Huế, ngày nào đó

Vietsciences- Mạnh Bích     02/02/2006

 
Thứ Tư 19/01/2006 07:07:42 nhà văn Mạnh bích có gởi cho Vietsciences...

...Tôi gửi đến Bạn bài viết về một cái Tết, chuyện ngày xưa nhưng mỗi lần Tết đến, tôi lại nhớ đến chuyện ấy để... buồn buồn! Tựa đề là : Huế, ngày nào đó! Bạn tùy nghi. Hẹn gặp lại ở đây vào Ngày Ðưa Ông Táo. Thân (MB)

Chúng tôi định đăng trong ba ngày đầu Xuân, thì đêm mùng Hai Tết, được tin Ông đã âm thầm ra đi vĩnh viễn. Chúng tôi lặng người. Ông mới vừa điện thoại nói chuyện vui vẻ, mà giờ đây tới một thế giới xa lạ, để lại người vợ mà Ông yêu quý vô cùng đã từ chối không theo con mà ở lại một mình trong căn nhà cũ đầy kỷ niệm để Bà vẫn thấy Ông luôn ở bên Bà...

Cuộc đời chỉ là một cuộc họp mặt.

Vietsciences

Một niềm vui nhỏ

Phỏng vấn nhạc sĩ, nhà văn, nhà giáo Mạnh Bích

-Mệ (1) ngồi trên mép bộ ván ngựa. Trước mặt mệ có cái tráp trầu để mở. Tôi chỉ được ngồi bên cạnh. Tôi đòi ngồi trong lòng bà như mọi khi, để được tự do táy máy nhìn ngắm mấy miếng trầu do mẹ tôi vừa têm cho bà, nhưng ôn (2) nhìn mệ lắc đầu. Mệ dịu dàng nói:

- Mi ngồi đó được rồi. Không thì con Cúc lại khóc chừ.

O-Em cũng vừa từ dưới chái đi lên. O (3) bỏ guốc ra, đến trao ấm nước vừa đun sôi cho ôn. O cũng nói :

- Cháu ngồi im chơi, đừng làm rộn mệ ..., mà cháu lo xuống nhà-dưới để mẹ thử áo cho chơ.

Ôn đỡ ấm nước sôi trong tay người con gái góa bụa nay thực sự trở về sống với gia đình, sau thời gian chịu nhiều khốn khổ để mưu sinh cho ba mẹ con. Ôn châm thêm nước vào bình trà, rót một tách, đưa mời mệ. Rồi ôn ngẩng lên, nói với O-Em:

- Thôi con để đó được rồi.

Ôn tự rót cho mình một tách, nhưng chưa uống. Ôn đưa chiếc ấm đất lên, hướng về phía mệ. Hiểu ý ôn tôi muốn hỏi bà muốn uống nữa không, mệ nói ‘dạ thôi’. Ôn lại đặt cái ấm xuống rồi quay sang phía tôi, nghiêm giọng:

- Còn cháu, cháu phải nhớ là mình đi học rồi đó. Đừng làm vậy, các em thấy, chúng nó cười cho... Cháu xuống với mẹ cháu, đừng để cho mẹ cháu chờ.

Tôi nhìn mệ. Mệ đưa tay nhẹ nhàng vuốt tóc tôi và nói:

- Tóc dài quá rồi đó. Lát nữa có chú Xoáy đến hớt cho cha, nhớ hớt luôn nghe.

Biết là mệ không can thiệp, tôi ‘dạ’ rồi tụt xuống sập, định chạy xuống nhà dưới, nhưng O-Em chặn lại:

- Guốc. Lại quên ôn dặn rồi.

Tôi quay lại, miễn cưỡng xó chân vào guốc. Tôi mới ‘bị’ đi guốc mấy tháng nay, từ ngày tôi đi học ở trường Vạn-xuân của thầy Liễu-đình-Ngô. Chú Khải muốn tôi đi học sớm nên đem lại giao cho bạn của chú làm ‘ông-đốc’ trường tư này. Trước kia, tôi được tự-do hơn. Chạy nhảy chân không cả ngày trên nền nhà nhẵn thín mát rượi, ngoài sân lát gạch bát tràng hồng tái, thật không có gì sướng bằng. Còn tối lại, trước khi đi ngủ, có O-Em đem đi rửa chân, kỳ cọ từng ngón, rồi bồng thẳng lên giường của mệ nghe kể chuyện đời xưa. Cực hình đi guốc chắc hôm nay sẽ càng khắc khe hơn vì chỉ còn một tuần nữa là Tết. Cha mẹ tôi và Liên (em gái tôi) đã về kịp để đưa Ông Táo, còn chú Khải tôi cũng sẽ về nay mai.

Trong nhà, tôi chỉ “ngại’’ có mỗi ông chú dạy học này. Ông cũng nghiêm từ như ông nội và cha tôi nhưng có lối hay trừng mắt mỗi khi tôi làm điều gì mà ông cho là sai. Ông không dám la mắng sợ làm trái ý ông-nội của tôi nhưng hay cằn nhằn O-Em và Mệ, cho rằng nuông chiều tôi quá mức. Mệ thì vẫn quen không nói gì dù không đồng ý với người con trai nhiễm nhiều tây-học, nhưng O-Em thì vừa thút-thít vừa bảo, trước sự bực bội của chú tôi: ‘Cậu đừng la rầy hắn. Không phải hắn là đích-tôn của ôn mà tui binh hắn nhưng mà hắn không có cậu mợ ở đây ... Hắn không sướng bằng cả con Hồng, con Cúc, tụi nó có tui bên cạnh’. Nể lời bà chị goá bụa, không binh con mà lại binh cháu, ông chú của tôi không còn bao giờ quát mắng tôi như đối với các cháu khác, như đối với chị Khánh-Yên, anh Điệu vân vân chẳng hạn, những người học trò của chú tôi thỉnh thoảng được đưa từ trường Vạn-giả về Huế nghỉ hè.

Tuy vậy, tôi vẫn rất ‘ngán’ những lúc chú xẳng giọng hay lừ mắt. Tôi mơ hồ thấy ‘bất ổn’ mỗi lần có chú tôi về nghỉ hè. Không-khí trong nhà có một cái gì đấy không thoải mái, tự nhiên nữa. Sự yêu thương không được bộc lộ tự do nữa. Những ánh mắt, những vuốt ve thiếu sự trìu mến ngày thường. Mệ và O-Em giữ gìn hơn, hạn chế trong sự săn sóc chúng tôi.

Đối với tôi, ông thường nói: ‘Phải công bằng hơn. Bảy tám tuổi rồi. Hai cẳng hắn dài thoòng rồi’. Nói vậy thôi chứ tôi vẫn yêu quí ông vì tôi cảm thấy chú tôi có một lối thương yêu tôi riêng biệt. Ông là người chăm lo chuyện học hành của tôi nhiều nhất. Có lẽ trong đầu ông chỉ có một ý nghĩ mà ông cho là hợp lý, quan trọng : ‘Thằng Hà nó là cháu ruột của tôi, tất nhiên hắn phải giỏi. Mà như vậy thì phải nghiêm, không được buông thả quá với hắn’.

Nhưng ‘hắn’ được sống bên cạnh ông bà nội của ‘hắn’. Và cả O-Em của ‘hắn’ nữa.

*

Cha tôi và chú Khải, tuy đã có chức phận trong chính phủ bảo-hộ nhưng ông bà nội của tôi vừa dọn từ Cầu-hai về đây mới hai tháng nên chúng tôi chỉ có căn nhà nhỏ bé này để ở. Ông bà ngoại tôi, sợ con gái phải lang bạt xa Huế, nên cố tìm một miếng đất cũng nằm trong Thành-Nội để ‘hai ông bà su-gia’ dọn về ở cho tiện bề lui tới. Bà-nội tôi rất cảm động trước lòng ưu ái quí hóa của ‘cụ-giáo’ - ông ngoại tôi làm giáo sư trường Bách-Công (école pratique) - còn ông nội tôi thì đã thấm mệt vì vận xui đeo đuổi mãi từ khi Bà-Cố của tôi mất, vả lại, thấy được ở gần ông Ngự Đạt - cũng là lương-y cho Triều-Đình - là chỗ quen biết nên nhận lời. Thế là chúng tôi kéo nhau về ở nơi gần hồ Tịnh-tâm này để kịp ăn Tết. Ông bà nội của tôi muốn kéo tất cả mọi người về: O Quản và O-Em - hai người con gái góa chồng - và các anh Kha, Nghĩa, các chị Hồng, chị Cúc. Tất nhiên là mẹ tôi và hai anh em tôi nữa. Nhưng O Quản không bằng lòng, lấy cớ ‘để ôn mệ ở cho rộng rãi’.

Tôi là người sung sướng nhất trong cái số gần mười người ấy được quây quần tại đây. Căn nhà tuy nhỏ - một căn, một chái - nhưng hình như ai cũng có chỗ ngủ nghê tương đối tốt cả. Tốt đối với riêng tôi vì tôi được ngủ chung với ông tôi, trên bộ ván ngựa gồm ba mảnh gỗ mít ghép lại. Cạnh đấy có một cái tủ có nhiều hộc (ngăn kéo) đựng đầy thuốc bắc thơm phưng phức. Trước khi ngủ, lúc đã nằm cạnh ông tôi, tôi thường đuợc cho phép lấy một quả táo tầu để ăn. Thật là tiện lợi cho nên ngon vô cùng. ‘Mấy người kia’ ngủ ở đâu không biết, nhưng không nghe ai tìm chỗ hay tranh giành gì cả. Tiện lợi ấy sẽ mất đi khi tôi thi đậu tiểu học - bằng cơ thủy, còn được gọi là ‘ri-me’ - và cha tôi phụ với chú Khải sửa lớn nhà này thành ba căn hai chái.

*

Tết năm ấy là cái Tết quan trọng nhất đời tôi. Chúng tôi rộn rịp, náo nức tổ chức ăn cái Tết đầu tiên trong cảnh sum họp hoàn toàn, có đủ con cháu nội ngoại. O-Em được quyền tự do lấy tiền ‘măng-đa’ ra để làm không biết bao nhiêu là... bánh. Mẹ tôi may cho tôi thêm rất nhiều áo quần. Mọi năm, nhân dịp Tết, tôi chỉ được có một bộ áo quần kiểu hải-quân, một loại ‘soọt’ trắng viền xanh; trái lại năm nay, tôi được những ba bộ, kiểu khác nhau. Ngoài ra còn có ba bốn cái quần đùi và một bộ áo quần dài ta, vải quyến. Mẹ tôi nói là để đi học cho oai.

Tôi không thắc mắc gì vì trong đầu, trong mắt tôi, chỉ biết có các thứ bánh là điều đáng yêu thích mà thôi: bánh măng, bánh mận, bánh mè, bánh su-sê, bánh thuẫn, bánh tô-châu v.v. và nhất là bánh in. Có đủ loại bánh in: phục linh, đậu xanh, bột nếp... (O-Em rất giỏi về bánh in).

Bánh phục linh thì ngon tuyệt, mịn nhuyễn, tan ngấm vào tận các khe hóc trong mồm, thơm lừng mùi bột ướp bông sói, nhưng không phải vì vậy mà tôi thích. Tôi thích vì, sau khi chờ O-Em cho bột vào khuôn, lấy cái nắp có quai ấn bột xuống cho chặt, tôi được phép chà đi chà lại trên mặt cai khay lớn bằng đồng rồi ấn cho miếng bánh lọt ra, nhẵn nhụi và không vỡ. ‘Giỏi thiệt. Chỉ có thằng Hà làm được thôi. Con trai có khác’. Chị Hồng chờ bên cạnh để đòi làm thử mà O-Em không cho, xì một tiếng rồi bỏ đi.

Suốt một tuần, từ hôm ba mươi cho đến mồng năm, tôi được tự do ăn đủ thứ bánh trái và các thức ăn do O-Em làm. Mệ và mẹ tôi chỉ làm một ít mứt lấy khéo thôi. Không hiểu vì sao O-Em không làm theo điều cấm kỵ lớn nhất của ông tôi ‘không được rớ vào bất cứ một thứ gì trước khi đem lên cúng’. Mỗi khi tôi lảng vảng xuống nhà-dưới, O viện cớ cho tôi nếm thử để cho tôi một miếng bánh tét chiên giòn rụm, dính răng nhưng thơm lừng hay một cái bánh thuẫn vàng rộm mới làm.

Cho đến tối hôm ấy - hôm sau cha mẹ tôi phải trở về Qui-nhơn - trong khi cha và chú tôi ngồi nói chuyện gì đấy bên bộ trường kỷ, mẹ tôi gọi tôi ở ngoài sân vào. Mẹ ôm tôi vào lòng, trước mặt ôn. Tôi lấy làm lạ là ôn tôi không nói gì, trái với mọi khi, mẹ tôi không được nựng nịu, âu yếm tôi thái quá. Mệ thì không nhìn tôi và cúi đầu xoáy rất lâu một miếng trầu đã nhuyễn. Một lúc sau, thấy tôi ngơ ngác nhìn qua nhìn lại, mẹ tôi nói: ‘Hà ơi! Ngày mai, mẹ đi Qui-nhơn với cha còn con thì ...’. Nói đến đấy, mẹ tôi lặng im, không nói được nữa. Miệng bà méo xệch đi trông rất tội nghiệp. Chưa bao giờ trông mặt mẹ tôi lại khổ sở như vậy. Nước mắt mẹ tuôn ràn rụa lên má, lên môi, ướt luôn cả má của tôi. Mẹ ôm chặt lấy tôi. Tự nhiên, tôi cũng khóc theo. Tôi nhìn sang mệ. Mệ bỗng dưng đặt cái xoáy trầu xuống và tụt xuống bộ ván, vừa kéo vạt áo lau nước mắt vừa đi xuống nhà-dưới.

Ôn lúc ấy mới hắng giọng nói:

- Hà! Cháu đừng khóc, nghe ôn nói. Chị Cả (chỉ mẹ tôi) cũng đừng khóc nữa, để ôn nói chuyện với hắn cho.

Qua làn nước mắt ào ạt tràn tới, qua tiếng khóc tấm tức của mẹ tôi, tôi nghe ôn giảng cho tôi hiểu là tôi không được theo cha mẹ tôi đi Qui-nhơn mà phải ở lại Huế với ôn và mệ để đi học.

Tối hôm ấy tôi không chịu ngủ chung với ôn và chen vào ngủ chung giường với mẹ tôi và em Liên. Sáng hôm sau, tôi thức giấc thì thấy mình đang ngủ ở giường của mệ. Tôi vùng giậy và hiểu ngay là cha mẹ tôi, em Liên và chú Khải đều đã đi hết rồi. Tôi nhảy xuống giường, vụt ra ngõ, bặm miệng chạy thật nhanh về phía đầu đường Đoàn-thị Điểm. Mệ la lên ... O-Em và chị Hồng đuổi theo. Chị bắt được tôi. O-Em bồng tôi về, vừa đi vừa khóc.. Tôi oà lên khóc rất lớn; tôi vùng, tôi dẫy hết cả sức lực của tôi.

Gần đến trước nhà thì O ngã quị xuống đường. Bà Tiềm ở đâu không biết chạy lại đỡ O và tôi lên, dìu vào nhà. Mệ khóc nức nở trên bộ ván. Ôn nhặt vội cái khăn lau chén trà đưa lên chụi mắt. Trong khi O-Em đặt tôi ngồi trên bộ ván, bên cạnh mệ, ôn đến trước bàn thờ, thắp nhang rồi quì xuống. Không thấy ôn lạy. Không nghe ông tôi khấn. Ôn quì rất lâu, mắt nhìn đăm đăm trước mặt, hướng về phía cái bài vị phủ nhiễu đỏ trên bàn thờ. Và lần đầu tiên, tôi thấy từ mắt ôn hai giọt nước mắt ứa ra, long lanh rất lâu rồi vỡ thành hai giòng nước nhỏ chảy xuống gò má để chen vào ria mép của ông tôi. Tôi sửng sốt, nín khóc.

Tôi bỏ ăn mấy ngày. Ôn biểu mệ đem tôi vào ngủ với mệ, còn chị Cúc thì phải chen vào nằm chung với O-Em và chị Hồng. Trẻ thơ quên buồn khá nhanh, nhất là khi thiếu vắng tình mẹ lại có tình thương nồng nàn của những người thân khác bù đắp chứa chan vào. Những người thân ấy, trước hết là bà-nội của tôi.

Tình thương của mệ không phải ‘như nước trong nguồn chảy ra’, mà là trời, là biển, rộng lớn sâu đậm vô cùng tận, là một thứ hơi ấm tỏa ra từ con người bé nhỏ của mệ, trùm bọc lấy tôi, trọn vẹn, không lúc nào vơi nhẹ, chắc còn hơn cả lúc có mẹ tôi bên cạnh. Hình như mệ cố hết sức phụ với ôn bù đắp một cái gì đấy cho tôi. Còn O-Em, người góa phụ chỉ có hai mụn con gái, rất sung sướng được thương yêu ‘thằng Hà con cậu mợ’ như con trai của mình. Và chị Hồng, chị Cúc, thấy mẹ mình yêu chiều đứa em cô cậu của mình, cũng thương yêu ‘em Hà vì em không có mợ bên cạnh như tụi mình’.

*

Quãng đời ấu thơ cứ vậy mà trôi đi, trầm lặng, êm đềm. Tôi lớn lên, được bao bọc bởi một không khí gia đình hiền hoà, êm-ả. O-Em thích thú chia xẻ tình thương yêu của mệ ban cho tôi. Không bao giờ O vượt tranh tình yêu thương yêu của mệ. Dường như cả hai đều cảm thấy sung sướng hơn khi sự triù mến của họ trở nên hoàn toàn hơn khi cả hai cùng chung nhau lại, phụ cho nhau, săn sóc thật nhiều, cốt làm cho tốt hơn.

Tình yêu thương của cả hai luôn luôn thanh thản, thâm trầm, tạo nên một thứ hạnh phúc dung dị, an nhiên, và niềm hoà ái của họ xoa dịu rất nhiều tình trạng gần như côi cút của tôi. Tôi quen với cái không khí êm đềm bình thản ấy và sự trầm lặng lẳng lặng đi vào hồn lúc nào tôi không hay.

Thật ra O-Em thường bồng bột hơn. Khi tôi bị ngã, bị đứt tay, trầy chân - những chuyện thường hay xảy ra lắm - người chạy lại trước nhất là O. Và O tự động chạy lên nhà-trên, mở một ngăn kéo rất quen thuộc của O, lấy thuốc đắp rịt cho tôi. Chị Hồng cũng lăng xăng bôi thuốc cho tôi, còn chị Cúc thì, quá quen với cảnh tượng ấy, chẳng khi nào để ý đến việc mẹ mình lo ‘dữ tợn’ cho đứa em cô cậu của mình. Mỗi lần thấy O hốt hoảng như vậy, ôn thường bảo O ‘không nên làm um xùm’, nhưng O làm ngơ, làm như không nghe thấy gì cả. Rốt cuộc tôi được cái hạnh phúc là ‘hư’, không phải hư tại mẹ tại bà, mà ‘hư tại cô’.

Trong gần ba năm, thế giới ấu thơ của tôi là nơi đây. Nó là một thiên đường mà thiên đường ấy lại rất nhỏ bé, quá xứng hợp với tầm vóc của tôi nên rất ấm áp, an lành. Nó gồm có một gian nhà chính, có bàn thờ tổ tiên đặt trong cùng; bên phải là tủ thuốc của ông tôi; bên trái là bộ trường kỷ. Đối diện bàn thờ là bộ ván ngựa của bác bộ Khuyến chở từ dưới làng lên. Bộ trường kỷ có chạm xa-cừ rất được ông bà nội đặc biệt trân quí vì hình như nó vẫn đi theo hai vợ chồng nhà nho nghèo, ít may mắn này, trên những nẻo đường định cư lập nghiệp. Tôi không nhớ các chị Hồng, chị Cúc chơi ở đâu - con gái chơi riêng - còn tôi thì được tự do chạy nhảy khắp nơi.

Mệ chỉ thích giữ tôi bên cạnh, ở nhà-dưới (O-Em không thích gọi nơi này là chái vì lẽ nền nhà cũng bằng đất nện tráng xi-măng như ở nhà-trên và cũng khá rộng, đủ để dùng làm nơi nấu nướng và chỗ ngủ cho đàn bà con gái) để mệ đọc vè Kinh-thành thất thủ, hay kể chuyện Thạch-Sanh, Mạnh-lệ-Quân, Tiết-nhơn-Quí vân vân.

Còn O-Em thì, mỗi chiều là lúc O rảnh rang nhất, thích gọi tôi đến để ôm chặt tôi vào lòng, để hôn hít lên tóc của tôi và để nói ‘gớm, hôi như chó, đi tắm đi’. Thế là màn bi-hài-kịch lại diễn ra: mệ không cho O-Em tắm trần truồng cho tôi sợ tôi bị ‘nhiễm hàn’, và O-Em phải nhờ ôn can thiệp để ‘tắm cho hắn đi, cho hắn dạn gió dạn máy’.

Khi nào tôi lười thì tôi giả vờ kêu lạnh để được mệ giằng khỏi tay O-Em, đặt ngồi trên lòng cho ăn kẹo cau, kẹo gừng và kể chuyện tiếp. Ngược lại, tôi không nói gì. Thế là O-Em đem tôi ra ảng nước sau bếp để tắm rửa rồi lấy bộ áo quần tây mẹ tôi đã may, mặc cho tôi. O âu-yếm vuốt ve tôi và nói ‘thằng ni đẹp như tây’. Những khi ấy, ôn thưởng cho một quả táo tầu vì tôi không sợ nước lạnh.

