Dương Diên  Nghệ

Vietsciences-  Trần Viết Điền       17/04/2011

 

Những bài cùng tác giả

Tân Mão 931, nước Việt quyết  giương cao ngọn cờ độc lập :    

            Khát vọng đất nước độc lập tự chủ không bao giờ nguôi trong lòng dân Việt suốt thời Bắc thuộc. Dẫu tập đoàn  phong kiến phương Bắc rất tàn độc, luôn luôn tìm cách phá đổ nền độc lập tự chủ đất nước ta,  nhưng lớp lớp con dân nước Việt,  liên tục quật khởi,  quyết giương cao ngọn cờ độc lập, với niềm tin quốc thống trường tồn.  Năm Tân Mão 931, anh hùng dân tộc Dương Diên  Nghệ đã làm nên lịch sử độc lập tự chủ cho nước nhà, dù chỉ 6 năm, nhưng đủ  cho dân Việt tự tin, quyết tâm thoát khỏi gông cùm nghiệt ngã của nhà Nam Tống ; tạo tiền đề cho Ngô Quyền đại thắng Bạch Đằng Giang, giữ vững nền độc lập của nước Việt .

    Tranh vẽ anh hùng dân tộc Dương Diên  Nghệ

Dương Diên Nghệ là một hào trưởng, quê quán làng Ràng, nay là  Dương Xá, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Làng Ràng nằm phía hữu ngạn sông Mã, gần nơi sông Chu hoà nước vào sông Mã, gọi là Ngã Ba Đầu. Đây là một trong những làng cổ hội tụ nhiều nét văn hoá truyền thống, vừa mang nét chung của làng cổ truyền thống Việt Nam, vừa có nét riêng của làng cổ vùng châu thổ sông Mã.

Ảnh chụp vệ tinh làng Ràng, ở hữu ngạn sông Mã, quê hương của Dương Diên Nghệ

Làng Ràng về mặt phong thủy, là cát địa, nằm về phía hạ lưu sông Mã, thủy tụ và thủy giải hài hòa. Chỉ cần xem ảnh chụp vệ tinh thì thấy cồn giữa sông và con đê chia đôi làng,  biết sự tụ tán khá đặc biệt của một vùng đắc địa. Nơi đây đã chung đúc người anh hùng Dương Diên  Nghệ, một người văn võ toàn tài, từng là bộ tướng của Khúc Hạo [907-917]. Khúc Hạo mất năm 917, con là Khúc Thừa Mỹ kế thế, Dương Diên  Nghệ vẫn là bộ tướng của Khúc Thừa Mỹ [917 - 930 ]. Năm 930 nhà Nam Hán đã xua quân sang xâm lược nước Việt, lúc bấy giờ gọi là Tĩnh Hải quận, bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ, đánh chiếm thành Đại La và cử Lý Tiến làm thứ sử.

Tượng thờ anh hùng Dương Diên  Nghệ

Đền thờ Dương Diên  Nghệ

Dương Diên Nghệ từng tập hợp hơn 3.000 "con nuôi" làm vây cánh tại lò võ ở làng Ràng, Tư Phố, dùng Ngô Quyềnền, Đinh Công Trứ (thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh), Kiều Công Tiễn... làm nha tướng. Nhằm lung lạc Dương Diên Nghệ, vua Hán là Lưu Cung, sai sứ giả sang phong ông làm Thứ sử Ái Châu. Tương kế tựu kế, Dương Diên  Nghệ giả vờ nhận chức để dễ bề phát triển lực lượng, chờ cơ hội đánh đuổi bọn xâm lược. Nhưng không lâu, mùa Xuân Tân Mão[931] Dương Diên  Nghệ từ Ái châu, đưa tinh binh ra Đại La thành, đánh đuổi thứ sử Lý Tiến của nước Nam Hán. Lý Tiến bỏ chạy, Dương Diên Nghệ lấy thành Đại La như lấy đồ trong túi. Vua Nam Hán Lưu Cung vội sai tướng Trần Bảo mang quân sang tiếp viện. Dương Diên  Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh địch, không cần dùng kỳ binh, ông dễ dàng lấy đầu Trần Bảo,  tiêu diệt viện binh Nam Hán. Sau chiến thắng vang dội, Dương Diên  Nghệ tự phong mình là Tiết Độ Sứ, làm chủ Tĩnh Hãi quận;  tuyên bố độc lập   nước Việt độc lập. Một biến cố  không may cho dân tộc Việt, vào tháng 4 năm 937, Kiều Công Tiễn, hào trưởng Phong Châu, một tướng dưới quyền Dương Diên Nghệ, đã giết hại Tiết độ sứ để cướp quyền. Tuy nhiên, người con rễ kiệt hiệt của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền đã đưa quân Ái Châu ra thành Đại La trừ diệt tên bội phản đê mạt Kiều Công Tiễn, và nối bước Dương Diên Nghệ  một cách xuất sắc.

Chiến thắng oanh liệt Đại La, vào mùa xuân Tân Mão [931] đã tạo đòn bẫy  cần thiết để dân tộc ta vượt qua gông cùm  Bắc thuộc, bước vào thời kỳ phục hưng quốc thống.  Chiến công của Dương Diên  Nghệ là cơ sở để sau này Ngô Quyền lập nên chiến công hiển hách: đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938. Tại làng Dương Xá, Dương Diên  Nghệ đã trở thành ông Tổ của họ Dương và là vị anh hùng của nước Việt. Khi mất ông được tôn làm Phúc thần. Tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đền thờ hương khói quanh năm. Câu đối ở đền thờ đã ca ngợi chí khí, oai danh lừng lẫy của ông: “Dưỡng tam thiên nghĩa tử dĩ phục thù đằng đằng sát khí. Chưởng bát vạn hùng sư nhi xuất chiến lẫm lẫm uy danh”. (Nuôi ba vạn con nuôi khí mạnh vô cùng. Cầm tám vạn quân ra trận oai danh lừng lẫy). Một số nhà sử học khi nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long đã có cơ sở khoa học khi khẳng định Dương Diên Nghệ là một trong những người có công phục hồi, xây dựng, mở rộng thành Đại La, về sau  trở thành kinh đô Thăng Long vào thế kỷ thứ X.

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Trần Viết Điền