Gặp Hoàng Tử Nguyễn Phúc Bảo Ngọc, tức ông Georges Vĩnh San

Vietsciences- Mathilde TuyetTran     13/05/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

 Danh nhân Việt Nam

Ở nhà quê, các cánh đồng hoa dầu đang nở hoa dưới làn mưa xuân trải dài như những tấm thảm vàng rực rỡ, óng ánh. Mọi người tất tả gieo, trồng. Tôi cũng còn vài trăm củ khoai giống để trồng, nhưng vào một ngày mưa như hôm nay, đất sét ướt bám dính cả kí lô chung quanh đôi giày, và trơn tuốt luốt như các tuyến trượt tuyết...đã đến lúc tôi phải đi gặp gỡ ông Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Lộc: Ông Georges Vĩnh San.

Lịch sử đối với tôi là trường học, sách vở, văn khố, phim, ảnh...cũ kỹ, xơ xác, xa xôi, vàng úa bởi bụi thời gian. Khi ở trung học, như những bạn thiếu niên đồng lứa, tôi học, các chương lịch sử cận đại thời nhà Nguyễn, mà không hiểu phải học thuộc lòng những điều này để làm gì ? Những ngày tháng năm sinh, những ngày tháng tử, những ngày lên ngôi... chẳng có quan hệ gì với tôi cả.

Bốn mươi năm sau, tôi nhìn lại lịch sử nước tôi với con mắt khác. Vài người chế diễu công việc khảo cứu lịch sử và những bài tôi viết, cho rằng tôi trở thành "bảo hoàng". Không, lịch sử nhà Nguyễn là một phần của lịch sử Việt Nam và dân tộc Việt Nam, đã gánh chịu chung một số mệnh, nhưng bi thảm hơn, vì hoàng tộc là hoàng tộc, họ còn có phương tiện, và dân...thì là dân, nghèo khổ và dốt chữ . Thời đại quân chủ chấm dứt tại Việt Nam năm 1945, với sự cáo chung của Bảo Đại. Chúng ta đang sống trong tư tường cộng hòa với các giá trị như Độc Lập, Tự Do, Bình Đẳng và  Nhân Ái.

Ba vị vua nhà Nguyễn bị áp giải đi đày bởi chính quyền thuộc địa Pháp dưới thời đệ tam Cộng Hòa Pháp là vua Hàm Nghi tại Alger (Algérie), Thành Thái và Duy Tân tại đảo La Réunion trong vùng biển Ấn Độ Dương.

Lúc đi đày, Hàm Nghi mới có 18 tuổi, Thành Thái 37 tuổi (bị quản thúc đã 9 năm rồi) và Duy Tân 16 tuổi. Các vua còn trẻ, nhưng có can đảm chống lại sự thống trị của chính quyền thực dân thuộc địa.

Đó là một giai đoạn lịch sử giao thời giữa hai luồng ảnh hưởng văn hóa đối nghịch, đó là ảnh hưởng của Trung Hoa và ảnh hưởng của Pháp, mà các thế lực ảnh hưởng của tầng lớp quan lại trong triều đình theo xu hướng Trung Hoa còn rất mạnh mẽ. Tiếng Hán của Trung quốc vẫn còn là chữ viết chính thức của nhà Nguyễn. Mãi cho đến năm 1920, các khóa thi cuối cùng là vào năm 1919, vua Khải Định mới bãi bỏ các kỳ thi chữ Hán (thi Hương, thi Hội, thi Đình), chính thức mở đường cho chữ "Quốc Ngữ“ viết theo mu tự la tinh, mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha, rồi sau đó Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine và những nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã chuyển âm và phát triển từ đầu thế kỷ thứ mười bẩy.

Sự can đảm của ba vua được dân chúng kính trọng và thương mến. Tiếc thay, cả ba vua đều bị phản bội và công việc kháng chiến không kéo dài được là bao lâu.

Ngày nay, sự tưởng niệm ba vua không thể được coi là một công việc đánh lạc hướng dư luận, vì chính cùng một chiều hướng với tinh thần của Duy Tân, người ta biết phân biệt ai là bạn của dân tộc Việt Nam – và những người khác (những người Pháp yêu chuộng tự do và những người thực dân theo Pétain). Tướng Decoux là một trong những trường hợp lạ lùng đã từ chối không theo lời kêu gọi của phong trào nước Pháp Tự Do (France Libre), mà dọn đường cho quân Nhật vào Việt Nam, đem lại những hậu quả tang thương mà mọi người đều biết.

 

Sự lùng bắt Hàm Nghi và Duy Tân xảy ra một cách bi thảm vì hai vua trẻ này đã rời khỏi cung điện và cấm thành để đi kháng chiến. Trong mục đích cứu vua Duy Tân khỏi bị Pháp xử tử, quan đại thần Hồ Đắc Trung, theo lời yêu cầu của những người phụ tá vua đã bị bắt giam vào ngục, giảm trách nhiệm của Duy Tân và đổ hết tội lỗi lên đầu các người phụ tá. Vì thế, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn văn Siêu của phong trào Việt Nam Quang Phục Hội bị xử tử chém đầu, Duy Tân bị truất ngôi và đi đày khỏi xứ.

 

Các dấu vết của các vua, sau thời Tự Đức, còn tìm thấy ở Pháp, ở Algérie và ở đảo La Réunion. Những cuộc gặp gỡ các nhân vật, gọi là, có trong lịch sử, và những công việc tham khảo tại chỗ đưa lịch sử nước tôi về gần hơn, sống động hơn và hiện đại hơn.

 

Ông Georges Vĩnh San và phu nhân, bà Monique, tiếp đón tôi niềm nở tại nhà riêng. Vừa trông thấy ông bằng xương bằng thịt, tôi thấy ông thật có tướng hoàng gia, có phẩm cách trang nghiêm nhưng khiêm tốn, nhất là hai tai to như tai Phật, dấu hiệu của sự tốt bụng và rộng lượng. Giọng ông rất trầm, đều đặn, và cách nói đơn giản, thành thật tăng thêm vẻ bình tĩnh, tự tin.

 

Georges Vĩnh San là con trưởng của hoàng tử Vĩnh San và bà Fernande Antier, sinh ngày 31 tháng một năm 1933 tại Saint Denis thuộc đảo La Réunion. Ông bà Vĩnh San có bốn người con, ba gái một trai. Sau một thời gian sinh sống ở đảo, ông bà trở về hưởng hưu tại Pháp.

 

Trước khi tôi có dịp đặt câu hỏi về tên của ông, thì ông đã than thở về cái sự rắc rối hành chánh này. Một sự luyến tiếc lớn, thổ lộ qua các câu...“ bà biết không, tôi truyền lại cái tên này (Vĩnh San) cho các con tôi và cháu tôi, nhưng năm mươi năm nữa, một trăm năm nữa, sẽ không ai biết đấy vào đâu...“

 

Hoàng tử Vĩnh San

 

Khi bị giải đi đảo, vua Duy Tân trở lại thành hoàng tử Vĩnh San, bị chính quyền thuộc địa ghi chép trong sổ sách hành chánh một cách đơn giản chỉ với tước vị hoàng tử và tên gọi, hoàn toàn không cần biết đến tông tích của vua, cũng không cần tìm hiểu danh tánh cho đúng.

Một người bạn Pháp cũng than thở là các tên họ vua chúa Việt Nam sao rắc rối quá và muốn tôi giải thích.

 

Georges Vĩnh San đáng lẽ phải mang tên hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Ngọc Guy Georges.

Nguyễn Phúc là họ của ông, xuất phát từ dòng nhà Nguyễn.

Bảo Ngọc là tên gọi, Guy Georges là tên gọi theo tiếng Pháp.

 

 

Ai là cha của Georges Vĩnh San ?

 

Kể từ thời Minh Mạng, hoàng đế thứ hai, con của Gia Long, truyền lệnh đặt tên con trai của vua theo thứ tự các chữ trong một bài thơ của ông, thì dân chúng biết chữ theo dõi dễ dàng các đời vua kế nghiệp qua các tên họ . Minh Mạng cũng đặt cho mỗi con của Gia Long một bài thơ, dùng theo cách tương tự, coi như đặt ra các „phòng“ của dòng nhà Nguyễn.

 

Bài thơ dùng cho dòng của Minh Mạng có tên "Đế Hệ Thi“ gồm có bốn câu như sau:

 

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương.
 

Thí dụ: Tên gọi các hoàng tử gồm có hai chữ, chữ thứ nhất lấy theo thứ tự trong bài thơ, xác định thế hệ của người đó.

Vua Thành Thái tên là Nguyễn Phúc Bửu Lộc

Vua Duy Tân tên là Nguyễn Phúc Vĩnh San

Ông Guy Georges Vĩnh San tên là Nguyễn Phúc Bảo Ngọc

 

Gia phả họ Nguyễn bắt đầu từ thời Nguyễn Bặc năm 970. Nguyễn Bặc là Đinh Quốc Công dưới triều nhà Đinh.

Đầu thế kỷ thứ mười sáu, dưới thời nhà Lê Trang Tông, Nguyễn Kim xin vua Lê vào nam để tránh sự ám hại của họ Trịnh (Hoành sơn nhất đái, vạn đại chung thân, theo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm). Như thế, kể từ năm 1533, Nguyễn Kim khởi nghiệp dòng chúa Nguyễn. Trong vòng gần ba thế kỷ, các cuộc chiến tranh liên miên giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn gieo rắc nhiều khổ sở ai oán cho dân chúng, đồng thời làm suy yếu quyền lực của triều đình nhà Lê.

 

Họ Nguyễn Phúc xuất hiện lần thứ nhất với sự chào đời của một hoàng tử, con của Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn thứ hai, ngày 16.08.1563. Một bà vương phi, nằm mộng thấy thần cho chữ „Phúc“, đặt tên đứa trẻ mới sinh là Nguyễn Phúc Nguyên (hoàng tử thứ sáu). Trở thành chúa Nguyễn thứ ba, Nguyễn Phúc Nguyên truyền lệnh đặt Nguyễn Phúc làm họ cho tất cả các thế hệ sau mình, để tránh nhầm lẫn với các dòng khác cũng mang họ Nguyễn.

Có hai cách viết, ở miền Bắc viết "Nguyễn Phúc“, ở Huế và trong Nam viết "Nguyễn Phước“, phần thì do ảnh hưởng của tiếng nói địa phương, phần thì theo tục lệ tin dị đoan phải nói trại đi để tránh xui xẻo cho người mang tên.

 

Thêm nữa, mỗi vua có cả thẩy năm tên. (Người ngoại quốc thường lẫn lộn và không hiểu vì thế)

 

Một thí dụ:

Tên tục: Nguyễn Phúc Chiêu

Tên hoàng tử: Nguyễn Phúc Bửu Lân

Tên hiệu: Thành Thái (niên hiệu)

Tên miếu: Hoài Trạch

Tên vua: Công Hoàng Đế

 

Các nhà sử học và dân chúng gọi các vua bằng niên hiệu.

 

Niên hiệu  Tên tục   Tên hoàng tử Thời gian trị vì
Gia Long Nguyễn Phúc Noãn (Chũng)  Nguyễn Phúc Ánh     1802-1820
Minh Mạng Nguyễn Phúc Kiểu Nguyễn Phúc Đảm 1820-1840
Thiệu Trị Nguyễn Phúc Tuyền Nguyễn Phúc Miên Tông 1841-1847
Tự Đức Nguyễn Phúc Thì Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 1847-1883
Dục Đức Nguyễn Phúc Ưng Ái Nguyễn Phúc Ưng Chân 1883
Hiệp Hòa Nguyễn Phúc Thăng Nguyễn Phúc Hồng Dật 1883
Kiến Phúc Nguyễn Phúc Hạo Nguyễn Phúc Ưng Đăng 1883-1884
Hàm Nghi Nguyễn Phúc Minh Nguyễn Phúc Ưng Lịch 1884-1885
Đồng Khánh Nguyễn Phúc Biện Nguyễn Phúc Ưng Kỷ 1886-1888
Thành Thái  Nguyễn Phúc Chiêu Nguyễn Phúc Bửu Lân 1889-1907
Duy Tân Nguyễn Phúc Hoảng Nguyễn Phúc Vĩnh San 1907-1916
Khải Định Nguyễn Phúc Tuấn  Nguyễn Phúc Bửu Đảo  1916-1925
Bảo Đại Nguyễn Phúc Thiển Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy 1926-1945

                     

                       

Guy Georges Vĩnh San thuộc vào đời thứ tám kể từ Gia Long, xuất thân từ giòng hoàng tộc chính và là hậu duệ của ba vua Dục Đức – Thành Thái – Duy Tân. Cha của ông là vua Duy Tân, ông nội là vua Thành Thái, ông cố nội là vua Dục Đức.

 

Tất cả vua nhà Nguyễn đều xuất thân từ dòng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Trong suốt một thời gian 143 năm mười ba vua nhà Nguyễn đã vạch con đường định mạng cho cả dân tộc Việt Nam.

Cần nói đến ở đây một điểm nhỏ, thời đại các chúa Nguyễn kéo dài khoảng 250 năm (1533-1777), cho đến khi Gia Long xưng Hoàng Đế năm 1802 thì các người kế vị của Gia Long, không phải chỉ là "vua“, mà là "Hoàng Đế“. Như Nã Phá Luân là Hoàng Đế, chứ không phải vua. Các chúa Nguyễn đã chiếm đất Chàm và đất Chân Lạp (miền Nam Việt Nam, từ Bình Thuận xuống đến mũi Cà Mau) và Gia Long đã thống nhất lãnh thổ Việt Nam (Đàng Trong luôn cả Đàng Ngoài), lập thành một "đế quốc“.

Trong cách nói thông thường, thì người dân chỉ gọi đơn giản là "vua“: vua Hàm Nghi, vua Duy Tân...

 

Nhưng sau khi Thiệu Trị qua đời, sự yếu đuối của Tự Đức (hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, 1847-1883) là một trong những nguyên nhân chính yếu đưa đến sự bảo hộ hoàn toàn của thực dân Pháp (tôi đang viết một bài riêng về đề tài này) và những biến động bi thảm trong triều đình nhà Nguyễn. Đáng tiếc thay, tấm gương của Gia Long – một chiến sĩ bền bỉ nhất, thông minh nhất và mạnh nhất lại không được các người kế vị noi theo.

 

Một điều dễ hiểu là các vua, chúa đều cần người nối nghiệp nam phái và họ có tất cả mọi quyền lực. Họ có rất nhiều vợ, rất nhiều con. Có thể tôi còn nhầm lẫn trong các con số, nhưng thí dụ như Gia Long có 31 người con (13 trai, 18 gái), Minh Mạng có 142 người con (78 trai và 64 gái), Thiệu Trị có 64 người con (29 trai và 35 gái). Sự lựa chọn người lên ngôi nối nghiệp thường bị ảnh hưởng bởi áp lực cũng như các ý đồ thâm hiểm của các bà vợ vua cũng như các quan đại thần. Vợ vua, có tước vị hay không có tước vị, thường là con gái các quan đại thần. Một cô thôn nữ vừa đẹp vừa thông minh, gặp gỡ một vị vua vừa mạnh mẽ vừa can đảm chỉ là một câu chuyện lãng mạn, khác thường.

 

Tự Đức, người có danh tiếng là độc ác và nóng nảy, không có con nối dõi, nhận ba người cháu làm con nuôi: Dục Đức, Chánh Mông và Dưỡng Thiện.

Dục Đức, ông cố nội của Georges Vĩnh San, là cháu nội của Thiệu Trị, con của Hồng Y, một người con của Thiệu Trị và anh em của Tự Đức.

Lấy lý do là Dưỡng Thiện, người con yêu quí còn nhỏ tuổi, Tự Đức chỉ định Dục Đức nối ngôi, nhưng đồng thời trách Dục Đức là người „thiếu đạo đức“, và đặt ba quan đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết làm phụ chánh cho vua.

 

Di chiếu của Tự Đức đồng nghĩa với bản án tử hình cho đứa con nuôi lớn nhất của ông. Ba ngày sau khi Tự Đức qua đời năm 1883, hai quan đại thần Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết, thực chất nắm tất cả quyền bính trong tay, đổi di chúc, phế bỏ Dục Đức, thay vào đó lập Nguyễn Phúc Hồng Dật, một người em, của Tự Đức, hàng chú của Dục Đức lên ngôi. Hồng Dật trở thành hoàng đế thứ sáu, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.

 

Dục Đức, hoàng đế thứ năm, bị giam trong học đường, rồi bị bỏ đói trong ngục cho đến chết. Dân gọi ông là "Vua ba ngày“.

 

Trong cùng năm đó, dưới quyền lực của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước Quý Mùi ngày 23.07.1883 bởi Harmand, De Champeaux, Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp.

 

Vua Hiệp Hòa có ý muốn chấp nhận sự bảo hộ của Pháp và loại trừ hai quan đại thần lộng quyền. Nhưng, Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã ra tay trước. Với sự đồng ý của bà Hoàng mẹ, bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, vua Hiệp Hòa bị bỏ thuốc độc chết, Tường và Thuyết đưa Dưỡng Thiện lên ngôi. Quan phụ chánh thứ ba, Trần Tiễn Thành, vì không đồng ý với Tường và Thuyết cũng bị giết chết.

 

Dưỡng Thiện, tên là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con nuôi thứ ba của Tự Đức, lên ngôi hoàng đế với niên hiệu là Kiến Phúc, nhưng thật sự hoàn toàn không có quyền lực. Sau sáu tháng trị vì, đến lượt Kiến Phúc cũng bị loại trừ bằng thuốc độc, chỉ thọ được có 16 tuổi.

 

Ba vị vua bất hạnh, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc để lại trong lịch sử một giai đoạn mà dân chúng gọi là „chín tháng ba vua“.

 

Hai quan đại thần Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết chọn một hoàng tử nhỏ tuổi lên kế vị, hầu dễ chi phối: Ưng Lịch, 12 tuổi.

 

Quan toàn quyền Rheinart không đồng ý với sự lựa chọn này, đòi triều đình Huế phải xin phép chính thức. Thống tướng Millot gởi đại tá Guerrier đem 600 quân lính và một đội pháo binh nặng vào Huế để hăm dọa triều đình. Cuối cùng triều đình nhà Nguyễn phải trình một văn bản xin phép viết bằng tiếng Hán và chấp nhận, lần đầu tiên trong lịch sử, là Guerrier và Rheinart đi vào cửa chính của cung điện, trước nay chỉ dành riêng cho hoàng đế, để tham dự lễ đăng quang của Ưng Lịch, lấy niên hiệu là Hàm Nghi.

Đây là một hành động sỉ nhục nặng nề mà triều đình nhà Nguyễn buộc lòng phải gánh chịu.

 

Trong khi đó, quan khâm sai Harmand và các tướng lãnh của quân đội Pháp Bouet, Bichot, Courbet, Millot, Brière de l'Isle, De Négrier, Coronnat, Duchesne tiếp tục tấn công miền Bắc (Tonkin). Các tỉnh Ninh Bình, Sơn Tây, Bắc Ninh, Yên Thế (xem bài về Đề Thám, viết năm 2007), Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang lần lượt rơi vào tay chiếm đóng của Pháp.

 

Đồng thời nước Pháp dùng thế lực ngoại giao để cô lập Việt Nam. Qua sự trung gian của Détring, một người Đức tại Trung Hoa, Pháp thành công trong việc thuyết phục Trung quốc cắt đứt tất cả mọi giúp đỡ quân sự cho Việt Nam. Hiệp ước Thiên Tân giữa Pháp và Trung quốc được ký ngày 18.04.1884 bởi trung tá Fournier và Lý Hồng Chương (Trung quốc). Cũng qua hiệp ước này Trung quốc chập nhận sự bảo hộ của Pháp tại Việt Nam (Tonkin và Annam).

 

Bị cô lập và dưới sức ép của chính quyền thực dân, triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước gọi là hòa ước Patenôtre, ngày 06.06.1884, bởi Patenôtre, Nguyễn Văn Tường, Phạm Thuận Duật và Tôn Thất Phan. Chính hòa ước này đã cho Pháp quyền thiết lập một chính quyền bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Kể từ đây nước Việt Nam bị chia làm ba Kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, cai trị bởi ba đơn vị hành chánh khác nhau, sự di chuyển và chuyên chở trong ba kỳ bị kiểm soát chặt chẽ, dân chúng muốn đi lại phải xin giấy thông hành.

 

Để xóa tan một cách tượng trưng thời đại nhà Nguyễn và mối quan hệ lâu đời giữa Việt Nam và Trung quốc, Patenôtre và Courbet, tức tối vì không đem được bảo vật này về Pháp làm bảo vật chiến thắng, đòi hỏi triều đình nhà Nguyễn phá hủy chiếc ấn „Việt Nam Quốc Vương Chi Ấn“ của Trung quốc trao cho Gia Long năm 1804, khi Trung quốc công nhận Gia Long là hoàng đế của một nước Việt Nam thống nhất suốt từ Bắc chí Nam. Hai quan đại thần Tường và Thuyết ra lịnh nấu chy chiếc ấn to mỗi bề khoảng 10 đến 12 phân, bằng bạc ròng bọc vàng nặng 5 kí lô 900 trước sự hiện diện của Patenôtre và Courbet vào ngày 30 tháng tám năm 1884.

Thêm một lần nữa, một hành động nhục mạ nặng nề gây ra bởi Patenôtre và Courbet mà người dân Việt không quên được.

 

Thời gian trôi qua, các trận đánh tiếp diễn.

 

Sau khi bắt được Hàm Nghi vào tháng chín năm 1888, nhờ sự chỉ điểm của hai tên phản bội, Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc, tướng de Courcy dụ hàng được quan đại thần Nguyễn văn Tường. Hàm Nghi bị đưa đi đày ở Alger vào cuối năm 1888, nhưng nhà vua trở thành biểu tượng của phong trào „Cần Vương“ trong lịch sử. Nguyễn văn Tường và gia đình bị đem đi đày ở đảo Tahiti. Ông chết dọc đường áp tải, xác bị vất xuống biển. Tôn Thất Thuyết chạy sang Tàu, rồi chết già ở đấy. (Xem bài Thonac và một bí ẩn của vua Hàm Nghi – viết năm 2007). Hàm Nghi qua đời năm 1943 thọ 73 tuổi tại El Biar, .

 

Đến lượt hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ được Pháp đưa lên ngôi lấy niên hiệu là Đồng Khánh. Nhưng vua Đồng Khánh, vì thái độ hợp tác với Pháp, bị dân chúng khinh bỉ. Đồng Khánh cũng chỉ ở ngôi được có ba năm, qua đời ngày 28 tháng một năm 1889 vì điên loạn, được 25 tuổi. Sau này, hai hoàng đế Khải Định và Bảo Đại, hậu duệ của Đồng Khánh, cũng hợp tác với chính quyền bảo hộ Pháp.

Sau đó, quan toàn quyền Rheinard chỉ định người kế vị là hoàng tử Bửu Lân, 10 tuổi, con của Dục Đức, đang còn ở trong ngục chung với mẹ, và cho hai quan đại thần  Nguyễn trọng Hợp và Trương quang Đản làm phụ chánh.

Nguyễn Phúc Bửu Lân trở thành hoàng đế thứ mười ngày 02.02.1889, lấy niên hiệu là Thành Thái. Nhà vua là ông nội của Georges Vĩnh San.

Tám năm sau, 1907, thấy thái độ chống đối của Thành Thái, chính quyền thực dân hạ bệ Thành Thái và quản thúc nhà vua ở Vũng Tàu.

