Hành trình của chữ viết Việt Nam

Phạm Ðức Dương


Tiếng Việt Mường như nhiều người đã biết, được hình thành cách đây gần 3000 năm do kết quả của quá trình cộng cư giữa người Môn-khmer với người Tày cổ, hình thành một cộng đồng dân cư mới ở tam giác châu thổ sông Hồng, sông Mã.
Ngôn ngữ Việt - Mường chung gồm hai phương ngữ chính là tiếng kẽ chợ ở đồng bằng và tiếng miền ngược ở trung du miền núi. Khi nhà Hán đặt ách thống trị ở Giao Chỉ (đồng bằng Bắc bộ) vào năm 111 sau Công Nguyên, cư dân ở đồng bằng đã tiếp xúc với văn hóa Hán thông qua bộ máy cai trị của các quan thái thú. Với chính sách đồng hóa và nô dịch, họ đã mở trường học chữ nho, bắt người Việt sống theo điển chế Trung Hoa... do ảnh hưởng của 1000 năm đô hộ của người Trung Hoa mà tiếng kẻ chợ đã trở thành tiếng Việt và tiếng miền ngược trở thành tiếng Mường ngày nay.

Đến thế kỷ thứ 10, khi người Việt giành được độc lập và dựng nên quốc gia Đại Việt, tiếng Việt trở thành tiếng phổ thông và tách khỏi tiếng Mường.

Suốt mười thế kỷ độc lập, các triều đại quân chủ Việt Nam tự nguyện tiếp nhận mô hình văn hóa Hán một cách chủ động và thống nhất trong cả nước. Chữ Hán được dùng làm quốc tự trong triều đình, trong thi cử, trong văn chương bác học. Đó là thứ chữ của giai tầng thống trị được suy tôn trọng vọng và là chữ chính thống. Song song với nó, tiếng Việt tồn tại trong quảng đại quần chúng và là quốc ngữ. Do đó dẫn đến một nghịch lý: quốc tự của triều đình không phải để ghi quốc ngữ. Vì vậy người Việt phải mượn ký tự chữ Hán để ghi tiếng Việt, đánh dấu sự ra đời của chữ nôm. Đó là điều đáng ngạc nhiên vì khi đó các nước láng giềng của ta như Lào, Cam-pu-chia, Thái lan... đều mượn chữ ấn Độ để sáng tạo nên chữ viết của họ. Do vậy quốc tự và quốc ngữ của họ là một và được dùng đến bây giờ.

Vì chữ nôm để ghi tiếng Việt nên người Việt dùng để sáng tác thơ ca theo tiếng mẹ đẻ của mình. Còn chữ Hán được dùng để sáng tác thơ kiểu Trung Quốc (thơ Đường...), và đặc biệt để viết văn xuôi (Hoàng Lê Nhất thống trí, Truyền kỳ Mạn lục, Lĩnh nam Trích quái...). Thế kỷ thứ 17 - 18 được đánh dấu bởi sự bùng nổ của văn chương chữ nôm với các tác phẩm truyện, thơ, ngụ ngôn nổi tiếng như (Kiều của Nguyễn Du, bản dịch Chinh Phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, thơ Hồ Xuân Hương...).

Tiếng Việt thời đó hình thành hai lớp từ mượn Hán: lớp Việt hóa hoàn toàn: ví dụ: tiền, hàng, chợ, mùa... Và lớp Hán Việt là những từ mượn Hán và chưa Việt hóa triệt để: chẳng hạn ta có từ núi nên không thể nói "tôi lên sơn" nhưng ta lại nói "có cô sơn nữ ở vùng sơn cước hát bài sơn ca trong một sơn trại..." Chữ nôm do vậy chưa bao giờ được thống nhất về cách ghi, mỗi người có thể ghi khác nhau. Điều đó lý giải tại sao cùng một tác phẩm chữ nôm lại có nhiều cách "luận" và hiểu khác nhau.

Đến thế kỷ 17, với mục đích du nhập Thiên Chúa giáo vào Việt Nam, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha được sự giúp đỡ của các giáo sĩ người Việt đã La tinh hóa chữ viết để truyền giáo (thường chữ viết gắn liền với tôn giáo), đồng thời tách người Việt ra khỏi khuôn viên của chữ vuông và văn hóa Khổng giáo.

Quá trình xây dựng chữ viết trên cơ sở chữ La tinh mà ngày nay gọi là chữ quốc ngữ đã lặp lại quy trình sáng tác chữ nôm. Alexandre de Rhodes (Bá Đa Lộc) và các giáo sĩ người Âu phải giải quyết hai vấn đề: một là thêm những dấu phụ để phù hợp với cách đọc của người Việt khác với tiếng La tinh, tiếng Bồ Đào Nha..., hai là (khác với chữ nôm) phải ghi riêng biệt từng tiếng khác với cách viết liền như tiếng châu Âu đa tiết.

Quá trình này được phản ánh qua ba cuốn từ điển:

An Nam - Bồ Đào Nha (Gaspar de Amaral);

Bồ Đào Nha - An Nam (Antoine de Barbosa) và

An Nam - Bồ Đào Nha - La tinh (A. de Rhodes - 1651).

Vì tôn trọng cách phát âm của người bản ngữ nên A. de Rhodes đã ghi các âm "ph" thay cho "f", "tl" thay cho "tr", ngaoc (ngọc), thaoc (thóc), bvua (vua); bvui (vui)...

Chính vì địa vị không chính thức và tính không chuẩn hóa của chữ nôm mà chữ quốc ngữ dễ dàng thay thế. Hơn nữa hệ chữ La tinh lại rất dễ đọc và tiện lợi. Vì vậy, lúc đầu các cụ đồ Nho đã hết sức sỉ vả, coi nó là thứ chữ con giun, con dế của đế quốc. Sau này khi thấy nó tiện lợi, học nhanh, dễ chuyển tải các nội dung yêu nước thì chính các cụ Đông kinh Nghĩa thục trong khi chống "cựu học", cổ vũ "tân học" đã phát động việc truyền bá chữ quốc ngữ và văn minh châu Âu"Mở tân giới xoay nghề tân học

Đón tân trào, dựng cuộc tân dân Tân thư, tân báo, tân văn..."(Nguyễn Quyền, giáo học Đông kinh Nghĩa thục)Chính từ công cụ chữ viết quan trọng này, việc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây nửa đầu thế kỷ 20 diễn ra sôi động.

Trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay, tiếng Việt được đánh giá như một trong những nhân tố quan trọng, đóng vai trò tích cực vào quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới.