Ðại cương về người Việt

Phạm quân Khanh

 

1. Đại Cương Về Người Việt

A. Nhân-Chủng

Người Việt có màu da ngà và đa số có máu loại O và RH + (rê-giút dương) (80%); có nhiều huyết sắc E nên cơ-thể có sức chịu đựng bền-bỉ và thích-ứng dễ-dàng với các loại thời khí cùng các thực-phẩm khác biệt.

Râu và tóc đen, tiết diện tròn nên có dáng thẳng. Về già, râu tóc đổi thành mầu bạc (trắng).

Mắt có dáng ngang, hơi chéo lên ở phía dưới mi mắt dưới. Độ chéo ở đuôi mắt đối với đường ngang từ đầu mắt trung-bình từ 3 độ tới 5 độ. Con ngươi thường có mầu đen hoặc nâu sậm. Mi mắt dưới có bầu dài theo mắt (gọi là ngoạ tầm) (chi-tiết này là một trong các đặc điểm nhân-chủng của người Việt). Mí mắt trên có hai mí. Độ dầy căn-bản của mắt bằng độ phẳng hợp bởi xương mi và xương gò má.

Khuôn mặt có cằm trung-bình, xương hàm không to. Đa số người Việt có sống mũi hơi trũng (gẫy) ở khoảng ngang hai mắt. Hệ thống xương đầu có chỉ số 80 (đầu tròn).

Các trẻ em mới sinh có bớt mầu chàm ở lưng, từ khoảng ngang thắt lưng tới vùng cuối xương sống (chi-tiết này cũng là một trong các đặc-điểm nhân-chủng của người Việt).

Người Việt có môi thuộc loại có nét (vành môi rõ rệt) và độ dầy trung-bình, môi dưới thường nhỉnh hơn môi trên. Độ dầy trung-bình bằng 1/4 bề ngang (chiều rộng của miệng ngậm).

Răng to và dài vừa phải. Bề mặt bộ răng thường xếp không phẳng. Từ đầu thế-kỉ 20 trở về trước hầu hết dân Việt nhuộm răng đen.

Người Việt có dáng điệu bình-thản và tinh-nhanh. Khổ người trung-bình, bề cao của nam giới khoảng 1 thước 65 và nữ giới khoảng 1 thước 58. Bề cao thay đổi tuỳ điều-kiện sinh-hoạt và ẩm-thực.

B. Y-Phục, Di-Chuyển Và Thực-Phẩm

Y-phục của người Việt thay đổi theo thời-gian, hoàn-cảnh sinh-hoạt và địa-lí.

Từ đầu thế-kỉ 20 trở về trước, thường ngày đa-số dân chúng mặc quần, áo ngắn, gọn gàng, mầu xẫm gần với mầu đất, mầu vỏ cây hoặc lá. Đội đầu gồm có khăn và nón. Trong các lễ-nghi, y-phục thường dài, rộng.

Di-chuyển trên bộ thường đi chân, cưỡi ngựa hoặc dùng xe kéo bằng trâu, bò hay ngựa. Cũng có khi dùng cáng, kiệu do người khiêng.

Trên nước di-chuyển bằng thuyền. Có nhiều loại thuyền, thường thường làm bằng tre và gỗ. Loại thuyền gỗ bọc đồng dùng cho quân đội. Kiểu thuyền tuỳ thuộc vào nhu-cầu và diện-tích của vùng nước (sông hay biển).
Y-phục và phương-tiện di-chuyển thay-đổi nhiều từ khi Việt-nam tiếp-xúc với các quốc-gia kĩ-nghệ Âu-Mĩ, nhưng vì dân chúng Việt-nam sống trong hoàn-cảnh kĩ-thuật chậm-tiến và nghèo khó nên các loại phương-tiện hiện-đại không được đầy đủ.
Thực-phẩm chính của người Việt là lúa gạo. Trong bữa ăn hàng ngày, cơm là thức ăn chính rồi kế tiếp là nước mắm, rau, cá, thịt ...

C. Trí-Tuệ

Người Việt có đời sống tâm-linh cao. Quý-trọng đạo-đức hơn vật-chất. Biết quân-bình tình và lí. Thông-minh, trí nhớ bền; có khả-năng thích-ứng với mọi hoàn-cảnh. Người Việt nói cùng một thứ ngôn ngữ - tiếng Việt - nhưng thay đổi đôi chút tuỳ theo không-gian (địa-phương) và thời-gian.