Thành Thái có tất cả là 45 người con (19 hoàng tử và 26 công chúa). Lúc điểm danh các hoàng tử kế vị thì khâm sai Lévecque thấy thiếu mất một mệ. Cậu hoàng tử nhỏ, Nguyễn Phúc Hoảng, 7 tuổi, bị cận vệ đi lục và đem đến, nhem nhuốc, mồ hôi nhễ nhại, trình Lévecque. Cậu hoàng tử đang mải chơi bắt dế. Thấy vẻ xơ xác, sợ hãi của đứa trẻ, người Pháp nghĩ rằng, cậu ta sẽ trở thành một ông vua "dễ dạy“.

Cậu bé Nguyễn Phúc Hoảng lấy tên hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San, và trở thành hoàng đế Duy Tân, cha của Georges Vĩnh San.

 

Georges Vĩnh San:

 

"Cha tôi sinh năm 1898. Ngài được 9 tuổi lúc đăng quang năm 1907. Nhưng trong ý nghĩ khởi đầu một thời đại mới, năm sinh của Ngài được sửa lại cho trùng hợp với năm bắt đầu của thế kỷ hai mươi, 1900, bởi vậy tuổi của Ngài được tuyên bố chính thức là bẩy tuổi."

 

 ...

 

"Cũng như các anh chị em tôi, tôi mang họ mẹ, bà ANTIER, cho đến sau khi cha tôi qua đời ngày 16 tháng 12 năm 1945. Một quyết định của tòa án vào ngày 22 tháng 7 năm 1946 công nhận chúng tôi là con chính thức của hoàng tử Vĩnh San, nhưng đồng thời họ cũng làm ngơ trước truyền thống đặt tên của triều đình An Nam. Cần nhấn mạnh ở đây, là trong suốt khi sinh thời và cho đến khi qua đời, cha tôi xem như kết hôn chính thức với cô Mai thị Vàng, người được phong đệ nhất vương phi, con của quan Mai Khắc Đôn, một trong những phụ đạo của cha tôi. Hội đồng hoàng tộc ở Huế luôn luôn từ chối lời yêu cầu xin công bố văn bản ly dị của cha tôi. „

 

Khi cả hai vua Thành Thái và Duy Tân, cha và con, bị áp giải đi đày trên đảo la Réunion năm 1916, có ba bà trong hoàng tộc đi theo vua Duy Tân: bà Nguyễn thị Định, mẹ vua, bà Mai thị Vàng, vợ vua và bà Lưỡng Nam, công chúa em vua. Nhưng ít lâu sau, trong năm 1917, cả ba bà đều trở về Huế, bỏ lại Duy Tân một mình.

 

....

 

Năm 1916 cha tôi là một người trẻ mới 18 tuổi (tuổi thật) và Mai thị Vàng 17 tuổi (bà sinh năm 1899) ! Thời gian hai người chung sống với nhau rất ngắn. Nhưng Mai thị Vàng không thể có con. Thêm vào đó, cuộc sống trên đảo la Réunion rất cực khổ vào thời ấy. Cha tôi không được đón tiếp đàng hoàng và  chỗ ở rất thiếu thốn. Chỗ ở của ông không có lấy một vòi nước tắm. Bây giờ, căn nhà được sửa chữa nhiều lần, làm đẹp, hiện đại hóa. Nhưng cha tôi không sống trong một khung cảnh tiện nghi như thế.

Hơn nữa, cha tôi không hợp tính với cha của Ngài (Thành Thái) và muốn sống tự lập, Ngài tách ra khỏi gia đình, thuê một cái nhà khác. Lúc cha tôi quen biết với mẹ tôi, thì mẹ tôi còn rất trẻ, mới có 14 tuổi, thời ấy. Cha tôi không có tuổi thơ, cũng không có thời niên thiếu. Ngài không thể ra ngoài chơi bi, chơi trong các rãnh nước, gặp bạn bè tán ngẫu... như mọi thanh thiếu niên khác. Trên đảo, trong tình trạng lưu đày, thiếu thốn nhiều phương tiện, nhưng Ngài không còn mang cái gánh nặng hoàng tộc và tìm được tự do...dù bị kiểm soát. Nhiều lần, cha tôi bị cảnh cáo bởi viên toàn quyền, không nên ở ngoài quá khuya, vì vấn đề an ninh cho Ngài.

 

Trong cách kể của Georges Vĩnh San, tôi nhận thấy một sự thông cảm sâu xa của một người con đối với cha của mình. Qua tuổi tác, kinh nghiệm và khoảng cách với thời sự nóng bỏng, người ta thường có những cái nhìn khác về quá khứ.

 

 

"Cha tôi chơi vĩ cầm, nhưng cái đam mê của Ngài là truyền tin. Ngài thiết lập các thiết bị truyền tin nơi một chỗ khác, ngoài căn nhà ở của gia đình, và Ngài thường ngồi say mê trước cái máy truyền tin thâu đêm về sáng. Thường thường Ngài về nhà khoảng một, hai giờ sáng và nhờ mẹ tôi đi mua một tô mì tàu. Người tàu bán mì suốt ngày đêm, không ngơi nghỉ. Là một chuyên viên vô tuyến điện, Ngài sửa chữa tất cả các loại máy phát thanh, và đôi khi luôn cả máy chiếu phim.

Năm 1940 cha tôi bắt được hiệu triệu kháng chiến của de Gaulle. Ngài bèn gọi tất cả các bạn hữu và nói rằng: „ Tôi không quen biết de Gaulle, nhưng nên theo ông, vì ông đi đúng hướng.“ Cha tôi rất thân thiết với nước Pháp, nhưng không phải một nước Pháp của Pétain.“

 

Hoàng tử Vĩnh San bị nhốt trong một trạm y tế, nơi mà người ta nhốt người điên, trong vòng 40 ngày bởi những nhân vật chính quyền theo chính phủ Vichy trên đảo.

Nhiều nhà sử học đã viết về sự tham dự của hoàng tử Vĩnh San trong phong trào kháng chiến Pháp France Libre. Hoàng tử Vĩnh San được cấp huân chương kháng chiến Pháp.

Cuộc gặp gỡ lịch sử của hoàng tử Vĩnh San với tướng de Gaulle diễn ra vào ngày 14 tháng 12 năm 1945 trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng nội dung của cuộc gặp gỡ này không hề được thông báo. Tướng de Gaulle cũng không hề có chỉ thị về cuộc gặp gỡ này cho bộ phận sĩ quan tùy tùng.

Rất vui mừng về sự trở về Việt Nam, cùng với tướng de Gaulle, dự kiến vào tháng ba năm 1946, hoàng tử Vĩnh San đã thông báo tin này cho người thân cận. Cựu hoàng Duy Tân, với những ý tưởng mới, xứng với tên hiệu của ông, Duy Tân có nghĩa là „bước vào thời đại mới“, hy vọng rằng, con đường kế thừa nhà Nguyễn sẽ được tiếp nối với những cải tổ hiện đại.

Tai nạn máy bay trên đường trở về đảo la Réunion, tìm thấy trên ngọn đồi La Lobaye cách M'Baiki 35 cây số ngày 25 tháng 12 năm 1945 (Giáng sinh), đã chôn vùi với hoàng tử Vĩnh San mọi ước mơ và hy vọng của triều đại nhà Nguyễn. Duy Tân, người thông thạo hai thứ tiếng, Hán và Pháp, hấp thụ hai nền văn hóa khác biệt, đã để lại bản di chúc chính trị, xuất bản năm 1947.

Sau khi tai nạn xảy ra, thân xác của Duy Tân được chôn cất ngày 26.12.2945 bởi Hiệp hội công giáo tại M'Baiki, nước Cộng Hòa Trung Phi (Phi Châu).

 

Georges Vĩnh San:

 

"Năm 1993 tại San José ở Californie trong buổi ra mắt cuốn sách của ông Hoàng Trọng Thược“ với tựa đề „Hồ sơ vua Duy Tân“ và lễ tưởng niệm sau đó, khi tôi nhìn thấy nước mắt rưng rưng của những người tham dự buổi lễ, nỗi xúc cảm của tôi cũng dâng lên như họ, mà tôi cũng không che dấu được.“

 

De Gaulle rời chính quyền vào ngày 20 tháng một năm 1946, chưa đầy một tháng sau cái chết của vua Duy Tân. Về phía Pháp, hồ sơ Duy Tân được đóng lại.

 

Bốn mươi hai năm sau, hài cốt của Duy Tân được bốc từ nghĩa địa ở M'Baiki và chuyển về Huế. Lễ quốc táng long trọng được cử hành ngày 06 tháng tư năm 1987 tại Huế. Georges Vĩnh San và các em tham dự buổi lễ trọng thể này tại cung điện hoàng gia tại Huế. Duy Tân an nghỉ vĩnh viễn tại An Lăng, nơi có mộ phần của cha là Thành Thái và ông nội là Dục Đức.

Duy Tân, bị truất phế bởi Pháp, nhưng không bao giờ cáo vị, vẫn còn là hoàng đế, điều mà chính Duy Tân đã nêu lên.

 

Bác sĩ Didier FAGNEN viết dưới tựa đề "Hoàng đế Duy Tân. Một niềm hy vọng lớn của Indochine – Général de Gaulle " trên trang trên mạng của Hội các Bác sĩ của Việt Nam ngày 10.10.2006 như sau:

 

Đại tướng de Gaulle có nhiều cảm tình trân trọng đối với Ông, và quyết định sau khi đại chiến kết thúc, năm 1945, sẽ đem Hoàng tử về Pháp, hiện còn đang ở trên đảo La Réunion.

„Nếu hoàn cảnh trở nên thuận tiện tôi ôm ấp một hoài bão bí mật. Đó là dự tính đem lại cho cựu hoàng Duy Tân những khả năng tái xuất hiện nếu người kế vị và cùng hoàng tộc với Ông là Bảo Đại, không thể theo kịp sự việc tiến triển. Đây là một nhân vật mạnh. Ba chục năm lưu đày không xóa mờ kỷ niệm của dân tộc Việt Nam đối với vị vương quyền này“, de Gaulle viết như thế.

 

Đại tướngde Gaulle giải thích cho đại tướng de Boissieu rằng hoàng tử Vĩnh San chiếm một vị trí quan trọng vì ông muốn cân bằng thế lực của triều đình Lào và Cam Bốt khi tái lập lại ngôi vua ở Huế, một điều danh chính ngôn thuận, và ông cho rằng Bảo Đại quá mềm yếu và không được lòng dân.

Ngày 25 tháng chín năm 1945, hoàng tử được thăng chức trưởng đơn vị. Cùng lúc hoàng tử có những suy nghĩ về tương lai của Việt Nam và đưa ra ba ý kiến chính yếu:

-          Thống nhất ba Kỳ (Tonkin- Annam- Cochinchine)

-          Độc lập tối cùng, sau một thời gian chuẩn bị, giao thời

-          Liên hợp chặt chẽ với nước Pháp trong khuôn khổ một Liên Hiệp Đông Dương (cùng với Lào và Cam Bốt), mà nước Pháp lãnh trọng trách bảo vệ quân sự và ngoại giao.

 

Đại tướng de Gaulle đồng ý với chữ "tối cùng“ nhưng muốn thảo luận thêm về giai đoạn chuẩn bị giao thời. Ông tiếp hoàng tử Vĩnh San vào ngày 14.12.1945 và cả hai có vẻ cùng đồng ý về những điểm chính.

Hoảng tử viết sau buổi gặp gỡ này: „Xong rồi, mọi việc đã được quyết định, chính quyền Pháp đưa tôi trở về ngai vàng Annam. De Gaulle sẽ đi cùng với tôi khi tôi trở lại nơi ấy, có thể là trong những ngày đầu của tháng ba 1946. Từ giờ đến đó, sẽ tổ chức thông báo dư luận của Pháp và Đông Dương; ngày mai đây, tại Huế, Hà Nội, Saigon, hai lá cờ sẽ phất phới bên nhau: lá cờ ba màu của Pháp và lá cờ của Việt Nam với ba sọc ngang tượng trưng cho ba miền“.

Hoàng từ hãnh diện "sẽ trở về quê nhà của mình như khi de Gaulle trở về  Bayeux“. 

 

 

Nước Pháp suy yếu và trở thành vô tổ chức sau thời gian bị Đức Quốc Xã chiếm đóng trong đại chiến thứ hai 1939-1945. Trong khi de Gaulle, Sainteny và Leclerc tìm kiếm và tìm thấy một giải pháp hòa bình về chủ đề một Việt Nam độc lập, tự do trong Liên Hiệp Pháp, thì lời tuyên bố thừa thãi và vụng về của đô đốc Thierry d'Argenlieu thành lập chính phủ Cộng Hòa Cochinchine (la république de Cochinchine) vào ngày 01.06.1946, gần sáu tháng sau khi de Gaulle từ chức, đã làm bùng cháy ngọn lửa chiến tranh, chỉ được dập tắt tám năm sau.

 

Một cuộc tranh cãi về lịch sử bắt đầu từ đó và cũng chứa chấm dứt, trên câu hỏi là có phải đô đốc d'Argenlieu chỉ tuân theo mệnh lệnh của de Gaulle, hay d'Argenlieu tự ý quyết định, lãnh tránh nhiệm lịch sử, sau khi de Gaulle không còn quyền lực, năm 1946. Những người trung thành với trường phái chính ttị của de Gaulle đưa ra lập luận, de Gaulle, một khi đã rời khỏi chính quyền, đã không còn quyết định về nhưng vấn đề chính trị đang diễn ra hay sắp diễn ra, như ông đã có cùng một thái độ năm 1969.

 

Hai chi tiết lịch sử khác làm tăng thêm một sự nuối tiếc cho một giải pháp hòa bình, đã không thực hiện được trong giai đoạn ấy: Sainteny là người có nhiều tình cảm thân hữu với chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Leclerc, một thiên tài quân sự, vậy mà lại chủ trương ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao và chính trị !

 

Trận chiến Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13 tháng ba năm 1954 và chiến thắng mang tên đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 15 tháng năm 1955 thì toán lính Pháp cuối cùng rời khỏi mảnh đất Việt Nam vĩnh viễn. Kể từ khi Rigault de Genouilly tấn công vào cảng Đà Nẵng năm 1847 thì công cuộc xâm lăng bảo hộ của chính quyền thực dân Pháp tại Việt Nam đã kéo dài 108 năm.

 

Vinh San, một cái tên lịch sử đè nặng lên các hậu duệ của nhà vua, nhưng không thể bị quên lãng !

 

©MathildeTuyetTran, France 01.05.2008

* với sự đồng ý của ông Georges Vĩnh San

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Mathilde TuyetTran