Những bài cùng tác giả
Tấm thân vàng ngọc long đong, thế là xong !
Ngoảnh nhìn non nước, trời bể mênh mông.
Sơn hà cách biệt muôn trùng !
Bài hát Nam bình

Lẽ đăng quang vua Duy Tân

Vua Duy Tân ngự giá

Lễ truy điệu vua Duy Tân tại chùa Vincennes
Năm 1987, trong dịp di hài Vua Duy Tân trên đường chở về nước, quá cảnh
qua Pháp, một lễ truy điệu đã được tổ chức sáng hôm thứ bảy 28 tháng 3,
lúc 10 giờ, tại Viện Phật giáo Quốc tế còn gọi Chùa Vincennes, cạnh hồ
Daumesnil, quận 12, Paris. Hoàng thân Georges Vĩnh San tức Nguyễn Phúc
Bửu Ngọc, người con trai thứ hai của Vua Duy Tân tức Hoàng thân Vĩnh
San, cậy tôi lấy danh nghĩa Hội trưởng Hội Người Yêu Huế đứng ra đọc
điếu văn. Là người Việt Nam, ai mà không biết ông vua ái quốc nầy. Nhưng
một bài điếu văn đứng đắn cần phải có những chi tiết về đời sống của
ông. Hồi ấy tôi chỉ có trong tay hai tập bằng tiếng Pháp : Hồ sơ Vua Duy
Tân của tác giả Hoàng Trọng Thược, chỉ giới hạn vào giai đoạn ở Huế, và
Vua Duy Tân (1907-1916) hay Hoàng thân Vĩnh San (1900-1945)
của tiến sï
luật học E.P. Thébault, tạm thời qua bản đánh máy. May gần đây, Hoàng
thân Claude Vinh San, tức Nguyễn Phúc Bửu Vang, người con trai thứ ba
của Vua Duy Tân, sau nhiều năm nhẫn nại tìm kiếm đã tỉ mỉ sưu tầm được
một số tài liệu dồi dào rải rác khắp nơi và thu thập lại trong một cuốn
sách thư tịch : Duy Tân, Hoàng đế Việt Nam 1900-1945 lưu đày ở đảo La
Réunion hay Số mệnh bi thảm của Hoàng thân Vĩnh San có thể làm căn bản
cho mọi khảo cứu sâu xa sau nầy trong các tài liệu lịch sử quốc tế. Vai
trò chính trị của Vua Duy Tân - Hoàng thân Vïnh San tuy đã được bàn cải
nhiều trong sách báo trong và ngoài nước, còn cần được tìm kiếm để hiểu
biết sâu rộng hơn.
Ngày 20 tháng 11 năm 1916, chiếc tàu Guadiana khởi hành 17 ngày trước từ
Cap Saint-Jacques, sau một chuyến vượt trùng dương không ngừng, cập bến
Pointe des Galets ở đảo La Réunion lúc 7 giờ rưởi sáng. Chia sẻ số phận
lưu đày của Hoàng thân Vĩnh San, lúc ấy 17 tuổi, có thân phụ Hoàng thân
Bửu Lân tức vua Thành Thái, 37 tuổI, thân mẫu bà Hoàng Thị Định, hiền
thê bà Hoàng thị Vàng tức Hoàng Quý Phi, em trai Hoàng thân Vĩnh Chuôn,
em gái Công chúa Lương Nhân, hai bà Hồ Thị Nhân (có con trai 12 tuổi),
Hồ Thị Mừng (có hai con 3 và 2 tuổi) vợ và thiếp của vua cha và những
người phụ tá. Các nhà báo nhận xét chỉ có hai hoàng thân mặc âu phục,
tất cả những người khác đều mặc đồ Việt Nam, các bà tha thướt trong
những chiếc áo dài, vòng xuyến đầy người. Sau đó cả đoàn 14-16 người lấy
tàu lửa, trong toa xe - phòng khách của ông Thống đốc đảo, về thành phố
Saint-Denis. Tháp tùng có ông De La Vigne Sainte-Suzanne, đổng lý Văn
phòng, thiếu úy Deroche và ông Trưởng ban bảo vệ. Đoàn đem theo khoảng
30m khối hành lý, trong số nầy chắc có bộ Sử ký Cách Mệnh Pháp của tác
giả Michelet vì trước khi rời nước, ông Khâm sứ Charles phái ông thư ký
riêng Lê Thanh Cảnh lại nhắn có thể cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu sách
cùng được, Hoàng thân Vĩnh San từ chối, chỉ yêu cầu bộ sách kia .
Ngay từ khi mới đến đảo, Hoàng thân bị ốm và phải đi nghỉ ở vùng Hell
Bourg một thời gian trước khi trở về lại Saint-Denis. Sau nầy ông đã
phải thay địa chỉ ở nhiều lần, lúc nào cũng thuê nhà, chứ không có đủ
tiền để mua như nhiều vị vua chúa các nước khác cũng bị lưu đày ở đây.
Chính phủ Pháp trợ cấp cho ông mỗi tháng một số tiền khá nhỏ nhưng không
khi nào ông chịu tự hạ mình phàn nàn hay xin tăng lương. Sống kham khổ
không được bao lâu, ba bà mẹ, vợ và em gái của ông lại không chịu nổi
khí hậu, xa xứ nên xin và được hồi hương. Bắt đầu từ đây, ông sống một
mình nơi đất khách quê người vì bất bình với vua cha, ông cắt đứt liên
lạc với gia đình. Nhưng may ông bẩm sinh rất cam đảm lại có nhiều nghị
lực để đối phó với tình thế. Ông ghi tên đi học vô tuyến điện trước khi
mở tiệm Radio-Laboratoire (Phòng thí nghiệm vô tuyến) bán hàng và chữa
máy. Đồng thời, ông thi tú tài và đi học thêm sinh ngữ, luật học. Người
ta bảo ông thành thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Ông ít giao thiệp
với người Pháp. Chính quyền hoàn toàn quên bỏ ông. Ông chỉ giao du với
một nhóm bạn bè. Ông thích trèo núi, đi câu, không ngần ngại bắt chuyện
với những người ngồi câu bản xứ, phần nào cũng giúp khuây khỏa nỗi nhớ
thuở chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm...
Ông thích nghe nhạc, học đàn vĩ cầm, trở thành hội viên Hội Yêu Nhạc và
chơi ở nhà với bạn hay trong ban nhạc cuối tuần hoặc khi gia đình có lễ
lạt. Ông học cỡi ngựa, đua ngựa và thắng nhiều cuộc đua. Ở trường đua
ngựa ông và Hoàng thân Vïnh Chuôn, người nhỏ con (1m51) và nhẹ cân
(41kg), là hai nài kiện tướng, quần chúng thường hoan hô ông Vua Tàu.
Ông học đánh kiếm và thuộc loại người đánh giỏi. Ông chú trọng về nghệ
thuật quân sự. Trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới, ông luôn găm bản
đồ trên tường tiệm hàng để theo dỏi chiến sự. Tiện dịp, ông hùng hồn
giải thích chiến trận làm lóa mắt cử tọa kính cẩn ngồi nghe. Nói chung,
ông được xem là một người tò mò, đụng chạm tới đủ mọi lãnh vực.
Say mê văn chương Pháp, ông đọc sách nhiều, viết nhiều bài và thơ đăng
trong những tờ báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ) dưới biệt
hiệu Georges Dry. Ông có chân trong Hội Khoa học, Văn chương và Nghệ
thuật. Bà Hội trưởng Eléonora Revest đánh giá ông là một người có học
thức, một nhà diễn thuyết hùng biện. Ông thích viết loại văn xuôi thơ
mộng. Trong bài Tiếng nói của vạn vật, ông bắt đầu với những câu : “Tôi
thích tiếng thì thầm của cơn gió nhẹ khi nó hát hay khóc trong các cành
cây. Tôi thích những lời tâm sự du dương của gió với cây trong rừng, với
sóng dưới biển, với sao trên trời. Nhưng hơn nữa, ru ngủ tôi, làm tôi
say mê, khoái trá là tiếng gọi của đại dương, lời rên rỉ vạn năng vang
lên trong cảnh đêm im lặng như một bài tụng ca vô tận...” Rồi ông kết
luận : “Tiến lên Thượng đế, đấy là mục đích đời bạn và của mọi đời sống
khác, bạn nên học yêu thuơng, đấy là bí quyết của hạnh phúc, bạn nên học
đau khổ, đấy là bí quyết của sự thanh lọc, của cuộc tiến lên ánh sáng,
đau khổ là chị em của vui sướng, hai mặt giữ thăng bằng, bổ sung nhau và
tô điểm nhau. Bạn nên học tự biết mình và chế ngự những sức mạnh tiềm
tàng và ẩn kín. Từ đấy, bạn khám phá ra bí mật của Vũ trụ và những quyền
lực đã chi phối. Sự huy hoàng của sự nghiệp thần thánh së tiết lộ ra
ngay trong lòng bạn và trong mọi mặt ”. Trong bài Variations sur une
lyre brisée (Những biến tấu của một cây đàn lia gäy vỡ) được Giải nhất
văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion (1924),
ông tâm tình : “Ở một vài đầu óc, nếp cũ hoài nghi, thói quen mỉa mai
ngay cả chính mình, làm khó mọi chi phối xúc cảm. Trong cuộc phòng vệ có
đạo đức, hoài nghi là mang một vỏ sắt, mỉa mai là vận dụng một cái
khiên. Nhưng ta không thể luôn được bảo vệ; đến một lúc, khi ta tưởng
được an toàn, khi ta lột bỏ áo giáp mà ta đã kiên cường chịu đựng với
một nụ cười, đấy là khi ta rất nhạy cảm với một vết châm cũng như với
một cái vuốt dù nhỏ nhẹ ”.
Tuy hoạt động nhiều, ông có cảm giác trơ trọi và thấy cần có người bạn
đường. Đã chính thức có vợ và không ly dị, ông chỉ có thể sống chung mà
không cưới được người chia sẻ giường chiếu với mình. Vì vậy, con sinh ra
phải mang tên mẹ. Các con ông thường gọi ông là Dede, biến âm của những
danh từ Âu Mỹ Daddy, Papa. Khéo tay, tự ông làm đồ chơi cho con như
những hình tượng trong truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Cô gái đầu
tiên chung chạ chăn gối với ông là Marie Anne Viale (sinh năm 1890, nay
đã mất), sinh được một người con trai năm 1919, Armand Viale. Cô bạn thứ
nhì là một thiếu nữ vùng Salazie, Fernande Antier (sinh năm 1913), đem
lại cho ông tám người con, bốn trai, bốn gái : Thérèse (1928, đã mất),
Suzy (1929), Solange (1930, đã mất), Georges (1933), Claude (1934),
André (1935, đã mất), Roger (1938) và Ginette (1940, đã mất), đều mang
họ Antier. Năm 1988, bà nầy đã có về thăm quê chồng. Vì một lý do riêng
tư không rõ, ông rời bà Antier và sống với một cô gái vùng Saint-Benoît,
Ernestine Maillot (sinh năm 1924), hiến cho ông mụn gái út, Andrée
Maillot (sinh năm 1945). Phải đợi đến năm 1946, theo ý chí của ông và
nhờ sự tận tụy của ông Roger Guichard lo việc giấy tờ, tòa án thành phố
Saint-Denis mới chịu cho các con ông mang tên ông. Chỉ có năm người được
hưởng vinh dự đó : Suzy, Georges, Claude, Roger và Andrée vì Armand
Viale, đã trưởng thành, giữ tên cũ của mình. Nhưng toà thị chính đảo chỉ
biết có một tên Vĩnh San nên lấy tên ấy làm họ. Vì vậy ta mới có những
tên kỳ lạ Georges Vinh San, Claude Vinh San. Thật ra, vua Thành Thái đã
có đặt tên cho các cháu, đúng theo thể thức triều đình nhà Nguyễn và Đế
hệ thi của đức Thánh Tổ Minh Mạng. Trong bìa sách của mình, tác giả
Claude Vinh San không quên ghi tên Nguyễn Phước Bảo Vang (Phước là một
cách đọc trạnh chữ Phúc).
Các con ông đều có rửa tội và được nuôi lên trong lễ nghi công giáo.Với
một tấm lòng độ lượng và nhân ái, không có chút óc não bè phái, ông có
chân trong Hội kín Franc-Maçonnerie (1927) thường xác nhận những nguyên
tắc tình nghĩa anh em. Trong một thông điệp gởi cho Hội nầy, ông mở đầu
: “Chúng ta đang trải qua những giờ phút nghiêm trọng. Khắp mọi nơi trên
hành tinh của chúng ta, nhiều triệu chứng, có khi ít được nhận thức,
chứng tỏ Nhân loại đạt đến một lúc mà sự sinh trưởng đòi hỏi nó thay đổi
chiều hướng trong con đường tiến lên một mục đích chính ngay những triết
gia vĩ đại nhất cũng khó lòng miêu tả một cách kiên quyết nếu họ ý thức
khả năng sai lầm của chủng loại chúng ta ”. Rồi ông kết luận : “Hy vọng
rồi một ngày, nhờ công tác của các bạn, Hội sẽ chiến thắng những hận thù
giữa con người và giữa các nước đồng thời hợp nhất Nhân loại trong một
tình huynh đệ trong sáng, không vết bằng cách bãi bỏ mãi mãi mọi tương
phản giữa các giai cấp và các chủng tộc ”. Ăn nói tự do, không ngần ngại
đề cao tinh thần dân chủ, giải phóng dân nghèo như trong những ngày nóng
hổi cûa Mặt trận Bình dân năm 1936, ở một hòn đảo mà quyền hành nằm gọn
trong tay một chính thể quý tộc 23 gia đình, ông được gán cho danh từ
cộng sản, nhưng không chắc ông đã có ghi tên vào đảng. Trái lại, ông
ngậm câm về quá khứ của mình, về những ước mong cho tương lai đất nước,
về triều đại nhà Nguyễn. Chỉ có một lần, ngày 5 tháng 6 năm 1936, ông
viết một lá đơn cho ông Bộ trưởng bộ Thuộc địa, kể lại cuộc khởi nghĩa
năm 1916 và vai trò bất đắc dĩ của ông, trong mục đích xin được ân xá.
“Tôi đứng trước trường hợp phải chọn giữa hai đường : hoặc mặc để ám sát
người Pháp và rồi dự một cuộc trấn áp đẫm máu hoặc tố cáo những đồng bào
của tôi và phàm một sự hèn hạ. Để thoát ra trường hợp đau xót ấy, tôi
chỉ còn một phương cách : nhận làm chỉ huy cuộc khởi nghĩa...” Đơn không
được trả lời hay bị từ chối cũng như đơn xin vào quốc tịch Pháp năm
1920, ba đơn xin được qua cư trú ỏ Pháp nội địa trước đây giữa 1929 và
1935 và sau nầy năm đơn xin nhập ngũ của ông, giữa 1936 và 1940. Có
người tin ông bốn lần được đề nghị bí mật đưa về Việt Nam nhưng ông từ
chối vì ông chỉ muốn trở về đường đường chính chính.
