em tận hưởng hạnh phúc đó.  Còn anh, anh có vui không?

- Miễn là em thật sự có hạnh phúc là anh vui.  Còn tất cả những cái khác, dù có quan trọng đến mấy, đối với anh, cũng chỉ là những cái lẻ tẻ trong cuộc đời, rồi cũng qua đi.

Diễm lắc đầu rất dễ thương  “anh cũng phải có hạnh phúc cho anh nữa, em mới chịu !”

            Về đến Montréal chúng tôi chia tay, đi phi cơ tiếp về nhà.  Giã từ của tôi đầy nước mắt, vì tôi đã khóc.  Diễm hay hơn tôi, nhẹ nhàng an ủi : “Anh, đừng khóc anh, mình sẽ còn gặp nhau mà anh.  Noẽl anh xuống em nha anh.  Nhớ em mãi mãi là ECN nha anh.”

 

Theo ước hẹn, tôi xuống nhà Diễm nhân dịp lễ Giáng sinh.   Diễm đón tôi ở phi trường.  Gặp lại nhau, xúc động và mừng rỡ.  Diễm đón tay xách giúp tôi túi đựng quà rồi chúng tôi đi ra xe, bảng số xe ghi rõ ba chữ ECN.   Diễm đưa tôi về khách sạn chờ tôi rửa mặt, sửa soạn và thay đổi áo quần cho chững chạc hơn.  “Anh, ba em vẫn chưa chịu, nhưng mẹ em hứa sẽ nói vô, anh đừng ngại nha anh !”

            Ở cửa, mẹ của Diễm vồn vã chào mừng khi tôi cúi đầu: “Thưa Bác !”   Diễm ngó tôi, ánh mắt tươi và vui như muốn nói “được lắm !”  Tôi vào nhà, cởi áo lạnh và giày, vào phòng khách và ngồi đối diện với mẹ của Diễm.  Bà mời tôi uống trà, và sau đó bảo em của Diễm “lên thưa bố xuống ăn cơm luôn con !”   Lúc lâu sau đó ông mới xuống, mặt không có vẻ gì là thân thiện, không gật đầu trả lời câu chào thưa của tôi.  Mẹ của Diễm vẫn vui vẻ như cố gắng làm dịu bớt không khí căng thẳng từ khi ba của Diễm xuống phòng khách.   Suốt bữa ăn, ông không nói một tiếng, chỉ có mẹ của Diễm ngồi trước mặt tôi hỏi han, trò chuyện, và mời mọc ân cần.  Diễm ngồi cạnh tôi, và như bị khắc phục trước uy quyền của bố, Diễm mất hẳn vẻ hồn nhiên vui tính của những ngày ở trại, hay ở Paris.  Ăn vừa xong, bố của Diễm rời bàn, đi trở lên lầu.   Mẹ Diễm mời tôi qua phòng khách.   Diễm đứng dậy khi tôi còn ngồi, lấy tay bóp nhẹ vai tôi một cái rồi phụ em của Diễm thu dọn bàn ăn.  Không khí không có gì là vui hết.  Bố của Diễm còn điều khiển gia đình với một bàn tay sắt, đầy uy quyền của một gia trưởng nghiêm khắc và thủ cựu.

            Mẹ của Diễm vẫn vui vẻ tiếp tôi.  Khi Diễm vào trong, bà nhỏ nhẹ nói: “Ông nhà tôi khó tính, cậu đừng chấp.  Việc giữa cậu và Diễm hơi khó vì tuổi tác quá chênh lệch.  Cậu chỉ nhỏ hơn chúng tôi có mươi tuổi, còn Diễm thì chưa đầy ba mươi.  Sợ cậu không ở lâu được với cháu Diễm, sau này có gì, một mình nó phải lo cho con cái không nổi !”  Diễm và tôi cũng có bàn đến chuyện này, tôi hàng năm vẫn đi khám tổng quát, sức khỏe tốt.  Nhưng làm sao thuyết phục bố và mẹ của Diễm ?  Tôi biết Diễm còn sợ bố nhiều lắm.

            Diễm đưa tôi trở lại khách sạn, theo tôi lên phòng.  Diễm vẫn đẹp tuy mắt không còn ngời sáng hạnh phúc như trước.   Diễm đến đứng trước tôi, cúi mặt xuống, nói thật nhỏ : “Anh, anh đừng chê bỏ em nha anh.  Em muốn bố và mẹ của em phải chấp nhận chuyện đã rồi.”  Tôi kéo Diễm sát vào người, nâng cầm Diễm lên:

- Không nên em.  Anh kính trọng em và thật sự muốn em có hạnh phúc.  Mình hấp tấp, sau này em khổ, anh sẽ không bao giờ tha thứ cho anh được.

Vai Diễm run nhè nhẹ, Diễm úp mặt vào vai tôi, nước mắt ướt cả áo.

- Can đảm lên em.  Anh thương em, anh muốn em có hạnh phúc thật sự.

- Anh thương em ít hơn một chút có được không?  Bố em quân tử Tàu, anh cũng vậy !

Tôi giữ Diễm trong tay và rất muốn làm theo ý Diễm.  Nhưng Diễm mỏng mảnh quá, trân quý quá, và hiền như thiên thần.  Tôi đâu xúc phạm em được.  Diễm như biết được sự dằn xé trong nội tâm tôi, chùi nước mắt, và nắm chặt tay tôi.

-  Anh, em xin lỗi đã nói với anh như thế.  Em hiểu là anh thương em.  Cám ơn anh.  Anh đừng bao giờ giận em nha anh.

-  Không bao giờ giận ECN đâu.  Thương không hết, còn có chỗ đâu mà giận.

Diễm cười.  Tôi dặn Diễm lái xe cẩn thận.  Diễm hứa sẽ gọi tôi khi về đến nhà cho tôi an tâm, và sẽ gọi tôi vào đêm cuối năm, như đã gọi chúc Tết tôi năm rồi.  Diễm về rồi, tôi gọi hãng phi cơ đổi chuyến bay, trở về nhà ngay tối đó.  Còn lưu luyến ở lại nơi này làm gì, khi cả hai chúng tôi không có hy vọng gì vượt qua được trở lực của gia đình Diễm.

 Tôi chờ Diễm gọi vào đêm 31 tháng 12.   Cả đêm Diễm không gọi.  Tôi định sáng sẽ gọi Diễm.  Chừng mười giờ sáng ngày Tết Tây, chuông điện thoại reo.  Tôi nhấc máy, mới vừa nói “Hello”,  thì tiếng mẹ của Diễm đã hỏi từ đầu dây bên kia :  “Cậu Ðản phải không?” 

- Dạ ! Thưa Bác.  Bác vẫn mạnh khỏe?  Và Diễm có chuyện gì vậy Bác?

- Cháu Diễm không bao giờ gặp cậu được nữa.  Tôi nói giùm cho nó.  Diễm xin lỗi cậu, và xin cậu quên nó đi.  Nó cũng khổ lắm.  Cậu nên quên nó đi.

- Cháu không thể nào quên Diễm được, Bác.   Nhưng cháu hiểu, cháu không bao giờ trách Diễm.  Cháu cầu chúc Diễm có hạnh phúc.  Bác có thể cho cháu nói chuyện với Diễm được không?  Cháu chỉ muốn chúc Diễm

- Diễm đã về bên bà nội nó từ trưa hôm qua -  mẹ của Diễm cắt ngang, không để tôi nói tiếp.  Thôi cậu quên nó đi.  Tôi thật tình cám ơn cậu đã đối xử với nó rất tử  tế.  Diễm có nói hết với tôi, tôi biết là cậu thương cháu nó lắm.  Thôi chào cậu, chúc cậu may mắn !

            Tôi máng điện thoại  lên giá, không biết là mình có buồn không.  “Diễm ơi, mong em được hạnh phúc,” tôi nhủ thầm như thế mà nước mắt  trào lên, không cầm giữ được.  Tôi ở nhà luôn hai hôm, không vào trường, không đi ra ngoài.   Ðầu tháng 3, tôi qua Paris làm việc, một mình.

 

Lật bật mà tôi đã ở Paris hơn bốn năm.  Công việc bận rộn, viết lách nhiều, và phạm vi tra cứu rất rộng nên chiếm hầu hết thời giờ.  Nhờ thế mà không thấy buồn.  Lâu lâu tôi lại đi Aix en Provence, vào thư viện Pháp quốc Hải ngoại xem tài liệu.  Thỉnh thoảng tôi ghé thăm Huy và Cẩm, chơi với bé Lan.  Nó vẫn chưa có em.  Huy tế nhị, không bao giờ nhắc đến Diễm.  Cẩm cũng không hỏi sao tôi chẳng tìm người về ở chung.  Trong năm, cuối xuân khi trời bớt lạnh và trong suốt mùa hè, nếu tôi ở lại Paris, trưa thứ bảy tôi thường ra tháp Eiffel, mang theo mấy miếng bánh mì khô, cho chim và bồ câu ăn.  Có lúc lựa một chiếc băng ở chỗ không nắng quá, ngồi nhìn thiên hạ qua lại, trẻ con chạy giởn, hay là xem mấy bà, mấy cô cảnh sát ngăn không cho du khách đi trên cỏ

            Sáng nay thứ bảy, đầu tháng năm, tôi lấy Métro đi ra tháp Eiffel như thường lệ.  Trời trong xanh, không một áng mây, nắng nhưng có gió nên mát.  Dọc đường ra trạm métro, tôi thấy các bụi muguets trong bóng râm đã nở trắng xóa.  Hoa hình cái chuông,  mọc dài trên một nhánh cong cong, thơm dìu dịu, và tượng trưng cho hạnh phúc.

            Ðến chân tháp, tôi cũng lấy bánh mì khô trong túi đeo vai cho chim ăn.  Chai nước suối Evian còn lạnh, quanh chai đã đọng hơi nước.  Trong túi còn chiếc bánh éclair café, tôi định chút nữa, lúc gần đi về, mới ăn.  Người qua lại chưa đông lắm.  Tôi đến ngồi ở chiếc băng  quen thuộc và người nữ cảnh sát viên tôi vẫn thường gặp ở đây cười chào “Bonjour Monsieur !”  Tôi chào lại và nhớ đến bài ngữ vựng Pháp văn ngày trước.

            Tôi ngồi, yên lặng, bình thản, trong niềm vui nho nhỏ của một ngày đẹp trời.  Một lúc lâu sau đó, dường như nghe tiếng người nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.

- Ði chút nữa là tới Champ de Mars, và cuối đó là École militaire, anh !

- Mới qua Paris lần đầu mà em rành quá ?

            Giọng người thiếu phụ nghe sao quen, quen quá !   Một giọng nói dường như tôi không thể nào quên được và vẫn ngỡ là mãi mãi không bao giờ còn nghe được nữa.  Tôi nhìn về phía tiếng nói, thấy một người đàn ông đang đẩy xe cho con.  Ði cạnh ông là một thiếu phụ, dáng người mảnh khảnh, khá cao, mái tóc như ôm lấy khuôn mặt dễ nhìn.  Lúc đó người thiếu phụ cũng nhìn lại tôi, đôi mắt nâu, sâu, mà hồn nhiên và hết sức trong sáng.  Thiếu phụ không cười nhưng khuôn mặt rất tươi, và như chan hòa hạnh phúc. Một nguồn hạnh phúc thanh thản, ngời sáng, tràn đầy từ trong toát ra ngoài, bao trùm cả người đàn ông và cháu bé trong xe.  Ánh sáng hạnh phúc chói chan làm cho tôi phải cúi mặt, không nhìn lên  được, đồng thời ánh sáng đó như len vào người tôi,  tràn đầy tim, óc, và cho tôi như được chia sẻ hạnh phúc với người thiếu phụ.  Khi tôi ngửng lên lại, thiếu phụ và người đàn ông đẩy xe cho con đã đi xa.   Trong tôi dường như chỉ còn âm lại, không phải là tiếng thở dài nuối tiếc hay than van, mà như một thoáng chi đó, nhè nhẹ và êm ả : 

- Miễn là em thật sự có hạnh phúc là anh vui.  Còn tất cả những cái khác, dù có quan trọng đến mấy, đối với anh, cũng chỉ là những cái lẻ tẻ trong cuộc đời, rồi cũng qua đi.

 

Phụ chú:

Ðến tháng 9 năm 2003 có vài thay đổi ở Paris, xin ghi lại đây.

1.  Mặt tiền nhà thờ Ðức Bà (Notre Dame de Paris) đã được lau, rửa xong, rất đẹp.

2.  Samaritaine đã đóng sân lộ thiên (khu Panorama).  Lên lầu 9, chỉ có thể đi thang lên sân thượng (lầu 10) mà thôi.  Sân thượng có quày bán rượu, bia, nước ngọt ... và du khách có thể ngồi ngắm Paris, nhưng tầm mắt bị che khuất rất nhiều.

3. Sông Hương không còn ở trong khu thương xá mà đã dọn ra ngoài, ở trên đưòng Choisy (Boulevard de Choisy).

4. Mua vé métro đi hàng tuần không phải làm thẻ có hình nữa.

5. Mỗi đêm tháp Eiffel chớp đèn từ chân tháp lên đến đỉnh (như đầu năm 2000) trong vòng 10 phút, vào đầu giờ, bắt đầu từ 9 giờ tối.  Ðứng bên Trocadéro ngó qua rất đẹp.

6.  Xe bus chạy trong thành phố có bảng quang báo điện tử, cho biết giờ khởi hành và tên trạm chót (bến của tuyến đường).  Khi xe chạy, quang báo cho biết trạm sắp tới (prochain arrêt), trạm đang ngừng (cet arrêt), và cho biết còn bao nhiêu phút sẽ đến các trạm chính (thường có hai, ba trạm chính trên một tuyến).

Bài đọc thêm:

  1. Thủ đô Paris

  2. Quốc ca Pháp: La Marseillaise

 

© http://vietsciences.free.fr  Thuần Ngọc