Khi những cơn mưa gió cuối cùng
của tháng Mười đã qua đi, khi những ngày tháng nắng
hanh đầu mùa của tháng Mười một rắc vàng trên cảnh
vật, lũ học sinh trường Ngân Sơn bắt đầu háo hức vì
nghĩ đến Tết sắp đến. Thằng Sanh báo tin Tết trước
nhất. Nhà má nó bán hàng xén nên nó sát với mùa tiết
hơn mọi đứa khác. Một buổi sáng nó hớn hở hỏi lũ
bạn:
- Ðố tụi bay còn mấy ngày nữa tới Tết?
Nhiều đứa nhao lên:
- Còn một tháng mười hai ngày.
Sanh gật đầu:
- Giỏi.
Rồi nó nói tiếp, giọng hơi tự đắc:
- Sao tụi bay cũng biết hả? Ở nhà má tao mới
đi Tuy Hòa mua hồng, nho, táo, chà là về bán Tết. Má
tao cho mấy trái táo đem theo đây.
Nó vừa nói vừa thò tay vào
túi lấy ra hai quả táo. quả táo vỏ đen nhánh, răn
reo. Nó để vào giữa răng cắn một miếng lớn, sát ngay
hột. Lũ bạn nhìn theo nửa trái táo còn lại trên tay
nó. Dấu răng còn in rõ vào thịt táo nhuyễn. Thằng
Chữ thằng Tộc ý chừng chưa hề biết quả táo là trái
gì, cứ nhìn chòng chọc vào nửa trái táo còn lại. Năm
sáu đứa bạn đứng bao quanh. Những vết nhăn làm nhíu
đôi chân mày và những cái miệng mở trễ tràng. Vài
đứa nhìn vào cái mồm nhai của thằng Sanh, có lẽ là
để xem thử nhai một quả táo Tàu thì có khác với việc
nhai một món ăn thông thường không, như nhai một củ
sắn nước chẳng hạn. Thằng Chơn đi nhanh hơn, nhìn
ngay chỗ yết hầu của thằng Sanh để đợi xem thằng này
nuốt xuống.
Thằng Số và thằng Lời, quê mùa và thô lỗ hơn
hết, nắm ngay bàn tay đang cầm nửa trái táo của
thằng Sanh đưa lại gần mắt để xem cho thật kỹ.
Nuốt miếng táo xong, Sanh nói tiếp:
- Má tao nói Tết này má tao đi Tết thầy một
cân nho.
Những vẻ mặt tò mò lúc nãy
lần lần trở nên nghiêm nghị. Tết thầy là một mối băn
khoăn, nhất là đối với những đứa nghèo. Thằng Tộc
nhớ lại rằng năm ngoái cha nó quảy từ Ðồng Tre xuống
một buồng chuối mốc để tết thầy. Một buồng chuối thì
nghĩa lý gì so với cân nho, nó nghĩ thế. Thằng Chơn
nhớ đến con gà cồ nó ẵm đi theo cha đến tết thầy hôm
27 Tết. Nó không biết một cân nho giá đắt gấp mấy
con gà cồ, nhưng nó đoán là đắt lắm vì từ thuở giờ
nó chưa thấy trái nho ra thế nào. Có lẽ thằng Chữ
xấu hổ hơn cả vì mẹ nó chỉ tết thầy có hai trái dưa
leo và một củ khoai mài, mặc dù đó là hai trái dưa
sởn sơ nhất mẹ nó đã để dành phần tết thầy từ nửa
tháng trước, cấm ngặt không cho ai được hái. Vài đứa
bạn im lặng đứng lảng ra. Có lẽ đó là những đứa mà
cha mẹ đã quên tết thầy.
Tiếng thằng Sanh hỏi một đứa bạn:
- Mày tết thầy cái gì?
- Một giạ nếp.
- Còn mày?
- Chưa biết. Chắc bốn gói trà "chữ mực" như
mọi năm.
- Còn mày...
Tiếng guốc lộp cộp ở bực thềm đi lên. Thầy
giáo tới. Lũ trẻ chạy ùa ra sân sau, tán lạn như một
bầy chim sẻ.
Khi tiếng trống bãi trường
chậm rãi xổ, khi đã đi hết lần dốc xuống đường, bé
Trung xóa bỏ trong óc những con số của bài tính đố
vừa làm để vấn vương vì cái tin Tết nhất anh em đã
trao đổi cho nhau lúc nãy, trước giờ vào lớp. Tết
đến, đó là một cái thú, say sưa lạ lùng hơn mọi thú
khác vì lâu lắm mới gặp lại được một lần. Năm nay
Trung lên mười một tuổi. Soát lại trong óc, hình như
nó chỉ có kỷ niệm của ba, bốn cái Tết là cùng. Trước
đó, nó lớn như thế nào, nó đã ăn Tết như thế nào, nó
không hề biết. Ôi! Ngày Tết! Ngày Tết bắt đầu từ
phiên chợ hôm 21 tháng Chạp, phiên chợ họp ở gần nhà
nó. Những gánh hàng đều nặng trĩu, làm còng lưng
những người đàn ông vạm vỡ. Tiếng người đi chợ nói
chuyện, vang vang trong khi đêm chưa hết, trời còn
tối đen. Không biết lúc ấy là mấy giờ, nhưng chắc là
còn khuya lắm vì tiếng gà lảnh lót gọi nhau, trả lời
nhau, nhịp nhàng thứ tự từ xóm trên đến xóm dưới.
Ngày Tết, đó là những mâm cỗ cúng ăn không hết,
những cuộc đi thăm bà con ở xa, xa mãi sau những dãy
núi xanh cao. Ngày Tết ... Dòng tư tưởng của bé
Trung đến đây đứt quãng vì tiếng chân lộp độp của
bầy trâu đi đằng trước đi lại. Trung đứng nép sang
bờ cây chim chim để nhường chỗ cho trâu đi. Ba con
trâu lớn, mình phủ một lượt bùn ướt lóng lánh, vừa
nặng nề bước vừa quơ qua quơ lại đôi sừng cong kềnh
càng. Tiếng chân đập xuống mặt đường chẫm rãi đều
đặn. Ðuôi cũng chẫm rãi đều đặn đập hết sườn bên
phải đến sang sườn bên trái, đuổi những đám ruồi
muỗi bay vo vo. Trung đưa mắt nhìn xuống nền lá chim
chim, thấy bôi bết những vết bùn khô trắng. Ðó là
những đoạn lầy. Thoang thoảng nghe bốc lên mùi khen
khét đặc biệt của bùn trâu. Cả cái con đường làng,
đều mang dấu vết của những bầy trâu qua lại hàng
ngày. Sự chậm chạp nhẫn nại và kham khổ của bầy trâu
thật đã mâu thuẫn hết sức với những ý nghĩ êm đềm về
Tết nhất của Trung. Nhưng nó lại cũng đồng thời khơi
động nỗi băn khoăn đã nằm nép trong óc Trung từ
sáng: đó là việc đi tết thầy. Năm ngoái, cha Trung
đi tết thầy một đồng bạc. Cha thằng Tài đi tết đến
hai đồng. Trung xấu hổ sợ thầy khinh và lo lắng sợ
thầy ghét. Nó về nhà than phiền với cha:
- Sao cha đi tết thầy có một đồng?
Cha nó trả lời chậm chạp theo thói quen:
- Một đồng chớ bấy nhiêu nữa?
- Một đồng ít quá.
- Mày còn muốn bao nhiêu? Một đồng là hai giạ
lúa rồi.
- Nhưng cha thằng Tài đi tết tới hai đồng.
- Nhà nó bán hàng xén nhiều tiền, bì sao được?
Thầy giáo đã ăn lương của nhà nước rồi chớ đâu phải
giống như hồi xưa mà phải đi tết nhiều?
Thế là nó đuối lý mặc dù nó thấy là đi tết
hai đồng phải hơn. Ðặt vào địa vị cha nó, nó sẽ đi
tết thầy hai đồng. Nhưng nó không dám nói mà chỉ len
lén nhìn sang vẻ mặt cha đang đăm chiêu.
Nghĩ đến vẻ mặt đăm chiêu của
cha, Trung lo trước rằng năm nay việc tết thầy sẽ
còn làm cho nó đau khổ. Nó sẽ còn ngầm đem mình so
sánh với thằng Tài và thấy mình thua thằng Tài một
cách hết sức vô lý và bất công vì nó học giỏi hơn
thằng Tài nhiều lắm. Những giờ Toán, giờ Luận, thầy
giáo không ngớt lời khen nó, nhưng mỗi lần nghỉ Tết
xong, sự học tập tiếp tục trở lại, nó cảm thấy như
thầy giáo thờ ơ với nó trong khoảng hai tuần. Sự suy
nghĩ này làm nó giận cha, ngầm oán trách cha nữa.
Phải sau này, khi lớn lên nó mới biết tại sao cha nó
lại thờ ơ trong việc đi tết thầy như thế. Số là hồi
còn trẻ cha nó cũng được cho đi học như thầy giáo
Hiền, thầy dạy nó bây giờ. Suốt cả phủ Tuy An chỉ có
một trường phủ là dạy chữ Quốc ngữ mà chỉ dạy một
lớp vì không đủ thầy. Ở khắp các xã các tổng, thầy
đồ vẫn y như ngàn năm trước, cao giọng giảng đạo
thánh hiền. Sau một năm học ở trường Phủ, lên lớp,
cha nó ra học trường Tỉnh ở Sông Cầu. Sông Cầu là
tỉnh lỵ , những thú tiêu khiển như hát bội, những
đám đình đám lớn như làm chay được tổ chức thường
xuyên và có qui mô hấp dẫn đã lôi cuốn cha nó khiến
ông bỏ bê học hành. Nhiều lần khuyên răn vô hiệu
quả, ông nội không cho học nữa bắt cha nó về làm
nghề và cưới vợ. Có lẽ sự cưới vợ sớm đã an ủi cha
nó, bù vào sự học hành dở dang. Nhưng đến chừng nó
đến tuổi đi học mà thầy giáo nó lại nhằm vào người
bạn học hồi xưa thì hình như cha nó không được vui.
Dĩ vãng bị khuấy trộn, sự thất bại của tuổi thanh
xuân được nhắc đến thường xuyên, công việc làm ăn
lam lũ so với nghề thầy giáo thong thả và danh giá
khiến cha nó không có thiện cảm với thầy giáo mấy.
Sự coi thường những lễ tết thầy cho con, đó là một
cách trả thù nhẹ nhàng và vô hại.
Tối hôm đó, dưới ngọn đèn dầu,
bé Trung ngồi ê a học bài Cách Trí. Ðôi mắt nhìn ra
sân, chọc thủng vào bóng đen dày đặc bao trùm khu
vườn chuối trước nhà, đôi chân đu đưa dưới gầm bàn,
miệng nó lặp lại như một cái máy: "... Bộ máy tuần
hoàn gồm có tim, phát huyết quản và hồi huyết
quản... gồm có tim, phát huyết quản và hồi huyết
quản... gồm có tim phát huyến quản gồm có tim phát
huyết quản..." Tụng lảm nhảm một lát, sực nhớ lại nó
không biết là mình đã nói gì. Câu thuộc lòng đứt đầu
đứt đuôi. Nhìn xuống trang sách, những hàng chữ song
song làm nó thấy mỏi mệt và sao hôm nay chữ in như
có gai châm vào mắt khiến nó xót xa. Nó nhìn ra
khung ánh sáng chiếu qua cửa nằm in xuống sân. Nó
thấy lần lượt thằng Chơn ôm con gà trống thiến, mẹ
thằng Chữ cặp dưa leo, thằng Sanh hãnh diện cầm cân
nho. Nó quay sang nhìn cha nó đang nằm lơ mơ trên
võng treo gần đó, hỏi bằng một giọng tỉnh táo:
- Tết này cha đi tết thầy...
Nó chợt dừng lại, không biết có nên nói tiếp
không. Nghĩ tới sự bực mình của cha, nó bỗng mong
cha nó đừng nghe câu hỏi vừa rồi thì hơn. Nhưng cha
nó cựa mình cọt kẹt trên võng và quay hỏi to:
- Con hỏi gì? Ði tết thầy hả?
- Dạ.
Tiếng "con" dịu dàng thỉnh thoảng lắm cha nó
mới dùng để xưng hô làm nó cảm động êm đềm. Cha nó
lại hỏi:
- Năm ngoái đi tết thầy bao nhiêu?
- Cha đi tết một đồng.
- Ừ.
Sự im lặng nặng những mong đợi và hồi hộp.
Chợt cha nó đằng hắng một tiếng lớn làm nó giật nẩy
mình. Tiếp theo, ông ngập ngừng nói:
- Năm nay ... con lên lớp Tư. Thôi đi tết cho
thầy... hai đồng cũng được.
Lời tuyên bố bất ngờ làm nó
mừng quýnh. Thế là nó khỏi phải sợ thầy và xấu hổ
với bạn. Ðể sự mừng rỡ khỏi biểu lộ một cách phí
phạm, nó cúi xuống học bài Cách trí bỏ dở, giọng đọc
rõ ràng lảnh lót. Ðêm ấy nó học khuya mà không thấy
buồn ngủ. Từng hồi, từng hồi trí óc nó dừng lại giữa
những chữ "phát huyết quản... hồi huyết quản" để
mường tượng nghe tiếng reo đắc thắng "hai đồng bạc
tết thầy"
*
* *
Nỗi vui mừng trong lòng làm
Trung nhìn cảnh vật xung quanh với đôi mắt nặng
những trìu mến yêu thương. Cái gì cũng đẹp đối với
nó hết. Thực tế thì cảnh quả là đẹp thật, cái đẹp
rực rỡ sau những ngày Ðông mưa gió u sầu. Trưa hôm
nay đi học về ngồi đợi đò ở bãi cát Thiện đức, Trung
say sưa đẫm mình trong nắng. Thật đẹp là những ngày
nắng đầu mùa. Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt
khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Ðứng ở bến đò Thiện
đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò Gạch
cách đó hai cây số. Bờ tre ở Hội phú, rặng dương
liễu ở Mằng lăng hiện lên thành một giải xanh ngăn
ngắt và dãy núi cát ở mãi Vũng Lâm toàn một màu vàng
rất nhạt, sáng óng ánh dưới ánh mặt trời. Không khí
nhẹ và kích thích. Ở trong nhà nghe hơi lành lạnh
nhưng ra đứng giữa nắng một lát thì cảm thấy cái thú
ấm áp. Cái nắng e lệ đầu mùa cũng nhẹ như cái lạnh,
khác xa với vái nắng gay của ngày hè. Nắng về, nước
sông Cái chảy rọt hết khiến con sông chỉ rộng còn
mươi thước. Hôm tháng Mười nước lụt, cũng đoạn sông
này nước một màu vàng đục chảy cuồn cuộn phả bờ. Con
đò phải ghìm đậu mãi giữa xóm. Những ngày cực nhọc
ấy, đợi đò phải hàng buổi, đò chống phải hàng giờ.
Thật khổ tâm cho Trung khi ngồi bên này bờ nghe
tiếng trống trường đánh hồi giục giã. Khi mưa lụt
bắt đầu, đập Tam giang chắn ngang sông Cái bị nhổ cứ
ở đoạn giữa để cho nước thoát tránh đề đập khỏi vỡ.
Do đó, khi nước rọt hết, khi nắng tháng Mười một
khởi đầu cho mùa nắng Xuân Hè thì lòng sông hẹp lại
hết sức, những bãi cát bên bờ rộng ra vô cùng. Và để
chuẩn bị đắp lại đập chắn lại sông, giữ nước đưa về
đồng cho kịp mùa cấy tháng Chạp, lệnh đốn độn ban
ra. Trên sườn núi A Man nằm sau lưng thôn Quảng đức,
đen nghịt những người làng lo chặt chà, đốn độn.
Tiếng hò reo, tiếng hát ví, tiếng cười lanh lảnh.
Nhiều đứa nhỏ bằng tuổi Trung, sau buổi học, cũng
nhập bọn đốn độn. Lũ này đem tới trường những câu
hát đố thô tục, những câu chửi sỗ sàng dưới hình
thức câu hát, loại hát đặc biệt của lũ trẻ chăn bò,
chúng nó học được ở những ngày đốn độn, đếm độn.
Như phụ họa với ý nghĩ của Trung, ở lưng sườn
núi vang lên tiếng đứa nào hát:
(Lô lí lô) Tao liều (lô) một nắm (lô) ớt cay (lô)
Tổ cha thằng nhỏ đó (lô... ô...)
ăn mày (là mày) nhà tao (lô... à... lô...)
Tức thì một giọng khách lật đật đáp liền:
Thầy bày, thầy dạy mày đâu
Lấy cây gắp đất cho thầy mày ăn...
Trung nhìn lên hướng có tiếng hát. Một bầy bò
lưng vàng chen trong cát bụi lá xanh rậm. Bên cạnh
đó, hai ba dáng người mặc áo đen đang giơ rựa chặt
vào bụi cây. Có người đang ràng dây bó độn. Nghe
tiếng hát, nó chắc đó là tiếng của thằng Ðược con
ông Câu Mua, chăn bò chuyên môn.
Ðò cập bến. Khách đi đò lên
xuống đông hơn ngày thường. Lão Nhảy, ông lão chống
đò trông cũng vui cười mau mắn không còn u sầu như
những ngày thường. Ðành rằng nụ cười của ông chỉ
tươi đến một mức rất tương đối, đành rằng những cử
chỉ quơ sào, uốn mình, bắt tay chèo đều còn rất chậm
chạp mực thước, nhưng như thế cũng đã là tiến bộ quá
sức trông đợi của lũ học trò qua đò. Vì học trò là
lũ khách quá giang bị ngược đãi hơn hết. Ði đò suốt
cả năm mới trả cho một giạ lúa, gặp nhà nghèo thì số
tiền còn ít hơn, thế mà thỉnh thoảng lão còn nghe có
cha mẹ học trò nhắc đến một lệ nào đó hồi xưa, miễn
phí cho học trò nhà nước đi đò khỏi phải trả tiền.
Ði về một ngày bốn lượt, lên đò xuống đò thì hỗn
hào, thường đò chưa cập bến đã nhảy thót xuống đẩy
đò chạy ra xa phải mất công lão vừa quơ sào vừa chụp
tay chèo để bác đò vào bờ, thế mà một giạ lúa cũng
định gạt của lão. Lão vốn nghiện thuốc phiện mà nghề
chống đò đâu có dư giả để đủ tiền hút nên lão thường
hút xái và nuốt giẻ. Vào những buổi trưa đài thuốc,
nằm nấp nắng dưới mui thuyền kê ở bãi cát, nghe
tiếng kêu đò lòng thấp thỏm mong rằng đó là khách lạ
quá giang, thế mà hé nón nhòm ra thấy lục cục mấy
thằng học trò tiểu yêu đứa ngồi thu hình kẹp sách vở
vào giữa đùi, đứa vừa cầm mẻ sành ném thia lia trên
mặt sông miệng vừa kêu đò ơi ới thì nỗi chán chường
của lão thật lên đến cực độ. Lão nằm im một hồi lâu
để trả thù những tiếng réo đò nhưng cuối cùng lão
cũng phải dậy. Lão bước chầm chậm lên cát, vén quần
lội chầm chậm dưới nước rồi nặng nề bước lên đò. Lũ
trẻ hớn hở nhìn con đò chòng chành dưới sức nặng của
lão nhưng thất vọng liền khi thấy lão ngồi ỳ trên
giường sõng. Ðợi một lát chúng lại khởi sự réo, đứa
trước đứa sau. Sự khác biệt về âm thanh trong mỗi
tiếng réo không ngờ nghe lại vui tai nên chúng kêu
lại một lượt, hai lượt rồi kêu loạn xạ rồi ôm bụng,
cong lưng cười ngặt ngoẽo. Lão Nhảy giận lên vì mình
bị làm đầu đề cho một trò chơi mới nhưng cũng phải
đứng dậy đạp sào chèo đi vì sợ làng xóm người ta
quở. Tiếng kêu đò bao giờ cũng gợi một sự hối hả,
đôi khi còn pha màu rùng rợn. Ðó là tiếng kêu đò của
người nhà ai đi rước bà mụ, người chạy mời thầy
thuốc cứu một con bịnh ngặt nhèo, tiếng kêu của lũ
"Ma Gia" hiện hình lên trong những đêm lạnh lẽo
theo lời người ở ven sông truyền khẩu. Lão Nhảy
không muốn những sự rùng rợn ấy được thêu dệt quanh
mình lão. Lão lầm lũi chèo qua sông.
Ðể tránh những lời rủa sả của lão, khi đò cập
bến lũ nhỏ làm ra bộ hiền lành cung kính hết sức:
- Ðể con bỏ dây cho ông nghe?
- Ðể con bỏ cho.
Lão lại phải nạt lên:
- Ai biểu? Coi, lại nhảy dành đạp lủng mê
sõng. Tao nện cây sào cho một cái, u óc. Ðồ quỉ phá.
Ngồi xuống hết.
Lũ nhỏ riu ríu ngồi thu hình
trong lòng con đò . Tiện tay sào, lão đẩy con đò
lướt tới rồi khi lườn sõng kề sát chân cọc, lão nhẹ
đưa bàn chân đặt lên đầu cọc nhún mình đạp một cái.
Con đò vụt tới nhẹ nhàng. Tiếp theo, mái chèo chém
xuống nước, xoáy làm con đò lắc lư. Mũi đò ngoan
ngoãn hướng sang bên kia sông. Lũ trẻ mừng quá,
không ngờ lão lại tốt bụng không bắt chúng ngồi chờ
như chúng nghĩ. Chúng nhìn lên vẻ mặt lão để tìm xem
một nụ cười tha thứ nhưng chúng chỉ thấy vẻ u tối
bình nhật.
Nhưng mấy hôm nay, trong
không khí ấm áp nhuộm màu Tết nhứt, lão Nhảy vui vẻ
ra mặt. Lão nhai trầu, xỉa răng thuốc để thỉnh
thoảng nhổ một bãi nước trầu đỏ xuống mặt sông. Lão
nói chuyện, pha trò nữa. Ở trên giường sõng nơi chân
lão nhịp nhàng rướn tới kéo lui theo nhịp tay chèo,
có nhiều gói bằng lá chuối xanh mướt. Nhỏ nhắn vuông
vức này, chắc là gói thuốc. Có nước chảy ri rỉ kia,
là gói đậu phụ. Gói thịt lòng heo to hơn và dễ biết
hơn cả vì có một đoạn ruột heo sổ lòng thòng. Ý
chừng đây là những món quà người khách qua sông biếu
lão thay tiền. Cũng có thể là lão mua nhưng chắc
chắn người bán đã vừa bán vừa biếu. Ði đến bến sông
gặp một con đò sắp sửa rời bến, vừa bước lên đò là
được ông lái quay mũi sang sông, đó là những điềm
may mắn cho người bán hàng, nhất là trong những ngày
tháng Một tháng chạp bán chạy lời nhiều. Nghĩ vậy
nên không ai từ chối một sự dễ dãi với ông lái đò.
Bé Trung thấy lòng bâng khuâng thương cho ông
lão Nhảy. Một gói quà ngon hơn là một lời an ủi. Bé
liên tưởng ngay đến thầy giáo của bé. Trên cái khay
đặt ở bàn thầy ngồi, rồi sẽ có những gói trà buộc
chặt vào nhau, những phong bánh, những gói mứt và cả
những tờ giấy bạc mới tinh.
*
* *
Ngày hai mươi tháng Chạp, mỗi
học sinh đi học mang theo một cái lồng đèn để treo ở
lớp. Thầy không ra kiểu mẫu, không cho cỡ nhưng hầu
hết đều làm lồng đèn trái ấu. Chỉ có anh Sô, anh
Nhiễu nhà theo đạo Gia tô là làm đèn ngôi sao. Anh
Truyền ở Gò Chung qua, tuy cũng theo đạo Gia tô
nhưng cái lồng đèn trái ấu anh làm sơ sài đụng đến
thì méo. Hai cái lồng đèn của anh Trảy, anh Hự là
đẹp nhất. Ở mỗi góc có một chùm tua bằng giấy. Gió
thổi lên, những cái tua bay rèn rẹt lăn tăn. Thầy
cầm lên một cái lồng đèn trái ấu phất nhiều màu.
Chẳng những mỗi góc đều có tua mà ở mỗi mặt đèn tác
giả đều dán rất nhiều nhửng mảnh giấy tròn đủ cỡ.
Cái lồng đèn trông thành ra bề bộn lẩm cẩm. Thầy
hỏi:
- Cái lồng đèn của đứa nào đây bay?
Anh Uớc đứng dậy:
- Thưa thầy của con.
- Sao mày dán từng chấm từng chấm cùng khắp
trông như ghẻ vậy mày?
Cả lớp cười rộ lên. Không biết thầy nói
"trông như ghẻ vậy" là vô tình hay hữu ý vì khắp
mình anh Ước đầy những ghẻ. Cả ngay trên mặt cũng
loạn xị những sẹo ghẻ đã lành còn vết thâm tím. Anh
đứng cà lăm, lập bập cái miệng vài tiếng vô nghĩa
rồi ngồi xuống.
Thầy cho chăng ba đường dây
thép tréo nhau suốt từ góc này sang góc kia của lớp
rồi sai móc những lồng đèn vào. Gió thổi đu đưa cả
đèn cả tua trông vui như ngày hội. Những con chim sẻ
chọn chỗ lót ổ ở đầu rui, thảo luận "chi chích" hàng
tràng dài rồi đập cánh bay vù đến đậu ở một chỗ khác
và bắt đầu chi chích trở lại. Mặc dù thầy giáo Hiền
dữ đòn có tiếng nhưng vào những ngày này mà màu sắc,
mà âm thanh, mà cử động cứ náo loạn cả lên ở trên
đầu như thế kia thì bảo lũ nhỏ học hành chăm chú gì
nổi. Ðã thế, vào giấc ba giờ chiều, ngọn gió mát ở
dưới đồng vùn vụt thổi lên, thổi bay luôn cái linh
hồn nhẹ nhàng của lũ nhỏ đang dính vào lời giảng của
thầy bằng một sợi tơ tưởng tượng nào rất mảnh. Nhưng
mùa Xuân làm cho thầy hiền từ. Một bữa nào đó, thầy
dừng lại giữa hai lời giảng rồi nói:
- Hăm sáu tháng Chạp cúng trường.
Học trò nhao nhao lên mừng y như cỗ bàn đã
sắp dọn. Cái thước gạch phải đập lạch cạch xuống bàn
mới đem lại sự im lặng. Thầy đằng hắng nói tiếp:
- Mỗi trò góp năm xu. Trò nào nhà giàu góp một
cắc.
- Thưa thầy bữa nào cúng? Thằng Tộc ngớ ngẩn
hỏi.
Sáu bảy tiếng nói ồ lên một moạt:
- Ê! Thằng mớ ngủ. Thầy mới nói hăm sáu.
Cái thước gạch lại giơ lên nhưng chưa kịp gõ
xuống mà lũ nhỏ đã lật đật im lặng rồi. Có tiếng lè
nhè:
- Thưa thầy trò Lẹ giàu mà trò nói chỉ góp năm
xu.
- Không được. Cha nó làm ông Cửu, nhà giàu.
- Thưa thầy như vậy thằng Dĩ cũng phải nạp một
cắc. Nó là con bà Xã Tám Chí thạnh...
Những đứa con nhà giàu bị
hành hạ liên tiếp mấy buổi học vì ở lớp thì bạn nhất
định cho là giàu mà về nhà thì cha mẹ đều bảo là
mình nghèo. Nhưng rồi cuối cùng số tiền tom góp cũng
đủ. Thầy giao cho ông cai trường lo mua sắm. Ông
Tròn quê mùa có biết mua sắm gì đâu? Ông chuyên môn
chặt bụi ráy bó chổi để quét trường khỏi tốn tiền
mua. Ở góc lớp ông trữ sẵn bảy, tám cây chổi. Ông
giỏi gánh nước, leo đường dốc mà cứ chạy kìn kịt.
Ông cũng có tài lễ phép. Hễ đứng nói chuyện với thầy
thì một tay cung trước ngực, một tay gãi tai và mắt
thì ngó xuống đất. Thường thường gãi tai là cử chỉ
đối với ông Xã, cung tay là đối với ông Thừa, ông
Lại và cúi nhìn xuống đất là khi bẩm quan. Ý chừng
ông Tròn không biết xếp thầy ở nấc nào của cái thang
chức tước ấy nên khôn ngoan, ông tổng hợp mỗi động
tác một ít. Ông Tròn quan niệm cúng trường cũng như
cúng các đẳng nhà ông nên món thực phẩm đầu tiên và
chót hết mà ông có thể nghĩ đến là món chè nếp đậu
ván. Chè thì phải đi với xôi cũng như có vợ có
chồng. Xôi chè sắp trơn luột trên bàn thì ngó không
được nên ở dãy trước phải một hàng dĩa cốm bột, bánh
in. Ðèn hương thì khỏi phải tính toán suy nghĩ vì dù
hà tiện đến mấy cũng phải ra hàng xén của mụ Lành
mua, - mụ này kêu vợ ông Tròn bằng cô họ,- chứ
không giống bụi ráy có thể lên núi mà chặt bao
nhiêu cũng có. Khỏi tốn tiền mua hoa. Mấy cây điệp ở
trước Ty hàng tha hồ cho ông bẻ.
Thế là đúng xế hôm hăm sáu
tháng Chạp cúng trường, ông Tròn gánh một đầu nồi
chè to tướng, còn đầu kia thì lổn ngổn chén dĩa,
bánh cốm, hương hoa... Cái bàn thầy được khiêng ra
để giữa lớp. Xôi được ông xới ra dĩa trước. Học sinh
tự nguyện lãnh việc bưng sắp lên bàn rất đông. Tiếp
theo, ông múc chè ra từng chén. Công việc này mau
hơn đơm xôi vì xôi khó tém cho tròn mà hễ tay đụng
vào đâu là xôi bám chặt theo đó. Những chén chè cứ
sắp hàng, sắp hàng mãi, ban đầu còn rộng rãi thoải
mái, sau phải xếp sít lại gần, sít thêm nữa, đến
chật ních cả bàn. Cái bàn thầy ngày thường trang
nghiêm, nay phải chở một đám xôi chè trông tầm
thường như cái kệ của quán bà Cống. Nhưng khi ông
Tròn đặt hai cây đèn thau hai bên, cái lư hương để ở
giữa, cái bình hoa sát ở cạnh thì ông đã vô tình trả
lại sự trang nghiêm toàn vẹn cho cái bàn thầy. Và
khi thầy Hiền, chững chạc trong cái áo dài đen, đầu
đội khăn xếp, chân mang giày trắng bước lại trước
bàn châm nến và châm hương lầm rầm khấn vái thì tất
cả anh chị em học sinh đều khép nép im lặng. Ánh nến
lung linh, vòng khói hương bay quyện lên cao có một
vẻ gì huyền bí. Những dĩa xôi, những chén chè như đã
cởi bỏ cái lốt tầm thường của một món ăn mà khoác
lên một vẻ thiêng liêng, xa lạ. Sau khi thầy cúi đầu
vái xong ba vái thì đến lượt lũ học sinh lên làm lễ.
Thầy sắp cho cứ năm đứa lên lễ một lần, đứng thành
ngang hàng trước bàn. Hôm nay đứa nào cũng ăn bận
gọn gàng sạch sẽ hơn ngày thường nhiều nhưng sang
trọng hơn cả vẫn là Sanh. Bộ quần áo của nó bằng vải
tàu bay trắng tinh và may máy nên đường may thẳng và
nhỏ như nét kẽ. Khi thầy lùa đủ năm đứa để cùng đứng
với thằng Sanh thì đứa nào cũng chực lảng xa. Thằng
Ri bị bắt cóc đứng cạnh Sanh cứ lén nhìn xuống bộ
quần áo vải tám vàng khè của mình. Thằng Sung bận áo
cụt vải ú đen quần trắng giống y như cha nó khi đi
tết chủ ruộng. Quê mùa mà bằng lòng vô tư nhất là
anh Soi. Hình như anh mồ côi cha, nhà nghèo, ở mãi
tận hóc núi Bà. Anh bận áo vải ta trắng may tay,
đường may dày cộm, mũi chỉ thưa và không đều. Có
nhiều đoạn chắc vì hết chỉ, mẹ anh may bằng sợi gai.
Vạt trước cắt nhọn quá, dô ra như cái mái, để lòi
một phần da bụng. Áo chỉ có một túi, rất lớn, rất
cao dễ có thể chứa được hai tô lúa. Có năm hột nút
mà mỗi hột mỗi loại. Hôm nay anh vẫn mặc cái quần
cũ, cái quần nhuộm chàm đã xơ cả đáy. Anh bước tới
vái và lẩm nhẩm khấn một cách thành kính y như anh
quen với công việc này lắm. Bé Trung thì khờ hơn. Nó
không biết khấn tên ông gì nhưng nó đoán là ngồi ăn
chè trên bàn phải là mấy con ma ở cây cà te trước
trường. Cây cà te lớn sum sê, lá xanh quanh năm và
gốc to năm đứa ôm không xuể. Mới ngày đầu khai giảng
mà lũ bạn ở Thiện đức đã thầm thì truyền lời đồn:
- Cây cà te đó ma nhiều lắm. Ông Gương đi mua
kén ở Hòa đa về ngang qua đó nghe tiếng ma đưa võng
ru con, sợ chạy gần chết.
- Khuya khuya có những tấm phướn đỏ bay về
ngang qua cây cà te rồi ghé vào, biến mất.
- Tấm phướn là cái gì?
- Là tấm vải đỏ rất dài. "Bà" bay về nghỉ ở
đó.
Lũ thằng Ðời thằng Hỷ mang
cơm theo để trưa ở lại trường, nghe nói sợ quá phải
xuống xóm nghỉ trọ. Còn tất cả học trò thì đều sợ vì
những sự thất kính vô tình của mình trong suốt năm
học. Chẳng hạn, nó giỡn mà hét to lên làm kinh động
giấc nghỉ của "Bà". Chẳng hạn khoái chí quá, nhặt đá
lia vung, lia nhằm cả vào tàn cây cà te. Cũng có thể
"Bà" đi ngự du ở đâu về, sẵn thấy lũ nhỏ ra đánh
mạng đánh đáo ngoài sân trường, "Bà" bắn chơi một
mũi tên. Nhưng có điều này đáng sợ hơn hết là sự
tiểu bậy của chúng. Ðang mê chơi thì gặp chỗ nào
cũng có thể vén quần tiểu được. Ðánh trống ra chơi,
mừng quá nhảy xổ ra thì nhất định bạ hướng nào cũng
có thể tiểu. Không nhiều thì ít, đứa nào cũng đã có
vén quần tiểu về phía cây cà te. Tất cả lũ học trò
thành kính vái trước bàn, phần lớn là để xin tha cái
lỗi bất cẩn đó.
Lễ cúng xong, ông Tròn đem xôi chè ra sắp từng
bàn. Quen với nghề làm cai trường, ông chia đều mỗi
bàn năm chén. Khu chén chè đậy vào lỗ dành để gài gô
đê mực. Lũ học trò ngồi lắp vào băng, đều đặn như
những cái đinh bù long ráp vào máy. Cuộc ăn bắt dầu,
thứ tự, trang nghiêm như khi chúng ngồi làm bài hạch
tấn ích. Ðến lúc chén chè hết, những ngón tay bắt
dầu véo mấy dĩa xôi thì cuộc trò chuyện khởi sự và
ồn ào ngay. Mươi phút sau, chén dĩa hết sạch và ông
Tròn ra xổ trống.
Ngót ba mươi năm thấm thoát trôi qua, đến nay
bé Trung đã bốn mươi tuổi đầu rồi. Bé Trung đã làm
một người cha nghiêm nghị và trưa nay sở dĩ bé ngồi
nhớ lại đoạn đời ngây thơ của mình ở ngôi trường
Ngân sơn quê mùa xưa là vì đứa con của bé, thằng
Nghĩa, vừa đưa cho bé bức thư xin tiền của nhà
trường nơi nó học. Bé nhìn xuống tờ thư in ronéo còn
nằm dưới tay mình.
Nha trang ngày 30 tháng Giêng
năm 1961
Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân
Phước
Kính gởi phụ huynh trò Phan Ðức
Nghĩa
Nhân dịp Tết Tân Sửu, trường chúng tôi có
tổ chức cây mùa Xuân cho các em học sinh của trường
vào 16 giờ ngày 11 tháng 2 năm 1961 tức 26 tháng
Chạp Âm Lịch. Chúng tôi rất hân hạnh được nhận những
món quà hoặc tiền mặt của Ông, Bà để việc tổ chức
cây mùa Xuân được kết quả.
Xin cảm tạ lòng chiếu cố của Ông, Bà.
Lê Bá Lộc
©
http://vietsciences.free.fr
Võ Hồng |