Gs Từ Giấy

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng    06/07/2008

 

Những bài cùng tác giả

Gần đây có rất nhiều bài báo viết về người trí thức. Tôi rất thích thú với nhận xét của GS Phan Đình Diệu: Dù là Intellectuel ở phương Tây hay Kẻ Sĩ ở phương Đông, người trí thức ở đâu và bao giờ cũng là người có học vấn cao và có ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với xã hội mà mình đang sống.
Tôi nhận ra nhận xét này rất đúng với một trí thức mà tôi vô cùng kính trọng. Rất đau xót là giờ này ông đang lâm trọng bệnh và sự sống đang trong cơn thử thách khốc liệt.
Đó là Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động Từ Giấy.

Gần ông trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước tôi bị cuốn theo tinh thần và nghị lực của ông. Tôi đã dành cả phòng thí nghiệm của mình và huy động toàn bộ lực lượng của Bộ môn cùng cán bộ chiến sĩ của ông tham gia nghiên cứu những vấn đề rất thiết thực về lương thực, thực phẩm, nước uống…phục vụ trực tiếp cho chiến trường. Qua những năm tháng được gần gũi ông tôi thấm thía ý nghĩa của danh hiệu người trí thức.
Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ven sông Hồng với tên khai sinh là Từ Dáy. Là con một mà bố lại mất sớm, bà mẹ quý hóa của ông đã tần tảo nuôi ông ăn học thành người. Ông đã trải qua một tuổi thơ gian khổ và nghèo khó . Nhưng với lòng ham học và với sự hy sinh tất cả cho con của người mẹ, ông đã đến với con đường học vấn với tất cả quyết tâm sắt đá. Học chữ nho ở trường làng rồi mới học chữ quốc ngữ để lấy bằng Sơ học . Sau đó lên huyện học hết bậc Tiểu học thì lên Hà Nội thi vào trường Bưởi và theo đuổi suốt 7 năm để có bằng Tú tài Tóan. Ông vào học trường Y và thật là có chí mới có được tấm bằng bác sĩ. Ông nhớ lại hồi ấy với đầu vào là 200 sinh viên, đầu ra chỉ còn 7 người (!), trong đó có ông. Những ngày chủ nhật và ngày lễ ông đều về huyện dạy thêm để có tiền ăn học. Ngày Khởi nghĩa Tháng Tám ông mới 24 tuổi và với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ ông đã xung phong nhập ngũ và tham gia vào đoàn quân Nam Tiến. Đang ham muốn trở thành một nhà phẫu thuật nhưng chiến trưởng miền Nam lúc ấy buộc ông phải nhận nhiệm vụ phòng chống sốt rét và ông không ngờ về sau ông trở thành cây đại thụ trong lĩnh vực vệ sinh phòng dịch. Khi trở lại chiến khu Việt Bắc ông khai trương ra tờ báo Vui sống và tự lấy bút danh là Lang Khoai. Ngày ấy cơ quan bố tôi cũng có tờ báo này và tôi rất thích thú các câu trả lời vừa khoa học, vừa dí dỏm, vừa dễ hiểu của ông. Tôi còn nhớ có chiến sĩ đã Xin lỗi để hỏi ông về chuyện …đánh rắm, Ông trả lời: Việc gì phải xin lỗi , đó cũng chỉ là một sự thoát hơi giống như ho thôi mà! Sau đó ông mới giải thích kỹ càng về cơ chế trung tiện và các hiểm nguy khi bị tắc ruột. Sau này khi phụ trách chuyên mục Hỏi gì Đáp nấy thường xuyên trên báo Nông nghiệp VN, tôi luôn lấy cách trả lời trên báo Vui sống của ông khi xưa để làm mẫu mực. Ông trở thành một nhà báo đúng nghĩa và là một nhà báo đàn anh đáng để cho các nhà báo trẻ noi gương. Năm 1950 với tư cách Ủy viên BCH Hội những người viết báo VN ông đã được vinh dự lên chúc thọ Bác Hồ. Ông thường đưa rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào trong các bài viết cho nên bài nào cũng sinh động, gần gũi với nhân dân và làm độc giả vừa vui thích vừa nhớ lâu.
Trong chiến dịch Điện Biên lịch sử ông được giao trọng trách làm Trưởng ban bảo vệ sức khỏe cho cán bộ và chiến sĩ. Hồi đó các chiến sĩ kể chuyện khi tham gia cứu chữa cho các thương binh Pháp ông còn chịu khó thu nhặt các thư từ của binh sĩ Pháp vì nghĩ rằng sau này sẽ gửi trả lại cho gia đình họ.