Những đơn của ông đã được chuyển về Paris với kiến nghị bất lợi của
chính quyền địa phương. Cũng dễ hiểu thôi : chính quyền nầy theo chính
phủ Vichy mà Hoàng thân Vïnh San được kê vào bản những người thân Tướng
De Gaulle. Hơn nữa, ông Thống đốc Pierre Aubert, qua mắt ông đổng lý Văn
phòng Pillet, một người độc đoán, tham lam, cho những cuộc hội họp bạn
bè ở tiệm hàng của ông nằm ở góc hai đường Jules Auber và Labourdonnais
(gọi nhạo là “Hàn lâm viện góc phố ” của các nhóm Do Thái - Cộng sản -
Gaulliste) có tính cách khả nghi và từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 19 tháng
6 năm 1942, ông bị bắt giam. Một ông vua đã từng nổi dậy chống chính
quyền thuộc địa Pháp thống trị nước ông, bây giờ lại chạy theo ông tướng
lưu vong muốn giải phóng nước Pháp khỏi cuộc chiếm đóng của Đức ! Có
người xem trường hợp oái ăm nầy là một trong những mâu thuẩn trong đời
Hoàng thân Vïnh San. Thật ra, ông chỉ tranh đấu dành tự do độc lập cho
một quốc gia, một dân tộc, dù là Việt Nam hay Pháp. Tinh thần nầy ông có
đã từ lâu, có thể ngay từ những ngày thụ giáo ông thái phó Eberhardt,
tiến sĩ khoa học, ở kinh đô Huế. Rất tinh thông trong ngành vô tuyến
điện nhờ đã tự học thêm, ông có viết nhiều bài kỹ thuật trong các báo
chuyên môn và tiếp xúc với nhiều chuyên viên vô tuyến nghiệp dư các nước
khác qua tín hiệu FR8VX. Ngay chính quyền địa phương cũng cậy ông dựng
một đài thu-phát cho đảo. Nhờ có máy mạnh, ông đã bắt được những đài
quốc tế, từ Delhi, Sài Gòn qua Tokyo, Melbourne, ngay cả những đài bên
Mỹ. Ngày 18 tháng 6 năm 1940, ông nghe được lời kêu gọi của Tướng De
Gaulle ở đài BBC trong chương trình Tiếng nói của nước Pháp. Lập tức ông
nối liên lạc với nước Pháp Tự do và kiếm cách chuyển tin cho quân đội
Pháp chưa đến đảo. Nhờ ông mà nhóm người kháng chiến ở đảo theo dõi được
diễn biến của cuộc thế chiến thứ hai và nhất là những bước tiến của quân
Đồng Minh. Ông trở nên linh hồn cûa nhóm kháng chiến ở đảo. Sau ngày
giải phóng, chính phủ nước Pháp Tự do, qua đề nghị cûa ông Capagorry,
Thống đốc mới, không quên công lao của ông và đã tặng thưởng ông Huy
chương Kháng chiến với phù hiệu. Trong thư cám ơn Tướng De Gaulle, Hoàng
thân viết : “Khi tiếp nhận tôi trong số những người, tháng 6 năm 1940,
không chấp nhận nước Pháp bi hạ thấp vì thua một trận, ông đã làm vinh
dự tôi, buộc tôi gắn bó nhiều hơn nữa, nếu có thể, với lời mà tôi thề từ
lâu phụng sự một Tổ quốc đã thừa kế cho tôi một gia sản tinh thần ”.
Ngày 28 tháng 11 năm 1942, khi chiếc khu trục hạm Léopard dưới quyền của
ông thuyền trưởng Richard cập bến Saint-Denis mang cờ Croix de la
Lorraine, ông tình nguyện nhập ngũ và ông phó thuyền trưởng Baraquin
thấy ông có nhiều kiến thức về vô tuyến điện, nhận ngay ông làm hạ sĩ vô
tuyến trong một thời gian ba tháng. Vài ngày sau, khi tàu rời bến, ông
đã bận đồ thủy thủ rời đảo La Réunion, chấm dứt 26 năm biệt xứ và mở một
trang sử mới cho đời ông.
Nhớ Huế 21 : Chùa Huế (2004)
Tượng đài sông Hương (2004)
Netcodo (02.2006
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Võ Quang Yến
|