Giờ học khó quên

Ðặng Ngọc chức                                                           nguồn: vohong.de
 
 
 
   
Kính tặng nhà văn Võ hồng Nha Trang

 Từ năm 1955-1975, những ai học trường Trung học Bồ Ðề Nha Trang nói riêng ít nhiều gì cũng được ngắm nét chữ tài hoa, bay bướm, bài giảng ngắn gọn, hàm súc và cốt cách phong lưu, nho nhã của thầy Võ Hồng. Chúng tôi thường kháo nhau: "Kim Trọng hào hoa đến thế là cùng".

    Thầy thường dạy ba môn: Sinh vật cho học sinh đệ nhất cấp, nay là phổ thông cơ sở. Việt văn và Pháp văn cho đệ nhị cấp, tức phổ thông trung học, nhưng hình như thầy thích dạy môn Sinh vật nhất. Hẳn là thầy muốn dành thì giờ cho việc sáng tác văn học. Thầy không những là nhà văn nổi tiếng, rất được độc giả hâm mộ, mà còn là một nhà giáo uyên bác, kinh nghiệm, nghiêm túc và suốt đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục. Những tác phẩm văn học của thầy cũng không ngoài mục đích giáo dục: tán dương cái hay, phê phán cái dở một cách tế nhị, khiêm tốn, nhẹ nhàng.

    Những tiết học Sinh vật với thầy thật tuyệt vời. Thầy trò làm việc ở lớp lúc nào cũng hài hòa và dung nhiếp như nước với sữa. Thầy dạy thoải mái, ít ghi chép nhưng học sinh nắm được nội dung cơ bản và về nhà học sách giáo khoa. Bài giảng của thầy thường là những nét vẽ kỳ diệu: khi chấm phá trào lộng, lúc đậm đà sâu sắc, tất cả thể hiện vẻ đẹp thanh lịch và nội lực thâm hậu của thầy. Cứ nhìn thầy cắp viên phấn bằng hai ngón tay trỏ và giữa và rồi đi những nét bay bướm, khi hoa lá, côn trùng, lúc cơ bắp, cân cốt từ trái sang phải trên bảng là chúng tôi bắt đầu rọ rạy, liếc nhìn nhau, nhéo nhau và mím miệng để khỏi cười ra tiếng. Thầy chỉ tốn năm mười phút thao diễn điệu nghệ rồi ngồi vào bàn -trông nghiêm nghị như một quan tòa nhưng hiền hòa như ông Bụt- với ngòi bút lăn đều trên trang giấy. Còn đám học sinh chúng tôi tha hồ mà trề môi, méo miệng, tẩy xóa, cà quẹt!... cố chạy theo thầy với tâm trạng khẩn trương, sảng khoái.

    Một hôm dạy bài thân thể người ta, để học sinh có cái nhìn tổng hợp trước khi đi vào nội dung chi tiết, thầy vẽ khái quát nhưng cực kỳ sinh động. Thứ nhất là một bé gái bụ bẫm, dễ thương đang ngồi "bô", hai tay chống cằm với khuôn mặt thụng xuống. Thế là các cô cúi mặt với nụ cười lỏn lẻn, còn các cậu thì ngẩng đầu, gật gù lia lịa với hai tay ôm miệng. Thứ hai là một thiếu nữ có khuôn mặt trái xoan, dáng người thon thả, tay vịn vành nón bài thơ, chân đi guốc cao gót với tà áo dài nghiêng nghiêng phất phơ theo gió trông hấp dẫn và quyến rũ làm sao! Các cậu đã quá, hai tay nắm lại giật giật, còn các cô thì... hồn đang theo mơ! Thứ ba là bà cụ gầy guộc, hom hem với búi tóc củ hành và cái miệng móm chút xíu đưa tay che trán, nheo mắt như thể đang vọng người thân sắp về, hay đang tìm một cái gì quý hiếm đã mất. Học sinh bấy giờ lặng yên phăng phắc, căng mắt dõi theo từng nét vẽ đậm nhạt tài tình nhưng "buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn". Và thứ tư là bộ xương người thuần túy với những hốc mắt, hốc mũi, hốc miệng sâu hoắm; răng cái còn ái mất; gân cốt hiện ra ngoằn ngoèo, nhìn phát ớn! Các cậu các cô trông rợn người, ngơ ngác; còn nhóm tăng sinh thì vô cùng thán phục bàn tay đạo diễn thâm trầm: bốn hình ảnh, một kiếp người với bốn chặng đường: sanh-lão-bệnh-tử hay thành-trụ-hoại-không đang quay cuồng theo nghiệp cảm duyên khởi trong cơn lốc vô thường, vô ngã, sinh diệt và biến dị. Thầy chỉ phác họa đôi nét mà đáp ứng được nhu cầu kiến thức và thẩm mỹ cho học sinh cả lớp, Tăng cũng như tục. Ðỉnh cao của nghệ thuật giảng dạy là thế.

    Có lần tiếp xúc với thầy Ðoàn Văn Ðiện, phó giáo sư Tiến sĩ, hiệu trưởng trường Ðại học Dân lập Lạc Hồng, Biên Hòa, tôi hỏi: "Thầy người Phú Yên, vậy thầy có biết thầy Võ Hồng không?". "Biết chứ! Thầy của tôi". Thầy Ðiện nói một cách hãnh diện và trịnh trọng: "Ngày về miền Nam, tôi tìm gặp thầy tôi liền. Chín năm kháng chiến chống Pháp, thầy trò chúng tôi đã từng ăn khoai lang, khoai mì thay cơm và dắt nhau đi tản cư từ lũy tre này đến hầm mương nọ." Nghe nói khoai mì, tôi mới sực nhớ thảo nào có lần thầy vẽ cây mì, cây bắp và cây đu đủ trên bảng, nhưng tôi thấy cây mì đẹp hơn cả, đẹp từ gốc đến ngọn, đẹp từ cọng đến lá. Không biết dân miền Trung (Bình Ðịnh) chúng tôi thấy cây mì đẹp, hay phải chăng linh cảm quê hương của thầy đã được gởi gấm vào lá khoai mì!

    Rồi một hôm, nhân lúc gác thi môn dịch Việt-Anh, thấy trong đề thi "Thủ thỉ với dòng sông" có đoạn: "Mỗi dòng sông khi gặp trở ngại, khó khăn đều luôn đi vòng để tránh chứ không bao giờ chịu lùi" (Trầm tư Võ Hồng). Tôi cảm thấy vui vui, vì ngót ba mươi năm đó đây nối bước chân thầy, nay lại tình cờ gặp thầy giữa lớp học với bầu không khí trang trọng. Tôi chợt nhớ cái gì trên đời rồi cũng tan biến theo quá trình sanh-trụ-dị-diệt như thầy đã có lần trình bày theo phong cách vô ngôn, chỉ có tâm hồn trong sáng, nhân cách cao thượng được thể hiện qua lời hay ý đẹp thì tồn tại với đất trời miên viễn.

    Ôi! Vị Lão Sư (chữ Sư này, theo cách viết Hán ngữ có bộ khuyển phía trước) khiêm cung, dung dị kia, nay ít có dịp qua lại sườn đồi Hải Ðức Nha Trang để ngắm màu hoa thanh long, phượng vĩ, hoa khế, hoa xoài... hay hít thở hương vi ngọt ngào của hoa lài hoa sứ, nhưng âm hưởng của Lão Sư cứ mặc nhiên trải dài, vang vọng cùng khắp đồng ruộng bao la, núi rừng trùng điệp: cứ mỗi lúc một từ từ thấm đượm vào lòng người lớn giữa quê hương.

    Nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2001, kính gởi đến thầy Võ Hồng cùng tất cả các thầy cô Bồ Ðề và Võ Tánh Nha Trang năm xưa chúc mừng khánh thọ, an khang, vui vẻ như nụ cười lành của Ðức Tử Phu trên đỉnh núi cao