Hòa bình lập lại quân đội điều ông về giảng dạy tại Đại học Quân y và từ đó ông là người tiên phong trong việc xây dựng nên ngành học Vệ sinh quân đội mà ông là vị Chủ nhiệm đầu tiên. Ông thường xuyên tham gia giảng dạy cả cho Đại học Y Hà Nội và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Kiến thức phong phú mà ông có được là do tự học là chính, nhưng cấp trên cũng đã tạo điều kiện cho ông sang tu nghiệp tại Liên Xô trong thời gian từ 1957 đến 1961. Người khác đi học chỉ cốt lấy bằng cấp còn ông thì chỉ chuyên tâm đi sâu tìm hiểu khoa học hiện đại về dinh dưỡng học và về vệ sinh phòng dịch. Ông là vị giáo sư không có bằng cấp trên Đại học nhưng lại là người đào tạo khá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước. Ít giáo sư hiện nay có thể sử dụng tốt 5 ngoại ngữ như ông (Anh , Pháp, Nga, Trung và Tây ban Nha). Ông có rất nhiều công trình khoa học phục vụ trực tiếp cho cuộc sống của bộ đội và nhân dân, nhưng ông không quên để tâm viết những sách giáo khoa có hàm lượng khoa học cao. Tôi nhớ đến cuốn Phương pháp nghiên cứu khoa học trong y học mà ông viết chung với GS Nguyễn Thiện Thành và được đích thân GS Tạ Quang Bửu viết lời giới thiệu.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ với cương vị Đại tá, Cục phó Cục Quân nhu , Viện trưởng Viện nghiên cứu ăn mặc quân đôi, ông toàn tâm toàn ý cùng tập thể lao vào nghiên cứu đủ mọi đề tài liên quan đến việc ăn, việc uống, việc măc, việc giữ gìn vệ sinh trong quân đội. Ngày ấy tai cơ sở 9 Hai Bà Trưng của Trường Đại học Tổng hợp ông không chỉ lấy Phòng thí nghiệm của tôi để đưa cán bộ đến hợp tác nghiên cứu mà bản thân ong và bà Hiếu vợ ông cũng đến sống ngay ở đấy để trực tiếp chỉ đạo công việc. Ông đã vào chiến trường nhiều lần và các cuốn sách nhỏ cùng các sản phẩm mới do các đề tài nghiên cứu của ông đã thiết thực phục vụ cho cuộc sống của hàng chục van chiến sĩ. Đó là các để tài về Rau rừng ăn được, Bảo quản gạo, Lương khô chiến trường, Men nở bột mỳ, Nước giải khát lên men, Thức ăn tổng hợp…Và ông đã có mặt ngay tại Sài Gòn trong ngày thống nhất đất nước.
Một sáng kiến có thể nói rất lớn của ông là việc phát minh ra mô hinh VAC- một đáp án cho bài toán Cải thiện bữa ăn, Phòng chống suy dinh dưỡng và góp phần thiết thực Xóa đói giảm nghèo. Đấy không chỉ là một khẩu hiệu giản đơn mà là cả quá trình nghiên cứu sâu sắc về dinh dưỡng, về vệ sinh, về nông nghiệp và về xã hội. Chính nhờ cả quá trình nghiên cứu sâu rộng đó mà ông trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện Dinh dưỡng và tận tụy xây dựng thành một viện nghiên cứu quốc gia lớn mạnh cho đến tận tuổi nghỉ hưu.
VAC không chỉ là Vườn-Ao-Chuồng mà còn là bài học được phổ biến rộng rãi sang nhiều nước đang phát triển trên thê giới. Khi đó V là Vegetation không chỉ là Vườn mà là các cây trồng phục vụ cho đời sống, A được hiểu là Aquaculture, nghĩa là mọi hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, còn C được hiểu là Cage for animal breeding, nghĩa là chăn nuôi không chỉ gia súc, gia cầm mà cả ong, chim… V liên quan đến cây trồng, A còn liên quan đến nước và C còn liên quan đến phân, ba yếu tố quan trọng hàng đầu trong nông nghiệp.
Đánh giá về VAC Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: Tôi hy vọng và tin rằng những người làm việc trong cả nước ra sức thực hiện thắng lợi chủ trương , góp phần xứng đáng vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đánh giá là: Hoan nghênh các đồng chí đã gắn việc cải tiến cơ cấu bữa ăn với việc xây dựng hệ sinh thái VAC, Và ngoài VAC gia đình, đã có kế hoạch xây dựng VAC tập thể của hợp tác xã, VAC y tế, VAC vườn trẻ, VAC trường học- thực hiện không phải trường chỉ dạy chữ mà còn lo dạy nghề, dạy làm người.
Hiện nay chúng ta có không ít người có học vị trên đại học, có không ít các Viện , các Trung tâm nghiên cứu khoa học nhưnh nhìn lại thì sao vẫn thấy quá ít các thành tựu khoa học đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Các công trình đó không nhất thiết phải là những công trình cao siêu, đạt trình độ quốc tế , mà trước hết phải đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mình, Tổ quốc mình. Tấm gương của GS Từ Giấy đáng để cho tất cả chúng ta noi theo. Tôi thiết nghĩ ngoài Huân chương Độc lập hạng hai mà Nhà nước đã trao tặng, Chính phủ nên nâng cấp các công trình nghiên cứu của ông từ mức Giải thưởng Nhà nước lên mức Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là chuyện khẳng định lại ý nghĩa của các công trình nghiên cứu tuy không tập trung nhưng đã đem lại sự cống hiến thiết thực cho quân đội và cho đông đảo nhân dân ta .
Cầu mong ông qua được cơn bạo bệnh để có thể tiếp tục vui sống với ba người con trai rất thành đạt và với người vợ hiền đã chung sức chia sẻ với ông biết bao gian khổ qua những cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ.
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng