Hành trình tìm chữ Lai Pao


Người Thái ở Việt Nam phân bố trên một địa bàn tương đối rộng, cả phần Tây Bắc Bộ, miền Tây Thanh Hóa và Nghệ An. Mặc dù ở các địa phương có những nét khác nhau nhưng người Thái là một dân tộc khá thống nhất và là một trong những dân tộc thiểu số có nền văn hóa khá phát triển. Trong hoạt động kinh tế, người Thái là một dân tộc sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước ở một trình độ cao. Họ có một hệ thống thiết chế xã hội của mình với quan hệ gia đình, bản mường chặt chẽ. Đời sống tôn giáo, văn học nghệ thuật của họ cũng phong phú và đa dạng. Trong bối cảnh như vậy, một nhu cầu có chữ viết là đương nhiên và do đó người Thái đã có văn tự cổ của riêng mình.

Là một người nước ngoài đến Việt Nam đã nhiều năm để nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc Việt. Giáo sư Michel Ferlus ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp rất tâm đắc với mảng đề tài mà ông đã lựa chọn. Đối với ông, Việt Nam đúng là thiên đường cho các nhà ngôn ngữ học, bởi vì có rất nhiều thứ để tìm hiểu và nghiên cứu. Ông rất quan tâm đến tiếng Thái và nhất là một số phương ngữ của tiếng Thái được sử dụng ở Nghệ An, trong đó có chữ Lai Pao, một kiểu chữ viết nổi tiếng được sử dụng rộng rãi vào thế kỷ trước ở huyện Tương Đương - Nghệ An nhưng từ đầu thế kỷ này thì không còn được sử dụng nữa. Việc lưu giữ và bảo tồn kiển chữ này là điều mà giáo sư Michel Ferlus và các đồng nghiệp Việt Nam rất trăn trở. Ông đã thu thập được một số bản viết tay, ghi chép lại rồi đọc và dịch chúng. Theo ông, không có gì tồi tệ hơn là biết rằng có một thứ đã từng tồn tại mà chẳng lưu giữ lại một chút gì. Đó chính là ý nghĩa nghiên cứu khoa học của ông.

Giáo sư Michel Ferlus phát biểu:
"Tôi đã nhiều lần đến Việt Nam, tôi đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu tại thực địa với đồng nghiệp của tôi, phó giáo sư Trần Chí Dõi. Tôi rất quan tâm đến tiếng Thái và nhất là tiếng Thái được sử dụng ở Nghệ An. Có thể nói rằng chúng chưa bao giờ được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Tôi thấy rằng, đây qủa là một thiếu xót trong tổng thể nghiên cứu về dân tộc Thái. Chỉ riêng ở Việt Nam, nơi có khoảng hơn 1 triệu người Thái, đúng hơn là người nói tiếng Thái, chúng tôi đã tìm thấy khá nhiều kiểu chữ viết: Thứ nhất là loại chữ Thái của người Thái đen, Thái trắng ở vùng Tây Bắc. Loại chữ thứ hai là chữ của người Thái Thanh hay Nam Thanh ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Thứ ba là chữ của người Thái ở Quỳ Châu. Cuối cùng loại chữ thứ tư mà đây chính là điểm mạnh trong nghiên cứu của chúng tôi, đó là Lai Pao, loại chữ do người Thái Hàng Tổng sống ở vùng Tương Dương, Nghệ An sử dụng. Chúng tôi đã có khá nhiều tài liệu ngay tại Việt Nam và ngay trong một số thư viện của Pháp. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành đọc chúng và cũng không phải dễ dàng gì khi đọc và dịch lại những tài liệu này."

Cùng với những người đồng nghiệp vượt dòng sông Năm Pao, là tên người Thái gọi đoạn sông cả ở vùng Tương Dương, vì thế Lai Pao cũng chính là chữ viết của vùng sông Pao. Ông đã lặn lội tới những bản làng xa xôi, gặp gỡ một số ít người còn lưu giữ và có thể đọc được loại chữ này. Chữ Thái Lai Pao là dạng chữ được dùng trong một phạm vi lãnh thổ khá hẹp. Hiện nay số người biết đến loại chữ này không nhiều và những văn bản viết tay loại chữ này hiện còn khá ít. Theo tư liệu nghiên cứu điền dã tháng 5/1997. Chữ Lai Pao có 26 chữ cái thể hiện âm đầu. Trong số này có 18 chữ cái thể hiện một âm đầu và 8 chữ cái thể hiện 4 âm đầu. Về chữ cái nguyên âm và vần, chữ Thái Lai Pao sử dụng 24 con chữ để thể hiện 16 nguyên âm và 5 vần. Những phát hiện này của giáo sư Ferlus và đồng nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc mở ra những bí ẩn còn ẩn chứa trong những con chữ. Tuy nhiên, chữ Thái Lai Pao còn phải tiếp tục nghiên cứu may ra mới xác định hết được sự hành chức của chúng.

Giáo sư Michel Ferlus phát biểu:
"Khi đến nơi, chúng tôi đã chụp ảnh bản viết tay sau đó phóng to ảnh lên bằng máy photocopy rồi can lại, cuối cùng chúng tôi có được tổng số là 8 trang nhỏ. Quả là không nhiều chút nào đối với một loại chữ viết mà trước đây được sử dụng rất rộng rãi nhưng đó là sự cố gắng nỗ lực không nhỏ của chúng tôi. Như các bạn biết đấy, nghiên cứu thực địa là một điều hết sức khó, bởi vì chúng ta phải đến tận nơi để tìm hiểu và tôi nghĩ rằng có thể 10 năm nữa sẽ chẳng còn ai có thể đọc được những bản viết tay này và rồi chúng sẽ bị thất lạc, bị cháy, rồi chúng ta đánh mất những bản viết tay nguyên bản. Khi một ngôn ngữ chỉ có rất ít người sử dụng thì đương nhiên ngôn ngữ đó có thể bị biến mất. Tuy nhiên ngôn ngữ đó lại rất có ích để tìm hiểu được sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải cứu sống ngôn ngữ này bằng cách ghi lại và thu thập nhiều nhất có thể những tài liệu về chúng. Bởi vì ngôn ngữ này sớm muộn gì cũng bị đồng hóa vào tiếng Việt, đây là một hiện tượng không tránh khỏi và thế giới cũng có rất nhiều ngôn ngữ bị mất đi. Chúng ta không thể ngăn cản được qúa trình này. Và đối với kiểu chữ Thái Lai Pao này cũng vậy, ta ý thức được điều đó và chúng ta phải cứu di sản của chúng ta bằng cách ghi chúng lại, bằng các cuộc điều tra ngôn ngữ, thu thập các bản viết tay đọc và dịch chúng và tất nhiên vẫn còn có rất nhiều việc phải làm".

Những ngày nghiên cứu thực địa ở Nghệ An là những ngày tháng vất vả nhưng rất đáng nhớ của giáo sư Ferlus. Những nơi ông đặt chân đến như bản Lạ, ông đã được những người dân hết sức giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để ông nghiên cứu. Tại đây ông cũng đã gặp ông Lô Văn Thoại một trong hai người duy nhất còn đọc và dịch được chữ Lai Pao. Tới đâu ông cũng được họ đón tiếp như những người thân trong gia đình.

Mỗi lần ngồi thuyền vượt dòng sông Năm Pao, nhìn cảnh sắc non nước Việt Nam tươi đẹp, giáo sư Ferlus lại muốn tìm hiểu và khám phá thêm về những vùng đất, con người Việt Nam. Từ đó càng tăng thêm lòng say mê nghề nghiệp. Đối với ông ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số vẫn luôn là một điều mới mẻ cần phải khám phá. Cầm trên tay những bản chữ cổ được viết trên giấy bản ghi chép lại những chuyện dân gian, truyện thơ dài, những sự kiện lịch sử còn được nhân dân trong vùng lưu giữ để đọc và dịch chúng là những niềm vui mà giáo sư Michel Ferlus rất trân trọng. Ông đã góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ và bảo tồn những giá trị lịch sử của đất nước và con người Việt Nam.
( VTV2-04/04/2001 )