Dốc Hiểm Nghèo

Vietsciences-Võ Hồng        24/01/2005  trong  Khoảng Mát

 

Tuyên tháo bỏ tấm màn treo ở cửa sổ cho ánh sáng vào nhiều hơn. Nắng vàng rực trên những cánh hoa mai khiến anh có cảm giác rằng chỉ ở trên cánh hoa mới có nắng. Hoa mai nở đầy cành chen lẫn với những nụ xanh mướt bóng loáng to nhỏ đủ cỡ. Nụ làm cho hoa bớt trơ trẽn. Có sự sống từ tốn trầm lặng kế tiếp theo sự háo hức tràn trề.

Vốn dốt trong việc chọn lựa mặc cả nên khi đi tìm mua cành mai, Tuyên ghé lại khu trại của một ông bán hoa quen. Ít nhất cũng tránh được những bà bán hoa phiêu lưu trong việc thách giá và vô trách nhiệm sau khi đã đếm đủ tiền và cẩn thận nhét vào túi áo trong.

- Chào ông. Có cành mai nào đẹp không?

- A! Chào thầy. Có cành này đây. Đẹp quá thầy thấy không.

Ông ta giơ cao cành hoa đang cầm trên tay.

- Bao nhiêu đó?

- Thầy cho ba trăm rưỡi.

- Đắt hơn năm ngoái…

Ông tháo cái “pip” đang ngậm với dáng vội vã.

- Mai năm nay mà, thầy. Ở dưới chợ cành nầy phải bốn trăm rưỡi. Chỗ thầy quen…

Tuyên mân mê vài cành mai nhỏ, đếm lẩm nhẩm vài nụ rồi nói, hơi rụt rè bởi mình chưa đi chợ, chưa khảo giá:

- Hoa không được sai.

Ông bán hoa hít gấp gấp hai hơi thuốc, nhổ một bãi nước bọt rồi chụp ngay tiếng chót của anh:

- Như thế này là sai “hung” rồi đó. Thầy coi, - ông chỉ tay về một nhánh mai cao đặt đứng cạnh đó, - cành mai kia bà Thiếu tá Sự trả tôi tám trăm mà tôi chưa để. Mai năm nay hiếm lắm, kiếm chặt không ra.

Ông bán hoa cúi gằm mặt xuống liếc mắt qua khe kính lão, nhìn lên anh:

- Bị nạn bão lụt mai rừng hư hết…

- Tôi thấy ở dưới chợ bày bán cũng khá nhiều…

- Đó là mai Thủy Triều, mai Mỹ Ca, mai biển. Mai biển đâu có sánh nổi mai núi. Lứa này là mai Krong Pha đó. Thầy thấy không, hoa nó kép mà cánh hoa dài thế này.

Ông hạ giọng nói nhỏ vừa chồm người lại gần anh:

- Bây giờ đi núi đâu có dễ. Mò vô trong rừng sâu thì sợ gặp mấy… (ông giơ một ngón tay ra dấu) Còn đi rảo ở bìa rừng thì có mai tốt đâu mà chặt. Khổ lắm.

Ông cất cao giọng trở lại:

- Thầy lấy cành đó đi, để tôi sai cháu nó vác theo thầy. Lớn ơi! Lớn! Cái thằng hở một chút là chạy chơi đâu mất. Tôi không tính mắc đâu. Chỗ quen lớn mà…

Tuyên chỉ một cành khác đứng dựa cạnh đó,

- Còn cành này?

Ông bán hoa chụp luôn theo:

- Dạ, cành đó cũng đẹp lắm. Nụ nhiều, chơi đến cuối tháng Giêng. Dạ, thầy lấy cành nào cũng đẹp hết.

Tuyên không hỏi đến cành thứ ba, cành thứ tư nữa vì anh biết trước là cành nào rồi cũng sẽ đẹp hết. Giọng ông nói ngọt và êm và dẻo khiến anh liên tưởng đến cái ghế có lót nệm.

Vài người đàn ông ghé tạt lại, chọn lựa hỏi giá rồi lẳng lặng đi rảo qua dãy hoa bày thành hàng, đi thẳng ra ngõ cổng. Có người trả được vài tiếng, nói đôi câu bâng quơ về thời tiết rồi hẹn sẽ trở lại. Ông hàng hoa bình thản nói giá, nói chuyện xã giao vừa chăm chỉ vặn những sợi lạt buộc các nhánh mai cho gần nhau. Tội nghiệp cho những người đàn ông. Mua bán mặc cả không phải là sở trường của họ nên họ dễ ngượng nghịu lúng túng.

Tuyên chậm rãi đi một lượt qua dãy hoa để có thì giờ suy nghĩ và quyết định. Cành hoa nào cũng khéo có những khuyết điểm. Nếu nụ rậm ở dưới gốc thì phải chịu lác đác ở đầu cành. Ông hàng hoa khôn ngoan không để cho cành nào đẹp hoàn toàn.

Một người đàn bà dáng hấp tấp từ ngả chợ bước vào.

- Ông có cành mai nào đẹp đó?

- Dạ có. Cô lấy cành này. Tám trăm đồng.

Người đàn bà đứng nhìn những nụ vàng lác đác, đưa ngón tay ngắt vài nụ héo rồi nói:

- Được rồi. Lát nữa tôi cho chị ở lại lấy. Ông chỉ cành này cho chị ta vác về.

Người đàn bà nắm trong tay một cuộn giấy bạc, mở tay ra chọn đếm một số rồi trao cho ông:

- Ông cầm một nghìn đây. Chọn cho tôi thêm một cành nữa giá hai trăm đồng.

Thấy anh đứng đó, người đàn bà mỉm cười chào:

- Ông mua hoa?

- Vâng ạ.

Tuyên không nhớ đã quen người đàn bà vào dịp nào.

- Ông đã chọn được cành nào chưa?

- Ông hàng hoa giới thiệu cho tôi cành này.

- Đẹp đó. Nhiều nụ và nụ nào cũng mởn. Có thể chơi đến nửa tháng Hai. Họ đòi bao nhiêu tiền?

- Ba trăm rưỡi.

- Không đắt đâu. Ông lấy cành đó đi.

Tuyên nhìn người đàn bà mà không nhìn sang những nụ mơn mởn có thể chơi đến nửa tháng Hai. Khuôn mặt không đẹp lắm nhưng đôi mắt thông minh dịu dàng dễ gây cảm tình.

- Cành này cô khen đẹp?

- Vâng.

- Vậy tôi sẽ mua nó. Cám ơn cô đã chọn hộ. Cô mua hoa nhiều…

- Cành lớn để biếu chỗ ơn nghĩa. Cành nhỏ cắm ở nhà. Chồng tôi không cho mua hoang phí. Chỗ tiền mua hoa là tiền do các cơ quan thuê chén bát trả.

- Họ thuê làm gì vậy cô?

- Các cơ quan ăn liên hoan mừng Tết. Họ thuê chén dĩa của hiệu tôi. Chỗ bổng này được ngót hai nghìn đồng.

Tuyên cười thú vị: mình vô tình được biết thêm một khía cạnh sinh hoạt những ngày cuối năm.

Khi thằng Lớn lẽo đẽo vác cành mai đi theo anh về đến nhà, Tuyên nhờ nó đặt vào cái lọ ở phòng khách cạnh cửa sổ. Cành mai trông đẹp hơn hẳn lúc nó đứng lẫn lộn với nhiều cành khác ở trại hàng hoa. Nó độc quyền ở căn phòng này và nó tăng thêm vẻ kiều diễm. Y như những người vợ. Đứng chung với nhiều người khác, người vợ thường bị nuốt mất như nước sông tan vào trong đại dương. Vụng về, tối tăm giữa đám đông, người vợ sẽ tìm lại được trọn vẹn giá trị của mình khi trở về ngôi vị cũ trong gia đình, khỏi cạnh tranh với ai hết. Cành mai quả đã làm chủ căn phòng nhỏ nhắn sáng sủa và những rèm cửa như cũng tỏ cảm tình với nó trong sự hòa hợp màu sắc và đường nét.

Qua ngày hôm sau và hôm sau nữa, cứ từng ngày một mùa Xuân lặng lẽ nở thành đóa vàng trên mỗi nhánh hoa nhỏ. Tuyên thưởng thức mùa Xuân trên mầu hoa, say mê theo dõi những nụ vừa nở, những nụ mới nhú. Mỗi buổi sáng ngủ dậy, trong phòng có mùi hương thoang thoảng thơm mát, nhẹ quá, thoảng quá làm anh bâng khuâng không biết có phải là mình bị khứu giác đánh lừa không. Hương thơm đó giống một loại hương thơm nào mình đã quen thuộc? Anh đứng lại gần những cánh vàng, bắt tìm mùi hương vừa gạn lọc trí nhớ. Phải năm, mười lần khó khăn như vậy anh mới thấy rõ rằng đó là hương thơm của một thứ trà ngon không ướp hoa. Nhẹ và mát. Trong sạch và thanh tịnh. Đêm đêm chợt dậy, anh hay bật đèn sáng nhìn hoa, cảm thấy niềm cô đơn của mình bớt trống lạnh. Vạn vật thản nhiên trong cuộc sống riêng lẻ, yên lặng, chịu đựng.

Một buổi sáng có tiếng vù vù trong phòng, một con ong vò vẽ bay lượn giữa cành hoa nhiều vòng rồi sà đậu xuống một cành hoa mới nở. Cánh hoa, nhị hoa quằn quại dưới sức nặng của con vật. Cuống hoa cong hẳn xuống như sắp gãy. Phấn vàng bay lả tả xuống mặt sàn gạch. Ong thay chỗ đậu, bay vụt đến một đóa hoa khác. Lại những cánh vàng mỏng bị tả tơi, vòng nhị đực bị xô lệch.

Tuyên xót xa nhìn sự dịu dàng bị chà xé tàn bạo như vậy suốt cả buổi mai. Làm cách nào để bảo vệ kẻ yếu đuối? Đóng cửa lại? Tuyên đóng cánh cửa gần đó và con ong bay vào ngã cửa khác. Không thể đóng kín mít cả phòng. Tuyên nhìn xung quanh mình. Sẵn cái thước dẹp đặt ở mặt bàn, tiện tay anh cầm lên, giơ cao. Con ong bay lại giữa chòm hoa và cây thước của anh đập tới, đập nhằm thân cây làm cánh hoa rơi lả tả vàng cả mặt gạch. Con ong vụt bay ra cửa sổ, thẳng như một mũi tên. Cơn giận ùa chiếm lấy Tuyên. Động mạch thái dương làm ù tai. Máu bốc lên mặt nhiều hơn. Trước mắt anh, những cánh hoa tả tơi, phấn hoa nhị hoa chồng lên nhau. Trừng trị kẻ vũ phu không được, trở lại vùi dập người bị hiếp đáp. Một sự tàn bạo vừa xảy ra. Một sự phân ly. Giã từ vĩnh viễn nhựa cây, nhu mô vỏ, giã từ ánh sáng mặt trời. Ngày mai, những cánh mỏng màu vàng như cánh chuồn này, những sợi nhị đực thơm mùi trà này sẽ quằn quại dưới ngọn chổi cứng, lăn dính trong đất, trà trộn theo những vật bẩn ở sân, ở bếp. Rồi đến thùng rác. Xe rác. Ruồi. Nhặng…

Con ong vụt từ đâu bay trở lại, nhởn nhơ như một người lương thiện. Tuyên quật nó một thước. Tiếng rơi “bịch” xuống góc nhà. Anh đi lại gần. Nó cất mình bay xéo lên. Cây thước đập tiếp xuống. Nó lại rơi bịch. Nó nằm yên. Một lát, cánh đập vù vù trở lại nhưng không thể nhấc nổi mình lên. Nó là là lướt trên mặt gạch. Mình nó cong hẳn sang một bên để cố tạo một thế thăng bằng. Vô hiệu quả. Nó quay chậm chậm theo một con đường cong. Nằm nghỉ một lát. Rồi cánh lại đập vù vù. Cái bụng cong queo hẳn tưởng như sắp tách ra khỏi cái ức. Bộ lông nhung đen mướt ở trên lưng ngã dạt lộn xộn tạo những khoảng trống màu xám. Bụng thở thoi thóp.

Tuyên cúi gần nhìn nó. Cơn giận đã xua tan từ lúc nào, bây giờ bắt đầu sự thương xót. Số phận của nó sẽ như thế nào? Những cặp chân đen và dẹp kia chỉ biết mềm mại. Nó có lỗi gì? Hoa kia là của nó hay của anh? Ai là kẻ chiếm đoạt? Nó đang quằn quại cong veo mình lại để đi vòng tròn. Sẽ gặp gì ở tâm điểm của vòng tròn đó? Cái chết? Tuyên cúi nhìn gần nó kỹ hơn như nhìn chính thân phận của mình. Nó truyền sự đau đớn và tuyệt vọng sang anh.

Sự việc xảy ra sáng ba mươi Tết. Mười giờ, Lệ Châu đợi Tuyên ở dưỡng đường bác sĩ Tùng, nhưng anh không đến. Hai giờ chiều, chú gác dan của dưỡng đường đem tới một phong thư của Lệ Châu nhưng anh dặn chị ở trả lời là anh đi vắng… Lệ Châu ơi, tôi xứng đáng với mọi sự giận dỗi nguyền rủa của em nhưng em đâu có biết rằng chính con ong vò vẽ đã giữ tôi không cho đến gặp em trong ngày ba mươi Tết đó, giữ cho chúng ta khỏi tuột xuống một con đường dốc hiểm nghèo.

Tuyên quen Lệ Châu trong một trường hợp ngẫu nhiên không mấy lý thú: ở nơi phòng mạch của bác sĩ Tùng. Nàng gầy, nước da trắng xanh. Khuôn mặt thon dài. Mí mắt thẫm và hàng lông mi dày làm cặp mắt thêm to, thêm sâu. Vẻ đẹp bệnh hoạn của Marguerite Gauthier(1 ). Nàng hỏi anh về tài nghệ của ông bác sĩ.

- Cũng như mọi ông khác - Tuyên trả lời - Không có gì đặc biệt.

- Thế sao ông lại chọn ông ta?

- Vì ông ta có mặt ở phòng mạch giờ này. Mấy ông bác sĩ khác làm việc nhà nước nên chỉ tiếp khách quá sớm và quá trễ. Còn cô?

- Tôi ở Huế mới vào. Đối với tôi ông nào cũng như nhau vì tôi chưa được biết ông nào.

Giọng nói chậm, nhỏ, mỏi mệt nhưng quả tình là có nhiều thông minh trong cách nói.

Người bệnh nhân vừa được mời vào phòng mang số thứ tự 15. Số của Tuyên đến 40. Còn bao nhiêu là thì giờ rỗng.

Tuyên hỏi:

- Xin lỗi. Cô mang số mấy?

- Băm lăm.

Tuyên cười lên không giữ được và nàng cũng cười ngon lành. Nàng nói:

- Đó là một con số có duyên. Vì nó chọc cười được mọi người.

Nàng cúi xuống đọc một tờ Life bỏ ở bàn xa lông phòng đợi. Tuyên nhìn sang những bệnh nhân khác. Một bà cụ già da mặt nhăn nheo như một vỏ cây nứt nẻ. Những đứa trẻ gầy yếu chân tay khẳng khiu. Những người đàn ông u buồn. Người nào cũng chăm chăm nhìn một khoảng diện tích hẹp trước mặt mình. Người nào cũng nhắc nhở một sự suy yếu nghiêm trọng, một sự khô héo mỏi mệt. Chỉ có cô bệnh nhân làm mát được tâm hồn anh một chút thôi. Ngón tay nàng trắng dài.

Một tiếng cửa đóng sầm làm nàng ngửng lên nhìn. Rồi đặt tờ báo xuống dài, nàng nói:

- Chịu. Không thể đọc được nửa trang khi óc mình không có sự bình tĩnh.

- Đi khám bệnh cũng như đi dự phiên tòa xử án mình. Không án nặng thì án nhẹ, chẳng mấy khi được tha bổng. Còn nguy hiểm hơn dự phiên tòa xử án bởi vì khi ra tòa dẫu sao mình cũng biết được đại khái tội lỗi của mình. Đằng này tới phòng khám bệnh mình phải đối diện với sự bí mật.

- Tôi bị tension… huyết…

- Huyết áp…

- Huyết áp cao. Hay xây xẩm. Tim hồi hộp.

- Đáng lẽ đó không phải là chứng bệnh dành cho tuổi trẻ của cô.

Nàng mỉm cười:

- Thời đại bây giờ đảo lộn hết tất cả mọi qui ước. Mười ba tuổi hút thuốc lá. Mười tám tuổi la cà ở quán rượu, tiệm nhảy. Giám khảo sợ thí sinh. Học trò uy hiếp thầy giáo. Vậy trẻ như tôi mà bị chứng huyết áp cao thì tưởng cũng là thuận lý.

Câu nói chứa một vị chua chát không phù hợp mấy với vẻ đẹp đài các của nàng. Không có nét ranh mãnh nào trên khuôn mặt đó cả. Cũng không có nét buông tuồng liều lĩnh nào.

- Bị huyết áp cao - Tuyên nói, - thì không được lo lắng phiền não… Dẹp bỏ mọi sự bất bình. Ăn rau nhiều và uống nước lọc. Tôi chắc vậy.

Nàng phì cười:

- Bày vẽ thuốc men mà bảo “tôi chắc vậy” thì còn ai dám tin theo nữa?

Tuyên cười theo:

- Để dành cho ông bác sĩ khẳng định “tôi cương quyết bảo thế này”

Khi tới phiên nàng, Tuyên thấy nàng loạng choạng đứng dậy. Đôi vai mỏng lọt qua khung cửa. Cánh cửa sơn trắng nhẹ nhàng khép ở sau lưng. Không một tiếng động. Tự nhiên anh rùng mình. Bao nhiêu bệnh nhân đã nhẹ nhàng đi qua khung cửa hẹp rồi sau đó đi về một khoảng không gian khác. Sẽ đến lượt nàng?

Thì giờ trôi qua rất chậm. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường nghe rõ mồn một trong sự im vắng của tâm hồn khiến Tuyên có cảm tưởng là thời gian đang rơi từng giọt. Dự thẩm còn đang hoàn tất hồ sơ hay chánh án và phụ thẩm đang nghị án? Huyết áp cao. Chắc còn có gì hơn nữa.

Nàng bước ra khỏi phòng, môi mím lại, nghiêm trang. Tuyên đứng dậy:

- Cô… không sao chớ?

Nàng gật đầu:

- Cám ơn ông. Lại huyết áp…

Tuyên tiễn nàng ra đến cổng dưỡng đường. Nàng bước lên xích lô, cúi đầu chào anh và nói cám ơn.

Sau đó anh gặp lại nàng đôi lần nữa, một lần ở phòng triển lãm họa phẩm của người bạn họa sĩ quen, một lần ở bữa cơm do hội Việt Mỹ địa phương tổ chức. Lần này nàng đi với một người đàn ông. Ban tổ chức giới thiệu: Ông bà Trưởng ty Lê Văn Phúc.

Sự kiện thật đột ngột, Tuyên đinh ninh là nàng chưa có chồng. Hôm gặp ở phòng triển lãm, nàng nói chuyện nghệ thuật hội họa với anh và chọn bức họa “Một mình” làm bức mà nàng ưng ý nhất. Tuyên nói:

- Tôi sẽ mua tặng cô bức họa đó nếu cô vui lòng nhận. Về với cô, nó sẽ không còn cô đơn nữa.

- Cám ơn lòng tốt của ông. Xin hẹn một dịp khác vì hiện giờ tôi còn có… có vài điều… chưa yên.

Biết rằng anh bị phật ý, nàng đẩy nhẹ anh cùng đi về một góc phòng, chỉ cho anh xem một bức họa thiếu nữ với tay chân dài ngoẵng rồi nói:

- Tôi tiếc không có được những cánh tay dài như thế kia.

Tuyên nhìn nàng chưa hiểu. Nàng nhếch một nụ cười làm mấy nếp nhăn vẽ ở khóe miệng:

- Cố nhiên là tôi muốn nói nghĩa bóng.

Hôm nay anh mới hiểu ý nghĩa câu đó. Một người đàn bà đã có chồng thì cánh tay không thể dài được. Mình ở quá tầm tay của nàng. Vô lý, một thiếu nữ như vậy lại là người đàn bà có chồng.

Một anh bạn ngồi cạnh Tuyên thấy anh lưu ý nhìn nàng liền hỏi khẽ:

- Có quen?

- Không.

- Tên là Lệ Châu.

- Bà Trưởng Ty Lê Văn…

- Phải. Tên là Lệ Châu. Đẹp đấy nhé. Chỉ hơi gầy một chút. Mới gầy hồi mới lấy chồng.

- Cặp đó trông xứng…

- Chớ tưởng bở. Con vợ nát ruột mà phải làm bộ mặt tươi tỉnh ngồi cạnh thằng chồng mà nó không yêu.

- Anh có thể nói rõ ràng hơn một chút.

- Lệ Châu đang học ở Văn Khoa thì ông bố bị một vụ vu khống lớn phải ngồi tù và sạt nghiệp. Hồi đó người ta tha hồ sáng chế ra tội trạng. Nàng Kiều thời nay phải bỏ học, phải bán mình cho Mã Giám Sinh để chuộc tội cho cha. Mã Giám Sinh ngồi lù lù cạnh nàng đó. Sau này phát giác ra thì Mã Giám Sinh chính là một tay em trong bè lũ vu khống.

- Nhưng tình yêu xóa bỏ thù hận.

- Nếu được như vậy thì cũng an ủi đôi phần. Đằng này ông chồng là một tay vừa cả ghen vừa vũ phu.

Lệ Châu tránh tia mắt nhìn của Tuyên. Nàng ngồi thu hẹp hai vai như một người phạm lỗi.

Ngày hôm sau, nàng nằm dưỡng đường. Cô y tá cho Tuyên biết tin. Tuyên hỏi:

- Lại chứng huyết áp cao?

- Vâng. Có thêm tim yếu.

- Tôi chắc bệnh tình không đến nổi trầm trọng.

- Thường thôi. Cứ độ vài ba tháng, cô đến nằm ở dưỡng đường mươi ngày. Có lẽ cốt để tìm sự yên tĩnh nghỉ ngơi nhiều hơn là cần thuốc tiêm và thuốc uống.

- Khung cảnh bệnh viện không có gì êm đềm vui tươi hết.

- Điều đó còn tùy thuộc ở căn phòng mà mình chiếm. Cô Lệ Châu thì luôn chọn căn phòng cuối cùng ở cánh tả lầu nhất. Phòng đó mở nhìn xuống một bãi cỏ và được bóng râm của một cây trứng cá làm im mát cả ngày. Cứ vào chặng tám giờ sáng lại có một đôi chim vành khuyên ríu rít bay đến lượn giữa cành lá để tìm sâu.

- Một phòng có nhiều tiện nghi như vậy thì chắc chẳng mấy khi vắng khách.

- Cũng có lúc. Khi phòng bận có người nằm thì cô dặn bao giờ khách lành mạnh dọn đi thì bảo cô biết để cô đến.

- Nằm bệnh viện mà y như đi nghỉ mát dặn dành phòng trước.

- Đối với cô, có lẽ đúng như vậy.

Tuyên gửi tiền nhờ cô y á mua một bó lai ơn thật đẹp để cắm ở phòng nàng. Liền sau đó cô y tá đến gặp anh:

- Cô Lệ Châu cảm ơn sự ân cần của ông.

- Đó chỉ là một chút xã giao thông thường.

- Cô mời ông, ngày kia có rảnh thì ghé lại phòng cô.

- Ngày kia? Ngày ba mươi?

- Vâng. Mười giờ sáng. Cô hẹn như vậy.

Ngày ba mươi Tuyên đã lỡ tay đập ngã con ong vò vẽ. Anh đã lặng lẽ hối hận ngồi nhìn nó quằn quại trong niềm đau đớn tuyệt vọng. Và anh thẫn thờ tự nói với mình: khi người ta yêu một cái gì thì người ta trở nên độc ác tàn bạo trong việc chiếm giữ độc quyền vật mà người ta yêu. Con ong không có tội gì hết. Hoa mai đó là của nó, của núi rừng sinh sản ra để dành cho nó, làm món ăn, làm nguồn sinh sống cho phần nó. Mình chỉ là kẻ cướp đoạt. Mình không có quyền…

Lệ Châu ơi, tôi không có quyền, tôi không muốn làm kẻ tước đoạt. Tôi không muốn vì yêu em mà trở thành kẻ bạo tàn. Chiều ba mươi Tết, tôi cầm bức thư của em xót xa bức rức nửa muốn nghe theo tiếng nói của lương tâm, nửa muốn chạy vù đến tìm em rồi mặc cho cuộc đời muốn ra sao thì ra. Tôi thẫn thờ thắt ca vát rồi tháo ca vát, khóa cửa rồi mở cửa, lên xe rồi xuống xe. Tôi đi tới đi lui, ngồi xuống rồi đứng dậy. Tôi biết nếu tôi tới với em lúc này thì chúng ta không thể nào ngăn cản khỏi mắc vào một mối tình tội lỗi. Nhất định là em sẽ ngã vào cánh tay tôi, nhất định là tôi sẽ hôn nhiều lần lên đôi mắt thâm quầng, lên đôi môi nhợt nhạt của em. Nhất định chồng em sẽ là kẻ chiến bại và hắn xứng đáng với cái kết quả mà hắn phải nhận. Nhưng tôi không muốn, không muốn. Tôi không đủ can đảm nhìn lại hình ảnh con ong nạn nhân. Nó vẫn ở góc phòng và cứ chốc chốc lại đập cánh vù vù, uốn cong lưng bay thành vòng tròn là là trên mặt đất.

Ngày mồng hai Tết, cô y tá bảo Tuyên:

- Sao hôm ba mươi ông không đến? Cô Lệ Châu đợi ông đến tám giờ tối. Chồng cô đem xe đến giục về từ chiều nhưng cô lấy cớ còn tiêm thuốc, còn thu xếp đồ đạc, còn… Mãi đến khi tiếng pháo cúng tất niên nổ rền ở dãy phố trước mặt, khi biết chắc chắn là ông không đến cô mới chịu lên xe.

Tuyên đứng tần ngần không trả lời. Trước mắt anh, những người đi du xuân cười nói rộn ràng. Màu áo mới lòe loẹt. Không có Lệ Châu đi trong đó. Anh tưởng thấy nàng ngồi trong xe vặn kính kín mít. Ánh điện sáng ấm áp. Bánh xe lăn nhẹ nhàng và nàng quay lui chăm chăm nhìn lại con đường dẫn tới dưỡng đường nơi đó nàng còn nuôi hy vọng thấy bóng anh hăm hở lao xe vút đến tìm nàng.

 

(1) Nhân vật chính của tiểu thuyết Trà Hoa Nữ.

 

© http://vietsciences.free.fr Võ Hồng