Lê Văn Duyệt

Nguyễn Phú Thứ

 

Lê Văn Duyệt (1764 - 1832)

ĐỂ TƯỞNG NHỚ TẢ QUÂN LÊ-VĂN-DUYỆT (1764-1832) SAU 170 NĂM

LTS: Gs Nguyễn-Phú-Thứ đã từng là giáo sư toán đệ nhị cấp, nhiệm sở sau cùng trước khi ông định cư tại Pháp là trường trung-học Nguyễn-Trung-Trực Rạch -Giá, Kiên-Giang. Khi đến Pháp ông tiếp tục ghi danh vừa học, vừa đi làm để trau giồi kiến thức và nghề nghiệp. Thế rồi, ước nguyện đã thành tựu toại ý, không khác loài sâu hóa bướm và trở thành nhà toán học. Ngoài ra, ông còn sưu tầm, nghiên cứu tài liệu để rút tỉa những kinh nghiệm sống thực và viết lên những tác phẩm về văn-hóa và nghề-nghiệp rất có giá trị, được các nhà khoa bảng Việt Pháp viết lời khen ngợi. Đặc biệt, ông còn viết cho các tạp chí ở Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu, để có cơ hội gần gũi với bà con đồng hương. Giáo sư Nguyễn-Phú-Thứ, vốn là một nhà mô phạm, nhà toán học, tin học và cũng là nhà văn nữa, đã được Gs thạc sĩ Vũ-Quốc-Thúc xem như người bạn trẻ quý mến trong ngành giáo dục, khi giới thiệu tác phẩm 4000 Từ Ngữ Thực Hành - Tìm Hiểu Tử Vi Đẩu Số Và Địa Lý gồm quyển thượng và quyển hạ trên 1100 trang.

(Trích dẫn tác-phẩm “Tìm Hiểu Lăng Mộ, Đình Và Trường Học Có Tên Các Danh Nhân Việt-Nam Trong Hậu Bán Thế Kỷ XIX” của GS Nguyễn-Phú-Thứ sẽ ra mắt năm 2002)

Trong dân-gian chúng ta thường được truyền-tụng với câu: “Trâu chết để da, người chết để tiếng” cho nên để ghi lại những tiếng thơm cho hậu-thế noi gương, những bậc trí-thức ngày xưa không những có tài về văn-chương thi phú hoặc võ-nghệ anh hùng chống ngoại xâm mà còn có đức-tánh đáng kính-phục, lúc nào cũng đem khả-năng có được để phụng-sự cho đất nước và dân-tộc Việt-Nam. Đó là, các danh nhân như: Lê-Văn-Duyệt, Nguyễn-Đình-Chiểu, Thủ-Khoa-Nghĩa, Nguyễn-Trung-Trực, Thoại-Ngọc Hầu v.v... Để ghi lại công ơn các danh nhân đó, người hậu thế thường lập các lăng mộ, đình để cúng kiếng hoặc đặt các tên đường, các tên cầu và nhứt là các tên trường trung học: Lê-Văn-Duyệt, Nguyễn-Đình-Chiểu, Thủ-Khoa-Nghĩa, Thủ-Khoa-Huân, Thoại-Ngọc-Hầu, Nguyễn-Trung-Trực, Phan-Thanh-Giản v.v.

Nếu chúng ta bắt đầu từ Gia-Định để đi về Miền Tây Nam Phần, thì sẽ thấy tên các danh nhân xin trích dẫn như sau:

1.- Ông Lê-Văn-Duyệt (Gia-Định):

Lăng Lê-Văn-Duyệt ngày nay thuộc xã Bình-Hòa nằm ở bên chợ Bà Chiểu (Gia-Định), nơi đây lăng và miếu thờ Ông Tả Quân Công Lê-Văn-Duyệt, được dân chúng trịnh trọng gọi chung là Lăng Ông. Nếu du khách đến viếng lăng Ông, sẽ gặp 2 ngôi mộ của Ông và phu nhân của Ông trước tiên, kế đến bước vào chánh điện, thấy chân dung Ông được đặt giữa chánh điện, mặc áo cẩm bào, đội mão quan võ ngó thẳng về phía trước, bên trái thờ Ông Lê-Chất, Tổng trấn Bắc-Thành, bên mặt thờ Ông Phan-Thanh-Giản, Quan Kinh Lược Sứ Nam Kỳ. Phía sau bàn thờ của Ông có một bàn thờ lớn nữa, để thờ Khâm Sai Đại Thần Quảng Bình Tây Đại Tướng Quân, bên trái thờ Nam Kỳ Khai Quốc Công Thần, bên mặt thờ Quận Công Chi Thần Vị. Kế đến, còn thấy có tủ kiến thờ áo mão, hia.v.v... hai bên có tạc hai con Bạch Mã và Hồng Mã. Kế tiếp, chính giữa là hòm gỗ sơn son thếp vàng đựng tờ sắc phong của vua ban và thanh gươm. Ngoài ra, còn có thờ 18 loại binh khí bằng đồng bóng loáng như: gươm, phủ, việt, bát, lọng, dù v.v...

Đặc biệt, trong chánh điện có đôi liễn như sau :

Nam Triều quảng bá thinh danh, tỉnh biên tái kình thiên nhất trụ,

Bắc chấn trường lưu nghĩa khí, diệu tinh linh hộ quốc thiên thu.

xin tạm dịch là:

Tiếng tăm xa khắp Nam triều, yên bờ cõi chống trời một cột,

Miền Bắc nghe danh nghĩa khí, rỡ ràng thiêng liêng giúp nước ngàn thu.

Đây là, đôi liễn nói lên công-nghiệp oai-hùng của Ông sống mãi mãi với đất nước và dân tộc Việt-Nam. Riêng về thơ văn để ca-tụng Ông Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt rất nhiều, không thể ghi hết lại được, nhân đây xin trích-dẫn bài thơ của Ông Nguyễn-Văn-Cuộc, nguyên giáo - viên hồi-hưu ở Long-An đã đăng trong tác-phẩm “Gia-Định Xưa Và Nay” của Ông Huỳnh-Minh như sau đây :

Bà Chiểu có lăng ngài Tả-Quân,

Một thời oanh liệt tiếng vang lừng,

Phò vua, giúp nước tròn trung nghĩa,

Cứu khổn phò nguy vẹn thủy chung,

Bia tạc ngàn đời trang kiện tướng,

Danh lưu muôn thuở đấng anh hùng.

Hương xông, trầm tỏa, chuông ngân vọng,

Tạo cảnh tôn nghiêm đáng kính sùng.

Để biết thêm, xin trích-dẫn sơ-lược Tả Quân Quận Công Lê-Văn-Duyệt như sau: Ông Lê-Văn-Duyệt, sanh năm Giáp-Thân (1764) tại làng Hòa-Khánh, tỉnh Mỹ-Tho, xưa gần vàm Trà-Lọt. Nội tổ của ông là cụ Lê-Văn-Hiếu từ Quảng-Ngãi (Miền Trung) vào Miền Nam, được truy phong Quảng Tiến Chiêu Nghị Tướng Quân Hiếu Thuận Hầu. Sau khi cụ Lê-Văn-Hiếu qua đời, thân phụ của ông là Lê-Văn-Toại rời vàm Trà-Lọt đến cư ngụ tại Rạch-Gầm, gần rạch Ông Hổ nay thuộc làng Long-Hưng, tỉnh Mỹ-Tho. Lúc bấy giờ, anh em nhà Tây-Sơn và nhà Nguyễn-Phúc-Ánh tranh giành nhau, chúa Nguyễn thua bắt buộc phải chạy vào Miền-Nam. Đến năm Canh-Tý (1780), ông Lê-Văn-Duyệt được 17 tuổi và được chúa Nguyễn tuyển vào làm Thái-Giám, ít lâu sau thấy ông có võ giỏi và có tài trí hơn người trang lứa, nên được phong làm Cai-Cơ để coi 2 đạo quân để hầu cận, mãi đến năm Kỷ-Dậu (1789), ông mới trở thành hàng tướng lãnh, bởi vì ông đã trải qua những trận đánh oai hùng và lập nhiều chiến công lẫy lừng, đặc biệt ở cửa Thị-Nại trong đêm rằm tháng Giêng năm Tân-Dậu (1801), ông được ghi công là võ-công đệ nhứt trong thời trung-hưng nhà Nguyễn. Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), chúa Nguyễn lên ngôi là vua Gia-Long và thăng chức ông làm Khâm-Sai Chưởng-Tả Quân Bình-Tây Tướng Quân hiệp cùng Lê-Chất đem bộ binh đánh Bắc-Hà. Tháng 10 thâu phục Bắc-Hà và đổi là Bắc-Thành. Năm 1804 ông dẹp yên mọi Đá-Vách ở Quảng-Ngãi. Đến năm 1812 ông được thăng chức Tổng-Trấn Gia-Định Thành, coi luôn 2 trấn Bình-Thuận và Hà-Tiên lúc bấy giờ, phụ tá gồm có các ông: Long-Vân Hầu Trương-Tấn-Bửu và Tịnh-Viễn Hầu Ngô-Nhân-Tịnh. Kể từ khi nhậm chức Tổng-Trấn Gia-Định Thành các nước lân bang như: Miên, Lào, Thái v.v... đều nể phục như cọp ở Đồng-Nai. Có một giai-thoại về tài-trí của ông được truyền-thuyết như sau: Nhân dịp vua Cao-Miên tức Chân-Lạp ngày xưa sang dâng phẩm-vật triều cống hằng năm, trong buổi tiếp đón, có những trò biểu diễn võ thuật góp vui, ông mật sai người con nuôi của ông là Lê-Văn-Khôi rất khỏe mạnh lại võ giỏi, ăn mặc như một binh-sĩ thường ra đánh cọp cho phái đoàn Cao-Miên xem. Sau một hồi biểu diễn, ông Lê-Văn-Khôi đã đánh chết cọp, ông bèn thét mắng và ra lịnh đem chém ông Lê-Văn-Khôi, vì cho rằng cuộc chơi sao lại giết cọp. Vua Cao-Miên tiếc một nhân tài giỏi, nên xin nhiều lần ông mới chịu tha và ông nói rằng: Ở nước tôi hạng võ sanh như thế này nhiều vô số kể, tiếc gì một người. Từ đó, nước Cao-Miên càng sợ nhiều hơn và tiếng đồn truyền sang các lân quốc. Sau 3 năm làm Tổng-Trấn Gia-Định Thành, vì tình hình đất nước, tháng 6 năm Ất-Hợi (1815) ông được triệu hồi về triều hết 5 năm và đến năm 1820, ông lại được trở lại làm Tổng-Trấn Gia-Định Thành thêm 12 năm nữa và ông mất tại Gia-Định Thành vào ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn, nhằm ngày 25-8-1832, hưởng thọ 69 tuổi.

Theo những vị cao niên nói rằng: ngôi mộ tại Lăng Ông là ngôi mộ hình ông bằng sáp, còn hình hài cốt thật thì đem về an táng tại nơi quê cha đất cũ của ông ở làng Long - Hưng thuộc Mỹ -Tho. Sau khi mất được vài năm, người con nuôi là ông Lê-Văn-Khôi nổi lên chống triều đình Huế, bởi vì ông Tổng-Trấn Gia-Đình Thành mới là Ông Nguyễn-Văn-Quế và Ông Bố-Chánh Bạch-Xuân-Nguyên là những người tham-lam tàn-ác và biết vua Minh-Mạng không ưa người cha nuôi là ông Lê-Văn-Duyệt, nên mới lập công tìm cớ để khép tội lạm quyền và công quỹ lúc còn tại chức, đồng thời bắt giam những người thủ hạ trước kia của ông Lê-Văn-Duyệt cùng ông Lê-Văn-Khôi vào ngục thất. Ông Lê-Văn-Khôi cùng đồng bọn kết hợp với một số binh-sĩ để âm-mưu khởi loạn vào đêm 18 tháng 5 năm Quý-Tỵ (1833), giết được Ông Nguyễn-Văn-Quế và Ông Bạch-Xuân-Nguyên cùng chiếm thành để chống lại triều-đình Huế trên 2 năm, thì bị quân triều đình Huế chiếm thành, bắt giết tất cả 1831 người chôn tập thể một mả, gọi là mả ngụy, bởi vì lương thực và quân trang, quân dụng đã cạn. Vì việc này, Ông Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt, cựu Tổng-Trấn Gia-Đình Thành bị tội lây, vua Minh-Mạng (1820-1840) tức hoàng-tử Nguyễn-Phúc-Đảm con thứ ba lên ngôi) ra lệnh san bằng, xiềng-xích phần mộ.

Mãi đến đời vua Tự-Đức (1847-1883) tức hoàng thái-tử Hồng-Nhậm con thứ hai vua Thiệu-Trị lên ngôi) mới được cứu-xét và truy-phong công-trạng của ông và ngày nay nơi Lăng Ông ở kế bên chợ Bà Chiểu khói hương nghi ngút, khách thập phương đến chiêm bái suốt ngày, đặc-biệt những ngày húy-kỵ hoặc những ngày mừng xuân đón Tết hằng năm, dân chúng đến để cúng kiếng và xin xăm rất tấp-nập đông-đảo khói nhang bay ngộp cả bầu trời. Ngoài ra, lấy tên Ông để đặt tên Trường-Học hay tên cầu đường để tưởng nhớ một danh nhân Việt-Nam.

Trường hợp Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt giống như ông Nguyễn-Trãi, bị cái oan án được tóm lược như sau: Năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tôn (con vua Lê Lợi), đi tuần du phương đông, duyệt võ ở Chí Linh. Ông Nguyễn-Trãi, lúc bấy giờ đã về hưu tại Côn Sơn, bèn ra nghinh tiếp nhà vua. Vua Lê Thái Tôn thấy Bà Nguyễn Thị Lộ là thiếp của Ông Nguyễn Trãi, có nhan sắc lộng lẫy, lại có tài văn chương, bèn phong chức Lễ Nghi Học Sĩ, để rồi ngày đêm phải chầu hầu nhà vua. Đến khi đông tuần, xa giá về tới trại vải Lệ Chi Viên, thuộc xã Đại Lại, huyện Gia Định, nay là Gia Bình, thình lình nhà vua nhuốm bịnh, lên cơn sốt dữ dội. Bà Thị Lộ hầu hạ thuốc thang suốt đêm, đến sáng, vua băng hà. Các quan hoảng hốt, vội vã đưa về kinh. Nửa đêm, về cung mới làm lễ phát tang. Triều thần buộc tội Bà Thị Lộ âm mưu giết nhà vua, đem Bà Thị Lộ thả trôi sông. Thảm trạng này xảy ra đúng lúc trong võ quan theo phe Lê Sát, sinh lòng đố kỵ, vì thấy ngày trước ông Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ trọng dụng, nhân cơ hội này, cáo buộc ông Nguyễn Trãi chủ mưu giết vua. Thế rồi, các quan Thừa Chỉ Nhập Nội Hành Khiển xử đại thần Nguyễn Trãi với án tru di tam tộc, giống như một giọt máu rắn trước kia bị thấm ba trang sách vậy. Mãi đến 22 năm sau ông Nguyễn-Trãi mới được vua Lê-Thánh-Tôn xét lại. Vua thấy có nhiều mơ hồ, oan ức cho một vị khai quốc công thần, liền truyền lịnh hủy bỏ bản án trước kia, truy phục chức cho ông Nguyễn-Trãi, tìm kiếm con cháu ông Nguyễn-Trãi cho làm quan và cấp tư điền để lo việc tế tự.

Nhân nói về ông Nguyễn-Trãi, xin trích dẫn sơ lược tiểu-sử như sau: Ông Nguyễn-Trãi, sanh năm (1380) Canh Thân, con Ông Nguyễn-Long theo nghiệp bút nghiên, đã đậu tiến-sĩ năm 1374 dưới triều vua Trần-Duệ-Tôn, nhưng không được bổ-dụng, vì tội có vợ là Bà Trần-Thị-Thái là người hoàng-tộc, con gái của quan Chung-Túc Quốc-Thượng Hầu Trần-Nguyên-Đán, ông này là cháu bốn đời của Ông Trần-Quang-Khải, mãi đến năm 1402 ông được Hồ-Quí-Ly bổ-dụng làm Hàn-Lâm-Học Sĩ và đổi tên là Nguyễn-Phi-Khanh. Sau khi nhà Minh chiếm nước Nam, Ông Nguyễn-Phi-Khanh bi bắt đưa về Kim-Lăng bên Tàu năm 1407. Riêng ông Nguyễn-Trãi người thông-minh, học-hành giỏi, năm 21 tuổi nhằm năm 1400 Canh Thìn, ông thi đậu Thái-Học-Sanh và được bổ làm Ngự-Sử, nghe tin ông Nguyễn-Phi-Khanh bị đưa sang Tàu, ông Nguyễn-Trãi cùng em là Nguyễn-Phi-Hùng (người em cùng cha khác mẹ) theo cha để phụng-dưỡng, khi tới biên-giới, ông Nguyễn-Phi-Khanh bảo ông Nguyễn-Trãi trở về để: “Chống giặc cứu nước và trả thù mới là đại hiếu” đểmột mình Nguyễn-Phi-Hùng đi theo cũng đủ. Để rồi, mãi đến năm 1420 Canh Tý, ông Nguyễn-Trãi mới được yết kiến Lê-Lợi tại Lợi-Giang (thuộc Cẩm-Thủy, Thanh-Hóa ngày nay) và dâng: “Bình Ngô Sách” là một kế hoạch nhấn mạnh và đặt hàng đầu phép chiếm lấy lòng người và đánh vào tinh thần của địch, nghĩa là đặt yếu tố nhân hòa trên thiên thời và địa lợi, được ông Lê-Lợi tán thành. Từ đó ông Nguyễn-Trãi theo Lê-Lợi chống quân Minh đến khi toàn thắng, quân Minh phải xin hòa, rút quân về nước, nước Nam thoát khỏi cảnh ngoại xâm. Ông Nguyễn-Trãi đã nghe lời cha để cứu nước và báo thù cho cha và được vua Lê-Thái-Tổ tức Lê-Lợi gia phong chức tước Quan Phục Hầu, ban cho Quốc-Tính (tức là họ nhà vua) và chức Nhập Nội Hành Khiển là chức đứng đầu các quan văn...

Mùa Đông Năm 2001 Pháp Quốc