Vấn đề chơi ngoài trời cũng vậy. Tôi chỉ được chạy nhảy ngoài sân trong lúc có ôn đang săn sóc hòn non bộ. Kể ra cả những lúc ấy, tôi cũng chỉ được ra đến ranh giới cổng nhà và đứng ôm gốc một cây sầu đông, thèm thuồng nhìn bọn Đằng, Hảo chơi đùa trước mặt nhà họ, trong đám cỏ mọc hoang ven đường. Cho nên, lúc nào mệ ngủ trưa, tôi xin phép ôn ra chơi sau vườn, có nghĩa là tôi được phép leo lên cây khế-giành hoặc cây mít nài trồng ven vườn, ngăn nhà tôi với nhà bà goá phụ của ông Chưởng-ấn Võ-Tiềm. Ngồi vậy thôi. Để tự thấy mình là con trai nên được leo trèo và mình không đến nỗi ‘quá tệ’ như anh Nghĩa thường chê tôi. Còn muốn ăn những trái khế vàng rộm, nhai nghe rào rạo và thỉnh thoảng bị sặc vì nhiều nước và ngọt ‘dữ tợn’ thì phải nhờ đến chị Hồng. Chị ‘khoèo’ khế bằng cây sào tre dài, đầu chẻ đan thành cái ngảo nhỏ rất tài. Trái nào cũng rớt gọn lõm trong ngảo cả.

Cả nhà đều tôn trọng lối sống mà ôn đã lôi cuốn mệ vào, trong suốt thời-gian ra-ở-riêng với nhau. Dường như từ cái năm Ất-Dậu ấy, thời vận suy vong đã đến với đất nước của triều Nguyễn và kéo luôn cả gia đình ôn theo. Người nho sĩ thất-cơ-lỡ-vận ấy đành chấp nhận cuộc sống thanh bần, yên phận với trách nhiệm lương-y do mình chọn lựa, theo quan niệm bất-di bất-dịch từ hàng mấy chục đời rồi. Ôn chán thi cử, công danh đã đành, còn những khoa thi hương thi hội của triều-đình cũng dần dần bị bãi bỏ!

‘Cái học nhà nho đã hỏng rồi, mười người đi học chín người thôi. Mấy khoa hương-thí không đâu cả ...’. Lời than thở của Tú Xương làm cho những lần toan tính theo các bà-con có tâm huyết gia nhập phong trào Cần-vương, Duy-Tân bất thành trong tâm tưởng của ôn thêm ai oán! Triều đình thì bấn loạn, văn-thân cũng thúc thủ, nhà nho đau buồn nhìn quốc thái đi dần vào suy vong.

‘Trường tây’ đã mở ở nhiều nơi trong nước. Trong gia đình bên bà-tôi đã có nhiều người nhanh chân chen vào vận-hội-mới. Sợi giây tương ứng, nghĩa trọng giữa ông bà nội và ông bà ngoại của tôi cũng trở thành lỏng lẻo vì ông ngoại tôi nhận lời ‘làm việc với tây’. Mỗi lần mẹ tôi được gọi về nhà để theo ông ngoại tôi ‘qua toà Khâm chơi’, ôn không nói gì, chỉ buồn âm thầm, cũng như ôn dành âm thầm sống bên lề vận nước đang thay đổi nhanh chóng.

Tôi thường nghe ông tôi đọc cho ông Ngự Đạt, bác bộ Khuyến nghe, giữa những lúc luận đàm về y-thuật, mấy câu thơ của một người bà con bị mất xác trong lúc phò vua Hàm-nghi lánh nạn ra Sơn-phòng (Quảng-trị) gửi về khuyên can ông tôi. ‘Bất lương tướng tắc lương y; tuế nguyệt du nhàn, tứ hải tao phùng thanh nhãn khách’ (4,5) và gì gì nữa, tôi không nhớ hết. Tôi chỉ không thể nào quên được, cứ mỗi lần như vậy, cả ba ông lại chuốc rượu cho nhau uống để tán thưởng mấy chữ ‘thanh-nhãn-khách’.

Rồi ôn cũng bất-đắc-dĩ phải để hai người con trai vuột khỏi cương-hệ cổ-truyền, hội nhập với xã-hội mới của Việt-nam bị Pháp dần dần thống trị. Ôn buồn rầu nhìn xã hội bị tân hóa rồi phân hoá và lo cho những nguyên tắc cổ truyền trong gia đình dần dà theo biến chuyển của xã hội mà trở thành mong manh lạc lõng. Ôn nhắc nhở cha tôi phải luôn luôn nhớ đến việc trau dồi hán học để chu toàn bổn phận trưởng-nam.

Cha tôi cũng bắt đầu phải học thuốc với ôn và một ông bác trong họ (ông này rất được ông Ngự Đạt quí trọng và xem là một đại lương-y). Điều này trở thành mối ưu tư của ôn và một ray rứt lương tâm cho cha tôi : làm sao lo cho tròn được trách nhiệm ấy, cho hợp với hiếu đạo khi cha tôi phải bận công vụ ở xa và sự truyền thụ y lý không được liên tục, thường nhật?

Ngoài ra, mỗi lần chú Khải về nghỉ hè là mỗi lần có tranh luận về mới và cũ. Không khi nào ôn có thể hoàn toàn hiểu được ‘cái lối học kỳ cục của Tây’. Có một lần chú tôi đang giảng về trời sáng, trời tối cho chị Hồng, ông tôi ngưng tay bốc thuốc để bảo: ‘Đó, thấy chưa? Tây nó mạnh, nó hơn mình thì nó nói gì mình cũng phải nghe, cũng đành chịu. Chứ như nói rằng trái đất đã tròn mà lại còn quay nữa thì làm sao nghe lọt lỗ tai cho được?’. Chú tôi bực mình vì chị Hồng lại càng không hiểu chuyện chú giảng nhưng không dám nói gì. Vả lại, chú cũng không biết làm sao để chứng minh được!

Nhưng giữa ông bà tôi và các con các cháu có sẵn tình yêu thương làm keo sơn, để sự hoà nthuận trong gia đình mỗi ngày một vững chắc. Cũng như nết hiền hoà của mệ, đức hy sinh của O-Em làm nguồn vui cho mọi người. O-Em, ngoài việc chợ búa bếp núc, còn làm thêm bánh ít đen, ít trắng, bánh lá chả tôm đem bán ngoài chợ Xép, gần ngã tư Âm-hồn để kiếm thêm tiền chợ, đỡ bớt gánh nặng cho cha mẹ mình.

Hai bàn tay của O càng ngày càng sưng húp vì làm việc không lúc nào ngừng. Tuy vậy, tấm lòng phụng thờ cha mẹ,thương yêu chúng tôi không lúc nào suy giảm, làm cho nụ cười của O không lúc nào thiếu trên môi. Chưa lúc nào tôi nghe O thốt ra một tiếng thở dài chứ đụng nói là lời than thở.

Dựa trên lòng tin trời, yêu người, chúng tôi sống trong cảnh nghèo của ôn và mệ của chúng tôi một cách bình thản. Ôn thường nhắc nhở chú tôi: ‘Đừng quá lo cho ôn mệ. Bần nhi vô xiểm, phú nhi vô kiêu, (6) con thấy ôn mệ lúc nào cũng vui không?’. Nhưng cả cha lẫn chú tôi lúc nào cũng cố chăm lo cho cha mẹ vì rất thương xót mệ tôi. Mệ là mẫu người nhân ái của tất cả bà con nội ngoại của tôi.

Con cụ Tú Trần và em gái của Ông Hồng-lô, mệ lẳng lặng quên nếp sống sung túc nhàn hạ của gia -đình khi trở thành vợ của một nho sĩ bị thất-cơ-lỡ-vận. Luôn luôn mệ tỏ ra kính yêu những cái ‘gàn’ của chồng. Bằng nụ cười, ánh mắt hiền hoà, bằng lời nói thiết-tha dịu dàng, mệ răn dạy con cháu nết hiền thục, an nhiên của mẫu người hiền phụ, hiền mẫu được mọi người quí trọng trong xã hội cổ truyền một cách ôn nhu, trầm lặng. Ông tôi làm thuốc với nguyên-tắc ‘ý giả ý dã’ cho nên nhà không lúc nào được sung túc, mặc dù thân chủ rất đông, phần nhiều từ các làng quê lặn lội đến, như những vùng Cầu-hai, Nước-ngọt, Thanh-đàm, Vân-cù, hay xa hơn nữa, từ các tỉnh Bình-định, Tuy-hoà là những nơi mà ôn đã được mời đến chữa cho một đại-phú-gia nào ở đấy.

Lối làm thuốc cốt để cứu nhân độ thế là một lối phụng sự xã hội của những hàn nho này được chú tôi xem là không mấy hợp lý trong cái thời buổi kim tiền mới mẻ này. Đa số thân chủ được miễn phí, còn thông thường, ôn chỉ nhận một con gà, mấy bao trà và mấy câu cám ơn chân tình là đủ.

Vì vậy, mệ không lúc nào được dư dật để tiêu pha. Mỗi đầu tháng, mệ nhặt một ít tiền ăn mười, ăn sáu - tất cả không quá một ‘giác’! - trong ngăn kéo đựng tiền thù lao của bệnh nhân và tiền ‘măng-đa’ của cha và chú tôi gửi về để ra quán Mụ Sáu đầu đường Mã-khái mua quà cho chúng tôi.

Tôi ngậm trong miệng rất lâu những cục kẹo gừng cay thơm - tôi quen với hương vị gừng có lẽ từ độ ấy - hay nhâm nhi những miếng kẹo đậu phụng béo ngọt của mệ lén đưa cho, trong lúc tôi chạy chơi ngoài sân. Lén vì mẹ tôi không bằng lòng sợ tôi bị ‘siết răng’, còn ôn thì cấm không cho ăn ngọt vặt sợ tôi bỏ cơm.

Những sự lén lút đồng lõa ấy làm tôi thấy thương yêu bà-nội của tôi vô cùng.

*

Cuộc sống hiền hoà trôi êm với những biến cố tự nhiên của nó. Bên lề những đổi thay của đất nước đã quen dần với sự có mặt của ‘tụi Tây mạnh dễ sợ và quá tài’ và mặc nhiên dần dà bị lôi cuốn vào những lộn xộn của ‘tụi nó’, ôn để cho tôi học chữ tây nhưng không ngớt bắt tôi học chữ nho để đừng quên phong cách nhà nho. Đi học, ông tôi rất vui khi thấy tôi cũng như chúng bạn cùng trường mặc áo quần dài ta, đi guốc. Những ngày nghỉ học và riêng trong ba tháng hè, ôn để tôi mặc ‘đồ tây’, nghĩa là quần tây ngắn, áo sơ-mi cộc tay để đi họp sói, họp hướng-đạo với thầy Luận hay thầy Đơn.

Nhiều năm tháng trôi qua, không hững hờ bi thương như trong tâm tư của ôn nhưng mang vẻ lờ lững mà vẫn đầy cẩn trọng như phong thái của người sĩ phu thất thế. Từ đứa bé bảy tuổi đến lúc đi vào tuổi vị-thành-niên, tôi thơ ngây hưởng cái êm đềm, an lành của một không khí gia-đình tuy bần bạch nhưng có thừa dịu hiền và ưu ái. Tuy sẽ dần dần phải trải qua những trăn trở do xã hội đi vào sự đổi mới nhưng luôn luôn có sự che chở tinh thần của ôn.

Cuộc đời ấy sẽ xoay chiều hẳn sau ngày ôn chết. Hôm ấy là một ngày cuối năm, có cơn mưa giông trái mùa, vào lúc vận nước đang xoay chuyển thêm một lần nữa. Năm 1944 ấy, cả hai người con trai của ôn đều không có ý định về Huế ăn Tết. Nhưng ôn chết êm đềm sau một giấc ngủ bình thường, không một lời trối trăn, rất nhẹ nhàng, thanh thản, có lẽ trong cái bình thản của một nho sĩ yên lòng với mệnh trời. Tôi buồn cho ôn đành mang theo ý nguyện khắc khoải bảo trì nho phong cho toàn họ Nguyễn chưa đạt được trước mắt ôn.

Năm ấy tôi mười lăm tuổi. Tôi thay mặt cha tôi giữ vai chủ lễ, hàng trưởng nam trong đám táng. Và, giữa một thời cuộc nhất quyết đổi thay, tôi sẽ phải phụ với cha tôi và chú tôi tiếp tục giữ gìn giềng mối gia phong; tôi cũng nguyện sẽ tiếp tục sống bên cạnh bà-tôi và O-Em. Tâm tư của một học sinh như tôi vào tuổi ấy, thay vì chỉ thuần khiết dành cho việc học, cho chuyện cười vui với bạn bè, trái lại, lúc nào cũng chĩu nặng với những kỷ niệm lúc sống với ôn, với những trách nhiệm tinh thần mà, một cách thầm lặng, triền miên, ôn đã ươm đắp tràn kín cả tâm hồn tôi.

Chú giải: (1) Mệ = bà (nội hoặc ngoại)

(2) O = cô

(3) Ôn = ông (nội hoặc ngoại) - tiếng Huế đọc là ôôn, không nhấn mạnh chữ n cuối

(4) Không là tướng giỏi, tất nhiên là thầy thuốc hay;

(5) Năm tháng trôi qua nhàn nhã, (để được) gặp gỡ khách mắt xanh bốn bể

- Khách mắt xanh = bạn tri âm tri kỷ

(6) Nghèo mà không hèn mọn, giàu mà không đắc chí.
 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Mạnh Bích